Monday, March 18, 2024

Đinh Phụng Tiến, từ ‘bia miệng’ tới ‘hồi kết không có hậu’

Du Tử Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Căn bản là nhà văn, nên tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” đã chủ tâm ghi lại trong tập truyện của ông khá nhiều… “danh từ riêng.”

Tôi gọi là danh từ riêng vì nó chỉ có và chỉ được dùng trong hàng rào trại tù “cải tạo.” Khi ra khỏi trại tù thì những danh từ riêng đó, sẽ tự nhạt phai dần, cho tới khi mất hẳn.

Như trong truyện “Chuyện Cổ Tích,” Đinh Phụng Tiến nhắc tới những mẩu sắn (khoai mì) có tên là “sắn nút chai.”

Ghi nhận về sự “ra đời” của cụm từ “sắn nút chai,” ông nói rõ hơn rằng, vì điều lệ của trại “cải tạo” bắt buộc tù nhân phải “lao động vinh quang” đủ 7 tiếng một ngày; cho nên khi nhóm tù nào phải đi lao động xa trại giam thì, họ phải rời trại từ trước 7 giờ sáng. Những đội di chuyển quá xa thì họ được phép mang theo… “cơm” là vài củ sắn luộc để “thông tầm.”

“Cơm” ở đây, được tác giả giải thích là “…‘vài củ sắn, có khi là sắn tươi, có khi là sắn lát, sắn bằm, sắn ‘nút chai’…” để “thông tầm” là băng qua bữa ăn tối. Khi về lại trại, tù “cải tạo” chỉ bị điểm danh rồi chui vào buồng giam (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 79).

Vẫn theo tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” thì sắn “nút chai” là loại sắn cắt khúc, phơi khô từ mùa trước… “cứng như nút chai, hay vài củ khoai lang sùng hoặc một nắm bo bo còn nguyên vỏ là bữa cơm chiều để kịp điểm danh, rồi cán bộ khóa kín buồng giam… (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 79, 80).

Nhưng nếu những danh từ riêng đó, sẽ biến mất theo thời gian, thì những câu vè thời đại hay, những câu “ca dao bia miệng”… lại sẽ mãi còn! Vì, đó là những bức tranh xã hội một thời (vẽ bằng chữ) mà tác giả là đám đông, quần chúng. Nó như một thứ “ký ức cộng đồng” theo Carl Jung.

Cụ thể, cũng trong “Chuyện Cổ Tích,” tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” đã ghi xuống một số câu “vè thời đại” hay, “bia miệng thời đại” liên quan tới sự kiện ông Võ Nguyên Giáp bị thất sủng. Đúng nhất, phải nói là ông bị hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ làm nhục.

Câu chuyện khởi đi khi đội tù của tác giả phải dậy sớm, đi sớm để  kịp “xuống đồng” lao động. Tác giả kể, hằng ngày, ông và các bạn tù vẫn đi qua một kho thóc của hợp tác xã. Cái kho đó, ngày xưa vốn là một trường học cấp một. Về sau, trường càng ngày càng đi xuống vì đàn ông, con trai phải lên đường nhập ngũ chống… “Mỹ, Ngụy”… Do đấy thành phần dân chúng còn lại chỉ toàn đàn bà, con gái, lấy đâu ra trẻ con đi học?! Chưa kể thời điểm ấy, nhà nước Cộng Sản miền Bắc lại đưa ra “quốc sách” hạn chế sinh đẻ… khiến cho ngôi trường kia thêm phần vắng vẻ, tiêu điều hơn nữa.

Từ sự kiện thực tế này, tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” liên tưởng tới chuyện ông Võ Nguyên Giáp. Ông viết:

“Đại tướng ngày xưa cầm quân, danh tiếng của đại tướng lừng lẫy. Bây giờ đại tướng trông coi cơ quan gọi là sinh đẻ có kế hoạch. Và một lần nữa, đại tướng lại chứng tỏ được thiên tài thao lược của mình. Nên dân gian có câu: ‘Ngày xưa đại tướng cầm quân/ Bây giờ đại tướng cầm quần chị em.’

Câu vè này chắc là của dân gian, của quần chúng ít học. Còn câu: ‘Ngày xưa đại tướng công đồn/ Bây giờ đại tướng công… kênh chị em’… Đích thị đây là thơ của thi sĩ Bút Trẻ, người thơ thiên tài sửa cái yêu vận của thơ lục bát làm cho câu thơ trở nên lãng mạn.” (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 80, 81).

Về “kế hoạch công đồn” chị em của ông Võ Nguyên Giáp, vẫn theo tác giả, được trung ương giao cho nhiệm vụ giới hạn mỗi gia đình chỉ được phép đẻ tối đa hai con. Vì thế ở miền Bắc thời đó, đã có khẩu hiệu giăng  khắp nơi rằng: “Gia đình có hai con/ Vợ chồng hạnh phúc.”

Nhưng có lẽ vì diện tích giới hạn của tấm “pa-nô” nên người viết đã biến khẩu hiệu này thành: “Gia đình có hai con vợ/ Chồng hạnh phúc.”

Ngôi trường không có học trò kia, dẫn tới việc “anh nuôi” (danh từ chỉ những tù nhân quá ốm yếu, được ở nhà lo bếp núc, trong lúc bạn tù khác “xuống đồng”), một hôm, dùng dao, lén cắt hai mặt da trống, mang về trại, chế biến thành một thứ thức ăn mang tính “bồi dưỡng” cho bạn tù. Tất nhiên, tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” cũng được chia một phần, nhỏ thôi. Ông gọi là miếng “bánh zippo.”

Khỏi nói về “hiệu ứng” kỳ diệu của miếng da trâu được dùng làm mặt trống, trở thành món ăn hiếm, quý đối người người tù quá lâu không cảm nhận được mùi, vị thịt… Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới việc miếng “bánh” có diện tích bằng chiếc zippo, đã đi vào giấc mơ tội nghiệp của tác giả, khi ngay đêm đó, ông mơ thấy ông đi lạc vào “khu vườn địa đàng!”

Ở khu vườn địa đàng đó, ông thấy có cả một dòng suối trong, ngọt là nước đường. Hai bên suối là những cây lớn, có cành rất to, treo chi chít, lủng lẳng những cục bột luộc to hơn cục bột luộc ở trại tù Yên Bái ngày trước của tác giả!

 

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Ghi nhận những nỗ lực của con”(Phần 1)

Ông cũng thấy (trong giấc mơ) những tảng đá to, bằng muối, được “anh nuôi” rang cháy, chế biến thành nước chấm. Lại có cả những khe núi mà “dòng chảy toàn là mỡ động vật!” Và, “anh nuôi” của ông đã biến hóa chúng thành… bánh cho bạn tù.

Nhưng, dù chỉ là giấc mơ, tác giả cũng không được hưởng trọn vẹn vì kẻng đánh thức tù dậy, chuẩn bị đi lao động. Tới đây, tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” viết: “Tôi tiếc, tiếc ghê gớm. Phải chi cán bộ trực trại gõ kẻng chậm hơn cho tôi một chút thì tôi đã được ăn cái bánh mà ‘anh nuôi’ chế biến rồi. Tôi tiếc những bước chân hụt vào vườn địa đàng…” (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 84, 85).

Tôi nghĩ, cách gì thì những khao khát trên vẫn chỉ phản ảnh những thiếu thốn vật chất quá lâu ngày của người tù “cải tạo!” Một khi họ được trả tự do thì, những khao khát trên đương nhiên không còn nữa. Nhưng có một thứ mà thời gian, không thể cho lại những người tù cải tạo có gia đình bị tan nát, chia lìa do những năm tháng cầm tù đem lại cho họ: Những đổ vỡ, mất mát tinh thần mà ngay thượng đế, dù có thương, xót bao nhiêu các  nạn nhân, cũng phải ngậm ngùi, bó tay. Đó là nội dung truyện ngắn cuối cùng trong “Kẻ Thắng Cuộc” của Đinh Phụng Tiến, tựa đề “Hồi Kết Không Có Hậu.”

Tôi không muốn vào sâu, thậm chí tóm truyện ngắn này. Nó như một vết phỏng tinh thần quá lớn của một số không ít, người tù “cải tạo” khi được trả tự do. Theo tôi, quyền tự khám phá, soi thấy mình trong những con chữ là quyền tối thượng, ý nghĩa nhất của độc giả. Những tri kỷ, những người tình của văn chương…

Vì thế, tôi chỉ muốn nói, trước bi kịch của cặp vợ chồng tên Xuân/ Thi, bị hoàn cảnh xã hội lột da cho máu ròng ròng chảy trước mắt nhau, ngày… “đoàn tụ,” dường đã khiến ngòi bút vốn “lạnh lùng” của Đinh Phụng Tiến bị cuốn theo những cơn lốc xúc cảm, vào sâu mọi ngõ ngách thân phận bi thảm của kiếp người.

Ông khiến độc giả mẫn cảm khó có thể kìm giữ được nước mắt. Họ khóc không chỉ bởi vì người đàn bà tên Thi, đã năn nỉ chồng cũ, cho bà được gặp thêm một lần nữa, trong vòng chưa đầy 24 tiếng, kể từ lúc được thấy lại người chồng bằng xương thịt mình. Bà muốn cho ông chứng kiến cái chết của mình, như một chuộc lỗi quá khứ nhầm lẫn, lúc bà tuyệt vọng ở vùng kinh tế mới, được tin ông đã chết trong trại giam, sau khi góp mặt trong ban hợp ca, ca ngợi lãnh tụ!

Tôi nghĩ, ở truyện ngắn cuối cùng tập truyện của mình, nhà văn Đinh Phụng Tiến đã hiển lộng khả năng dựng truyện, làm chảy nước mắt người đọc một cách tài ba, trong nhói đau từng khúc ruột của cá nhân ông, trước nhất? (Du Tử Lê)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT