Friday, March 29, 2024

Châu Long (Kỳ 35)


LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.


 


Kỳ 35


 


Tuổi xuân có hạn… ngày xuân có kỳ… Bất giác nàng ngâm khẽ như nói với mình:


Lần đi… lần một bạc đầu… ai ơi, tham ấn phong hầu mà chi?


Chu Mạnh Tử vỗ tay khen: Con cũng biết ngâm thơ nữa à? Mà sao con ngâm như oán trách ai đi mãi mãi.


Châu Long vừa sợ, vừa thẹn, thì ra ông này như chuột ngày… ông đã đứng đằng sau ta tự bao giờ? May mà ta chỉ ngâm vài câu khẽ thôi, ông đoán tâm sự ta, tưởng ta là bần sỹ si tình chăng?


Muốn cho ông đi sâu vào sự hiểu lầm… nàng trả lời:


– Thưa thầy… ngày xưa con còn nhỏ dại, cha mẹ có hứa hôn con cùng một cô con gái một ông Ðồ nghèo như nhà con, xong con hẹn xin cố học đi vào kinh ứng cử… cho thỏa chí nam nhi, khi tên họ ghi trên bảng vàng… con sẽ về làng, cùng nàng trăm năm đầu bạc… nàng cũng nguyện sẽ đợi con cho đến trọn đời…


Con nghĩ nay đời con lênh đênh như con thuyền không lái, không biết con có thể giữ trọn lời hứa với nàng không, nên trong khi gió mát trăng thanh, con động lòng mà ngâm câu thơ đó.


Mạnh Tử vỗ vai nàng nói: Chí khí nam nhi của con thật hiên ngang… nghĩa con đáng trọng, khi tới kinh, thầy sẽ giúp con thỏa chí tang bồng.


Người lái đò nghe hai thầy trò Châu Long nói chuyện biết nàng không phải chỉ là một kẻ tôi đòi… nên tỏ vẻ yêu kính nàng.


Hai thầy trò lại vào trong khoang thuyền… nàng làm giường, quét dọn lau án… mài mực hầu thầy. Ông quan ngồi rung đùi đọc sách.


Sáng hôm sau thuyền cập bến sông Thương…


Bao nhiêu là thuyền lái buôn, thuyền chuyên chở, kẻ lên người xuống, nhộn nhịp, không có để ý đến bọn nàng. Người lính đưa hai tay đón Chu Mạnh Tử đi trên chiếc ván dùng làm cầu, từ trên thuyền xuống bến…


Nàng đeo hành lý theo đằng sau. Mấy người lính hầu bưng đồ hành lý của chủ, đặt lên cái xe có con ngựa kéo về nhà…


Nhà của gia đình họ Chu, đúng là phú quý, cửa các, nhà son, hoa trồng, cỏ xén.


Châu Long cảm tưởng như lạc lõng tới động đào nguyên.


Vốn quê mùa, mộc mạc… nàng không có thể tưởng tượng được là trên đời này lại có người giầu sang thế! Tôi đòi tấp nập, kẻ đỡ áo, người nâng khăn… lính hầu đã khuân đồ đạc vào hậu đường.


Nàng còn đương đứng ngơ ngác ở trong sân… khăn gói trên vai, như lẫn vào với cỏ cây… không để có ai để ý đến nàng cả.


Một đứa bé con chừng tám tuổi, mặt mũi khôi ngô. Chạy ra kéo tay nàng.


– Châu Lương! Có phải tên anh là Châu Lương không? Thân phụ tôi bảo ra đón anh vào hậu đường, rồi nó lôi tay nàng xềnh xệch ấy.


Châu Long theo đứa bé đến nhà sau, nhà gạch mái ngói… rộng rãi bao la…


Ngó quanh quẩn trang thiết trong nhà uy nghiêm làm sao!


– Tên em là Chu Mạnh Ðức. Anh ở luôn đây với em nhé.


Mạnh Ðức vì quen trong nhà lúc nào cũng đông người nên cậu chẳng lạ ai cả.


Nhờ có Mạnh Ðức đưa đi xem nhà cửa, vườn và tất cả các sân nhà nên buổi sáng đi nhanh quá.


Sắp đến bữa ăn trưa, Chu Mạnh Tử cho gọi nàng lên trình diện với bà mệnh phụ.


Mạnh Ðức không rời nàng một bước.


Trên chiếc sập gụ, bà ngồi xếp chân vòng tròn… bên cạnh bà có một cái giáp giầu bằng gỗ… chạm trổ xà cừ. Một cái khay chân quỳ, trên có bộ ấm chén để dùng trà.


Ðứng chắp tay bên cạnh bà, có một cô con gái hầu… đợi bà sai bảo.


Châu Long theo Mạnh Ðức bước vào phòng. Bà ngẩng đầu nhìn, lễ phép, nàng cúi đầu vái chào bà, đang luống cuống, vì không biết gọi bà là gì… thì Mạnh Ðức đã nói:


– Thưa thân mẫu… đây là Châu Lương… thân phụ con đã đem anh về với con, Lương ngoan lắm… cái gì anh cũng biết, thân mẫu cho phép anh ở trong phòng con nhé.


Bà nhìn con cười, nói: Con trai tôi, hôm nay có người chơi với nó. Nếu anh dạy được cho nó học hành thì nó muốn làm gì cũng được.


May quá, nàng đã tìm ra… mình gọi bà này là chủ mẫu… danh có chính thì ngôn mới thuận được.


Châu Long dõng dạc thưa: Kính thưa chủ mẫu, bần sỹ nhờ quan nhà cho về đây, hầu hạ quan lớn, và chủ mẫu. Bần sỹ xin hết lòng trông nom cậu Mạnh Ðức.


Giọng của bà như người mẹ hiền: Thôi anh đừng gọi Mạnh Ðức là cậu nữa, gọi nó bằng em là đủ rồi.


Nàng cám ơn rồi cáo lui, nghe như quan Ngự Sử có một người con gái… sao lại không cho nàng chào cô ta nhỉ? Nàng nghĩ bụng: Nam nữ thụ thụ bất tương thân…


Chắc vì lẽ ấy mà hôm ở chùa ông quan ngần ngừ chưa muốn nhận nàng đi theo ngay.


Về sau thấy nàng đứng đắn, nghiêm trang, nên ông mới nhận lời gửi gấm của nhà sư.


Nếu ta còn ở đây một tháng, rồi mới tiến kinh, thế nào cũng có dịp gặp cô tiểu thư ấy.


Quan ngự sử tri gia rất nghiêm… lính lệ, hay gia đồng… không bao giờ được lên tư thất của ông, chỉ có những người hầu đàn bà thôi mới được vào nơi đó.


Gia đình ông thật đề huề đầm ấm.


Bà Chu Mạnh Tử tuy cũng là ngôi mệnh phụ đường đường. Mà vẫn giữ đạo thờ chồng… Cử ấn tề mi…


Cô con gái thì như người cấm cung, cô đọc sách, thêu thùa, trong tư thất của cô, chỉ có ngày rằm… mồng một theo mẹ ra vườn hái hoa để đi lễ trời phật thôi.


Mạnh Ðức cùng nàng ở chung trong mấy gian nhà… nàng phải trông nom bài vở, dạy cậu viết nôm, viết tự, nàng rất dịu dàng, và giảng bài thật kỹ, nên học đến đâu, hiểu đến đấy.


Khi Mạnh Ðức đi học, nàng vẫn phải lau án, tưới cây, mài mực, xếp dọn sách của thầy, đã hơn một tuần trăng nàng sống dưới mái nhà đầm ấm này, có thì giờ nhàn rỗi, Chu Mạnh Tử lại gọi nàng lên thư phòng dạy học và bình văn.


Nàng ăn cơm với người nhà, thấy nàng lễ phép, đứng đắn, nên ai cũng kính yêu…


Chưa bao giờ nàng gặp mặt cô tiểu thư con gái ông bà Chu Mạnh Tử.


Một hôm nàng dạy cho Mạnh Ðức một bài văn nôm:


Vũ… là mưa, trên trời rơi xuống.


Oa… là ếch, trong lỗ nhảy ra.


Trúc… là đuốc tìm soi thấy nó.


Thủ… là tay bắt bỏ vào lồng.


Ðao… là dao, băm kêu cúc cắc.


Duẫn… là măng nấu thật ngon đời.


Mẫu… là mẹ, ngồi ăn hết cả.


Tử… là con, ngồi khóc hu hu.


Mỗi người, mỗi hư… cũng vì con ếch.

MỚI CẬP NHẬT