Friday, March 29, 2024

Châu Long (Kỳ 32)


LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.


 


Kỳ 32


 


Bên ngoài, trời an gió lặng, sáng trăng vằng vặc, nàng cảm thấy như có một bàn tay dịu hiền đang lau nước mắt cho nàng, phải chăng là Quan Âm Thị Kính đã chấp thuận lời nàng?


Nhẹ nhõm, nàng trở về phòng, thấy chú Tiểu đã nằm co quắp ngủ tự bao giờ.


Trèo lên giường, nàng kéo chăn trùm kín đầu, mà không sao ngủ được, trong tai còn văng vẳng tiếng nói của ông Chu Mạnh Tử… (Nét ngang nét phẩy, như phượng múa trước long đình) ông già này tinh lắm! Mình phải coi chừng mới được!


Trời đã sáng tự bao giờ, nàng dụi mắt trông ra ngoài, vắng teo, không có bóng người, Pháp Tâm đã đi quét sân chùa đằng xa, mỗi khi hễ chú tiểu dậy trước, bao giờ cũng đánh thức nàng, hôm nay chú lại quên gọi nàng?


Sư cụ và Chu Mạnh Tử đã dậy chưa hay còn ngủ?


Châu Long búi tóc, đội khăn, rồi ra vại nước rửa mặt vội vàng… lấy dáng tự nhiên, lên thư phòng như mọi ngày.


Không có một tiếng động, nàng ghé mắt nhìn qua khe cửa… yên tâm, vì hai ông bạn hãy còn gởi mộng hồn theo cõi phật.


Nàng vào tam bảo, làm công việc hàng ngày… dọn dẹp, rũ cái chiếu mà sư cụ vẫn ngồi tụng kinh, lau cái kệ, cái chuông, cái mõ, sắp lại sách kinh, pha một ấm nước trà nóng, rửa mấy cái chén, úp xuống dĩa.


Xong công việc nàng tha thẩn ngoài vườn, nhặt lá rụng… cắt những cành cây khô. Bỏ vào trong cái thúng, mặt trời đã lên cao, nàng còn cặm cụi nhổ cỏ, mỏi lưng quá, nàng đứng lên vươn vai cho đỡ mệt.


Từ đằng xa, trước mặt nàng. Sư cụ và Chu Mạnh Tử đang vừa đi vừa nói chuyện.


Nhà sư chắp tay niệm phật, Chu Mạnh Tử đạo mạo đúng bực quan liêu…


Vừa trông thấy nàng, nhà sư gọi:


– Lương! Con lên đây chào ông bạn của thầy. Quan Ngự sử, Chu Mạnh Tử, người ở Bắc Giang. Ngài với thầy ngày xưa đã cùng nhau mười lăm năm đèn sách.


Châu Long cố giữ vẻ tự nhiên, cúi đầu lạy Chu Mạnh Tử ba lần.


Quan Ngự Sử cầm tay nàng ngắm nghía.


– Con tên là Châu Lương phải không? Ðêm qua Trần Thiếu Tâm… à sư cụ Thích Thiên Kính đã nói chuyện về con với ta, ta đang kiếm một người thư đồng để cùng ta tiến kinh. Nếu đi cùng một đàng, con có muốn theo ta không?


Ta có đứa con trai tên là Mạnh Ðức, chắc thế nào nó cũng sung sướng được con là bạn nó.


Thoáng trông sư cụ… nàng thấy trong mắt người có một vẻ buồn… nàng toan từ chối, mà vì cơ hội độc nhất, nếu nàng không nhận thì khó lòng mà tìm thấy Dương Lễ, vả lại ông quan này có quen nhiều người ở trong kinh thành, biết đâu ông ta có thể giúp nàng được.


Còn đang tiến thoái lưỡng nan… thì nhà sư đã trả lời hộ nàng:


– Thượng quan thương môn đồ của bần tăng… bần tăng hơi buồn nghĩ đến lúc phải xa lìa người học trò độc nhất, nhưng bần tăng rất sung sướng vì thượng quan sẽ săn sóc nó như đứa con vậy.


Nhà sư quay lại nàng nói:


– Con nên sắp xếp khăn gói… theo quan Ngự Sử về nhà… khi nào ngài vô kinh sẽ đem con đi theo, thấy chỉ dặn con là phải coi ngài như thầy thôi, thầy chắc ngày sau… thầy gặp lại con.


Nhà sư ngừng lại, không nói nữa, cố nén nỗi buồn đến tận đáy lòng… kéo cánh tay Chu Mạnh Tử ra vườn.


Ðứng một mình trên thềm, Châu Long không biết là vui hay buồn, đời của nàng đã trải bao lần sinh ly tử biệt, tuy vậy mà trong tim nàng đang rào rạt những mối tiếc thương!


Nàng thương nhà sư vì một năm nay đã coi nàng như đứa con, đã dạy nàng bao lời trung nghĩa, đã giảng cho nàng những phép nhiệm mầu của các đấng Từ bi….


Châu Long đã tôn kính nhà sư như người Sư phụ, mà vẫn dạy dỗ nàng từ thuở còn thơ… hơn nữa, nàng đã coi nhà sư như người cha già thân mến.


Nhắm mắt lại, nàng cảm thấy một nỗi buồn vô tả. Hình bóng Lễ lại hiện ra… Lễ mà hôm cùng nàng tuyên thệ dưới ánh trăng trong sân nhà của mẹ con nàng!


Nhất quyết ra đi, để rồi… ngày sau, thế nào nàng cũng còn trở lại ngôi chùa này.


Quỳ lạy xin nhà sư tha tội, vì nàng đã vì hoàn cảnh mà lừa dối người…


Nàng nguyện xin thờ phụng nhà sư như cha nàng vậy!!


Pháp Tâm lấy chổi sẽ quét vào chân nàng. Giật mình quay lại… nếu không sắp ra đi, thì nàng đã cáu với chú Tiểu, hôm nay nàng chỉ nhìn chú mỉm cười thôi.


Châu Long muốn biết vì tại làm sao mà chú Tiểu đã cắt tóc đi tu sớm quá vậy?


Tính nết còn như trẻ con, liệu về sau chú Tiểu này có tu hành cho thành chánh quả được không?


Nàng không muốn nghĩ nữa… vì nếu nghĩ quanh, nghĩ quẩn… nàng sẽ thương hết tất cả mọi người xung quanh… bỏ lỡ đời nàng.


Nàng chặt lưỡi. Nghĩ nhân thế… mềm gan lắm lúc, làm sao mà mình giải quyết được mọi sự trên đời… mục đích của nàng là đi tìm Lễ, nàng biết chắc là Lễ vẫn đợi nàng. Bước chân vào trong bếp, trông thấy bà vãi, móc túi lấy ra một tờ giấy, mà đêm qua nàng đã viết vội vàng bài kinh mà bà ta thích đọc, đưa tay cho bà… mắt bà vãi sáng lên… miệng cười toe toét, sung sướng cám ơn nàng, nét mặt trở nên thành tâm, lẩm nhẩm khấn thầm, nghe không rõ… Trịnh trọng bà gấp tờ giấy lại, rồi buộc vào dải yếm.


Châu Long về phòng, xếp gọn quần áo bỏ hết đồ đạc sơ sài của mình vào trong cái tay nải, mấy quyển sách được gói thật kỹ ghép vào bên cạnh quần áo.


Hành lý của nàng vẫn như hồi mới đến chùa… mà ngày nay nặng hơn vì thêm hình bóng của nhà sư, Pháp Tâm và bà vãi!


Quãng đời ngắn ngủi của nàng ở trong chùa… mà biết bao nhiêu là kỷ niệm như in vào tâm não nàng.


Trưa hôm ấy, sư cụ cho phép nàng hầu cơm với hai người. Ðâu có đói! Nàng chỉ nhấm nháp thôi.


Nàng được ngồi trước mặt quan Ngự Sử, thấy ông này râu hùm, hàm én, lông mày rậm, đôi mắt sáng như sao, va lành, mũi cao, miệng rộng, nhân trung sâu, cứ theo sách học về tướng, thì người này rất trung hậu.


Chu Mạnh Tử vừa ăn vừa nói, nhà sư cũng chẳng nhớ gì về Tam quy… Ngũ giới nữa.


Rượu ngon… bạn hiền… ngồi uống rượu ngâm thơ.


Bất giác, Chu Mạnh Tử nhìn vào chén rượu của Châu Long nói:


– Nam thực như hổ. Nữ thực như miêu, anh chàng Châu Lương ăn uống nhỏ nhẹ như con gái vậy!


Nghe tiếng (con gái) như sét đánh! Nàng tưởng mình đã sơ suất điều gì… mà quan Ngự Sử đã nhận ra chăng! Nhất định đi tới cùng… nâng chén rượu lên môi, uống một hơi cạn chén! Gắp miếng đậu nướng bỏ vào miệng nhai… nhồm nhoàm như con trai…


Nhà sư vỗ vai nàng nói:


– Châu Lương chắc hắn là dòng dõi con nhà nho giáo, nên ăn uống lễ phép như vậy, chứ nhi nữ nào theo kịp gót anh chàng! Phải không con?

MỚI CẬP NHẬT