Wednesday, April 24, 2024

Trung Quốc và thế giới qua TV Anh

 


Lê Mạnh Hùng


 


Chàng thanh niên Trung Quốc ngồi trong một căn phòng tối ám đầy những màn hình computer trông không có vẻ gì là một chiến binh đang ở tiền tuyến của một cuộc chiến toàn cầu mà sẽ quyết định tương lai chúng ta cả.


Nhưng cái vị tự nhận là “thủ lãnh” của tổ chức Red Hacker Alliance – một mạng lưới của những hacker người Hoa đầy tinh thần dân tộc – thì tin rằng đó chính là vai trò của mình. Khi được hỏi rằng có phải là đã có một cuộc chiến trong không gian ảo giữa Trung Quốc và phương Tây thì anh ta thản nhiên trả lời: “Tôi tin rằng đã có một cuộc chiến toàn diện.”


Ðó là đoạn mở đầu của một series chương trình về Trung Quốc vừa được bắt đầu chiếu trên Ðài Số 4 (Channel 4) của truyền hình Anh hôm Thứ Hai vừa qua trong đó sử gia Niall Ferguson thuật lại sự nổi lên của Trung Quốc và ý nghĩa của sự kiện này đối với thế giới.


Ferguson khám phá ra rằng hiện đang có một phong trào trong đó những thanh niên Trung Quốc phối hợp một tinh thần dân tộc cao độ với khả năng kỹ thuật và quyền lực kinh tế. Ðối với những người này việc chỉ trích của phương Tây đối với Trung Quốc dù là bất cứ chuyện gì đều là những “lời nói láo” chống Trung Quốc. Ðặc biệt là họ tức giận việc các phương tiện truyền thông phương Tây trình bày vụ đàn áp đẫm máu những người Tây Tạng năm 2008.


Một chàng thanh niên Trung Quốc có vẻ hiền lành nói với Ferguson: “Chúng tôi muốn đưa tiếng nói của chúng tôi ra thế giới. Trung Quốc cần phải tích cực hơn. Chính phủ của chúng tôi quá yếu!” Và Ferguson nhận định: “Ðó chính là cái chính phủ đã ra lệnh đàn áp sinh viên tại Thiên An Môn.”


Ferguson nhận xét: “Một trong những ảo tưởng lâu dài và làm cho chúng ta êm ấm là niềm tin rằng khi Trung Quốc trở nên hiện đại và giầu có thì họ sẽ như chúng ta và chấp nhận những giá trị của chúng ta.” Nhưng sự thật, theo Ferguson thì không phải như vậy. Và ông cho biết sự bùng nổ của tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc là một điều thật đáng sợ nhất là vào lúc mà đang có một sự chuyển nhượng quyền lực kinh tế và chính trị từ Tây sang Ðông.


Và không phải chỉ riêng giới trẻ mà thôi. Ferguson cũng tìm thấy ở trong những người Trung Quốc lớn tuổi một tình trạng hoài niệm gia tăng đối với Mao Trạch Ðông. Dưới con mắt của những người Tây phương, Mao bị kết hợp với tình trạng hỗn loạn và chết chóc của Cách Mạng Văn Hóa, nhưng đối với nhiều người Hoa, Mao là cha đẻ của nước Trung Quốc mới, hiện đại và giầu mạnh. Theo Ferguson, thái độ của những người Hoa là “nếu chúng tôi đã thành công về kinh tế, thì chúng tôi không cần phải khấu đầu về văn hóa với các anh.”


Ferguson cho là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ lợi dụng cái tinh thần dân tộc đó để củng cố địa vị của họ trong việc đối phó với những căng thẳng dự trù sẽ xảy ra trong tương lai. Những thách đố mà Trung Quốc phải đối phó rất lớn và là những thách đố mà phương Tây đã từng trải qua; một sự bùng nổ trong việc xây dựng nhà đất mà đang có dấu hiệu biến thành một tình trạng bong bóng có thể bể bất cứ lúc nào; những nhà máy bóc lột công nhân với số lương rẻ mạt và tình trạng làm việc tồi tệ; một dân số lão hóa và một tình trạng ô nhiễm môi sinh tồi tệ nhất thế giới (16 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới là ở Trung Quốc).


Mâu thuẫn quan trọng nhất có vẻ như là một phần năm dân số của địa cầu hiện đang sống trong một chế độ độc tài Cộng Sản với một nền kinh tế thuộc loại tư bản hoang dã – một mâu thuẫn mà nếu dựa trên cơ sở lịch sử phải làm cho đất nước này bị rã tan.


“Bóng ma của bạo loạn làm giới lãnh đạo kinh hoàng” Ferguson nhận xét, “Họ đứng trước thách đố phải làm sao đối phó được với một xã hội đầy động tính và đó là một vấn đề thật sự với những căng thẳng thật sự.” Thành ra lợi dụng tinh thần ái quốc là một phần của chiến lược nhằm ngăn chặn nguy cơ đó. Một mặt khác của chiến lược này là bành trướng ra nước ngoài.


Vì sao sự nổi lên này của Trung Quốc có tầm quan trọng đối với thế giới. Theo Ferguson thì có một sự tương tự đáng sợ của Trung Quốc hiện nay với nước Ðức cách đây một thế kỷ: cũng một hỗn hợp giữa một tinh thần dân tộc cao độ và một tham vọng bành trướng ra hải ngoại.


Trung Quốc hiện đã tiêu thụ đến hai phần năm sản lượng than, nhôm và đồng của thế giới. Và Trung Quốc đã quay sự chú ý của mình tới những lãnh thổ hải ngoại sản xuất ra những món hàng đó. Ði thăm một mỏ đồng của người Hoa tại Zambia, Phi Châu, Ferguson tự hỏi: “Phải chăng đây là bước đầu của một đế quốc mới?”


Chính sách của các nước phương Tây trong việc đối phó với Trung Quốc theo Ferguson thì đủ thứ, nhưng không nhất quán. Ông nói: “Ðối với Hoa Kỳ, chính sách đi từ đối kháng, đến ngăn chặn, đến đồng tiến hóa, đến đầu hàng. Vấn đề đối với chính quyền Obama hiện nay là họ cứ mỗi ngày có một chính sách khác nhau.”


Ferguson hy vọng rằng lịch sử sẽ không lập lại như vào lúc đầu thế kỷ thứ 20, “Cố nhiên là có kịch bản Ðức, với Trung Quốc càng ngày càng trở nên hung hăng. Nhưng tôi nghĩ rằng có một khả năng thấp cho chuyện này xảy ra, ít nhất rằng chúng ta đã học được từ lịch sử. Cả hai đều có rất nhiều mất mát nếu để nó xảy ra. Thành ra tôi tin rằng là sẽ tiếp tục tình trạng này với Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, thực hiện cải tổ thị trường và tuy rằng không có dân chủ nhưng sẽ có nhiều giới hạn hơn trong quyền lực của đảng Cộng Sản và một tình trạng tôn trọng luật pháp nhiều hơn.”


Ðó quả là một kết luận lạc quan đối với câu hỏi đáng sợ mà Ferguson kết thúc chương trình, “Liệu chúng ta có thể làm cho việc chuyển quyền lực từ Tây sang Ðông thực hiện một cách hòa bình hay không?” Ðáp án cho câu hỏi này sẽ quyết định không những sự phồn vinh của thế giới mà cả số phận tương lai của nó.

MỚI CẬP NHẬT