Friday, March 29, 2024

Giờ phút cuối cùng!

Tác giả: Ðăng Nguyên


(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 tháng Tư và Ðời Tị Nạn)


 


Mới đó mà đã bốn mươi năm. Tháng Tư lại hiện về. Ký ức như in sâu theo thời gian trong tiềm thức thoáng qua đầy oan nghiệt, không thể phai mờ. Lai Khê, Bến Cát, Phú lợi, Phú Văn, Lái Thiêu, những địa danh mà tôi đã trải qua trong những ngày cuối Tháng Tư 1975 đầy máu lệ.


Tại căn cứ Lai Khê, nơi đồn trú của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh dưới quyền của Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ đã sẵn sàng tử thủ, chờ đợi một cuộc tấn công quy mô như trận Xuân Lộc của Tướng Lê Minh Ðảo. Nhưng cuối cùng đã không kịp xảy ra.


Tình hình tổng quát xấu đi. Tướng Lê Nguyên Vỹ lắc đầu thốt ra câu, “…Giả dạng bần tăng hết rồi…,” ám chỉ những người bỏ chạy trước binh sĩ.


Thay vì tập trung tử thủ tại Lai Khê. Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh chia làm ba: Bộ Chỉ Huy Hành Quân 1 do Ðại Tá Tư Lệnh Phó Trần Văn Thoàn chỉ huy di chuyển về căn cứ Phú Lợi phối hợp với Tiểu Khu Bình Dương. Bộ Chỉ Huy Hành Quân 2 do Trung Tá Văn, tham mưu phó di chuyển về Tân Uyên với Trung Ðoàn 7 bảo vệ phía Bắc phi trường Biên Hòa. Lực lượng còn lại do Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ và Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Từ Vấn chỉ huy sẽ bỏ căn cứ Lai Khê rút về tăng cường bảo vệ thị xã Bình Dương trong ngày 30 Tháng Tư.









Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, người tuẫn tiết vào trưa ngày 30 tháng Tư, 1975. (Hình chụp từ sách Lược sử Quân lực VNCH.)


Sáng ngày 29 Tháng Tư, tôi được lệnh tháp tùng đại tá tư lệnh phó theo đoàn xe di chuyển về căn cứ Phú Lợi. Ngồi trên xe Jeep, mở radio nghe đài Sài Gòn, bọn phản chiến Lý Quý Chung, Tôn Thất Lập, Trịnh Công Sơn… hát nối vòng tay lớn… mỗi lời, mỗi câu của bọn họ như mũi kim đâm vào tim của các chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tất đất của Miền Nam Tự Do.


Trong lúc đó tiếng đạn pháo kích của quân Cộng Sản đang dội vào căn cứ Củ Chi, nghe rền trời. Tôi cảm giác giờ phút ác chiến với quân Cộng Sản sắp bắt đầu.


Chiều 29 Tháng Tư, Bộ Chỉ Huy 1 của Trung Tá Văn cũng rút về Phú Lợi. Ta đã mất Chi Khu Tân Uyên, chỉ cách phi trường Biên Hòa một bờ sông Ðồng Nai.


Ðêm 29 Tháng Tư, căn cứ Phú Lợi bị pháo dữ dội. Trong hầm Trung Tâm Hành Quân, Trung Tá Ứng, tiểu khu phó Bình Dương và Ðại Tá Thoàn điều động các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 5 và Ðịa Phương Quân chống trả kịch liệt và gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị Cộng Quân có chiến xa yểm trợ.


Nhiều chiến xa T54 của quân Cộng Sản bị quân ta bắn cháy ngoài vòng rào. Ðại Tá Thoàn là một cấp chỉ huy rất dũng cảm, không sợ chết là gì. Dù đang bị pháo kích như mưa, ông vẫn rời hầm chỉ huy, đi ra ngoài kiểm soát các đơn vị phòng thủ quanh các giao thông hào. Tôi là biệt đội trưởng Quân Báo luôn đi sát bên ông, nhiều khi suýt mất mạng.


Suốt đêm 29, trên máy siêu tần số của Trung Tâm Hành Quân, tôi vẫn liên lạc đều đặn với Bộ Tư Lệnh ở Lai Khê, và nhiều lần nghe các chỉ thị của Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ.


Ðược biết chuẩn tướng đã ra lệnh cho Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn ở Lai Khê thiêu hủy tất cả hồ sơ, tài liệu của sư đoàn trong đêm 29 và đoàn xe hành quân di chuyển về Bình Dương đã sẵn sàng.


Tám giờ sáng 30 Tháng Tư, Ðại Tá Thoàn và Trung Tá Ứng nhận được lệnh rút khỏi căn cứ Phú Lợi về tư dinh của Ðại Tá Văn Văn Của, tiểu khu trưởng Bình Dương. Ðoàn xe di chuyển trong mưa pháo.


Ðến khu nghĩa địa giữa Phú Lợi và Thị Xã Bình Dương thì bị chiến xa T54 của Cộng Quân cắt ngang. Xe của Ðại Tá Thoàn và Trung Tá Ứng chạy trước nên qua khỏi, về tới dinh của Ðại Tá Của.


Phần chúng tôi còn lại phải theo đường nhỏ chạy ra Quốc Lộ 13, tôi mất liên lạc với đại tá tư lệnh phó. Trên Quốc Lộ 13, chúng tôi không thể quay vào thị xã Bình Dương được, đành nhập vào đoàn xe của Sư Ðoàn 25 BB từ Củ Chi chạy qua, hướng về Lái Thiêu. Ðoàn xe được dẫn đầu bởi nhiều chiến xa M48 và M41 nên cũng yên tâm.


Ðến Trung Tâm Huấn Luyện Phú Văn, gần chợ Lái Thiêu, trong lúc Trung Tâm Huấn Luyện đang bị bao vây, đánh nhau suốt đêm nhưng chưa bị thất thủ. Anh em trong Trung Tâm Huấn Luyện mặc dầu đang bị pháo nhưng vẫn vẫy tay gọi đoàn xe vào, nhưng đoàn xe vẫn chạy. Ðến đầu xa lộ Ðại Hàn thì bị phục kích, nhiều xe bị cháy. Thầy trò chúng tôi bỏ xe, lăn xuống mương nước bên kia đường thoát chết, nhờ có ruộng khoai lang dân mới trồng, luống khoai rất cao nên che được đạn AK. Ðạn pháo và súng nhỏ đang nổ liên hồi, tự nhiên im bặt, rất lạ lùng.


Chúng tôi theo luống khoai bò vào nhà dân mới biết lệnh ngưng bắn, buông súng đầu hàng. Vô cùng hoang mang và hoảng sợ. Trên đường từ Phú Văn ra tới xa lộ Ðại Hàn, xác anh em nằm la liệt. Tội nghiệp dân chúng ở Phú Văn giờ phút đó họ vẫn không sợ quân Cộng Sản, rất nhiều người dân ra khiêng anh em lính bị thương vào nhà băng bó. Tình quân dân rất cao cả.


Một trận mưa lớn đổ xuống, nước mưa đỏ hồng màu máu ngập mắt cá chân. Tôi lội đi trong dòng máu đỏ của đồng đội anh em. Chúng tôi quay trở vào Trung Tâm Huấn Luyện. Tất cả đều ngơ ngác, thất thần.


Tôi không quen ai trong Trung Tâm Huấn Luyện. Ðại Úy Trần Ðạo và mấy anh em khác ở lại đó. Tôi ra khỏi Trung Tâm Huấn Luyện thì bị bắt, vì đang mang vũ khí trong người. Cuộc đời binh nghiệp chấm dứt từ đó.


Trong tù, được tin Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê Nguyên Vỹ đã tự sát ở Lai Khê. Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Từ Vấn đã khâm liệm xác của tư lệnh và an táng trước sân cờ Bộ Tư Lệnh. Sau đó đại tá tham mưu trưởng và toàn thể sĩ quan đều bị bắt. Vì là đơn vị không đầu hàng. Tôi rất đau buồn. Nhớ tư lệnh, “sinh vi tướng, tử vi thần,” tôi đã làm thơ khóc:


“…Chiều ấy Lai Khê u uất lắm


Ðất trời cây cỏ ngập màu tang


Khi người nằm xuống, người nằm xuống


Ta đã mất rồi, mất Việt Nam…”


(Trong bài Ðốt Nén Hương Lòng)


Bốn mươi năm qua, có những điều chưa nói hết. Có những điều chưa biết hết. Có những người ôm hận mang xuống tuyền đài. Miền Nam Tự Do ơi!


Texas, tháng 3 năm 2015

MỚI CẬP NHẬT