Monday, March 18, 2024

Hoàng Cầm, những vòng nguyệt quế làm bằng thép gai

Du Tử Lê/Người Việt

Lần đầu tiên chúng tôi tìm, thăm nhà thơ Hoàng Cầm là buổi sáng. Đó là lúc con đường Lý Quốc Sư đã nhỏ, hẹp lại càng nhỏ hẹp hơn với hàng, quán lấn, tràn lề đường, bước sâu vào sinh hoạt thường nhật.

Tôi không biết điều gì khiến chúng tôi tìm ra địa chỉ của tác giả “Đêm Liên Hoan” có phần dễ dàng hơn lo ngại ban đầu. Tôi không biết có phải vì trước đó, Orchid Lâm Quỳnh đã được bà Văn Cao dẫn đi thăm “ông Hoàng Cầm” rồi, như một “tiền thám chuyên nghiệp” chỉ lại cho HT, hay tấm lòng trân trọng với “ông Hoàng kịch thơ Việt Nam” của hai thế hệ, là trực giác mạnh mẽ nhất, hướng dẫn chúng tôi?

Tác giả kịch thơ “Kiều Loan” là một trong hai tác giả mà tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi, cùng yêu mến. Người còn lại là “bác Mai Thảo” theo cách gọi của Orchid Lâm Quỳnh.

Với nhà thơ Hoàng Cầm, Orchid Lâm Quỳnh không dám gọi bằng “bác” – có thể vì không đủ tình thân? Khoảng cách giữa hai thế hệ quá lớn, hay những đóng góp của ông ở lãnh vực thi ca thời đầu kháng chiến, là lớp hào quang chói lòa, khiến Orchid Lâm Quỳnh dè dặt trong lần đầu gặp gỡ (?)

Tuy nhiên, cách gì, tôi vẫn nghĩ, không phải tác giả tiền chiến nào cũng được thế hệ sinh sau Tháng Tư, 1975, nhất là lớn lên ở hải ngoại, yêu mến như trường hợp Hoàng Cầm. Gia đình chúng tôi, lần lượt tìm đến ông, khi giai đoạn của những người đồng thời với ông, chỉ còn vài người, như Hữu Loan, Lê Đạt, Hoàng Cầm…

Khi HT phát hiện ra miếng giấy nhỏ đề tên “Hoàng Cầm,” dán trên thùng thư đầu ngõ Lý Quốc Sư, chúng tôi biết chắc chắn sẽ gặp nhà thơ thời kháng chiến, người có thơ được chép tay nhiều nhất, và thơ của ông, cũng là nguyên động lực khích lệ rất nhiều người trẻ thuở đó, lao mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp, như ghi nhận của cố nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của của ông.

Đứng ngẩn ít giây trước mảnh giấy ghi tên nhà thơ Hoàng Cầm, nhỏ bé, mờ nhạt nắng mưa, lạc lõng giữa xô bồ của quang cảnh buôn bán nhếch nhác lề đường, T. có vẻ không dằn được xúc động, nói:  “Tại sao người ta không gọi đây là ngõ hay hẻm Hoàng Cầm, mà gọi chi ngõ Lý Quốc Sư cho nó có vẻ khó khăn, xa lạ?”

Tôi nghĩ không ai có thể trả lời câu hỏi của T.; trừ chính quyền, mà chính quyền qua nhiều năm tháng, còn để tác giả “Đêm Liên Hoan” sống tới giờ phút đó, cũng đã là một “đặc biệt” lắm rồi, sau khi ông bị quy chụp là một trong những “thủ lãnh” của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm…

Cuối cùng, chúng tôi cũng được gặp người tự chọn cho mình cái định mệnh khốc liệt của lịch sử văn học Việt Nam, ở giai đoạn những vòng hào quang của ông, lại là những sợi dây thép gai không chỉ quấn quanh mà còn cột, trói cả phần đời thanh xuân của ông.

Mãi đến đầu năm 2007 ông mới được nhà nước nhìn lại – quyết định vinh danh ông, bằng “Giải Thưởng Nhà Nước” về văn học nghệ thuật với một khoản hiện kim, như một lời xin lỗi, gián tiếp, muộn màng!

Tôi cho rằng, với một giải thưởng dù trị giá hiện kim là bao nhiêu chăng nữa, cũng không thể chuộc lại, mua lại quãng đời trai trẻ mà Hoàng Cầm đã mất, chỉ vì đòi hỏi nới lỏng tự do cho văn học nghệ thuật Việt Nam thuở đó. Để tự đó, những tài năng xuất chúng của văn học, nghệ thuật thở được, sinh sôi, phát triển được…

Chúng tôi được nhà thơ có vòng hào quang làm bằng dây thép gai tiếp ở căn phòng khách nhỏ, đơn sơ, với vài chiếc ghế lỏng chỏng, tróc sơn, khó có thể đoán tuổi chúng! Nhưng giống như chủ nhân, chúng kiên trì chống lại sự “hoại, diệt” lạnh lùng, bất nhẫn (hay bất nhân) của thời gian.

Cách nhau mấy thế hệ, lại sống ở hai môi trường xã hội khác nhau, nhưng tôi vẫn đọc được trong mắt ông niềm vui nhuốm nỗi ngậm ngùi liu điu, khi tôi cho ông biết, thời trung học ở miền Nam, tôi đã được học một trích đoạn từ vở kịch “Hận Nam Quan,” ông sáng tác năm 1942, năm tôi mới được sinh ra:

“… Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu…”

Không hiểu vì xấu hổ hay mặc cảm, cho nên, dù đã dự tính, cuối cùng tôi vẫn không dám… “khoe” với tác giả “Hận Nam Quan” rằng, trong dịp văn nghệ tất niên cuối năm 1954, khi còn học lớp nhất ở trường Nam Tiểu Học Hội An, tôi đã được chọn đóng vai Nguyễn Trãi. Năm đó, tuy còn rất nhỏ, nhưng câu thơ, trích từ vở kịch kia, như có ma lực, khiến tôi xúc động muốn chảy nước mắt suốt thời gian tập diễn, cũng như giữa lúc “diễn kịch”… “vung gươm” (đọc lớn cho các bạn nghe).

Nhiều ngày, khi ra khỏi vở kịch đã lâu, trong tôi, trong giấc ngủ, những câu thơ như:

“Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu…”

Vẫn trở về, một khua động thần trí tôi. Lớn thêm, nhớ lại, tôi hiểu, tại sao khi “Hận Nam Quan” ra đời, được trình diễn cùng với các với vở kịch thơ khác, như “Bên Kia Sông Đuống,” như “Đêm Liên Hoan” đã thôi thúc thanh niên thời tiền chiến nôn nả, náo nức lên đường diệt ngoại xâm.

Trước khi phải chia tay ra về, tôi vẫn còn muốn nói với ông già còm cõi, xanh lướt, ngồi trước mặt tôi rằng: “Lần chót chúng tôi đi thăm tác giả ‘Lá Diêu Bông’ là một buổi tối cuối năm, hai năm, trước khi ông vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời… ‘bất nhân’ này. Nhưng đó cũng là cuộc đời mà, chỉ ông hiểu rõ, ông đã thương yêu, đã tha thiết ôm ấp nó như thế nào!

Thời tiết Hà Nội, khi ấy, thường có những trận mưa nhỏ, chạy từng chập trên mái nhà và, tác giả “Về Kinh Bắc” còn khỏe mạnh, tỉnh táo. Nhân có chiếc xe thuê, để hôm sau đi Nga Sơn, Thanh Hóa, thăm nhà thơ Hữu Loan, T. đề nghị, mời nhà thơ Hoàng Cầm đi ăn tối. Ông vui vẻ nhận lời.

Chúng tôi xin ông chọn một địa điểm ông thích.

Ông nói: “Chả cá Lã Vọng nhé…”

Đó cũng là một trong vài nơi chúng tôi muốn đến trong chuyến đi này. Nhưng khi nghe ông nói thêm: “Cũng gần đây thôi. Nhưng đã lâu, tôi không có dịp trở lại!…”

Câu nói thật lòng trong tình thân có với nhau, thoạt nghe thấy bình thường. Nhưng với T. và tôi lại là câu nói bất ngờ khiến chúng tôi điếng. Lặng. Tôi hiểu ông nói gì, và càng thấu hiểu hơn nữa, khi đọc được trong đôi mắt ông, niềm vui lóe lên, cùng nỗi muộn phiền, lênh đênh đâu đó, dường quá lâu chúng không có cơ hội hiện ra, cùng lúc (?).

Tôi nhớ, tối đó, khi trở về khách sạn, T. nói với tôi, phải chi có điều kiện viếng thăm Hà Nội thường xuyên, T. sẽ hỏi tác giả “Lá Diêu Bông” còn nơi chốn nào khác mà, “…đã lâu, tôi không có dịp trở lại!…” (?)

Đúng hẹn, chúng tôi trở lại “ngõ Hoàng Cầm” đón ông đi ăn. Trước khi lên xe ông hỏi chúng tôi, nếu ông đem theo một người bạn, ngoài người cháu vẫn lo chăm sóc ông, thì “có tiện không?”

Tất nhiên, chúng tôi không thấy có một trở ngại nào, ngay cả khi ông có đem theo nhiều hơn một người bạn.

Buổi tối trên căn gác ọp ẹp, nồng nặc hơi người, hơi rượu, trộn lẫn với tiếng sôi réo của mỡ trong những khay cá, làm thành một bản hợp ca mà hợp âm chính là màu của những lát hành tây, và những cọng thì là tươi nõn…

Chúng tôi lắng nghe những hồi ức của tác giả trường ca “Tiếng Hát Quan Họ” lập lại với bạn, như những miếng cá được chọn kỹ nảy lên, rớt xuống trong chảo mỡ, tựa ông đã trút bỏ được những vòng-kẽm-gai-hào-quang quấn quanh đầu và cột, trói thân thể, để ông có những ít giây phút hiếm hoi, thanh thản, bơi ngược dòng sông quá khứ.

Tôi nhớ, khi anh Vân, thành viên của tổ chức thiện nguyện “Help the Poor” ở Hà Nội, do chị Hoàng V. giới thiệu, chở chúng tôi về lại “ngõ Hoàng Cầm” thì trời đã sang khuya. Sương mù đã thấy như những dải lụa trắng, đục, rớt trên đường phố. Từ băng ghế trước nhoài người ra phía sau, nắm tay tôi, tác giả “Đêm Liên Hoan” hỏi: “Liệu chúng ta còn gặp lại nhau?”

Lần này, câu hỏi của ông là mũi tên xuyên thẳng vào trái tim chúng tôi. Nó không còn là câu hỏi lung khởi, tế nhị, mà nó là mặt khác của đời sống. Mặt tồi tệ, bất trắc nhất của con người, bất lực trước lẽ sống/chết. Tôi vừa trả lời, vừa nghĩ tới việc hủy bỏ chuyến đi Nga Sơn, Thanh Hóa, thăm nhà thơ Hữu Loan, sáng hôm sau: “Còn chứ. Chắc chắn chúng ta còn gặp lại nhau nhiều lần nữa, anh ạ…”

Tôi không biết tác giả “Bên Kia Sông Đuống” có nhận ra cái tôi quả quyết “chắc chắn,” nhiều phần chỉ là mặt khác của sự thực hàm hỗn!

(Ở tuổi chúng tôi, với khoảng cách địa lý cả một đại dương, tôi không nghĩ ai có thể dám chắc điều gì! Và, cái tôi gọi là “còn nhiều lần nữa” đã như những viên sỏi ném xuống một mặt nước, chưa tăm nào sổi lên thì, anh đã thành người… thiên cổ).

***

Cùng với cơn mưa nhẹ mang theo những bước chân chạy từng chập trên mái nhà thấp, ngọn đèn đường đầu ngõ Lý Quốc Sư chia một phần ánh sáng vàng nhợt, rụt rè tráng một lớp mỏng, rơi, rớt trên khuôn mặt vẫn còn đôi nét trẻ thơ, hóm hỉnh của “Ông hoàng kịch thơ Việt Nam.”

Ông cầm tay tôi, có dễ cũng nhiều phút sau. Một im lặng nhọc nhằn, nặng nề xâm chiếm không gian chiếc “van,” tựa đó là phút cuối của một buổi trình diễn kịch vắng khách mà, tấm màn nhung vẫn còn lưu luyến những hàng ghế trống, không đành khép lại.

Ngồi nán trong xe, chúng tôi nín thở nhìn chiếc bóng xiêu đổ của ba người đàn ông, bị con ngõ tối tăm Lý Quốc Sư nuốt chửng, như một hiến tế cuối của một đêm Hà Nội, sẽ không “công diễn” lần thứ hai!

Ngày 6 Tháng Năm, 2010, chúng tôi nhận được tin nhà thơ Hoàng Cầm không còn nữa. Hôm sau, T. lặng lẽ mang ra tiệm rửa hình, nhờ phóng lớn tấm ảnh chụp tác giả “Hận Nam Quan” và tôi, ở căn phòng trên lầu ba, nơi ông nằm những ngày cuối đời, gần như bất động bên chiếc bàn đèn, với cóng thuốc còn đầy; nhưng ông đã không thể hút thêm, dù chỉ một hơi nhạt nhẽo.

Vài hôm sau, mang ảnh về, T. lặng lẽ treo lên. Chúng tôi vẫn không nói với nhau, một lời nào! Chỉ nhìn nhau, sau khi đứng lặng trước chân dung một nhà thơ lớn của Việt Nam, và hào quang, như những vòng nguyệt quế làm bằng dây thép gai, cũng rất… lớn quấn quanh đầu và cột, trói cuộc đời ông.

***

Thưa anh Hoàng Cầm,

Anh mất đi cách đây cũng đã gần 10 năm. Chẳng những chúng tôi không dám trở lại con ngõ Lý Quốc Sư, mà tôi cũng không viết bất cứ một điều gì, liên quan tới những ưu ái anh đã dành cho chúng tôi.

Tôi nghĩ, nhiều phần anh không biết rằng: Tôi không có thói quen viết thêm, về một tình thân chung của cả gia đình chúng tôi, một khi người đó nằm xuống.

Cụ thể như mười mấy năm, sau cái chết của nhà văn Mai Thảo, thi sĩ Nguyên Sa… tôi không có một dòng chữ nào thêm, về họ. Tôi cho đó là việc làm của những người khác. Không phải tôi!

Tuy nhiên, lý do tôi có bài viết ngắn này, tựa nén hương muộn, đốt lên, tưởng niệm anh vì gợi ý (yêu cầu?) của một người bạn trẻ ở Việt Nam.

Đó là một trong những người trẻ hôm nay còn nặng lòng (rất nặng lòng) với di sản, cũng như những người làm văn học nghệ thuật ở các giai đoạn trước đây.

Thưa anh Hoàng Cầm, với những người trẻ hôm nay, như người bạn trẻ tôi đề cập trong thư này, tôi hy vọng, đồng thời tin tưởng, cách gì thì, những đóng góp tài năng, trí tuệ của những người như anh, sẽ mãi mãi, còn trong lịch sử văn học đất nước.

Đó cũng là chút tình về anh, vĩnh viễn ở với gia đình chúng tôi, cả hai thế hệ. (Du Tử Lê)

Mỹ cảnh báo Philippines không nên mua tàu ngầm Nga

MỚI CẬP NHẬT