Thursday, March 28, 2024

Có hay không ‘ngôi chùa có 2,000 đệ tử’ của tân trụ trì chùa Bảo Quang?

Nhóm phóng viên Người Việt

Bài Liên Quan
– Người đồng cam cộng khổ xây chùa Bảo Quang từng kiện cố Hòa Thượng Quảng Thanh?
– Sao thành viên đầu tiên trong Ban Quản Trị chùa Bảo Quang không lên tiếng?
– Tân trụ trì chùa Bảo Quang: ‘Oan ức mà bày tỏ là hèn nhát, nhưng im lặng thì họ làm tới’
– Chùa Bảo Quang náo động: Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì ‘tức nước vỡ bờ’
– Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp
– HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản
– Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
– Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
– Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

WESTMINSTER, California (NV) – “Trận chiến” vô tiền khoáng hậu xảy ra tại chùa Bảo Quang ở Santa Ana giữa các thành viên Hội Đồng Quản Trị cùng vị tân trụ trì và những người ủng hộ ông bắt đầu manh nha từ Tháng Chín, 2019, bùng nổ mạnh mẽ vào Tháng Mười Hai, 2019 và vẫn chưa ngã ngũ cho đến hôm nay, khi Tết Nguyên Đán 2020 đã cận kề.

Trong quá trình đi tìm hiểu các vấn đề của chùa Bảo Quang, một trong những ngôi chùa lớn nhất của người Việt tại miền Nam California do cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh gầy dựng và phát triển với sự giúp đỡ của rất nhiều Phật tử, nhóm phóng viên Người Việt đặc biệt chú ý đến chi tiết Thượng Tọa Thích Phước Hậu, người “thừa kế” chức trụ trì chùa Bảo Quang, cho rằng ông có một ngôi chùa ở Việt Nam với 2,000 đệ tử, được xây năm 2013.

Lần theo những gì do chính Thượng Tọa Thích Phước Hậu bày tỏ trên các mạng xã hội, nhóm phóng viên Người Việt đã có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về vị tân trụ trì của chùa Bảo Quang, ngôi chùa đang có “sóng gió” này.

“Ngôi tam bảo ở Đồng Nai, Long Khánh hiện có 2,000 đệ tử?”

Trong loạt bài “Little Saigon: Thực hư chuyện ‘tranh chấp’ chùa Bảo Quang,” ở kỳ 2 “Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?”, bà Hoàng Thị Thương, người có nhiều ơn nghĩa với cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh từ hơn 20 năm trước, cũng là người phụ trách nhà bếp của chùa Bảo Quang trước đây, đã từng nhắc đến chi tiết liên quan đến “ngôi chùa có 2,000 đệ tử của thầy Thích Phước Hậu.”

Theo đó, khi kể lại việc con rể bà từng đến gặp luật sư di trú để hỏi cách thức làm thủ tục giúp thầy Thích Phước Hậu được ở lại Mỹ một cách hợp pháp, bà Thương cho biết, “Luật sư di trú cũng yêu cầu Thượng Tọa Thích Phước Hậu nếu là trụ trì của một ngôi chùa tại Việt Nam có đến 2,000 đệ tử như thầy nói thì phải bổ túc hình ảnh và giấy chứng nhận là trụ trì của chính quyền sở tại.”

Ông Luyện, lái xe ôm ở Long Khánh, Đồng Nai, “Ở đây không có ngôi chùa nào tên Thiên Phước cả.” (Hình: Người Việt)

Tuy nhiên, theo lời bà Thương, “thầy Phước Hậu không có giấy chứng nhận trụ trì,” vì “thầy giải thích rằng luật ở Việt Nam là làm trụ trì 10 năm thì mới được cấp giấy phép trụ trì, còn chùa thầy mới lập năm 2013, nên không có giấy chứng nhận.”

Ông Thích Phước Hậu cũng nói về điều này trong video clip có tên “Tân Trụ Trì chùa Bảo Quang là ai?” dài hơn 8 phút do TD Media thực hiện được đưa lên mạng YouTube ngày 17 Tháng Chín, 2019. “Tôi có đi qua chùa Bảo Quang năm 2013. Qua mấy tháng thì về lại. Khi về lại tôi có mua miếng đất làm ngôi tam bảo ở tại Đồng Nai, Long Khánh, hiện đệ tử tại đó là 2,000 đệ tử,” ông nói.

Cũng trong clip này, thầy Phước Hậu nói thêm, “Tôi qua đây mục đích là để thăm hòa thượng chứ không phải nghĩ là qua đây trụ trì… Rồi sau đó ngài nói vấn đề tôi thừa kế ngôi tam bảo này. Khi đó tôi cũng rất là bỡ ngỡ, vì tôi cũng có một ngôi chùa, gọi là chùa Thiên Phước ở tại Việt Nam, hiện nay ở tại nơi đó cũng có 2,000 đệ tử. Khi đi đây tôi cũng phân vân là không biết mình đi rồi có về lại Việt Nam hay không hay chú mình như thế nào. Rốt cuộc chùa Việt Nam khi tôi ra đi tôi cũng không sắp xếp cho ai hết.”

Đi tìm ngôi chùa Thiên Phước

Dựa theo lời Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong video clip trên, phóng viên Người Việt đến bến xe ở Long Khánh, Đồng Nai và thuê xe ôm chở đến chùa Thiên Phước.

Tuy nhiên, ông xe ôm tên Luyện, chừng 60 tuổi, tỏ ra ngạc nhiên, “Ở đây không có ngôi chùa nào tên Thiên Phước cả.”

Khi phóng viên mô tả đó là ngôi chùa được xây khoảng năm 2013, có đến 2,000 Phật tử thì ông Luyện lắc đầu cho rằng, “Tôi ở đây 40 năm, từ năm 1980, chạy xe ôm, cũng chở rất nhiều người đi hành hương mà chưa bao giờ nghe ngôi chùa nào có tên đó.”

Nhà sư tại chùa Xuân Hòa, Long Khánh, “Trong danh sách này, các chùa chính thức và không chính thức đều được liệt kê ra hết nhưng không có chùa nào là chùa Thiên Phước.” (Hình: Người Việt)

Dù vậy, ông Luyện đề nghị chở chúng tôi đến chùa Long Thọ, một ngôi chùa được xem là lớn ở khu vực Long Khánh để hỏi thăm thêm.

Tại chùa Long Thọ, khi được hỏi về chùa Thiên Phước và thầy Thích Phước Hậu thì một nhà sư lớn tuổi trả lời rằng, “Quanh đây không có chùa nào tên Thiên Phước, cũng không nghe tên thầy Thích Phước Hậu.”

Khi phóng viên đưa video có hình thầy Phước Hậu để hỏi, thì vị sư này lắc đầu, nói, “Không nhận ra người này là ai, nhìn rất lạ, chưa thấy bao giờ.”

Tuy nhiên, vị sư này giới thiệu chúng tôi sang chùa Xuân Hòa “vì nơi đó nắm danh sách các chùa ở Long Khánh.”

Tại chùa Xuân Hòa, khi nghe câu hỏi của chúng tôi, một nhà sư nói, “Ở đây làm gì có chùa nào mà đến 2,000 Phật tử. Nếu có thì có lẽ là chùa Hưng Pháp, chi nhánh của chùa Hoằng Pháp thôi. Mà tên chùa Thiên Phước cũng nghe rất lạ.”

Sau khi tra trong danh sách các chùa ở Long Khánh, nhà sư cho biết, “Trong danh sách này, các chùa chính thức và không chính thức đều được liệt kê ra hết nhưng không có chùa nào là chùa Thiên Phước.”

Khi nhìn hình thầy Thích Phước Hậu trong Youtube mà phóng viên Người Việt đưa ra, vị sư này nói, “Chưa thấy bao giờ.”

Như vậy, ngôi chùa Thiên Phước của thầy Thích Phước Hậu ở khu vực Long Khánh, Đồng Nai với 2,000 đệ tử không hề có trên thực tế.

“Cái am” của thầy Thích Phước Hậu

Khi biết chắc khu vực Long Khánh, Đồng Nai không có ngôi chùa mang tên Thiên Phước như lời ông Thích Phước Hậu loan báo trên YouTube, chúng tôi chuyển hướng đi tìm ngôi chùa được cho là của thầy Thích Phước Hậu theo chỉ dẫn của một độc giả tên Sơn Nguyễn ở Virginia.

Ông Sơn Nguyễn ở Roanoke, Virginia, sau khi xem một số video clip liên quan đến các sự kiện xảy ra tại chùa Bảo Quang được đưa lên Người Việt Online và YouTube đã gọi điện thoại cho phóng viên Người Việt để cung cấp một số thông tin liên quan đến Thượng Tọa Thích Phước Hậu.

Khung cảnh phía trước chùa Thiên Phước tại ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. (Hình: Người Việt)

“Ông Phước Hậu có một cái chùa, nhưng thực ra là một cái am nhỏ ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Con trai tôi từng từ Mỹ về, tìm đến đó để đòi tiền ông ta. Ông ta ở đó cùng một phụ nữ tên P.T.T.H và một đứa bé gái,” ông Sơn cho biết.

Ông nói thêm, “Tôi rành về ông Phước Hậu này lắm, vì cô P.T.T.H đó chính là em ruột của vợ cũ tôi.”

Rời chùa Xuân Hòa, phóng viên Người Việt tiếp tục “bắt xe ôm” đến một địa chỉ khá mơ hồ là xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, cách trung tâm Long Khánh đến hơn 30 cây số, để tìm chùa Thiên Phước.

Khi đến khu vực xã Bảo Bình, hỏi thăm vài người dân nơi đây về chùa Thiên Phước thì mọi người cũng lắc đầu không biết. Một người dân nói, “Xã Bảo Bình có đến 4 ấp, mà mỗi ấp có nhiều cái ‘cốc’ nhỏ (người dân nơi đây không gọi chùa nhỏ là ‘am’ mà gọi là “cốc”), còn chùa Thiên Phước thì tôi không biết.”

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trung tâm xã, rồi dừng lại nơi một ngã tư lớn (sau này mới biết đó là ngã tư Bảo Bình, dân địa phương gọi là ngã tư Lò Than) để lân la hỏi thăm.

Thật may mắn khi chúng tôi hỏi bà Tâm, người buôn bán trái cây tại ngã tư này, có biết chùa Thiên Phước không, thì bà nói biết và chỉ đường.

Mừng như bắt được vàng, chúng tôi hỏi thêm, “Phải chùa Thiên Phước của thầy Thích Phước Hậu không?”

Bà Tâm mau mắn, “Đúng rồi, thầy Phước Hậu. Nhưng ổng qua Mỹ rồi.”

“Sao cô biết thầy Thích Phước Hậu vậy?” Tôi hỏi lại.

Bà Tâm nói chắc nịch, “Sao không biết! Ổng đi qua Mỹ rồi, nhưng giờ có cô Hiền ở trong đó, đang coi chùa đó.”

Khi nghe bà Tâm nói các chi tiết trùng khớp với những gì chúng tôi biết về thầy Phước Hậu, về tên chùa Thiên Phước, cả tên của người phụ nữ giống như ông Sơn Nguyễn cung cấp, chúng tôi tin rằng mình đã đến đúng nơi.

“Thầy Thích Phước Hậu ở đây nổi tiếng lắm hả cô?” Tôi hỏi. “Nổi tiếng gì? Ổng chỉ là thầy đi coi phong thủy vậy thôi, mà ổng đi qua Mỹ rồi,” bà Tâm trả lời.

Thấy ý chừng chúng tôi muốn biết thêm, bà lại nói tiếp, “Để tôi nói cho nghe, trước đây ổng tới đây tu tại gia, mua đất đai ở đó luôn. Lúc đầu, nghe mọi người đồn ổng hay hay nên tôi cũng có lui tới chùa phụ quét dọn, đọc kinh. Nhưng rồi thấy ổng tu không ra tu nên tôi không lên xuống đó nữa.”

“Hồi Tháng Ba, Tháng Tư, nghe nói ông chú của ổng bên Mỹ là trụ trì gì đó, sắp chết, nên kêu ông Phước Hậu này qua bển giữ cái chùa. Rồi ông chú chết thì ông Phước Hậu ở lại bển luôn. Tôi cũng nghe người ta lên mạng coi, rồi kể thôi, chứ tôi không có lên xuống chùa đó nữa. Còn cái chùa này thì ổng để lại cho cô Hiền.”

Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong video clip “Tân Trụ Trì chùa Bảo Quang là ai?” do TD Media thực hiện được đưa lên mạng YouTube ngày 17 Tháng Chín, 2019. (Hình chụp lại từ màn hình: Người Việt)

Chúng tôi hỏi tiếp, “Cô Hiền đó có quan hệ như thế nào với thầy Phước Hậu vậy?”

“Ai mà biết,” bà Tâm trả lời. “Ổng nói là em nuôi của ổng thì tôi biết vậy thôi, mà lại thấy có nuôi một đứa con nữa.”

Khi chúng tôi đưa video có thầy Phước Hậu thì bà Tâm nói ngay, “Đúng, đúng chính xác là ông Phước Hậu nè.”

Nghe chúng tôi hỏi thêm, “Chùa Thiên Phước của thầy Phước Hậu có đến 2,000 Phật tử phải không?” thì bà Tâm lập tức giơ 2 bàn tay lên với 10 ngón tay co lại được hiểu là “Nếu chuyện đó có thì tôi cùi liền.”

“Cách đây 3-4 năm tôi có vô chùa đó đọc kinh, mỗi buổi đọc chỉ tầm 8 đến 10 người thôi. Cái cốc nhỏ xíu vậy đào đâu ra 2,000 người. Chỗ đó chừng 5, 6 sào đất, rồi cất cái chùa nhỏ nhỏ thôi, là cái cốc thôi,” bà bán trái cây nói.

Chùa Thiên Phước “Không tiếp khách bất kỳ ai!”

Theo lời hướng dẫn của bà Tâm, từ ngã tư Bảo Bình, chúng tôi đi vào hướng ấp Tân Bảo. Chạy khoảng 800 mét rẽ trái thêm khoảng 400 mét thì có một hẻm nhỏ dẫn vào chùa.

Ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa vùng đất rộng, cỏ mọc um tùm cao hơn đầu người. Cửa chùa đóng kín mít, phía trên cùng có dòng chữ “Mừng Xuân Di Lặc,” phía dưới có tấm bảng nhựa cứng in dòng chữ “Thông báo: Không tiếp khách bất kỳ ai!” Không có bảng hiệu tên “Chùa Thiên Phước.”

Bên trái cổng có gắn camera. Phía trong có tiếng chó sửa nhưng không thấy bóng người nào.

Bà Tâm, bán trái cây tại ngã tư Bảo Bình, “Chùa Thiên Phước là của thầy Phước Hậu. Ổng đi Mỹ rồi.” (Hình: Người Việt)

Để xác định chắc chắn đó là chùa Thiên Phước của thầy Phước Hậu, chúng tôi ghé nhà một ngôi nhà đối diện xéo với cổng vào chùa để hỏi. Một người trong nhà cho biết, “Đó là chùa Thiên Phước, trước đây của ông thầy, giờ để lại cho bà cô gì đó trông coi.”

Khi quay trở ra ngã tư Bảo Bình, chúng tôi lại đưa tấm hình mới chụp chùa Thiên Phước cho bà Tâm xem. Bà nói, “Đúng là chùa Thiên Phước đó. Lúc trước có cái bảng băng-rôn ghi tên Thiên Phước, không biết sao giờ tháo luôn rồi.”

Thượng tọa Thích Phước Hậu nói gì?

Chiều Thứ Năm, 16 Tháng Giêng, 2020, phóng viên Người Việt gọi điện thoại cho thầy Phước Hậu để hỏi thêm về ngôi chùa mà chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu.

Ngay sau khi giới thiệu danh tánh, phóng viên hỏi: “Thưa thầy, con muốn hỏi về chùa Thiên Phước của thầy ở Việt Nam?”

“Chùa Thiên Phước nào cô?” Thầy Phước Hậu hỏi lại.

“Dạ, ngôi chùa thầy nói trên mạng xã hội là có 2,000 đệ tử ở Việt Nam đó,” phóng viên nhắc.

Thầy Phước Hậu giải thích, “Chùa đó chưa được công nhận, chưa phải tên chính thức. Vì theo pháp luật của Việt Nam, muốn xây chùa phải có 10 sào đất, rồi sau 10 năm phải xin giấy phép, phải chờ giáo hội xác nhận có phải là tăng sĩ hay không mới được xây. Mà phải hiến đất đó cho giáo hội trước rồi họ mới cho lại mình cất chùa.”

“Còn về chuyện 2,000 đệ tử nghĩa là tính cả ở Sài Gòn, Long Khánh, khắp nơi trên đất nước, thầy y quy được cho 2,000 đệ tử, chứ không phải là ở một chùa có 2,000 đệ tử,” ông giải thích luôn.

“Vậy nghĩa là ngôi chùa ở Long Khánh mà thầy nói có 2,000 đệ tử là không có?”, phóng viên hỏi lại.

“Chưa xây, phải chờ, mà thầy đã hiến hết cho giáo hội một năm trước đây rồi, hiến hết rồi, không còn dính líu gì nữa hết,” tân trụ trì chùa Bảo Quang nói xong và cúp máy. (Nhóm phóng viên Người Việt)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT