Monday, May 6, 2024

Nhớ về Hà Tường Cát

 

Trước tin buồn này, chúng tôi Ban Biên Tập và văn hữu của Diễn Đàn Thế Kỷ xin thành kính gửi lời chia buồn đến chị Hà Tường Cát (nhũ danh Nguyễn Thị Kim Dung) và toàn thể tang quyến.

Hồi nhớ lại thời giữa thập niên 1960, chúng tôi, những Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Toàn, Hà Dương Thị Quyên, Nguyễn Thị Cẩm Hường, Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Ngọc Báu, Trần Đại Lộc, Hà Tường Cát, Lê Đình Điểu, Đỗ Anh Tài, Đoàn Viết Hoạt, Phan Văn Phùng, Phạm Phú Minh… gặp gỡ nhau trong CHƯƠNG TRÌNH HÈ 1965, một chương trình trại công tác thanh niên rộng rãi trên toàn miền Nam. Phần lớn chúng tôi là những giáo chức trung học, nên “hoạt động thanh niên” gần như có nghĩa là các sinh hoạt ngoại khóa trong trường học, gồm thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoặc trại công tác giúp cho xã hội… Vì thế, đúc kết các hoạt động sau mùa Hè 1965, tất cả đều nhận ra nhu cầu cần tăng cường các sinh hoạt trong học đường.

Sang mùa Hè năm 1966 một chương trình mới ra đời: CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SINH HOẠT THANH NIÊN HỌC ĐƯỜNG, gọi tắt là CPS. Anh Hà Tường Cát được bầu làm Trưởng Quản Trị của chương trình này, và các anh em giáo chức khác đảm nhiệm các phần hành chuyên môn như Nghiên Huấn, Trại Công Tác, Hành Chánh Tài Chánh… CPS hoạt động mạnh vào mùa Hè 1966, mỗi tỉnh đều có thành lập Ban Điều Hành, và các sinh hoạt trại hè đã đem đến một tinh thần mới cho học sinh, nhất là tạo được ý thức trách nhiệm cho các em đối với xã hội quanh mình. Anh Hà Tường Cát đã đóng vai trò Trưởng Quản Trị một cách xuất sắc, vừa nắm vững phần lý thuyết, vừa điều hành hoàn hảo việc tổ chức trại trên phạm vi toàn quốc từ đầu cho đến cuối chương trình.

 

Đại Học Sư Phạm Sài Gòn – Lớp Sử Địa 3 (năm thứ hai, 1961-1962) chụp chung với Thầy Tăng Xuân An. Hà Tường Cát thắt cà vạt, ngồi bìa phải. Lâm Vĩnh Thế, người cung cấp hình này, là người đứng thứ nhì từ phải qua. (Hình: Phạm Phú Minh)

 

Chính vì thế, sau mùa Hè 1966, Bộ Giáo Dục thời bấy giờ đã quyết định biến Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường này thành một chương trình thường xuyên trong nền giáo dục trên toàn quốc cho đến năm 1975.

Qua hoạt động thanh niên với tinh thần trong sáng, nhóm anh em tham gia chương trình trở nên rất thân thiết với nhau. Vừa tình bạn, vừa tinh thần gần gũi nhau, thấu hiểu nhau với một lý tưởng chung trong công tác giáo dục. Rồi biến cố Tháng Tư 1975 đến, gây tan tác cho tất cả: Người thì vào tù, người thì đi thoát ra nước ngoài, cũng có một số anh em tiếp tục dạy học trong chế độ mới. Anh Cát thuộc “diện” vào tù, giống như Điểu, Lộc, Minh… Rồi cũng đến lúc ra khỏi tù, và theo tiếng gọi của khung trời tự do, anh em lần lượt ra đi, đến nơi có một số đông đảo anh em đến trước đang cư ngụ và làm việc. Đó là miền Nam California, một vùng gọi là Quận Cam, và một khu phố gọi là Little Saigon. Nơi đây đặc biệt có một tờ báo tiếng Việt lớn nhất hải ngoại, là tờ Người Việt.

Tờ Người Việt do anh Đỗ Ngọc Yến sáng lập từ năm 1977, dần dần quy tụ anh em cũ, hoặc sang từ 1975, hoặc vượt biên, hoặc đi Mỹ theo những chương trình khác, cùng nhau biến tờ Người Việt thành một công ty cổ đông, và cùng nhau đóng góp tài năng, công sức của mình để xây dựng tờ báo ngày một vững mạnh hơn. Trong cuộc phỏng vấn của Jeffrey Brody vào năm 2003, Đỗ Ngọc Yến đã nói rõ đặc điểm của tờ báo Người Việt là không có ai là chủ nhân, giống y như tờ Le Monde bên Pháp. Tất cả anh em đóng góp vốn liếng và sức lực của mình, và cùng hưởng lợi nhuận mà tờ báo mang lại.

 

Từ trái: Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát, Ngô Nhân Dụng, Đỗ Anh Tài. (Hình: Ngô Nhân Dụng)

 

Anh Hà Tường Cát đến Mỹ theo diện HO vào năm 1990 và gia nhập ngay vào Ban Biên Tập của báo Người Việt, chuyên viết những bài có tính chất bình luận thời sự chính trị rất hay, được độc giả ưa chuộng. Những năm về sau, tôi phụ trách tạp chí Thế Kỷ 21 cũng của công ty Người Việt, phát hành rộng rãi đến nhiều nước trên thế giới, rất nhiều lần tôi đã xin những bài đó của anh Cát để đăng lại trên Thế Kỷ 21, vì giá trị phổ quát của chúng.

Tôi được biết khi còn trẻ anh Cát đã học môn Toán ở đại học Sài Gòn trước khi thi đậu vào ban Sử Địa của Đại Học Sư Phạm. Tôi nghĩ trong người anh vừa có sự chính xác của Toán học rồi sau đó lại học những môn khoa học nhân văn là Sử và Địa nên các nhận xét của anh về mọi sự kiện vừa chính xác mà vừa rộng rãi thâm trầm, từ đó đã tạo ra những bài viết có giá trị. Từ một nhà giáo dạy giỏi, anh đã trở nên nhà báo thành công, tôi nghĩ môn Toán học và Sử Địa có góp phần để anh tạo nên những cái đặc sắc của mình.

Từ khoảng hai năm nay, sức khỏe anh Cát dần dần suy yếu vì anh bị một cái bướu trong thận. Anh đã phải nhiều lần vào ra bệnh viện, có thời gian được bệnh viện gửi đến nằm tại nursing home. Khi có dịch corona virus, gia đình đón anh về để săn sóc tại nhà. Ngày 2 Tháng Tám, anh bị đau dữ dội, gia đình phải đưa vào bệnh viện. Anh đã qua đời tại bệnh viện lúc 7 giờ 30 sáng ngày hôm nay, 3 Tháng Tám, 2020.

Quen biết nhau đã trên nửa thế kỷ lúc tóc còn xanh, anh Cát và tôi cùng nhiều bạn khác đã trải qua biết bao vui buồn của vận nước nổi trôi. Ba mươi năm cuối đời tị nạn tại Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu cùng nhau vào thập niên tám mươi của cuộc đời. Thời gian 20 năm qua, một số anh em đã rủ nhau đi trước qua bên kia thế giới. Theo lối nói của những người chuyên tổ chức trại, chúng tôi gọi những người đi trước là những kẻ tiền trạm, đi nghiên cứu địa hình địa thế trước để đón đám đóng trại đến sau. Hôm nay anh hẳn đã được gặp những bạn đi trước.

Xin cầu chúc anh Hà Tường Cát một cuộc hội ngộ vui mừng với các bạn bè đang chờ anh ở thế giới bên kia, và xin anh và các bạn khác thong thả chuẩn bị tư thế để đón chúng tôi là những kẻ sẽ đến sau.

Westminster 11 giờ khuya ngày 3 Tháng Tám, 2020

Phạm Phú Minh

 

[disqus_shortcode_codeable]