Bắc Hàn trong trận chiến tranh lạnh mới

Việt Nguyên

Năm 2016, ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã chỉ trích chính quyền Obama sau ngày Bắc Hàn thử bom nguyên tử và phóng hỏa tiễn liên lục địa (9 Tháng Sáu 2016): “Chuyện Bắc Hàn phóng hỏa tiễn sẽ không xảy ra khi tôi làm tổng thống!”

Từ Tháng Giêng năm 2017 sau khi TT Trump nhậm chức cho đến nay Bắc Hàn đã phóng 12 hỏa tiễn với tiến bộ về vũ khí hạt nhận và hỏa tiễn liên lục địa có thể bay đến Hoa Kỳ nhanh hơn Hoa Kỳ dự đoán. Thế giới đang trong thời kỳ chiến tranh lạnh mới với bối cảnh Tam Quốc Chí, Hoa Kỳ-Nga-Trung Quốc. Ngày 27 Tháng Bảy 2017, Quốc Hội Hoa Kỳ đưa dự luật phong tỏa kinh tế Nga, chỉ trích Putin can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ năm 2016, ngày hôm sau Bắc Hàn cho phóng hỏa tiễn liên lục địa nhắm về phía Nhật (sau lần thử hỏa tiễn vào ngày quốc khánh 4 Tháng Bảy, hai lần trong Tháng Bảy). Ngày 28, Hoa Kỳ cho đoàn phi cơ oanh tạc B1 bay trên Nam Hàn cùng tối tân hóa hệ thống phòng không. Ðáp lại, ngày hôm sau Bắc Kinh biểu diễn lực lượng quân sự hùng hậu với Tập Cận Bình đứng trên xe Jeep mặc quân phục tuyên bố “Trung Quốc sẽ không nhượng một tấc đất cho kẻ thù,” lời tuyên bố không hiểu dành cho Hoa Kỳ hay các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ với TQ ở Nam Thái Bình Dương như Việt Nam và Phi Luật Tân?

Trong vai trò tổng thống, ông Trump đã phải đối đầu với thực tế như các tổng thống tiền nhiệm khác với thời gian ông tranh cử. Chiến tranh lạnh với Bắc Hàn trong 80 năm qua không thay đổi nhiều, chỉ khác bối cảnh. Mỗi lần Hoa Kỳ thay đổi lãnh đạo, đe dọa và áp lực với chính quyền họ Kim là mỗi lần Bắc Hàn đáp ứng mạnh. Tháng Tư năm 2017, giới ngoại giao Bắc Hàn ở Liên Hiệp Quốc cảnh cáo thế giới: “Chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra bất cứ lúc nào,” vài ngày sau TT Trump lên án chính quyền Kim Chánh Ân dù trước đó có lúc ông khen Kim Chánh Ân cầm quyền từ 2011 là nhà lãnh đạo giỏi, cầm quyền lâu dù rất trẻ!

Chiến tranh lạnh của Bắc Hàn là dư âm chiến tranh Nhật và Ðại Hàn. Ngày 25 Tháng Tư 2017, Kim Chánh Ân cho diễn hành ở Bình Nhưỡng để kỷ niệm 85 năm thành lập Quân Ðội Nhân Dân Triều Tiên. Thế giới hoang mang vì Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Bắc Hàn) được thành lập năm 1948 (69 năm). Thật sự là Kim Chánh Ân ăn mừng kỷ niệm ngày chiến thắng quân Nhật ở vùng Ðông Bắc Trung Hoa, ngày 25 Tháng Tư 1932. Chính quyền Cộng Sản Bắc Hàn cũng như chính quyền CSTQ luôn luôn nhắc lại mối thù truyền kiếp với Nhật hồi Thế Chiến Thứ Hai để đánh lạc hướng dân trong nước quên đi những tội ác Cộng Sản.

Nhật chiếm Ðại Hàn năm 1910, dân Ðại Hàn bỏ chạy tị nạn về biên giới Hàn-Trung, trong đó có bố mẹ của Kim Nhật Thành người thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Tháng Ba năm 1932, đế quốc Nhật lập ra quốc gia Mãn Châu ở vùng Ðông Bắc Trung Hoa (Nội Mông). Dân Trung Hoa và dân tị nạn Ðại Hàn nổi lên kháng chiến dành độc lập. Kim Nhật Thành tham gia kháng chiến cho đến năm 1945 khi Nhật trao trả bán đảo Triều Tiên theo hiệp ước đầu hàng với Ðồng Minh. Dưới mắt dân Bắc Hàn sống dưới chính thể Cộng Sản, Kim Nhật Thành là người quốc gia yêu nước kháng chiến dành độc lập sau đó kháng chiến chống Mỹ trong chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên. Trong giai đoạn này dân Ðại Hàn phải sống dưới hầm trú ẩn trên toàn lãnh thổ. Tính đến Tháng Chín năm 2017, CHDCND Triều Tiên tồn tại lâu bằng Liên Bang Xô Viết thời trước. Kim Nhật Thành được xem là anh hùng chống Nhật, trong thập niên 1940. Trong thời khó khăn băng giá sống dưới nhiệt độ dưới 50 độ hầu hết kháng chiến quân ở Mãn Châu là dân Triều Tiên mặc dù lãnh đạo bởi sĩ quan Trung Hoa. Kim Nhật Thành lúc ấy là đảng viên CSTQ. Thành lập CHDCND Triều Tiên, chính quyền họ Kim cha truyền con nối đã lập ra Bắc Triều Tiên mạnh về quân sự trong khi 25 triệu dân, đa số nghèo đói (Bắc Hàn có quân đội lớn hàng thứ 4 trên thế giới với 1.3 triệu quân đứng sau Hoa Kỳ hàng thứ 3 với 1.4 triệu quân).

Kim Nhật Thành có mối thù cá nhân với Nhật. Tháng Ba năm 1940, Tướng Nhật Nozoe bắt bà vợ của Kim Nhật Thành để dụ họ Kim ra đầu hàng nhưng không thành công, Nozoe giết bà Kim Hye-Sun. Sau đó Kim Nhật Thành phục thù, phục kích giết thủ lãnh đội cảnh sát đặc biệt Nhật là Maeda Takashi. Năm 1939, Hitler xâm chiếm Ba Lan, Nhật cho 3 tiểu đoàn quân Nhật tinh nhuệ cùng 20 ngàn quân Mãn Châu trong 6 tháng đánh quân họ Kim trong “chiến dịch phục thù.” Chiến dịch sau đó kéo dài một năm 8 tháng đến Tháng Ba 1941. Kim Nhật Thành sống sót. Người chỉ huy chiến dịch, Kishi Nobusuke, sau khi thế chiến chấm dứt bị Hoa Kỳ xử tội, xếp loại tội ác chiến tranh hạng A nhưng Kishi tránh được tù, lập đảng Dân Chủ Tiến Bộ Nhật và làm thủ tướng hai lần năm 1957 và 1960. Ngày 11 Tháng Ba 2017, trong khi TT Trump, tiếp Thủ Tướng Abe Shinzo ở Mar-a-lago thì Bắc Hàn cho phóng hỏa tiễn. Ðây là cuộc đụng độ giữa hai cựu thù. Hai bóng ma Kim Nhật Thành và Kishi Nobusuke đụng độ lần nữa. Kim Chánh Ân là cháu nội của Kim Nhật Thành còn Abe Shinzo là cháu ngoại của Kishi Nobusuke!

Trong 80 năm qua, mối thù giữa Nhật và Bắc Hàn vẫn còn như trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Ðối với dân Bắc Hàn, Tây Phương đối xử với Bắc Hàn một chiều không cần biết lịch sử. Trong khi TT Trump gọi ông Abe là Thủ Tướng Shinzo thì Ana Navaro của đài CNN và có lúc cả TT Trump gọi Kim Chánh Ân là “thằng nhỏ điên khùng.”

Hoa Kỳ đã nhảy vào bán đảo Triều Tiên sau Thế Chiến Thứ II khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sợ Xô Viết nhảy vào Bắc bán đảo với 30 ngàn quân kháng chiến Triều Tiên, những quân đã đánh bại Nhật. Quan điểm của Hoa Kỳ lúc ấy là “không một quốc gia nào có thể giữ một vai trò quân sự ở Ðại Hàn làm giảm sức mạnh của Hoa Kỳ. Những người vẽ kế hoạch cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là những người thân Nhật muốn lập một nước Nhật hậu chiến hòa bình nhưng không biết Nhật vẫn còn tham vọng chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa. Ông John Mc Cloy, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mời Ngoại Trưởng Dean Rusk vào văn phòng lập kế hoạch chia đôi Triều Tiên chọn vĩ tuyến 38. Sau đó 25 ngàn quân Hoa Kỳ vào Nam Hàn giúp lập chính quyền quân sự. Chính quyền Hoa Kỳ chọn các sĩ quan Triều Tiên phục vụ trong quân đội Nhật như Pak Chung-Hee tốt nghiệp trường quân sự Hoa Kỳ ở Hán Thành năm 1946. Hoa Kỳ rời Nam Hàn năm 1948.

Năm 1961, Tướng Pak Chung-Hee làm tổng thống. Thời kỳ Nam Hàn với TT Pak Chung-Hee là thời kỳ độc tài với những đàn áp chính trị, một trong những chính quyền độc tài đẫm máu sau Thế Chiến thứ II, khiến Bắc Hàn có lý do giữ chính quyền Cộng Sản để chống lại chính quyền quân sự Nam Hàn. Kinh tế Nam Hàn từ năm 1988 càng ngày càng mạnh, kinh tế đã thay đổi bộ mặt độc tài để tiến lên dân chủ. Chính Hoa Kỳ đã đưa vũ khí nguyên tử vào bán đảo Triều Tiên năm 1958 cho đến khi chính quyền George W. Bush rút vũ khí nguyên tử chiến thuật từ Nam Hàn năm 1991; nhưng Hoa Kỳ vẫn giữ khoảng 23 ngàn quân ở vùng phi quân sự để chống lại một Bắc Hàn với vũ khí nguyên tử.

Ngày 1 Tháng Năm 2017, TT Trump đã tuyên bố “gặp Kim là một vinh dự cho tôi.” Nếu TT Trump hội đàm với Kim Chánh Ân, ông sẽ là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên từ năm 1945 không bị lệ thuộc chính sách Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn nhưng ngày 8 Tháng Tám ông lại đổi ý đe dọa với giải pháp quân sự bằng lời lẽ như Tổng Thống Truman năm 1945, bốn ngày trước khi bỏ bom nguyên tử ở Nhật.

TT Trump có ba giải pháp giống như các tổng thống tiền nhiệm: Quân Hoa Kỳ sẽ oanh tạc vào những vùng quân sự nguyên tử Bắc Hàn, phá hủy tất cả các giàn hỏa tiễn và dinh thự của các lãnh đạo Bắc Hàn, giải pháp khó thực hiện vì đa số vũ khí ở dưới đất hay trong hầm. Bắc Hàn sẽ trả đũa mạnh với 8,000 hỏa tiễn nhắm vào vùng phi quân sự với trên 23 ngàn quân Mỹ. Bắc Hàn với kho vũ khí đạn dược được xem là lớn nhất thế giới nhắm vào Nhật và Nam Hàn, nếu chiến tranh xảy ra viễn ảnh dân Hán Thành bị giết lên đến 1/2 triệu trong vòng 1 giờ (Hán Thành có 25 triệu dân) với 1 triệu phi đạn bắn dưới một giờ sẽ gây ra khủng hoảng tị nạn, dân Bắc Hàn chạy về TQ. Bắc Hàn bị tiêu diệt, một nước Ðại Hàn thống nhất là một đe dọa cho Tập Cận Bình.

Cấm vận kinh tế với Bắc Hàn từ lâu là một giải pháp thất bại. Cấm vận đã áp dụng từ vũ khí, than, nguyên liệu, cấm du lịch, phá mạng lưới đều thất bại vì Trung Quốc đứng sau lưng Bắc Hàn. Trong 3 tháng đầu năm 2017, giao thương Trung Quốc với Bắc Hàn gia tăng hơn 37.4% trong khi đó Nga tăng gia viện trợ quân sự. Sau quyết định cấm vận mới của Liên Hiệp Quốc giao thương vùng biên giới Trung Quốc-Bắc Hàn vẫn như thường lệ. Cấm vận kinh tế gây ra một hậu quả trái ngược, dân Bắc Hàn đoàn kết hơn, thù Tây Phương.

Giải pháp cấm vận kinh tế mới của Liên Hiệp Quốc ngày 5 Tháng Tám 2017 trong khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Tillerson lên đường đi Á Châu để tìm giải pháp ngoại giao chỉ là hình thức biểu diễn sự đoàn kết không có thật của Hoa Kỳ-Nga-Trung Quốc.

Giải pháp ngoại giao nhằm hủy bỏ vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn khó thức hiện hơn giải pháp Iran. Ở Iran, Hoa Kỳ đã trông nhờ vào trung gian đáng tin cậy: Sultan Qaboos của Oman còn ở Bắc Hàn, Hoa Kỳ không có người đứng trung gian, Nga và TQ là hai kẻ thù của Hoa Kỳ giữ Bắc Hàn để thương lượng và để gây khó khăn cho kẻ thù chung.

Kim Chánh Ân thực hành di chúc của ông bố Kim Chánh Nhật năm 2011 dạy ông con “không bao giờ bỏ vũ khí nguyên tử, hãy xem bài học của Qaddafi ở Libya năm 2003 và Saddam Hussein ở Iraq.”

Trong mấy tháng nay, dân Nam Hàn lo lắng không phải vì Bắc Hàn, họ quen sống gần tầm hỏa tiễn của Bắc Hàn và nghĩ Bắc Hàn sẽ không gây chiến qua vĩ tuyến 38 nếu không bị khiêu khích. Trong quá khứ dân Nam Hàn cảm thấy an toàn với chính sách của các tổng thống Hoa Kỳ, năm 1994 đối phó với thảm họa nguyên tử có thể xảy ra, TT Bill Clinton không dùng kế hoạch quân sự, ông chọn chính sách điều đình, với TT Barack Obama, bị xem là nhu nhược, nhưng chiến thuật kiên nhẫn của ông đã khiến dân Nam Hàn yên tâm. Với tân TT Trump, dân Nam Hàn bắt đầu lo lắng từ ngày ông nhậm chức. TT Trump đã tuyên bố tất cả các giải pháp từ quân sự chính trị đến ngoại giao đều có thể sử dụng. Dân Nam Hàn nghĩ TT Trump “tháu cáy” Bắc Hàn về giải pháp quân sự nhưng họ không chắc 100%. TT Trump làm dân Nam Hàn lo sợ khi tuyên bố ở Brussel vào Tháng Năm: Hoa Kỳ sẽ không theo điều khoản 5 của khối NATO, khi một quốc gia trong khối bị tấn công thì khối NATO sẽ phản ứng như khối NATO bị tấn công. Tình hình Triều Tiên khác với năm 1950 khi Bắc Hàn tấn công qua vĩ tuyến 38. Hoa Kỳ độc quyền về vũ khí nguyên tử từ năm 45 đến Tháng Tám 1949 Liên Xô mới có vũ khí nguyên tử. TT Truman có Ðại Tướng Mc Arthur bảo vệ Nam Hàn còn TT Trump không có một tướng giỏi và ông không tin vào các tướng. Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1945 để giữ gìn hòa bình thế giới, 5 năm sau LHQ đứng nhìn chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên. LHQ hiện giờ với hai thành viên Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết lại càng không thể giữ gìn hòa bình thế giới theo ý Hoa Kỳ.

Dân Nam Hàn sợ TT Trump sẽ thỏa hiệp với Tập Cận Bình và Bắc Hàn giống như nỗi sợ của dân miền Nam Việt Nam năm 1972 khi Nixon và Kissinger thăm Trung Quốc gặp Mao Trạch Ðông thành lập bang giao. Vì quyền lợi Hoa Kỳ, Nixon và Kissinger đã bán VNCH.

Viết đến đây, tôi nhớ đến ông Nguyễn Xuân Phong, một người bạn vong niên vừa mất. Năm 2003, kỷ niệm 30 năm Hiệp Ðịnh Paris, ông Nguyễn Xuân Phong nguyên quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm Paris đã xuất hiện trên báo Ngày Nay cùng với các ông Hoàng Ðức Nhã phụ tá Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Ðại Sứ Bùi Diễm. Các ông giữ những chức vụ quan trọng trong hòa đàm Paris đã cùng Việt Nguyên ghi lại những sự thật về Hòa Ðàm Paris qua những cái nhìn từ phía VNCH. Ông Nguyễn Xuân Phong đã ở lại Việt Nam sau 1975, đi tù cải tạo và giữ được tư cách trong tù. Qua Hoa Kỳ ông đã viết cuốn “Hope and Vanquished Reality” năm 2002. Ông chọn cuộc đời tị nạn như hàng triệu người Việt khác khi ông qua Hoa Kỳ vì công vụ. Câu tuyên bố “Hãy cởi trói và trả tự do cho dân Việt tôi” trước khi ông ở lại làm việc tại trung tâm Việt Nam Lubbock là câu nói khẳng khái của một trí thức miền Nam. Ông đã chọn một thái độ im lặng khi về định cư tại Orlando Florida sau khi không còn làm việc tại Lubbock. Tháng Bảy năm 2011, tôi gặp riêng ông tại Orlando và được ông tâm sự với hai bí mật. Sau khi đi Trung Quốc, Kissinger đã qua Hà Nội “đi đêm” với Lê Ðức Thọ. Kissinger giấu nhưng TT Nguyễn Văn Thiệu biết, người tiết lộ bí mật này là “điệp viên toàn hảo” Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn đã nói cho ông Nguyễn Xuân Phong biết (điều này không có trong sách “điệp viên toàn hảo” của Larry Berman). Ông Nguyễn Xuân Phong qua Hoa Kỳ với sứ mạng của Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch giao phó “ông Nguyễn Cơ Thạch được xem là một người trong phe thân Mỹ ở Hà Nội.” Ông Thạch nhờ ông Phong (qua những mối liên hệ sẵn có trước 1975) liên lạc với một công ty Hoa Kỳ giúp đóng chiến hạm cho Việt Nam vì ông Thạch tiên đoán có ngày Trung Quốc sẽ gây hấn với Việt Nam. Các công ty đóng tàu từ chối với lý do kỹ thuật và bang giao Việt Mỹ lúc ấy không cho phép nhưng theo ông Phong nghĩ, lý do chính là từ sau ngày Kissinger và Nixon thỏa thuận với Mao Trạch Ðông Hoa Kỳ để Việt Nam nằm trong ảnh hưởng Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Phong mất ngày 29 Tháng Bảy 2017 đúng vào ngày Hoa Kỳ biểu dương lực lượng bảo vệ Nam Hàn.

Mời độc giả xem bình luận “Đối đầu Mỹ – Bắc Hàn sẽ ra sao?”(Phần 1)