Friday, April 19, 2024

Vàng Ðen (Kỳ 31)


“Vàng Ðen” là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Dũng Tiến, được xây dựng trên những tư liệu cùng huyền thoại liên quan tới vùng “Tam Giác Vàng,” một trong những nguồn sản xuất và cung cấp thuốc phiện (“vàng đen”) lớn nhất thế giới. Ngoài việc viết văn, tác giả Nguyễn Dũng Tiến cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên có công gầy dựng vườn cây ăn trái cho người Việt ở xứ người. Ông hiện là chủ nhân vườn cây LA Mimosa Nursery, 6270 East Allston Street, Los Angeles, CA 90022-4546. Tel: (323) 722-4543. Ðược sự cho phép của tác giả, Người Việt hân hạnh giới thiệu tiểu thuyết “Vàng Ðen” trên mục truyện dài của Nhật Báo Người Việt cũng như Người Việt Online.

 

Kỳ 31

 

Kể từ đó, hắn biến thành đệ tử của Phong. Hai thầy trò như bóng với hình. Gần hắn, Phong mới khám phá ra những sở trường của hắn. Hắn xuất thân từ một gia đình chài lưới vô cùng nghèo khó tại ngay Sa Huỳnh, hoàn toàn không biết đọc đến một chữ Việt Nam vì không được đi học, do đó không nói được tiếng Mỹ cũng là một chuyện dễ hiểu cho hắn nhưng hắn có một cái thông minh ngầm và một sức khỏe ghê gớm.

Người hắn đen sì như một tượng đồng đen vì nguyên một thuở ấu thời, hắn đã mình trần suốt ngày ngoài biển khơi theo cha chài cá. Việc gì chỉ đâu, hắn hiểu ngay đến đó và hoàn tất tốt đẹp đến độ không ngờ.

Tình cờ gặp lại hai tên Lào con, cả bọn rủ nhau trồng thêm cần sa. Phong đã thuê được mấy chục mẫu đất của bộ lạc Pechanga, hy vọng tụi Mỹ sẽ không để mắt đến công việc của Phong. Cả bọn đã chiếm được cảm tình từ tù trưởng bộ lạc cho đến tất cả những người sống lẩn quẩn trong bộ lạc.

Thành công được một vụ cần sa ngon lành. Nhưng Phong không thể nào chiều lòng tất cả mọi người.

Vài tay sừng sỏ trong bộ lạc thấy Phong làm ra tiền ngay trong cú đầu tiên, bắt đầu lại kiếm chuyện. Chúng đã chận xe của Phong ngay tại đầu đường dẫn vào bộ lạc, rồi cho người lên núi đòi tiền chuộc. Rật đã đơn thân xuống ngay, lưng đeo cây M 16. Không xài đến súng, Rật đã chơi dao, một mình đã đốn bốn đứa bọn chúng thật giang hồ, thật ngọt khiến cả bọn chạy mặt. Thay vì trả thù vặt, chúng quay lại hợp tác bằng cách nhận mối trải cần sa. Ðó chính là con người của Rật.

-Trình trung tá, nó như vậy đó, do đó tôi mới dám dùng cá nhân tôi để bảo đảm một cách tuyệt đối về hạnh kiểm của nó.

-Ðược, đương nhiên nó sẽ theo anh qua Lào, nhưng với trình độ học vấn như vậy, có lẽ nó phải thủ vai câm thì hay hơn. Anh nghĩ sao?

-Trình trung tá, tôi nghĩ cũng không có nhiều trở ngại với chính hắn, vì hắn lì lì cả ngày, chẳng chuyện trò gì với ai cả, ngoài tôi. Khi nhậu nhẹt, hắn cũng chỉ lầm lì uống, mở tai nghe chuyện thôi. Hắn có thể làm được.

-Ðược, anh chuẩn bị đi, già lắm cũng chỉ tuần lễ nữa, anh với tụi nhỏ sẽ lên đường. Trong lúc chờ đợi, có gì cần giải quyết, ý tôi nói những chuyện cá nhân gì anh cần phải làm, để chúng tôi lo, hoặc anh có thể nhắn những huấn luyện viên do tôi gởi đến, chúng tôi sẽ lo.

-Trình trung tá, tôi tứ cố vô thân, đâu có gì phải tính toán nữa, gặp lại trung tá, thật sự tôi đã quá mừng.

Chào từ giã hai vị thượng cấp, Phong vội vã đi tìm Rật và hai người Lào. Vội vã đến độ không biết rằng, thiếu tá phó đang nhìn theo, lắc đầu.

-Hắn hơi mềm, quá nhiều tình cảm.

 

Chương 6

 

Tiếng động ồn ào, huyên náo phía dưới lầu làm Phong Sương tỉnh hẳn. Dễ chừng đã hơn tám giờ sáng. Phiên chợ được nhóm họp hằng ngày, ngay hai bên vệ đường, trước mặt căn nhà ba từng, nơi Phong Sương vừa tỉnh giấc.

Tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng trả giá, tiếng kèo nài đã tạo nên một thứ tiếng động kỳ lạ. Phong Sương không biết tiếng chợ vỡ là gì, nhưng cũng đoán lờ mờ tiếng chợ vỡ xem chừng cũng không hơn thế này. Nằm nhắm mắt trong giây lát để cố chấp nhận thứ tiếng động rất quen thuộc này, của những ngày tháng hơn hai mươi năm về trước. Từ từ, Phong Sương mới nhận thức ra được mình đang sống tại nhà cô Hai, đã ngủ qua một đêm ở Sà Vằn (Savannakhet).

Cả một thời ấu thơ như hiện ra trước mắt. Không phải những ngày thơ ấu đuổi bướm, hái hoa, vì Phong Sương đã không bao giờ có được những cơ hội ấy. Tính tinh nghịch nên đã bị gởi hết nhà cô này đến nhà cô khác. Các cô không kềm chế nổi nên cũng đành thả lỏng, muốn đi học thì tốt, không đi cũng không sao. Lại nữa, các cô lúc nào cũng cần người lanh lẹn, đáng tin cậy như chính cháu ruột của mình để còn đếm hộ tiền bán thuốc phiện, cũng như đứng bán thuốc phiện.

Chưa đến mười lăm tuổi, Phong Sương đã thích làm đỏm. Chính cái thích đã tạo nên cái “muốn.” Thỏa mãn cái “muốn” ấy, cần phải có tiền. Phong Sương đã rất chịu khó làm việc cho các cô để có được tiền.

Hằng ngày, chịu khó ngồi trông cửa tiệm cho cô Hai, để bán thuốc tây lẫn thuốc phiện. Cuối ngày đếm tiền, đóng cửa tiệm và giao tiền cho cô. Thể nào cô cũng véo cho một mớ tiền. Cô Hai rất hài lòng với người cháu gái, dù biết chắc thể nào người cháu gái cũng đã xoáy chút đỉnh trước khi trao tiền cho mình. Trông cách ăn diện đỏm đáng của cháu gái, cùng số tiền vừa phải hàng tối cô thưởng cho, cô biết chắc cháu mình thể nào cũng thụt két chút đỉnh mỗi ngày, nhưng khổ nỗi, nó lại quá giỏi nên cô phải làm lơ.

Ðang quấn chăn mơ màng, bỗng có tiếng hỏi ở ngoài cửa vọng vào:

-Gại (gái) đạ dậy chưa hỉ?

-Cháu dậy rồi cô ơi.

-Vậy thì mi phiên phiến lên còn ăn sạng.

Giọng Huế của cô Hai nặng trình trịch. Phong Sương biết ngay cô muốn đùa với mình, vì cô đã có thời gian ở Pặc Sế (Pakse), cô đã pha khá nhiều tiếng người miền Nam. Hôm nay, cô quay lại giọng Huế nặng trịch vì cô biết Phong Sương rất ghét giọng Huế. Phong Sương cũng không vừa, trả treo lại ngay:

-Vậy chừ sáng ni cô có cái chi?

-Mi dậy đi, rồi muốn cái chi cũng có. Nằm trưa trật như ri, tan chợ rồi thì mi húp mắm.

Rửa mặt, trang điểm qua loa, Phong Sương tọt ngay xuống dưới, kéo cô Hai bước vào chợ.

-Trời ơi, cô coi, gần hai mươi năm cũng chẳng có gì đổi khác cả.

Phiên chợ ở vào cao điểm nhất của nó, chín giờ sáng, cũng vừa lúc hai cô cháu sánh vai tìm quà sáng.

-Cháu muốn ăn gì?

MỚI CẬP NHẬT