Monday, March 18, 2024

Alain Robbe-Grillet, cha đẻ của trào lưu ‘tân tiểu thuyết’ Pháp

Trần Doãn Nho/Người Việt

“Tân tiểu thuyết,” dịch từ tiếng Pháp “nouveau roman” (tiếng Anh: new novel), là một trào lưu văn chương xuất hiện ở Pháp vào đầu thập niên 1950. Người được xem là “cha đẻ” của trào lưu này là Alain Robbe-Grillet.

Ông Robbe-Grillet sinh ngày 18 Tháng Tám, 1922, tại Saint-Pierre-Quilbion, gần Brest ở Brittany, Pháp, trong một gia đình có truyền thống khoa học kỹ thuật. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản là “Les Gommes” (Những Cục Tẩy) vào năm 1953. Truyện kể về một tay thám tử đi điều tra kẻ sát nhân trong một vụ án chưa hề xảy ra, để cuối cùng khám phá ra rằng chính định mệnh đã khiến cho anh ta trở thành một kẻ sát nhân.

Với một cách viết hoàn toàn mới, cả về cách hành văn lẫn bố cục và nhân vật, “Les Gommes” đánh dấu cho một cuộc cách mạng toàn diện trong tiểu thuyết, do đó, mà về sau mệnh danh là “Tân tiểu thuyết.” Tuy vậy, ông cho biết nó “không nhằm chỉ ra một trường phái nào” cả. Nó chỉ là “một cách gọi thuận tiện những người đang tìm kiếm những hình thức tiểu thuyết mới có thể diễn tả hay sáng tạo những tương quan mới giữa con người và thế giới.”

Các “tân tiểu thuyết” của Robbe-Grillet và của những nhà văn thuộc trào lưu này như Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon… xây dựng nhân vật với những chi tiết lý lịch sơ sài, thậm chí không có lý lịch, không có cá tính, không tên tuổi. Thời gian và không gian thì cực kỳ mơ hồ. Thay vào đó là sự tường thuật một cách dửng dưng, khách quan những cảm nghĩ, những cử chỉ, hành động của nhân vật và những sự vật bề bộn chung quanh. Nhân vật tiểu thuyết là một con người, thế thôi, không cần phải tra vấn gì thêm.

Năm 1955, ông xuất bản cuốn thứ hai, “Le Voyeur” (Kẻ Nhìn Trộm). Truyện xoay quanh các chi tiết đáng ngờ của một vụ sát nhân. Truyện có rất ít đối thoại, không hề diễn tả trạng thái nội tâm cũng như tư tưởng của nhân vật và thời gian thì hoàn toàn mơ hồ. Tác phẩm này lôi cuốn được thêm sự tán thưởng của một số các nhà trí thức tiền phong khác. Tuy thế, cách xây dựng nhân vật lạnh lùng, vô cảm khiến cho người ta giật mình, hoảng sợ.

Chính vì thế mà mặc dầu đoạt giải “Critiques,” có một sự kiện không mấy vui: Một trong các giám khảo của giải từ chức để phản đối. Mặt khác, những nhà phê bình và điểm sách bảo thủ nhất loạt đứng lên tấn công tác giả. Điều nghịch lý là, thay vì dìm Robbe-Grillet xuống, cuộc tấn công đó đã vô tình đưa tác phẩm của ông vào giòng chính của cuộc tranh cãi văn chương.

Sau cuốn này, ông chính thức bỏ nghề nghiên cứu khoa học, và dành hết thời giờ cho việc viết lách. Ông phụ trách biên tập về văn chương cho nhà xuất bản Minuit. Đầu thập niên 1970, ông cộng tác với tạp chí văn chương “Tel Quel,” nơi tập trung những cây bút lừng lẫy một thời như Julia Kristeva, Jacques Derrida, Roland Barthes…

Sau “Les Gommes” và “Le Voyeur,” trong vòng 20 năm, ông xuất bản thêm chừng một tá tác phẩm, trong đó có những cuốn nổi bật như “La Jalousie” (1957), “Souvenirs du Triangle d’Or” (1978), “La Reprise” (2001… Trong số đó, “La Jalousie” được đánh giá rất cao. Truyện dựng trong khung cảnh một căn nhà thuộc địa trên một đồn điền chuối, liên hệ đến cuộc điều tra có tính khoa học về khả năng quan sát của con người. Được viết ở ngôi thứ nhất và phi-tuyến tính (non-linear), nó kể lại câu chuyện của một người chồng nghi ngờ vợ mình có quan hệ bất chính với một kẻ láng giềng, nhìn qua khe hở của bức mành mành để quan sát người tình của vợ.

Mặc dù là người kể chuyện nhưng nhân vật (người chồng) không bao giờ sử dụng đại từ ngôi thứ nhất (tức là “tôi”). Hắn ta kể lại những biến cố trong đó hắn hiện diện mà y như thể hắn không hiện diện ở đó; sự hiện diện chỉ được suy đoán qua chỗ ngồi trong bàn ăn hay vị trí của các chiếc ghế đặt trong mái hiên. Hắn ta cũng diễn tả những hình ảnh mà người đọc tùy nghi, có thể xem chúng là thực cũng được hay là sản phẩm của tưởng tượng cũng được, đặc biệt là về những gì dính dáng đến vụ ngoại tình. Ngay cái tựa đề cũng có tính cách “chơi chữ.” Trong tiếng Pháp, “jalousie” vừa có nghĩa là “ghen” mà cũng vừa có nghĩa là “bức mành mành.”

Tác phẩm sau cùng là “Un Roman Sentimental,” xuất bản chỉ vài tháng trước khi ông qua đời, Tháng Mười, 2007. Cuốn này gây nên chấn động trong giới chức Pháp vì chứa đựng nhiều đoạn diễn tả táo bạo các quan hệ tình dục loạn luân.

Ngoài tiểu thuyết, Robbe-Grillet còn viết kịch bản phim và đạo diễn phim. Với tên tuổi lên cao trong văn giới, vào năm 1961, ông được mời viết kịch bản phim cho phim “L’année dernière à Marienbad” của Alain Resnais.

Sau đó, ông chính thức nhảy hẳn vào ngành điện ảnh, không những để viết kịch bản phim mà còn làm đạo diễn. Trong số cả chục phim do ông đạo diễn, có những phim rất nổi tiếng và được đánh giá cao vào giữa thập niên 1970 như “Glissements Progressifs du Plaisir” (Những Cơn Trượt Dài Của Khoái Lạc), “L’homme qui Ment” (Người Nói Láo/1968), “La Belle Captive” (Người Nữ Tù Xinh Đẹp/1983), “Jeu Avec le Feu” (Đùa Với Lửa).

Tuy viết nhiều, và là người tiên phong của một trào lưu tiểu thuyết, nhưng ngoài nước Pháp ra, Robbe-Grillet không được biết rộng rãi ở các nước khác ở Châu Âu. Trái lại, ông lại khá nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Một số tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh và phổ biến tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong hơn hai thập niên, từ 1971 cho đến 1995, ông được mời giảng dạy tại các đại học New York và St Louise.

*

Ngoài sự “nổi loạn” trong văn chương, đời sống cá nhân của Robbe-Grillet đầy những sự kiện “nghịch thường.” Nghịch thường đến độ kỳ cục. Chả thế mà ông được đặt cái biệt danh là “enfant terrible” (anh chàng lập dị) của nền văn chương Pháp.

Là người vốn thích được nổi tiếng, ông rất khoái xuất hiện trong các diễn đàn quốc tế dù nói không sõi tiếng Anh. Lại ưa khoe khoang. Với một cá tính như thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc đời ông trải qua nhiều vụ tai tiếng.

Một trong những vụ tai tiếng xảy ra trước khi ông chết, vào năm 2004, xuất phát từ những tiết lộ khá động trời từ chính bà vợ của ông, Catherine Rstakian, qua cuốn hồi ức về những năm chung sống đầu tiên với Robbe-Grillet có tựa đề “Jeune Mariée” (Cô Vợ Trẻ). Catherine diễn tả về chứng bất lực cũng như sự hoang tưởng về tình dục của chồng mình.

“Anh ấy thích đánh đập, thích cắn, thích gây đau đớn một cách cuồng nhiệt,” bà viết. Bà cho biết hồi đó, hai người thường hay đi đến các câu lạc bộ tình dục hoặc quan hệ qua đêm với những người lạ tình cờ gặp nhau trên tàu điện. Theo bà, Robbe-Grillet chỉ bằng lòng cho hai người ngủ chung khi nào ông có thể đánh đập bà. Dẫu đời sống gia đình bất thường như thế, hai người vẫn sống chung cho đến khi Robbe-Grillet từ trần. Hai người lấy nhau vào năm 1957. Và không có con.

Ông Robbe-Grillet qua đời hôm 18 Tháng Hai, 2008, tại bệnh viện đại học Caen, miền Tây nước Pháp, thọ 85 tuổi. Đánh giá toàn bộ sự nghiệp của Alain Robbe-Grillet, nhà phê bình John Fletcher phát biểu: “Robbe-Grillet là nhà văn quan trọng nhất – dù không hẳn là vĩ đại nhất – của Pháp, một người đã làm thay đổi bộ mặt của văn chương thế giới, cho dù là làm cho nó tốt hơn hay tệ hơn.”

Cũng xin nói thêm: Trào lưu “tân tiểu thuyết” đã từng được giới thiệu tại Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1970, trước khi Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam, do nhà văn Hoàng Ngọc Biên. Có dịp, tôi sẽ giới thiệu nhà văn Hoàng Ngọc Biên với độc giả Người Việt.

MỚI CẬP NHẬT