Friday, April 19, 2024

Chi phí y tế ở Mỹ tăng vọt, bác sĩ và bệnh nhân đều ‘kêu trời’ (kỳ 2)

Tâm An/Người Việt

Những bất cập trong hệ thống y tế Mỹ

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều bác sĩ dẫn chứng, chi phí chữa mọi bệnh tật ở Mỹ đều cao hơn hẳn so với nước khác.

Bác sĩ nội khoa Nguyễn Hữu Hùng, hiện đang làm việc tại Bolsa Medical Group, cho biết: “Chi phí y tế trung bình cho một bệnh nhân ở Mỹ là $8,000 đến $8,500/người/năm, trong khi ở Âu Châu chỉ bằng một nửa (khoảng hơn $4,000), nhưng tỷ lệ tử vong ở Mỹ vẫn cao hơn hẳn. Điều đó chứng tỏ chi phí y tế ở Mỹ cao nhưng không tương xứng với phẩm chất của nó.”

Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc, ở thành phố Westminster, kể: “Một người đồng nghiệp tôi, đi sang Đức du lịch kể lại, có lần họ không may thấy chóng mặt phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi làm đủ các bước như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp, chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc, vị bác sĩ đó nghĩ trong bụng chắc chi phí hết cả chục ngàn đô la như ở Mỹ. Nhưng không ngờ khi ra quầy tính tiền, ông chỉ phải trả tất cả có $500 mà thôi.”

“Một người quen khác của tôi, cũng từ Mỹ sang Đức du lịch bị gãy xương đầu gối. Sau khi vào viện chụp X-ray, chẩn đoán, bó bột và tiêm thuốc giảm đau… Chi phí họ phải trả cho bệnh viện là $300. Giá rẻ bất ngờ!” ông kể thêm.

Mới đây, Hạ Viện Mỹ thông qua ba dự luật cho phép người dân được sang các nước khác để mua thuốc chữa bệnh. Vì thế, một số bài báo cho biết nhiều dân Mỹ đã sang Canada hoặc Mexico mua thuốc với giá rẻ hơn rất nhiều.

“Ví dụ như thuốc insulin cho người tiểu đường hiện nay tăng giá quá cao, khiến cho bệnh nhân tiểu đường phải đi từng nhóm sang Canada để mua thuốc,” Bác Sĩ Quỳnh Kiều, hiện đang làm việc tại  phòng khám nhi khoa Myioco tại Fountain Valley, dẫn chứng.

Được biết, giá cùng một loại thuốc được bán ở thành phố Toronto, Canada, có thể chỉ bằng 55% so với giá thuốc ở Mỹ.

Chỉ cần nhìn vào điều này là thấy một hiện thực đáng buồn cho nền y tế Mỹ đã đẩy những bệnh nhân (trừ người có MediCal hay MediCaid) vào cảnh không được chăm sóc sức khỏe một cách thỏa đáng khiến họ phải sang nước láng giềng mua thuốc và điều trị bệnh.

Gần 40 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành y, Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc nhận định tiền thuốc men, chi phí giường nằm bệnh viện, chi phí xét nghiệm quá cao và bao năm nay chính phủ chưa cải tiến gì được. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Bảo hiểm tư tăng giá; chính phủ không có bảo hiểm cho bệnh nan y

Không chỉ thuốc men đè nặng lên đôi vai bệnh nhân, mà bảo hiểm do các hãng tư nhân bán ra cũng thi nhau tăng giá. Tăng từ tiền nộp hằng tháng (Premium) đến tiền Deductible, Out – of – Pocket (OOP) và nhiều điều khoản ràng buộc khác.

Anh Wayne Nguyễn, một kỹ sư điện toán thâm niên 20 năm tại Saint Paul, Minnesota, cho biết: “Trước kia tôi được hãng cho bảo hiểm rất tốt, tiền ‘deductible’ bằng 0, tức là khám chữa bệnh bao nhiêu cũng được bảo hiểm trả ngay 80%, tiền OOP là $2,000/năm, trong khi đó tiền ‘premium’ chỉ có $350/tháng, tôi chỉ nộp gần $90 mà thôi.”

“Từ khi có Obamacare, tự nhiên tiền ‘premium’ của tôi tăng lên chóng mặt, tới $550/tháng. Gần đây, công ty không chịu nổi phải đổi sang loại bảo hiểm khác, cho đỡ tiền ‘premium.’ Tiền này bây giờ $450/tháng nhưng lợi ích thấp hơn nhiều, chẳng hạn như tiền ‘deductible’ giờ là $3,000/năm còn khoản OOP là $5,500/năm,” anh than thở.

Mới đây, một nữ bác sĩ sản khoa 35 tuổi, tên Trish Home, tốt nghiệp đại học UC Berkeley, khi cô vừa hoàn thành xong quá trình thực tập tại UCLA thì phát hiện bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Điều đáng thương ở chỗ, chồng cô vừa qua đời hai tuần trước khi cô phát hiện ra bị ung thư, để lại cho cô hai đứa con nhỏ và cô chưa kịp đi làm để có bảo hiểm.

Cô đang phải sống trong hoàn cảnh vô cùng bế tắc, vừa phải nuôi con vừa trị bệnh nan y mà không có bảo hiểm chi trả. Cô phải dựa vào nguồn kinh phí nhỏ giọt của các quỹ từ thiện và việc gây quỹ từ Go Fund Me.

Trong khi đó, một bác sĩ đang làm việc tại Pháp, cho biết: “Ở đây, những người bị bệnh nan y như tiểu đường, ung thư đều được cho bảo hiểm gọi là SHI, chính phủ trả 100%.”

Mô hình Multi-Payer cồng kềnh

Theo Bác Sĩ Quỳnh Kiều và Bác Sĩ Nguyễn Hữu Hùng, điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ thống y tế Mỹ và các nước như Canada, Pháp, Anh là các nước này có một hệ thống kiểm soát và điều hành là chính phủ, gọi là Single-Payer. Riêng Mỹ, hệ thống y tế theo kiểu Multi-Payer, tức là chính phủ để cho khối tư nhân vận hành theo quy luật thị trường. Các hãng dược, thiết bị y tế, bảo hiểm đều là của tư nhân.

Thí dụ Hệ Thống Cung Ứng Thuốc Chữa Bệnh theo mô hình Multi-Payer, viên thuốc từ nhà sản xuất tới được tay người tiêu dùng phải thông qua bốn trung gian khác: Drug wholesaler (trung gian bán sỉ), Pharmacy benefit manager (quản lý dược), Insurance Company (hãng bảo hiểm) và Pharmacy (nhà thuốc).

(Nguồn: Hiệp Hội Bệnh Nhân Tiểu Đường Hoa Kỳ, trang web: DiabeteJournal.org)

Ngoài ra người tiêu dùng sẽ phải trả tiền mua bảo hiểm và mua thuốc tại các nhà thuốc nhưng họ không có quyền trả giá. Trong khi đó, các nhà thuốc, các nhà quản lý thuốc trung gian, các công ty dược và hãng bảo hiểm đều có quyền trả giá với nhau.

Đó là lý do giá thuốc tăng cao. Đó cũng là một bất công cho người tiêu dùng, nói đúng ra là các bệnh nhân – những người bắt buộc phải mua thuốc khi bị bệnh, họ không có sự lựa chọn nào khác.

Theo phúc trình của Hiệp Hội Người Hưu Trí Hoa Kỳ (American Association of Retired Persons, viết tắt AARP) vào Tháng Năm, 2017, đưa ra các con số như sau:

Theo bảng trên, người dân Mỹ phải chi tới $457 tỷ tiền thuốc chữa bệnh trong năm 2005, tăng 8% so với năm trước đó. Nhưng giá thuốc trong tám năm, từ năm 2008 tới 2016, đã tăng 208%. Trong đó, các hãng dược chi tới $14.5 tỷ để trả lương cho một tổng giám đốc điều hành (CEO), nhiều hơn bất kể lương CEO của các hãng khác. Mỗi năm, hãng dược chi tới $6.4 tỷ tiền quảng cáo trực tiếp tới người tiêu dùng và chi tới $24 triệu tiền marketing tới các bác sĩ.

Giải thích về giá thuốc cao, một số hãng dược cho rằng, mỗi loại thuốc hay thiết bị y tế trước khi được cơ quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để bán ra thị trường, họ phải mất trung bình từ 3-10 năm để nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, có nghĩa là chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) rất tốn kém. Điển hình như thuốc AVXS-101 chữa bệnh teo cơ tủy sống của hãng dược Novartis, đã tiêu tốn hàng tỷ đô la vào giai đoạn R&D, và đang trong quá trình đợi FDA phê duyệt. Dự kiến liều thuốc bán ra thị trường vào khoảng $4 triệu.

Tuy nhiên, theo Bác Sĩ Quỳnh Kiều, thì “Không phải thuốc nào cũng giá cao do chi phí R&D. Ví dụ như thuốc chữa dị ứng cho trẻ em, tên Epipen, đã có từ mấy chục năm nay, dĩ nhiên họ đã thu hồi hết chi phí R&D rồi. Vậy tại sao trước kia giá thuốc chỉ có hơn $100, mà mấy năm trở lại đây, khi có thêm một số hãng trung gian quản lý, lập tức giá tăng lên tới $1,200.”

Nói về các chi phí trung gian tốn kém, Bác Sĩ Quỳnh Kiều cho biết: “Hiện nay, các tổ hợp y tế trung gian thu 15% chi phí quản lý (gọi là Managed Care), lương của họ một năm còn nhiều hơn cả lương bác sĩ chúng tôi.”

Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc cho biết thêm: “Các hãng dược họ chi tiền vận động hành lang quá mạnh, bao năm nay kiến nghị thì nhiều mà Quốc Hội có thay đổi được gì đâu, nên vẫn tồn tại những bất cập như vậy.”

Nhiều kẽ hở dẫn đến gian lận và lạm dụng MediCal (Medicaid)

Bác Sĩ Nguyễn Văn Hưng, hiện đang làm cho Arroyo Vista Health Center tại Nam California, một tổ chức y tế bất vụ lợi, cho biết: “Một số người chỉ đau yếu một chút là họ đi bệnh viện, nhất là những người có bảo hiểm của chính phủ, không phải trả tiền co-pay. Thậm chí họ đi thẳng tới ER (phòng cấp cứu) vì không muốn chờ làm hẹn với bác sĩ gia đình. Điều đó làm tăng các chi phí y tế một cách lãng phí!”

Còn Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc cho biết: “Tôi thấy có nhiều người đi xe Lexus, Mercedes nhưng lại có Medi-Cal. Là vì họ buôn bán hoặc đi làm những công việc mà chỉ lấy tiền mặt, nên họ giấu nguồn thu, cố tình khai ‘low income’ để hưởng MediCal.”

Quả đúng như ý kiến của Bác Sĩ Lộc, báo NBC Los Angeles ngày 30 Tháng Mười Hai, 2018, đưa tin, có hơn 450,000 trường hợp được nhận MediCal nhưng không hợp lệ, làm tiêu tốn tới $4 tỷ ngân sách, trong bốn năm, từ 2014-2017.

Không chỉ bệnh nhân “nhà giàu” khai “low income,” mà cả bác sĩ cũng “vẽ bệnh ra” để kiếm tiền!

Bác Sĩ Quỳnh Kiều cho hay: “Trong ngành y tế, chúng tôi không được giới thiệu bệnh nhân tới các trung tâm xét nghiệm hay bệnh viện nào khác để hưởng tiền ‘kick back’ (hối lộ). Thậm chí nếu người nhà hoặc chính tôi có cổ phần trong trung tâm đó thì phải công bố. Hơn nữa do sợ bị bệnh nhân kiện tụng, nên các bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân phải thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước khi chẩn đoán và trị bệnh. Do vậy, bệnh nhân nghĩ là bác sĩ ‘vẽ thêm bệnh’ để lấy tiền ‘kick back.’ Nhưng theo luật thì bác sĩ không được nhận những khoản tiền này.”

Tuy nhiên Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc cho rằng: “Luật là như vậy, nhưng thực tế vẫn có hiện tượng bác sĩ cố tình ‘vẽ ra bệnh’ để được nhận tiền ‘kick back.’”

Còn Bác Sĩ Nguyễn Văn Hưng khẳng định: “Hiện tượng bác sĩ ‘vẽ ra bệnh’ để tăng thêm thu nhập là có. Ví dụ như một số bác sĩ chuyên khoa, đã làm đúng theo những gì được dạy ở trường, họ yêu cầu bệnh nhân làm đủ các thủ tục xét nghiệm, mặc dù điều đó là không cần thiết. Họ làm vậy, thứ nhất là để tự bảo vệ họ tránh khỏi bị kiện cáo. Thứ hai là làm vậy họ còn được trả thêm tiền, vậy thì tại sao không làm? Đây cũng chính là điều làm cho chi phí y tế tăng lên.”

Điển hình là vụ việc ở bệnh viện Pacific Hospital tại Long Beach do Bác Sĩ Michael Drobot làm chủ. Hồi đầu năm 2019, ông này bị kết án năm năm tù vì tội đưa tiền “kick back.” Mới đây, báo Long Beach Times đăng ngày 14 Tháng Sáu, 2019, đưa tin có thêm chín vị bác sĩ khác bị buộc tội âm mưu giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện này giải phẫu chỉnh hình cột sống để được nhận tiền “kick back.” Đáng chú ý nhất là Bác Sĩ Lokesh Tantuwaya bị cáo buộc nhận tiền “kick back” tới $3.2 triệu trong tổng số $38 triệu “thu nhập” từ bệnh nhân do ông này giới thiệu tới.

Với hàng loạt các bất cập kể trên của nền y tế Mỹ, khiến cho những người công dân nộp thuế của đất nước này, cảm thấy bất công và cần có một sự thay đổi. Nhưng để thay đổi một điều luật thì không phải ngày một ngày hai, cho nên, trước mắt chúng ta cần tự đối phó với những “bill” bệnh viện khi không may phải vào bệnh viện. Vậy có những cách đối phó nào? (Tâm An)

Kỳ 3: Chi phí chữa bệnh quá cao, bệnh nhân làm gì để đối phó?

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT