Friday, April 19, 2024

Chịu không nổi cái thằng em rể!

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

 

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi ghét cái thằng em rể của tôi không biết để đâu cho hết. Con em tôi thì đau ốm rề rề mà lại là người kiếm tiền chính của gia đình. Còn cái thằng em rể chạy taxi, khi có khi không, vậy mà nó gia trưởng chịu không nổi.

Tôi chỉ có hai chị em, từ ngày mẹ chết, hai chị em nương tựa vào nhau để sống. Thấy em đau ốm hoài nên tôi bảo nó về ở chung với mình.

Sau đấy em tôi lấy chồng, rồi có con. Tôi thương em không cho em ra riêng. Một thân một mình lo còn chưa xong, nay thêm con nhỏ và chồng nữa thì hầu sao xuể, nên trong nhà gần một tay tôi lo quén trước sau. Mình hầu em, cháu, thấy lòng mình vui biết bao, nhưng hầu chồng nó thì bực chịu không nổi, mà nói ra thì tội em.

Ai từng đời, nó cứ như thằng nhà quê, quen sống dưới ruộng, ăn uống cứ rơi vãi hạt cơm, là ta hất ngay xuồng sàn nhà, nói thì cãi: Trước sau cũng quét nhà, thì quét thêm hột cơm có tốn thêm mồ hôi nước mắt đâu. Nó trả lời vậy đó! Canh thì bao giờ cũng chan đầy chén để đổ ra bàn. Nói thì bảo: Ăn xong trước sau cũng lau bàn mà.

Nói cái gì nó cũng có câu trả lời, em tôi tức cành hông, còn tôi thì im lặng hoài cũng phát cuồng.

Mới hôm qua, con em tôi đi làm về thật tối, hóa ra từ sở còn ghé đón con. Hỏi sao không để bố nó đón thì em tôi trả lời: Bố nó tắm rồi không muốn ra đường nữa, nên tiện đường em ghé đón con.

Nghe mà có điên lên không?

Hôm nay em tôi đi làm về mặt mày hớn ha hớn hở, nói, đã có cách cho chồng phụ việc rồi. Hỏi tới thì em tôi trả lời, trong sở nó bắt phải đi thử lao, vì em tôi làm ở khâu nấu ăn. Em tôi thử rồi, kết quả không có gì cả. Nhưng nhân vụ này, em tôi sẽ báo với chồng là em tôi bị lao, phải chữa trị, bác sĩ dặn phải làm việc ít lại… Và như thế chồng em sẽ phụ giúp công việc nhà, không bày bừa bắt em dọn nữa…

Không biết sau khi bệnh lao… khỏi, thì em tôi lại bịa ra bịnh gì nữa đây? Và cách giải quyết này coi bộ quá tiêu cực, nhưng tôi lại không nghĩ ra được cách nào tích cực hơn, để thay đổi cuộc sống của em mình nói riêng và cả tôi nữa nói chung.

Dù gì, tôi phải thật lòng mà cám ơn thằng em rể vì ở chung với nó, tôi không cần tập thiền.

Nhiên

Góp ý của độc giả:

-NB

Nhiều người cùng sinh hoạt trong một nhà với những tính cách khác nhau sẽ rất dễ gây ra xích mích, xung đột. Đây chính là lý do một số người muốn có cuộc sống gia đình mình được riêng tư không chung đụng với bất cứ ai. Họ sống thoải mái theo ý mình không phải dè chừng nét mặt hay cảm giác của người khác. Nhưng cũng có một số người khác thích cuộc sống một nhà có nhiều thế hệ sống cùng nhau. Lý do vì điều kiện tài chánh của họ eo hẹp nên không thể sống tách riêng ra, hoặc vì họ cần có sự trợ giúp lẫn nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Lối sống nào cũng có cái hay cái dở của nó, tùy theo sự lựa chọn của mình thôi.

Theo tôi nghĩ, những xích mích trong gia đình xảy ra đôi khi chỉ vì ta không giữ được khoảng cách của nhau. Ta cứ thích can thiệp vào đời sống người khác, quên mất rằng mỗi người có suy nghĩ, quan niệm sống, cung cách sống không bắt buộc phải giống mình.

Cụ thể chị đừng có ý kiến hay can thiệp vào sinh hoạt của gia đình em gái chị. Họ có đời sống hôn nhân với nhau, họ sẽ biết cách làm sao cải thiện tính cách mỗi người để ngày càng hòa hợp hơn. Nếu cần phê phán góp ý cho nhau, họ sẽ kín đáo riêng tư chỉ giữa hai vợ chồng chứ không phê bình oang oang trước mặt người khác (đôi khi sẽ bị phản tác dụng vì bị chạm tự ái, vì sĩ diện).

Về phần chị, nếu thấy thương em gái và cháu của mình, giúp được gì thì chị cứ giúp, nhưng phải trong khả năng và sức khỏe của chị đừng quá ôm đồm làm thay thế họ. Có thể chị có sẵn thành kiến không tốt về em rể của mình, chị luôn chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của anh ấy rồi nảy sinh ra lòng ghét bỏ, lạnh nhạt, nếu có điều gì phật ý thì cũng chỉ phê bình dấm dẳng. Chị hãy ráng mở lòng dùng tình thương gia đình đối xử với anh ấy. Hãy tìm xem anh ấy có những khả năng, những ưu điểm gì (thí dụ như biết bảo trì xe, nhà cửa, vườn tược, tổ chức một bữa tiệc,… những việc thường phe đàn ông làm được). Hãy nhẹ nhàng nhờ vả, khuyến khích, khen ngợi cảm ơn mỗi khi anh ấy góp sức. Dần dần anh ấy sẽ có cảm giác đây chính là nhà của mình, sẽ vui vẻ tự nguyện tham gia góp sức vào những công việc gia đình cần làm.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chỉ cần một chút kiên nhẫn, tinh tế, thương yêu đòi hỏi mọi người trong gia đình phải có, không khí gia đình sẽ được cải thiện, hạnh phúc.

Xin được góp ý về suy nghĩ em gái chị định bịa ra là cô ấy bị bịnh lao để kêu gọi sự trợ giúp của chồng. Đây là một gợi ý sai lầm, phản khoa học, phản tác dụng. Thực tế là một người mắc bịnh lao sẽ bị suy nhược, sụt cân, không chỉ bản thân bịnh nhân mà tất cả mọi người cùng sống sinh hoạt trong một nhà đều phải uống thuốc và được theo dõi trong một thời gian dài cho đến khi hoàn toàn bình phục. Hơn nữa, một người có bịnh lao làm sao có thể đứng nấu ăn phục vụ người khác. Em rể chị sẽ nhanh chóng nhận ra đây chỉ là lý do bịa đặt.

Tốt nhất, cô ấy chẳng cần tìm kiếm bất cứ lý do nào để lôi kéo sự hợp tác của chồng. Hãy cứ kiên nhẫn, dịu dàng nói với chồng là cô sẽ hạnh phúc biết bao nếu có anh bên cạnh cùng với cô chia sẻ mọi công việc gia đình, cùng quan tâm săn sóc dạy dỗ con cái, cùng góp tay với chị trong đời sống hàng ngày. Anh ấy sẽ thấy mình không là một kẻ đứng bên lề, sẽ vui vẻ tự giác tham gia vào cùng với mọi người.

Chúc mọi người sớm có tiếng nói chung để có thể xây dựng được một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

-Nguyên:

Hai gia đình ở chung trong một nhà thì không đụng chạm trước cũng đụng chạm sau, chỉ có cách là dọn ra ở riêng thì mới hết phiền.

-Lữ:

Ông bà mình đã nói: Chung chạ thì bậy bạ. Nếu em chị làm dâu thì bà mẹ chồng cũng suy nghĩ như chị. Bà ta cũng chỉ thấy, cái con dâu sao mà nó hành thằng con trai của mình quá! Nó tu ba kiếp mới gặp con trai mình… Và bà chỉ thấy con bà làm việc tối tăm mặt mũi, về nhà còn hầu vợ chăm con. Trong khi ngược lại chị thì thấy khác. Chuyện gia đình chồng gia đình vợ như thế là thường.

Phần chị cũng không nên để ý đến chúng quá, kệ chúng, nếu chúng còn sống với nhau tức là chúng còn chịu nhau. Nếu chúng chịu không nổi nữa thì chúng đã có ý định ly hôn. Tạm thời hiện giờ, em chị vẫn đi đón cho vì chồng mới tắm xong không muốn ra đường, như thế là em chị còn yêu chồng lắm.

Đừng góp ý quá đôi khi em chị bực mình đó, kệ chúng, chúng cũng lớn quá rồi, già rồi chứ không phải chỉ lớn mà thôi. Chị lo thân chị đi, rảnh rỗi đi chơi, ở nhà làm gì để thấy mà chướng tai gai mắt, mau già.

Chúc chị vui.

Vấn đề mới:

Tôi mới cưới vợ chừng 4 năm nay, vì một lý do riêng tôi không về Việt Nam để làm đám hỏi hay giây tờ mà phải qua Thái Lan vài ba lần để làm hồ sơ, gặp gỡ, chụp ảnh ý trung nhân.

Sau khi cô ấy qua Mỹ được 2 năm, theo thủ tục thì phải nộp đơn xin “removal of conditions”, nôm na là xin thẻ xanh 10 năm.

Điều kiện của Sở Di Trú rất nhiều, ngoài vấn đề tài chánh, còn đứng chung tài sản, nhất là phải có chung một đứa con để chứng minh cho mối liên hệ vợ chồng.

Và vì chúng tôi khó có con nên đã nhờ một cơ quan y khoa giúp cho bằng phương pháp IVF (In Vitro Fertilization), chương trình tiến triển khá tốt, nhưng khi đến giai đoạn cuối là đưa vào người cô ta thì cô ta không chịu. Câu chuyện khá phức tạp không kể hết chi tiết được, cô viện lí do là tôi tán tỉnh người khác… Nhưng tình thực cô chỉ muốn ở lại Mỹ khá lâu hơn là 2-3 năm và khi nào có đủ tiền, hay hưởng tiền hưu khi tôi chết thì cô trở về Việt nam sống với anh chị và gia đình mấy người cháu.

Câu chuyện của gia đình tôi khiến tôi khó giải quyết nên viết thư này nhờ cô Nguyệt Nga và quí độc giả cho ý kiến. Hiện tại cô ta vẫn liên lạc thường xuyên với anh chị và nhiều người cháu ở Việt Nam chẳng để ý gì lắm đời sống ở Mỹ.

Thiện Tài

* Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Ông Việt kiều Mỹ bị con nghiện ma túy Cần Thơ khống chế vì ghen ảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT