Thursday, April 18, 2024

Người Cà Mau sôi động Hè hội ngộ

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Hôm Chủ Nhật, 3 Tháng Chín, công viên Garden Grove Park như sôi động hơn khi ngày hội của Thân Hữu Cà Mau diễn ra tại đây với đông đảo đồng hương và thân hữu về tham dự.

Từ sáng sớm, đồng hương khệ nệ mang đến bánh hỏi, thịt quay, cơm Dương Châu, chả giò, có cả thức ăn chay, và các loại trái cây mùa Hè như dưa hấu, xoài, cùng đủ cả thức uống, món tráng miệng như bánh bò, bánh nướng, bánh da lợn đủ sắc màu hấp dẫn.

Các bạn trẻ lo dàn âm thanh để đến giờ sinh hoạt, mọi người cùng hát cho nhau nghe, sau một thời gian xa cách, cũng vừa đủ cho thời gian luyện giọng được mùi mẩn hơn.

Bà Huỳnh Kim Dung, người Sài Gòn, làm dâu xứ Cà Mau từ năm 1973, cho biết lúc đầu về sống chung có nhiều điểm chưa thích hợp, nhưng sau thời gian ngắn thì mới thấy người Cà Mau bản tánh hiền lành, chất phác, dễ thương.

“Phụ nữ Cà Mau rất giỏi nghề nấu ăn, được phô diễn vào những dịp nấu nướng lễ Tết, đám tiệc. Cà Mau có món ngon đặc biệt không đâu có là bánh canh nước cốt dừa, trộn thịt cua gạch son hoặc tôm, kèm với rau ghém chấm nước mắm, ăn ghiền luôn! Tài đảm đang của người nội trợ thì khỏi chê, trong khi chồng đi biển làm nghề cá, các bà ở nhà lo chuyện bếp núc nuôi con, hoặc làm cá khô kiếm thêm thu nhập,” bà hãnh diện nói.

Đồng hương Cà Mau tưng bừng trong một điệu nhảy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Con gái Cà Mau cũng đẹp, biết cách ăn diện, nói chuyện lịch sự lắm. Người ta thường nói mấy cô miệt dưới quê mùa cục mịch, không đúng đâu,” bà nói thêm.

Ông Cao Thanh Vân, theo gia đình từ Châu Đốc đến An Xuyên (tên địa danh xưa của Cà Mau), tính ra trên 30 năm, cưới vợ người sông Ông Đốc, sống và làm việc cho đến năm 1975, coi đây cũng là quê hương thứ hai của ông.

Ông cho biết, trước 1975, tuy là thời kỳ chiến tranh nhưng cuộc sống ở Cà Mau rất bình yên, bởi vì bản chất người Cà Mau không quá hận thù, sống trong môi trường thiên nhiên rộng lớn, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, cá tôm rau cỏ thì chung quanh có sẵn, không lo nhiều về cái ăn. Chỉ sau năm 1975, người Cà Mau mới biết đói là như thế nào.

“Cà Mau là vùng đất mới khai phá, gồm nhiều sắc dân từ các nơi về lập nghiệp. Người dân bản tánh thì cũng giống như địa danh, đất địa mênh mông thì lòng người cũng hiền hòa, chất phác. Đặc điểm của người miền Tây nói chung và người Cà Mau nói riêng, là cuộc sống phóng khoáng, cởi mở, và rất thích nhậu,” ông vui vẻ nói.

Bà Nhan Trân, phụ trách Hội Nghĩa Hụi, sanh trưởng tại quận Thới Bình, sau lớn lên cùng gia đình ra ở tại thị xã Cà Mau làm nghề buôn bán, cho biết Hội Nghĩa Hụi là nơi giúp đỡ bà con đồng hương mới sang, cần tiền mua xe hoặc những việc khác. Hằng tháng các hội viên đóng góp một số tiền, ai có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thì Hội Nghĩa Hụi cho hốt hụi trước, không có tiền lời gì cả.

Đồng hương Cà Mau góp vui văn nghệ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Khi qua đây tôi rất vui vì bà con đồng hương Cà Mau luôn gắn bó, tình nghĩa vẫn đậm đà như lúc còn ở quê nhà. Vui nhất là những dịp gặp nhau như thế này,” bà nói.

Nói về hội của đồng hương Cà Mau, ông Nguyễn Văn Tiến, hội trưởng, cho biết: “Thiệt ra chúng tôi dùng chữ Thân Hữu Cà Mau để chỉ danh xưng và hoạt động của tổ chức này, gồm tất cả những ai đã từng sống, làm việc, hoặc dâu rể của Cà Mau, hoặc người có cảm tình đến sinh hoạt chung với chúng tôi, đều được tham gia, chứ không nhất thiết phải là người sinh trưởng tại Cà Mau chánh gốc.”

“Hội Thân Hữu Cà Mau được thành lập năm 1996, cách nay vừa tròn 21 năm. Ban đầu được thành lập với mục đích tập hợp những người thân quen trong một tập thể lớn, có tính cách như một đại gia đình người Cà Mau tại hải ngoại, có nơi để gặp gỡ, giúp đỡ nhau trong những việc quan hôn tang tế, hoặc thăm hỏi những khi đau yếu bệnh tật, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống,” ông nói tiếp.

“Một năm chúng tôi có lần hội ngộ, một vào dịp Tất Niên hay Tân Niên, và một vào dịp Hè, là thời gian mọi người có thời giờ rảnh rỗi, và con cháu được nghỉ học, có dịp tham dự cho biết sinh hoạt của người Cà Mau những thế hệ cha anh,” ông cho biết thêm.

Càng về trưa, không khí ngoài trời càng nắng gắt, nhưng không khí sinh hoạt của đồng hương Cà Mau vẫn tưng bừng với những màn đơn ca, tân cổ nhạc. Cùng với những điệu bolero mùi mẩn, là những điệu tango sôi động và những điệu nhảy múa hết mình của các đồng hương. Xa xa, các ông bà cao niên ngồi nói chuyện xưa rôm rả, còn các em nhỏ chạy nhảy huyên náo cả một vùng.

Mời độc giả xem phóng sự “Muôn nẻo đường đến với nghề nail”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT