Thursday, March 28, 2024

Những người phụ nữ quanh tôi

Ngọc Vân

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

***

Cho những người phụ nữ Việt Nam tôi rất mến mộ.

Cuối tuần qua, về nhà thăm ba mẹ tôi, lại thấy mẹ cứ loay hoay với vườn tược, cây kiểng, tôi và ông xã cũng lăn vào giúp bà một tay. Ba tôi thì lại không có thú điền viên này giống mẹ. Còn tôi thì từ xưa đến lúc gần sau nầy chẳng bao giờ thiết tha với cây cỏ, hoa lá vườn tược sân nhà gì mấy.

Theo tôi nhận xét, dường như lúc về hưu hay sắp có tuổi, người ta chăm nom đến vườn tược hay để ý đến thú tiêu khiển nhẹ nhàng này hơn thì phải. Vậy là tôi và ông xã dạo gần đây được tham gia nhóm tuổi này rồi vì đã bắt đầu biết để ý ngó ngàng đến cây cỏ hoa lá ngoài sân và không xem công việc phụ làm vườn là sự bắt buộc, lấy làm khổ sở hay khó chịu phải làm công việc này nữa.

Mẹ tôi rất siêng việc. Nghe tin bác tôi sắp đến thăm từ tiểu bang xa, mẹ tôi còn trông đến vườn tược kỹ hơn để có dịp khoe với bác là mẹ tôi trồng rau hữu cơ và cây ăn trái ngoài vườn, cây hồng, cây mãng cầu, cây bưởi, khi chín tới là có dip gặt hái chia sẻ với gia đình, bà con, cây nhà lá vườn “ăn lấy thảo” như lời mẹ tôi thường nói.

Mẹ tôi rất vui khi bà bác dâu, phải gọi bác là cụ thì đúng hơn, vì bác năm nay được 96 tuổi. Bác từ tiểu bang “cao bồi viễn Tây” Texas sang thăm gia đình tôi. Bác còn vô cùng minh mẫn, sáng suốt làm tôi đến kinh ngạc và mừng vì tuổi thọ của bác. Mẹ tôi kể những năm nạn đói ở miền Bắc lúc quân Nhật chiếm đóng Vietnam trong năm 1945, bác có lòng thương người và san sẻ cơm gạo thực phẩm với người làm công, gia đình, họ hàng quyến thuộc vì gia đình bác khá giả và có điều kiện. Mẹ tôi luôn nói có lẽ vì bác biết ăn, biết ở với mọi người, thương kính gia đình chồng, và lo chu toàn nhiều việc nên Trời Phật ban cho bác sống lâu và khỏe mạnh, mình mẫn ở độ tuổi nầy, mấy ai được phúc như thế.

Tôi nghĩ chắc Trời Phật thương bác thật, cho Bác diễm phúc sống thọ và không đau bệnh lúc tuổi xế chiều. Bác cháu tôi chuyện trò và bác sao thật tinh tường, kể tôi về các cháu, chắt của bác bên Houston, Texas. Cháu hay chắt nào ra trường năm nào, ngành học nào, đang làm gì, mọi chuyện bác nói vanh vách, lời kể cũng rất rành mạch. Trí nhớ của bác thì tuyệt vời dù bác đi đứng có hơi một chút chậm thôi nhưng bác không cần đến gậy. Da bác điểm nhiều đồi mồi, bác đeo kính, và dù tóc bác bạc trắng xóa nhưng vẫn dầy dặn. Chuyện xưa lẫn chuyện nay bác nhớ và biết thật rõ ràng.

Bác trò chuyện với tôi và bảo tôi rằng theo suy nghĩ và kinh nghiệm của riêng bác, số phận của người đàn bà tùy thuộc phần nhiều vào đấng ông chồng.

Bác bảo nếu được tấm chồng người hiền lành tốt đẹp thì đời sống đỡ vất vả, còn gặp người không ra gì thì khổ sở trăm bề.

Ngược lại, có những người phụ nữ không để số phận của mình phải bị lệ thuộc vào người đàn ông, người chồng. Mặc cho hoàn cảnh éo le, nghiệp chướng như thế nào cũng đã chẳng quật ngã được họ. Họ vẫn bươn chải, chống chọi phấn đấu với mọi thử thách của cuộc đời, gánh nặng hai vai mà họ quyết tâm không buông xuôi, đảm đương lo toan một cách chu đáo bổn phận và hơn thế nữa, rất thành công mặc cho họ đang ở trong thời thế nào. Tôi đã từng làm nhân chứng của những người phụ nữ này mà tôi có may mắn được gặp và quen biết họ, từ trong trại tị nạn ra đến hải ngoại.

Tôi có một người bác gái, góa bụa từ những ngày chỉ trên ba mươi mấy tuổi, một tay tảo tần bán buôn ở khu Ông Tạ. Vậy mà một mình bác đã có thể nuôi cả đàn con và cả cháu ngoại ăn học đến nơi đến chốn. Các con trai của bác học xong Quốc Gia Hành Chánh, có anh đã thành quận trưởng trước năm 1975 và rồi phải đi “tù cải tạo” 20 năm ròng rã vì anh chống Cộng quyết liệt trong tù và có những năm bị biệt giam. Vậy mà bác ấy kiên nhẫn thương con lặn lội thăm nuôi anh khi họ cho phép trong ngần ấy năm cho đến ngày anh mãn hạn ra tù.

Bác tôi từ Texas cũng nói rằng nếu nghiệp xấu hay nghiệp ác tạo từ kiếp trước lớn quá thì đời này chắc phải trả cho xong. Thời buổi này, xã hội này, tôi thấy người phụ nữ được nhiều quyền hành và sự tự do, độc lập so với thời của các bác và mẹ tôi.

Cho dù sự bình đẳng vẫn chưa được hoàn toàn nhưng xã hội ngày nay tạo cho người phụ nữ nhiều cơ hội thành công thăng tiến trong sở làm, cộng đồng.

Mới đây tôi đọc bài báo có thấy một cựu nữ sinh Trung Vương vừa được giải thưởng giải Lãnh Đạo Cộng Đồng Đa Dạng của Ủy Ban Giao Tế Nhân Sự ở Quận Cam ở tuổi 70 cho những công việc bà đã và đang làm cho cộng đồng.

Hay một cô bé Việt Nam mới 13 tuổi đã doat giải nhất với tiền thưởng giá trị trong cuộc thi đầu bếp trẻ tuổi “chopped Juniors”. Vừa qua, xém tí nữa thôi, nước Mỹ cũng đã có một tổng thống là phụ nữ.

Nhìn chung quanh tôi nhận thấy, trong vòng bè bạn thân quen, đồng nghiệp cùng sở, và trong thân bằng, quyến thuộc, rất nhiều người phụ nữ làm tôi thật sự ngưỡng mộ vì khả năng cáng đáng tất cả bổn phận và đòi hỏi ở nơi họ. Họ làm công việc toàn thời gian, và vẫn tiếp tục làm bổn phận của người phu nữ trong gia đình trong vai người mẹ, người vợ, họ chu toàn tốt đẹp, và họ cùng lúc làm việc phụng sự từ bi một cách tận lực cho cộng đồng và xã hội.

Tôi thường thắc mắc hoài và tự hỏi là họ lấy thời giờ đâu ra để làm tất cả mọi việc một cách hoàn hảo như thế.

Sáng Thứ Bảy này mưa lâm râm, nhè nhẹ, tôi nhìn bác tôi ngồi đấy chuyện trò cùng mẹ và các chị bên tách trà, chuyện trò như pháo rang. Bác dặn tôi, con lấy số phone của các chị, lâu lâu chị em có dịp trò chuyện, tâm sự với nhau cho vui. Tôi trông thấy các người phụ nữ này mà lòng dấy lên một niềm vui yên bình, một chút gì đó hân hoan, lòng thì dậy niềm hãnh diện được làm người phụ nữ, lại nhất là được làm người phụ nữ Việt Nam…

Bên tai tôi là tiếng hát Thái Thanh, bài “Giọt mưa trên lá,” bỗng dưng tôi ước mình đang ở Saigon nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn nhịp nhàng như tiếng nhạc, tưởng tượng ra đang ở nhà Bác ăn giỗ, họ hàng và các phụ nữ trong thân tộc lăng xăng làm bếp, bày biện thức ăn, chuyện trò rôm rả, cười nói… như những ngày tôi còn bé được bà ngoại dắt sang nhà bác ở ông Tạ ăn cỗ.

Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già.
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người

(Giọt mưa trên lá – Phạm Duy)

Mother’s Day, 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT