Friday, March 29, 2024

Thủ môn Phạm Văn Rạng và tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh

Giải bóng tròn tưởng niệm hai cựu danh thủ VNCH:

TỔNG HỢP – “Uống nước nhớ nguồn,” mặc dù hiện sống nơi xứ lạ quê người, nhưng các cựu cầu thủ miền Nam Việt Nam trước 1975 hiện sinh sống tại hải ngoại, vẫn không quên được những bậc đàn anh của mình, từng tung hoành trên sân cỏ VNCH lẫn khu vực Đông Nam Á cũng như cả Châu Á, từng đem vinh quang về cho tổ quốc như vô địch Đông Nam Á Vận Hội 1959 mà từ sau 1975 cho đến bây giờ những lứa cầu thủ Việt Nam vẫn chưa thể đem về chiếc huy chương vàng bóng tròn Seagames nào nữa.

Với sự ủng hộ đóng góp của các anh em cựu cầu thủ Việt Nam Cộng Hòa tại Orange County, cựu tuyển thủ Việt Nam Võ Thành Sơn cùng một số anh em đứng ra tổ chức giải bóng tròn giao hữu tưởng niệm hai danh thủ Việt Nam Cộng Hòa một thời vang bóng: Thủ môn số một Châu Á, nhà lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng và cựu tuyển thủ kiêm huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Thanh.

Giải đấu sẽ diễn ra vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, 25 và 26 Tháng Mười Một, 2017 tại sân Garden Grove Park trên đường Westminster giữa Bushard và Magnolia, với sự tham dự của tám đội bóng trung niêm và bốn đội lão tướng gồm đội lão tướng cộng đồng Nhật Bản, Đại Hàn, International San Diego và Ngôi Sao Sài Gòn (bao gồm những cựu cầu thủ VNCH). Các trận đấu bắt đầu từ 8 giờ sáng kéo dài cho đến chiều .

Lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng

Thủ môn Phạm Văn Rạng và huy chương vàng SEAP GAMES 1959. (Hình: Internet)

Không phải cái biệt danh “Lưỡng thủ vạn năng” tự nhiên mà có đối với thủ môn Phạm Văn Rạng, mà chính nhờ tài năng thể hiện với những pha bay người đẹp mắt bắt dính banh như keo nên hầu hết dân chúng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ rất tán thưởng tài năng có một không hai của ông và gán cho ông biệt danh này.

Thủ môn Phạm Văn Rạng được xưng tụng như là huyền thoại của làng bóng tròn Việt Nam Cộng Hòa từ đầu những thập niên 1950 cho tồn tại mãi cho đến tận bây giờ.

Theo trang mạng Wikipedia Việt Nam đăng tải sơ lược tiểu sử thủ môn Phạm Văn Rạng như sau:

“Phạm Văn Rạng (1934-2008) là cựu cầu thủ người Việt Nam, nổi danh với vị trí thủ môn. Ông từng là tuyển thủ của Đội tuyển bóng tròn quốc gia Việt Nam Cộng hòa, cùng đội tuyển đoạt Huy chương vàng môn bóng đá tại SEAP Games lần I (1959) tại Thái Lan.

“Ông sinh ngày 8 Tháng Giêng năm 1934 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Ông thường chơi ở vị trí thủ môn. Ông được đánh giá là một trong những thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thời còn thi đấu, cái tên Phạm Văn Rạng đã lan rộng ra khắp châu Á. Báo chí nước ngoài từng ca ngợi và tôn vinh ông là “Đệ nhất thủ môn Á Châu” cùng với biệt danh “Lưỡng thủ vạn năng.”

“Ông bắt đầu sự nghiệp năm 17 tuổi trong màu áo đội Ngôi Sao Bà Chiểu. Hai năm sau, ông được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953, ở tuổi 19 ông được tuyển vào đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Cùng với đội tuyển bóng tròn quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ông đoạt Huy chương vàng môn bóng tròn tại SEAP Games lần I (1959) tại Thái Lan. Đây cũng là lần duy nhất đến nay đội tuyển Việt Nam đạt được HCV môn bóng đá tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

“Năm 1964, ông chia tay đội tuyển miền Nam Việt Nam, sau 12 năm trấn giữ khung thành. Nhưng, năm 1966, ở 31 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao Châu Á thi đấu với CLB Chelsea của Anh. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 dành cho đội tuyển Ngôi sao Châu Á. Các báo Malaysia và khu vực đã cùng bình luận rằng: người có công lớn nhất cho chiến thắng của đội tuyển châu Á chính là tay thủ môn đến từ Việt Nam có tên Phạm Văn Rạng.

“Sau trận thắng để đời ấy, ông chính thức nói lời chia tay với bóng đá để mưu sinh với nghiệp công chức quan thuế (hải quan ngày nay) ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ cho đến năm 1975.

“Ông có một cuộc sống cơ cực từ sau 1975. Có những lúc ông từng là bảo vệ về đêm cho doanh nghiệp nước ngoài, nhờ vào khả năng nói được tiếng Pháp. Vào những năm cuối đời, ông được các cựu tuyển thủ vang bóng một thời như Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Võ Thành Sơn, Tư Lê, Hồ Thanh Cang… cùng nhiều người hâm mộ đã giúp xây dựng cho một ngôi nhà cấp 4 tại sân bóng Thuận Kiều, quận 12, Sài Gòn.

“Ông qua đời ngày 7 Tháng Mười Một năm 2008 sau cơn đột quỵ.

Từ trái qua: Bốn cựu thủ môn lừng danh một thời: Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Phạm Văn Rạng, Dương Ngọc Hùng. (Hình: Internet)

Thành tích của ông là HCV SEAP Games 1959, HCĐ SEAP Games 1963 và 1965. Á quân giải Châu Á 1958 và 1962.

“Ông từng tham dự: SEAP Games 1959, 1965; Đại hội Thể thao châu Á 1958 và 1962, Cúp Merdeka (Malaysia) từ năm 1958 đến năm 1962. Được Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) đánh giá là thủ môn số 1 Châu Á.”

Trong hai ngày 25 và 26 Tháng Mười Một tới đây, các cựu cầu thủ, nhưng đôi chân vàng một thời vang bóng trước năm 1975 của làng cầu VNCH, đang định cư khắp đất nước Hoa Kỳ, sẽ cùng trở về Little Saigon để dự giải bóng tròn nhằm tưởng nhớ đến ông, đến các cầu thủ đàn anh, bạn bè đồng nghiệp, từng một thời có chung màu cờ sắc áo đem vinh quang về cho VNCH trên khắp thao trường trong nước và quốc tế.

“Mũi tên vàng” Nguyễn Ngọc Thanh

Nếu như thủ môn Phạm Văn Rạng được vinh danh là “lưỡng thủ vạn năng” thì cựu tiền vệ đội tuyển quốc gia VNCH Nguyễn Ngọc Thanh cũng được giới mộ điệu bóng tròn miền Nam Việt Nam hết lời ca tụng lẫn ngưỡng mộ tôn sùng đặt cho ông biệt danh “Mũi Tên Vàng.”

Và một số trang mạng thể thao tại Việt Nam cả ở hải ngoại đều có đăng tải về Nguyễn Ngọc Thanh:

“Giới túc cầu Sài Gòn và cả miền nam thời trước năm 1975 nhắc đến cái tên Nguyễn Ngọc Thanh (ông sinh ngày 28 Tháng Ba,1938) không ai không biết. Khi đó, giới hâm mộ bóng tròn miền Nam luôn tấm tắc mãi về chàng tiền vệ tài hoa với những cú sút xa tầm trên 20-25m rất “độc và hiểm” đã đem về tấm HCV SEAP Games đầu tiên năm 1959, HCV Merdeka 1966 và vô vàn những chiến tích oai hùng khác.

“Khi đó, ông Thanh và những người đồng đội cùng thời như “lưỡng thủ vạn năng” Nguyễn Văn Rạng, “Mũi tên vàng” Nguyễn Văn Tư, Đỗ Thới Vinh, Trần Văn Nhung (tự Pierre), Hà Tam (tự Há)… đã tạo nên vô số những truyền thuyết đượm màu lãng mạn, thời Việt Nam đứng trong tốp tứ hùng Châu Á (1960), đánh bại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… là bình thường. Thậm chí, những quốc gia từ châu lục khác như Peru, Israel… cũng từng là bại tướng.

“Bởi vậy, những cái tên như Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Văn Rạng, Đỗ Thới Vinh và sau này có thêm Nguyễn Văn Ngôn, Phạm Huỳnh Tam Lang nhiều lần được mời tham gia các trận đấu của tuyển ngôi sao Châu Á do Cầu vương Lý Huệ Đường dẫn dắt.

Nguyễn Ngọc Thanh (đứng, thứ 2 từ phải qua) trong màu áo đội tuyển (Hình: Internet)

“Trong số những cái tên tài hoa đó, chàng lãng tử Nguyễn Ngọc Thanh là người nổi bật nhất, đã đánh gục trái tim biết bao cô gái Sài Gòn và các tỉnh lân cận bởi phong cách chơi bóng lịch lãm, tài tử nhìn phát mê…

“Quê ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, ông Thanh rời quê hương cùng gia đình lên Sài Gòn sinh sống từ lúc 10 tuổi. Đá banh khi còn cấp sách đến trường, ông được chọn vào đội tuyển miền Nam đi dự Cúp Merdeka 1957 lúc 19 tuổi.

“Mười năm chơi cho đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa (1957-1967), trong đó 7 năm (1959-1965) làm thủ quân, tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh tham gia nhiều cuộc tranh tài quốc tế, trong đó, thành tích cao nhất là chiếc HCV tại SEAP Games 1 (Thái Lan-1959) và Cúp Merdeka (Malaysia-1966).

“Thể lực tốt, kỹ thuật vững vàng, phán đoán nhanh, sút phạt căng, kiến tạo nhiều đường bóng như dọn cỗ, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa hàng tiền đạo và hàng hậu vệ, ông Thanh là một trong vài danh thủ của miền Nam Việt Nam được mời tham gia đội tuyển Châu Á vào năm 1966.

“Từ 1967-1975, ông Thanh dẫn dắt đội bóng Việt Nam Thương Tín, trong đó có 2 năm (1969-1971) huấn luyện cho đội tuyển Thiếu niên, Thanh Niên và đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa. Cũng trong thời gian này, ông được học khóa HLV bóng đá đầu tiên dành cho châu Á (First FIFA Coaching School For Asian Coaches) do FIFA, LĐBĐ Châu Á và LĐBĐ Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 15 Tháng Bảy đến 15 Tháng Mười, 1969 và đã tốt nghiệp loại giỏi.

“Sau năm 1975, ông lần lượt huấn luyện cho các đội Ngân Hàng, Đồng Tháp, Dệt Phong Phú, Năng khiếu Nguyễn Du trong thời gian từ giữa năm 1997 đến 2004…”

“Sức khỏe của ông Thanh đã bắt đầu yếu từ năm 2008 và có dấu hiệu suy nhược dần từ năm 2013, nhưng đến trước Tết Ất Mùi này ông vẫn còn rất minh mẫn. Nói như người con trai Nguyễn Thanh Danh thì “mắt ông vẫn sáng như sao, rất tỉnh táo và trí nhớ còn rất tốt.”

“Nhưng cơn tai biến quái ác đã quật ngã ông, biến người tiền vệ tài hoa, người hùng đem về tấm HCV SEAP Games đầu tiên và cũng là duy nhất cho bóng đá Việt Nam giờ đây đang phải vật lộn trong kiếp sống bán thực vật, chỉ có thể nằm một chỗ chờ con cái và vợ chăm sóc. Ông bị liệt nửa người, mắt mờ hẳn, lưỡi bị thụt vào không nói được và thần trí thì lúc tỉnh lúc mê…

Và ông đã vĩnh viễn ra đi trong nghèo khổ vào năm 2015.”

Nguyễn Ngọc Thanh và chiếc cúp vô địch Mederka 1966. (Hình: Internet)

Phải nói, việc tổ chức giải bóng tròn giao hữu hằng năm của cựu tiền đạo Võ Thành Sơn cùng một số cầu thủ bạn hữu, là việc làm có ý nghĩa trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn,” một truyền thống hay đẹp đã luân lưu qua muôn đời của người Việt chúng ta, mà tập thể anh em cựu tuyển thủ VNCH đang nối bước, và chắc chắn đây sẽ là tấm gương sáng, là kim chỉ nam dẫn đường cho thế hệ cầu thủ trẻ, trưởng thành ở trong nước và hải ngoại noi theo.

Theo ban tổ chức cho biết, nếu không có gì trở ngại vào giờ chót, có mặt ở Little Sài Gòn hội ngộ kỳ này sẽ bao gồm các khuôn mặt cựu tuyển thủ, cầu thủ VNCH ở khắp nơi bay về góp mặt.

Tại Orange County, ngoài cựu tuyển thủ Võ Thành Sơn, còn có các cầu thủ đã thành danh trong các đội bóng hàng đầu ở Việt Nam trước 1975 cũng có mặt tại giải đấu này. Tất cả sẽ được gạn lọc lại thành một đội tuyển Ngôi Sao Sài Gòn thật hùng mạnh, sẵn sàng nghinh tiếp ba đội tuyển của cộng đồng bạn.

Ban tổ chức rất mong sự hiện diện đông đảo của các đồng hương hâm mộ tại giải bóng tròn tưởng niệm hai cựu danh thủ VNCH một thời vang bóng.

Mọi chi tiết xin liên lạc: Võ Thành Sơn điện thoại: 714-651-9957. (TTC)

MỚI CẬP NHẬT