Thursday, April 25, 2024

Ngày càng có nhiều ‘ông già bà cả’ phạm pháp ở Nam Hàn

SEOUL, Nam Hàn (NV) — Ở Nam Hàn hiện nay, hành vi phạm pháp của các nhóm băng đảng trẻ tuổi không là mối lo ngại lớn của nhân viên công lực. Thật ra, hành động của giới “ông già bà cả” mới là điều khiến giới chức công lực phải đau đầu.

Theo các dữ kiện thống kê của chính phủ Nam Hàn, trong năm năm qua mức độ phạm pháp của thành phần dân chúng từ 65 tuổi trở lên ở quốc gia này đã tăng 45%. Các tội hình sự quan trọng như giết người, đốt nhà, hiếp dâm, cướp đã gia tăng tới 70%, từ khoảng 1,000 vụ trong năm 2013, lên tới hơn 1,800 vụ tronng năm 2017.

Trong một vụ xảy ra hồi Tháng Mười Một năm nay, một ông ngoài 70 tuổi đã bị bắt vì tấn công một người giao hàng với lý do là đưa hàng trễ.

Khi cảnh sát tới nơi, họ khám phá ra rằng ông này quên mất là đã nhận được gói hàng hai ngày trước đó.

Hồi Tháng Tám, một ông khác, cũng ngoài 70, bị bắt vì giết chết hai công chức và làm bị thương một người hàng xóm do tranh chấp nước.

Và hồi Tháng Tư, một bà 69 tuổi bị bắt vì đổ thuốc trừ sâu vào nồi canh cá, sắp sửa được đem ra mời những người khác ăn trong một buổi lễ ở làng.

Hiện nay, hơn 14% người dân Nam Hàn quá tuổi 65, khiến quốc gia này chính thức được coi là “xã hội cao niên” (aged society), theo sự phân loại của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, dù họ sống thọ hơn, nhiều người trong số này nay không thể tự túc về mặt tài chánh. Khoảng 60% người cao niên ở Nam Hàn không được hưởng tiền hưu quốc gia, vốn chỉ mới có từ năm 1988 tới nay. Vào năm 2017, có tới 50% người cao niên ở Nam Hàn sống trong cảnh nghèo.

“Do không có việc làm để giúp cho người cao niên đóng góp cho xã hội, họ cảm thấy bị tách rời và điều này có thể đưa đến sự bực bội, hằn học đối với người chung quanh, cũng như sự trầm cảm và thái độ kình chống xã hội,” theo lời ông Cho Youn-oh, một giáo sư về ngành tội phạm ở đại học Dongguk University tại Seoul.

“Tình trạng bị cô lập và cảm tưởng rằng mình không còn gì để mất có thể khiến họ mất tự chủ và có hành động liều lĩnh. Những người có liên hệ nhiều hơn với xã hội qua gia đình và việc làm thường dễ tự chủ hơn, khiến họ ít có hành vi phạm pháp,” cũng theo giáo sư Cho.

Việc đối phó với tình trạng người cao niên phạm pháp không chỉ ở ngoài đời, mà còn ở trong tù, vì người tù cao niên thường có đủ loại chứng bệnh. Và khi ra khỏi tù, họ thường dễ tái phạm tội hơn những giới khác.

Cũng các con số do chính phủ Nam Hàn thu thập cho thấy tỉ lệ tái phạm tội của giới cao niên là 30%, trong khi mức trung bình của giới phạm pháp ở Nam Hàn nói chung chỉ là 20%. (V.Giang)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT