Monday, May 6, 2024

Bác Cát là người độc đáo

Bác Hà Tường Cát

Tôi có thời gian dài làm việc tại báo Người Việt nên có dịp biết hầu hết các chú, bác mà người ta hay gọi là “nhóm Người Việt.” “Nhóm Người Việt” không chỉ vì là họ làm chung, cùng xây dựng tờ báo Người Việt, mà còn vì những sinh hoạt xã hội của họ từ thời thập niên 1960 ở Sài Gòn. Các sinh hoạt tập trung vào thanh niên, sinh viên, hoạt động xã hội, du ca. Có thể kể đến các tên tuổi: Đỗ Ngọc Yến, Hà Tường Cát, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh, Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu…

Trong các chú, bác này, tôi gần với bác Cát nhất. Bác Cát là người thông minh, sắc bén, thao lược, suy nghĩ và hành động độc lập, một maverick! (Mà đã là maverick thì chắc chắn sẽ làm nhiều người phiền lòng, thậm chí bực bội). Tôi có cảm giác, với bác Cát, cuộc đời này “dễ như không.” Nói chuyện với anh Đinh Quang Anh Thái, tôi nói “bác Cát là người độc đáo.” Anh Thái chỉnh: “Độc đáo LẮM.”

Bác Phạm Phú Minh gọi tôi lúc tôi đang làm việc. Biết ngay là phải có chuyện. Bác nói ngay: Có chuyện buồn. Bác Cát mất rồi.

Vĩnh biệt bác Cát, hút với bác một điếu Marlboro trắng, gói mềm nhé bác. Vẫn nhớ bác luôn rủ hút thuốc và luôn cho cháu điếu đầu tiên. Xé cái bao, kéo điếu thuốc ra ở lưng chừng đầu lọc, cho cháu rút, rồi mỉm mỉm cười, nhìn, hất cằm, ý như “thích không?”

Bác Hà Tường Cát và Phạm Phú Thiện Giao. (Hình: Uyên Nguyên)

Sẽ luôn nhớ các bài tổng hợp thời sự của bác. Ngắn, dễ hiểu, nắm bắt các khai triển chính của thời cuộc. Cũng sẽ nhớ hoài những giải thích của bác về hiện tượng động đất hay dầu đá phiến.

Bác Cát có thời gian dạy toán tại trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, và vì thế được nghe kể về thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cùng bài thơ “khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên.”

Mong bác thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.

Phạm Phú Thiện Giao

[disqus_shortcode_codeable]