Friday, April 19, 2024

Đọc thơ TchyA, tác giả về thế giới truyền kỳ

Viên Linh

Độc giả văn chương tiểu thuyết Việt Nam mỗi khi nghe nhắc đến tên nhà văn TchyA Đái Đức Tuấn (1908 – 8.1969), thường đưa ra một hai câu hỏi tò mò, như bút hiệu TchyA có nghĩa gì, hay tác giả có cái bút hiệu như thế có những bí mật nào chăng?

Bài này nhắc đến ông vì ông mất vào tháng này tại Sài Gòn, tới năm nay là suýt soát nửa thế kỷ, và với bút hiệu Mai Nguyệt, ông là một thành viên cốt cán trong nhật báo Tự Do thời Đệ Nhất Cộng Hòa tại Miền Nam, trong khi là tác giả những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, nội những nhan đề đã gợi sự chú ý của độc giả Việt Nam từ thời tiền chiến diệu vợi: Thần Hổ (1937), Kho Vàng Sầm Sơn (1940), Ai Hát Giữa Rừng Khuya, Đồng Tiền Vạn Lịch (1942),…

Nổi tiếng là nhà văn viết những truyện thần kỳ, song ông là một thi sĩ, thi phẩm đầu tay của ông là tập Đầy Vơi xuất bản năm 1940. Đầy Vơi có những câu như:

Áo xanh chàng ấy màu phai nhạt
Hoa thắm vườn ai nhụy võ vàng
Viết một lá thư nhờ gió gửi
Chờ con én liệng cái tin sang?

Tưởng yêu được mãi người trong mộng
Mộng đến tàn canh cũng não nùng…

Dưới đây chúng ta đọc nguyên một bài thơ của TchyA.

Bài này ông đề “tặng hương hồn phụ than,” một cách giản dị. Bài thơ xen kẽ nhiều thể thơ, như đoạn đầu là thơ bảy chữ, ngay khi sang đoạn hai chuyển sang thể lục bát, thời đó người ta viết như thế không thành vấn đề, song sau này văn chương miền Nam rất thận trọng trong kỹ thuật, cho dù là người ta làm thơ tự do, chứ í tai còn chen lẫn các thể thơ trong một bài như bài này.

Thoát tục

Thân đã phôi pha đầu gió ngược
Tài còn trôi nổi mặt trào xuôi
Bút toan rạch nát giang sơn cũ
Mò đáy tang thương, trọn cảm hoài

Tuổi xanh hăm sáu xuân rồi
Đầu xanh chọi mãi với thời đảo điên.
Đòi phen tỉnh giấc cô miên
Đã toan rũ sạch trần duyên lỡ làng.

Thân thế mang oan sầu, tủi nhục
Tài hoa trở lại tập văn chương
Đã già nông nỗi cùng cơ hội
Mà vẫn bồng tang với đoạn trường.

Sống liều nghịch với sầu thương
Thuyền cô, đẫm bong tà dương nhẹ chèo
Sương tàn lả ngọn ba tiêu
Lòng trần thoảng sạch, bể chiều nhấp nhô.
Hỏi đường lên cõi Hư Vô.
Aout 1933
[Chúng tôi để nguyên cách tác giả đề ngày tháng dưới bài thơ, Aout 1933]

Trong đoạn thơ có những chữ mà sau này người ta ít dùng: đòi phen thay vì “đôi phen” hay đôi ba lần, “cô miên” hay giấc ngủ cô đơn, là tiếng Hán Việt cũng ít ai dùng nữa, mà dùng sẽ bị coi là xáo mòn. Trong một bài báo ngắn, phần này chỉ nói về thơ của TchyA, một khi khác chúng tôi sẽ nói về thế giới của “Thần Hổ,” của “Kho Vàng Sầm Sơn” hay “Ai Hát Giữa Rừng Khuya” là những tác phẩm đã đưa ông vào văn học sử, như Vũ Ngọc Phan đã ca ngợi trong bộ “Nhà Văn Hiện Đại.”

Sau đây là một đoạn của một bài thơ dài, cho thấy thêm về thi phẩm “Đầy Vơi” của TchyA Đái Đức Tuấn.

Trường tình

Trăng soi bóng lẻ khi tròn khuyết
Mây chứng duyên thề lúc hợp tan
Cảnh đổi nước trôi tình vẫn thế
Vẫn dài đằng đẵng tựa thời gian.

…Em ơi có nhớ ngày mơ mộng
Tóc vẫn còn xanh, lệ chửa khan?
Ai tưởng rồi ra cơn gió bụi
Bắt tình duyên ấy chịu lầm than?

Mà nay gió thoảng hương tàn
Trăng đầm lơ láo, mây ngàn lả lơi.
Cuộc vui khôn ép miệng cười
Đỉnh chung khôn tẩy vế đời phiêu linh.
Lệ non tưới mãi biển tình
Mắt xanh khóc mãi ngày xanh những mờ.
Thân cô, xác đã như vờ
Lỗi thề, lỗi đến bao giờ mới thôi?
Novembre 1934.
[Đăng trên báo Ích Hữu 1936]

Mời độc giả xem bình luận “Người Việt đất Mỹ Kỳ 2” (Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT