Saturday, April 20, 2024

Người đồng cam cộng khổ xây chùa Bảo Quang từng kiện cố Hòa Thượng Quảng Thanh?

Ngọc Lan/Người Việt

Sao thành viên đầu tiên trong Ban Quản Trị chùa Bảo Quang không lên tiếng?
Tân trụ trì chùa Bảo Quang: ‘Oan ức mà bày tỏ là hèn nhát, nhưng im lặng thì họ làm tới’
Chùa Bảo Quang náo động: Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì ‘tức nước vỡ bờ’
Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp
HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản
Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

SANTA ANA, California (NV) – Xoay quanh những ồn ào của chùa Bảo Quang, Santa Ana, có một người được nhắc đến bằng hai thái độ trái ngược: một bên là thái độ kính trọng, cảm thông; một bên là coi thường, giận dữ.

Người đó chính là Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng.

Những ai là Phật tử của chùa Bảo Quang đều ít nhiều biết đến Thượng Tọa Nhuận Hùng, người đã kề cận bên cạnh Hòa Thượng Quảng Thanh từ năm 1991 cho đến Tháng Mười Hai, 2017.

Lý do vì sao Thượng Tọa Nhuận Hùng lại rời khỏi chùa Bảo Quang sau gần 26 năm làm người trợ giúp đắc lực cho cố Hòa Thượng Quảng Thanh? Vì sao trong cơn “dầu sôi lửa bỏng” của chùa Bảo Quang, Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng lại trở về và có tên trong danh sách Ban Quản Trị (BQT – Board of Directors) của chùa Bảo Quang? Những cáo buộc Thượng Tọa Hùng có liên quan đến số tiền $100,000 hay $30,000 có ý nghĩa gì?

Đó là một số vấn đề mà phóng viên Người Việt đi tìm hiểu cho bài viết kỳ này.

Thượng Tọa Thích Huệ Minh, tri sự chùa Bảo Quang lúc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh còn tại thế. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo Hòa Thượng Quảng Thanh từ khi mới qua Mỹ 1991

“Tôi đi tu từ năm 1977. Tôi qua Mỹ ngày 11 Tháng Bảy, 1991, theo diện H.O.7, ba tôi là sĩ quan cảnh sát ở Pleiku,” Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng kể.

Theo ông, sau khi qua Mỹ được khoảng hai tháng, một người quen đưa ông đến giới thiệu với Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.

“Sau khi đảnh lễ thầy xong thì tôi về ở với thầy ở nhà số 11561 đường Magnolia, thuộc thành phố Garden Grove để tu học với thầy và làm nhiều việc,” ông kể tiếp.

Năm 2002, khi Hòa Thượng Quảng Thanh mua được một nhà thờ Tin Lành cũ, bên cạnh sự giúp đỡ tiền bạc của một số Phật tử, ông đã cùng hòa thượng bỏ công sức đêm ngày ròng rã hơn 10 năm, “mỗi ngày ăn trưa lúc 3 giờ chiều, ăn chiều lúc 12 giờ đêm” để cuối cùng có được ngôi chùa Bảo Quang như hôm nay.

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ, chủ tịch Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới (GHPGVNTTG), cũng từng nhắc đến công lao đóng góp của Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng đối với chùa Bảo Quang.

“Thầy Quảng Thanh đã trải qua ít nhất 10 năm cực khổ để hoàn thành chùa Bảo Quang, không chỉ là đi vay mượn tiền bạc, mà còn là công sức mỗi ngày thầy Thích Quảng Thanh và thầy Thích Nhuận Hùng bỏ ra từ sáng đến tối leo lên mái nhà, mái chùa sửa sang, xây cất. Thầy Nhuận Hùng giúp thầy Quảng Thanh rất nhiều,” Hòa Thượng Thích Chơn Thành cho biết.

Thượng Tọa Nhuận Hùng cũng chính là người phụ trách tạp chí Trúc Lâm của chùa Bảo Quang trước đây.

Ông nêu thắc mắc, “Tôi sang Mỹ vào Tháng Bảy, 1991, nhưng không hiểu sao trong giấy tờ mà Hòa Thượng Thích Chơn Thành đưa cho báo Người Việt lại có tên tôi trong Ban Quản Trị từ Tháng Ba, 1990?”

Thượng Tọa Thích Tuệ Đạt, người nhận được giấy mời ra khỏi chùa Bảo Quang trong vòng 60 ngày theo yêu cầu của Ban Quản Trị, tức Landlord (chủ đất). (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Vì sao Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng phải rời khỏi chùa Bảo Quang sau hơn 25 năm góp sức?

Thượng Tọa Nhuận Hùng cho biết, “Năm 2017, khi chùa Bảo Quang hoàn thành thì thầy Quảng Thanh cũng đổ bệnh, tôi cũng bệnh.”

“Tháng Mười Hai, 2017, tôi bị bệnh do làm nhiều công việc nặng nên hai mắt bị mờ. Tôi đi xin Medicare chữa bệnh. Nhân viên Sở Xã Hội có gọi cho thầy Quảng Thanh để giải thích về việc thầy phải ký giấy xác nhận cho tôi. Họ cho thời gian bảy ngày để hoàn tất hồ sơ. Nhưng thời gian đó thầy Quảng Thanh bận rộn nhiều công việc nên thầy không ký. Khi hết hạn nộp hồ sơ, mấy em tôi đến chùa đưa tôi về nhà để lo việc chữa bệnh,” ông kể.

Ông cho biết, “Khi tôi đi, tất cả đồ đạc tôi để lại trong chùa, chỉ có mặc bộ đồ trên người là cái áo, cái y, còn xe cộ, đồ đạc, chìa khóa đều đưa lại cho thầy Quảng Thanh. Tôi nói ‘Con đi để lo chữa bệnh, phòng con cùng đồ đạc con giao lại cho thầy, cùng chùm chìa khóa của chùa.’”

“Lúc tôi rời chùa vào buổi chiều có thầy Huệ Minh, thầy Kim Đài, thầy Minh An ở đó. Về phía Phật tử thì có hai mẹ con ca sĩ Thùy Linh, có ông Phúc Bùi, Tony Bùi, Thắng Lưu. Họ là những người chứng kiến lúc tôi đi. Thầy Quảng Thanh không có đuổi tôi, là tự tôi đi,” ông nói thêm.

“Nếu thầy Quảng Thanh không đuổi, thì tại sao khi chữa bệnh xong thầy không trở về chùa?” phóng viên Người Việt hỏi.

“Khi xuống chùa đưa tôi về, các em tôi có hơi lớn tiếng với thầy Quảng Thanh nên có hiểu lầm,” ông trả lời.

Thượng Tọa Thích Huệ Minh, là tri sự chùa Bảo Quang lúc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh còn tại thế, cũng là người chứng kiến những gì xảy ra vào ngày Thượng Tọa Nhuận Hùng rời khỏi chùa, giải thích nguyên nhân rõ ràng hơn.

Ông kể, “Khi những người em của thầy Nhuận Hùng đến kêu thầy đi, thì họ nóng, nên đã nói những lời thiếu cung kính, ý họ nói thầy Quảng Thanh là người qua cầu rút ván vì công sức thầy Hùng đã bỏ ra biết bao nhiêu cho ngôi chùa. Trong khi tôi biết thầy Quảng Thanh luôn muốn thầy Hùng có thể làm được tất cả mọi chuyện để sau này còn có thể thay thế thầy Quảng Thanh. Vì vậy câu nói đó khiến thầy Quảng Thanh buồn.”

Ông Lộc Bạch, thành viên BQT chùa Bảo Quang, trong lần đầu tiên tiếp xúc với báo Người Việt cũng từng nhắc, “Trước đây thầy Quảng Thanh có làm di chúc chùa Bảo Quang cho thầy Nhuận Hùng. Nhưng sau này khi hai thầy xích mích thì tên của thầy Thích Nhuận Hùng được lấy ra khỏi di chúc, và không để tên ai khác vô.”

Giấy viết tay của Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng. (Hình: Luyến Phạm cung cấp)

Thực hư liên quan đến cáo buộc Thượng Tọa Nhuận Hùng “phản sư” và chuyện tiền bạc

“Sau khi rời chùa, thầy có thưa kiện thầy Quảng Thanh khiến thầy bị mang tiếng là phản thầy như Hòa Thượng Thích Chơn Thành đã nói phải không?” Phóng viên Người Việt hỏi.

“Thầy Chơn Thành dùng từ phản sư là quá nặng cho tôi,” Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng nói.

Ông giải thích thêm, “Không phải là thưa kiện, mà là khi các em tôi đưa tôi về nhà chữa bệnh, làm các loại giấy tờ thì luật sư có hỏi đến chuyện tôi bị thương trong lúc làm công việc sửa chữa chùa trước đó.”

Theo lời Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng, vào khoảng vài tháng trước khi ông rời khỏi chùa, trong lúc phụ Hòa Thượng Quảng Thanh đóng nhà thờ cốt, ông bị một miếng ván văng vô người “đau đến mức không thể la nổi, tôi lăn xuống đất. Khi đó có ông Tony Bùi nhìn thấy.”

Ông cho biết hòa thượng có hỏi ông “cần đi cấp cứu không” nhưng ông nghĩ “đi thì tốn bao nhiêu là tiền, trong khi mình làm là để tiết kiệm tiền không dám mướn thợ, từng đồng bá tánh đóng góp đều đổ vô chùa, nên tôi không đi.”

“Thượng Tọa Thích Tuệ Đạt, người đang ở chùa Bảo Quang, cho rằng chính ông đã nghe thầy Quảng Thanh nói phải đưa cho thầy Nhuận Hùng $30,000 khi thầy Nhuận Hùng rời khỏi chùa. Điều này có hay không?” Người Việt hỏi ông Lộc Bạch.

“Không. Nếu có thì thầy Thích Quảng Thanh không nói cho tôi biết chuyện này. Tôi chỉ có nghe vấn đề thầy Nhuận Hùng bị đau ở trong chùa, nên chùa bị yêu cầu trả workers comp (workers compensation – bảo hiểm tai nạn lao động),” ông Lộc trả lời.

Ông Luyến Phạm, phát ngôn nhân BQT, giải thích thêm, “Liên quan đến vấn đề này thì các luật sư có nhảy vô, tòa đề nghị hai bên ngồi xuống dàn xếp với nhau, và bên chùa phải trả số tiền bảo hiểm tai nạn lao động đó theo thỏa thuận. Tuy nhiên, số tiền này theo quy định không tiết lộ ra bên ngoài.”

Thành viên Hội Đồng Quản Trị của chùa năm 1990 có tên Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng, trong khi ông sang Mỹ Tháng Bảy, 1991. (Hình: Hòa Thượng Thích Chơn Thành cung cấp)

Liên quan đến việc có người cho rằng ngày Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng rời khỏi chùa, người ta phát hiện trong phòng ông có $100,000, ông Lộc cho rằng ông “không biết” vì ông không có mặt.

Tuy nhiên, một Phật tử lâu năm của chùa không muốn nêu tên, kể rằng, “Khi thầy Hùng rời khỏi chùa, thì thầy Quảng Thanh cùng một số người vào kiểm tra phòng thầy Hùng thấy có nhiều tiền, trong đó có tiền còn để nguyên trong các bao thư, bao lì xì, nghĩa là thầy Hùng cũng không dùng đến.”

“Nếu nói thầy Hùng có $100,000 tôi cũng không thấy lạ. Vì như gia đình tôi, mỗi tuần đến chùa đều gửi cho riêng thầy $20. Đó không phải là tiền cúng chùa, mà là tiền cho riêng thầy. Tết, lễ thì lì xì, tặng thầy $100. Thử hỏi bao nhiêu người đến chùa cho thầy như vậy, và trong thời gian dài như vậy, mà thầy không tiêu xài gì thì số tiền đó rất nhiều,” một Phật tử khác lên tiếng.

Người này nói thêm, “Mà khi thầy Nhuận Hùng rời khỏi chùa, thầy cũng có mang tiền theo đâu. Thầy vẫn để lại trong chùa, và chùa giữ số tiền đó.”

“Trong lần trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, thầy Thích Tuệ Đạt có cho biết thầy Nhuận Hùng và gia đình bị lệnh cấm đến gần chùa trong vòng 500 foot. Điều này có hay không?” Phóng viên Người Việt hỏi ông Lộc Bạch.

“Theo tôi biết là chuyện đó không có. Tôi không thấy có giấy nào nói về ‘restraining order’ (lệnh hạn chế đến gần một nơi nào, một người nào) hết. Nếu có tôi phải biết,” ông Lộc trả lời.

Người Việt hỏi thêm, “Cũng liên quan đến thầy Thích Tuệ Đạt, ông cho biết có nhận được giấy yêu cầu ra khỏi chùa trong vòng 60 ngày mà ông không biết lý do. Anh có thể cho biết nguyên nhân vì sao không?”

“Trong ngày 17 Tháng Mười Một, khi ‘Board of Directors’ gặp thầy Thích Phước Hậu (trụ trì – NV) thì trong lúc họp thấy thầy Tuệ Đạt làm mạnh lên, như muốn đánh lộn nhiều quá. Mình thấy trong chùa Bảo Quang chuyện đó không thể có được, nên mình sợ cho chùa Bảo Quang nên mới xin cho thầy Tuệ Đạt ra,” ông Lộc nói lý do.

“Thầy Tuệ Đạt nói chùa ‘nonprofit’ thì không có ‘landlord’ tức không có chủ đất, mà giờ ‘landlord’ đuổi ra là có vi phạm pháp lý không?” Người Việt hỏi tiếp.

Ông Lộc trả lời, “Chùa là non-profit nhưng cũng là ‘private property’ (tài sản riêng), nhưng những người đó họ không hiểu. Chùa không phải là cái công viên.”

Ông Luyến tiếp lời, “Chùa có một bộ phận điều hành, đối với Mỹ đó là ‘Landlord.’ Họ điều hành tài sản của chùa, không phải ai muốn vô thì vô, muốn ra thì ra. Đối với tài sản của một hội, khi hội cảm thấy không an toàn hay có thể xảy ra những chuyện náo loạn thì hội có quyền mời những người đó đi ra.”

Ông Lộc Bạch (trái) và ông Luyến Phạm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

BQT chùa Bảo Quang: Lo lắng nhiều và chưa thấy rõ đường đi

Chia sẻ cảm nhận về những gì đang diễn ra ở chùa Bảo Quang, Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng bày tỏ, “Mình luôn muốn một ngôi chùa bình yên để tu, không muốn có chuyện gì xảy ra. Có gì thì BQT và Phật tử ngồi xuống, đóng cửa lại nói chuyện phải trái cho công bằng theo luật của chùa. Chứ mình la như vậy thì người ngoài nói đây là ngôi chùa chứ có phải hàng tôm hàng cá đâu mà la. Chỉ là một sự hiểu lầm nào đó thì mình phải ngồi xuống, bình tĩnh, mời trụ trì, mời Phật tử, rồi ai nói giơ tay phát biểu, không nữa thì mời Hòa Thượng Chơn Thành đến cùng với báo chí thì sẽ yên chuyện.”

“Là đại diện của BQT, tức về mặt luật pháp anh phải chịu trách nhiệm về chùa. Với tình hình đang xảy ra, anh có cảm thấy lo lắng điều gì không?” Người Việt hỏi ông Lộc.

Ông cho biết, “Phải lo chớ vì có chuyện gì xảy ra mình phải chịu trách nhiệm. Do đó mới muốn xuống gặp thầy Phước Hậu để giải thích những công việc đó để chùa an toàn hoạt động, nhưng mỗi lần xuống là không giải thích được gì hết, có nhiều người nhảy tưng tưng làm um sùm lên.”

Ông Luyến phân tích, “Chùa có giấy phép 501-C- 3 là ‘non-profit’ bất vụ lợi, có nhiều cái lợi, trong đó chùa không đóng thuế, cả property tax, tài sản của chùa cũng không đóng thuế. Cho nên trong sáu tháng vừa qua mà thầy Thích Phước Hậu không báo cáo tiền bạc gì hết thì nếu một ai đó gọi lên IRS nói chùa này lấy tiền xài lung tung, và IRS xuống ngay lập tức mà mình không có gì để báo cáo, thì trên nguyên tắc chùa sẽ bị mất giấy phép bất vụ lợi. Khi bị mất giấy phép này thì với tài sản của chùa, tiền thuế đất không mỗi năm cũng phải vài chục ngàn, chưa kể những khoản tiền thuế khác.”

“Đó là lý do mình cần thầy Phước Hậu phải thông báo số tiền thầy chi để người ta ghi vô sổ thôi, nhưng mà thầy Phước Hậu nghĩ thầy bị BQT điều khiển, thầy nghĩ thầy muốn làm sao thì làm, nên đó là vấn đề,” ông Luyến nói thêm.

Người Việt hỏi thêm, “Với tình hình đang xảy ra tại chùa, là người nhận trọng trách từ thầy Thích Quảng Thanh, anh có nghĩ làm sao để mọi chuyện ổn định lại, để ngôi chùa hoạt động bình thường và Phật tử không còn lời ra tiếng vào không?”

Ông Lộc cho biết, “Đang còn suy nghĩ đường đi mà chưa thấy rõ.” (Ngọc Lan)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT