Thursday, March 28, 2024

Lớp học cuối Tháng Tư 1975 và, Vũ Đức Thanh

Du Tử Lê

Thời trước Tháng Tư, 1975, tôi có nhận dạy thêm cho một số trường trung học ở Sài Gòn. Số trường và số giờ tôi dạy, không nhiều… Nhưng tôi sẽ không làm được việc này, nếu không có được sự cho phép không chính thức của nhà thơ Cao Tiêu (1929-2012), tức Đại Tá Hoàng Ngọc Tiêu, cục trưởng Cục Tâm Lý Chiến thời đó. Cũng như tôi sẽ không có được cho riêng mình, một vài kỷ niệm hiếm hoi, đáng nhớ.

Tuy thích nghề dạy học từ khi còn nhỏ, nhưng lớn lên, dầm mình trong sinh hoạt văn nghệ, lại bị luật lệ quân đội ràng buộc gay gắt, tôi xóa hẳn mơ ước đi dạy học của mình. Cho đến mùa khai trường năm 1971, do nhu cầu tìm chỗ dạy cho một người bạn ở tỉnh về, tôi có đến gặp ông giám học trường trung học Hiếu Nghĩa, gần doanh trại Cục Tâm Lý Chiến.

Tôi nhớ, ông giám học, cười cười, nhìn tôi một đỗi khá lâu, xong cho tôi một kết luận bất ngờ là: “Chúng tôi sẽ thu xếp giờ dạy cho người bạn của ông, chỉ với một điều kiện, ông phải nhận dạy cho chúng tôi ít giờ. Và cho phép chúng tôi quảng cáo tên ông trong ban giảng dạy.”

Phần tôi, tôi sẽ có đúng một tuần, để trả lời nhận hay không!

Tôi ra về với tất cả băn khoăn, ngỡ ngàng. Khó xử! Nếu không nhận lời, bạn tôi sẽ không có chỗ dạy. Nếu nhận lời, tôi sẽ kẹt với luật lệ của quân đội. Luật quân đội khi đó, quy định rằng, bất cứ một quân nhân tại ngũ nào, nếu muốn đi dạy ở các trường tư thục, đều phải xin phép với Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi không nghĩ giấy xin phép đi dạy học thêm của tôi sẽ được bộ chấp thuận. Khi mà giấy đó phải đi qua không biết bao nhiêu cửa ải! Cửa ải đầu tiên là ông trưởng phòng (sếp trực tiếp của tôi), lên tới trưởng khối, rồi văn phòng cục trưởng. Từ văn phòng cục trưởng, đơn xin của tôi sẽ phải trình lên tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.

Sau đấy, tôi thực sự không biết đơn xin của tôi còn cần phải đi qua những cửa ải nào khác nữa. Thí dụ, Cục An Ninh, Tổng Cục Quân Huấn…

Đã không chút hy vọng đơn xin đi dạy ngoài giờ được chấp thuận, mà có khi còn bị “tống” đi nơi khác vì cái tội tham lam (được ở Sài Gòn, lại còn xin đi dạy thêm…)

Gần hết hạn một tuần, tôi trở lại trường Hiếu Nghĩa, định nói lời cám ơn và từ chối, thì tôi gặp một người bạn, tên Khấn (sau này tôi mới biết anh là em vợ của ông giám học, dạy môn Lý Hóa).

Anh hỏi tôi đi đâu lạc mà đến đây? Tôi khai thật cái khó khăn của tôi là, rất muốn nhận lời dạy ít giờ. Nhưng xin giấy phép chính thức thì tôi không thể!

“Mà nếu không có giấy phép, tôi sẽ không thể để trường quảng cáo tên tôi trong ban giảng huấn.”

Thông cảm ngay. Bạn tôi nói: “Đúng rồi, không có giấy phép, dễ bị tố lắm, khi cho tên trên bảng quảng cáo…”

Nói xong, bạn tôi bảo tôi theo anh ấy.

Tưởng đi đâu, hóa ra anh đưa tôi vào văn phòng giám học. Tôi chưa kịp nói gì thì anh đã thay tôi nói với ông giám học, rằng, hãy mời tôi dạy thử ít tháng xem sao? Chưa kể, tôi cũng cần phải có thời gian để xin giấy phép.

“Theo em, trong thời gian đó, mình khoan sắp giờ dạy cho người bạn của anh ấy vội…”

Câu chuyện những tưởng khó có thể giải quyết được một cách êm ả, thì cuối cùng nó đã được dàn xếp một cách nhẹ nhàng, mà sung sướng nhất cho tôi là không phải mở miệng, nói năng gì thêm!

Tiễn chân tôi ra về, anh Khấn đặt một tay lên vai, thân mật bảo: “Nếu ông ngại thì ông có quyền quên đi cái vụ ‘giấy phép.’ Không có cũng chẳng chết thằng Tây nào. Sau một thời gian, mọi người đã quen với việc ông đi dạy thêm thì trường có thêm tên ông vào danh sách giảng huấn hay không, cũng chẳng ma nào nó để ý đâu!”

Bạn tôi nói đúng! Tôi đứng lớp một thời gian dài mà, không bị một rắc rối nào về phía thủ tục hành chánh. Mặc dù, có nhiều lần, tới sát giờ dạy, vẫn không thể có được vài phút thay quần áo dân sự, tôi chạy thẳng đến trường với bộ đồ lính đang mặc.

Nhưng một chuyện khác, tôi không biết phải xếp loại gì (tốt hay xấu?). Chỉ biết đó là một câu chuyện liên quan tới đời sống gia đình, vật chất của một người bạn khá thân. Ông là dân dạy tư thục chính quy, lâu đời và, có tiếng. Chính ông là người móc nối, hoặc chuyển lời mời của một vài trường tư thục khác cho tôi, khi họ muốn mời tôi về cộng tác.

Tôi nhớ hôm đó, vừa xong hai giờ Việt Văn đầu ngày, cho một lớp đệ tam C, thì một học sinh tìm tôi. Em nói, tôi có một thân nhân muốn gặp tôi, ở bên ngoài cổng trường.

Bất ngờ! Tôi vội vàng đi ra. Ngoài cổng trường khi đó, tôi thấy một phụ nữ còn trẻ, không quen, đứng nép một phía. Chị chủ động bước tới, tự giới thiệu tên Y., là vợ của giáo sư X, (chữ dùng thời đó) đi tìm X. vì mấy hôm nay X. không về nhà. Và, cũng không đưa tiền về để nuôi con…

Chỉ với chừng đó câu ngắn, gọn, tôi hiểu chuyện gì đã xẩy ra trong gia đình bạn tôi và, điều gì chị Y. cần nhất trong lúc này.

Tôi rụt rè đề nghị: “Chị có muốn tôi đưa chị vào văn phòng. Gặp ông giám học không?”

Ngập ngừng ít giây, chị Y. lắc đầu. Chị nói chị không muốn có bất cứ một chuyện không tốt nào, ảnh hưởng tới uy tín của chồng. Chị thêm: “Hơn nữa, chuyện này cũng lâu lâu mới xảy ra một lần anh ạ.”

Tôi hiểu rõ ý chị, chỉ muốn nhờ tôi tìm X… Nói với X. sớm mang tiền về cho chị nuôi con…

“Còn chuyện anh ấy với con học trò của anh ấy, chừng nào chán, anh ấy về lại với vợ con, cũng được!” Đó là lời nhắn chót, trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, mà tôi tin chị Y. không muốn… Nhưng chị lại không thể có được một chọn lựa nào khác!

Quan sát chị Y. gần hơn. Tôi thấy chị không son, phấn. Nhưng chiếc áo dài lụa, xanh dương, rộng thinh, phủ ngoài tấm thân gầy còm của chị thì thật không xứng hợp khi mắt chị trũng sâu, quầng mắt chòng chéo nhiều vết nứt âu lo, muộn phiền năm tháng. Chiếc quần tây màu xám, nhàu, xộc xệch trên đôi sandal màu trắng, xỉn, chẳng những không hợp mà, chúng còn tố cáo sự bấp bênh, ngổn ngang của đời sống vật chất, cũng như tinh thần người phụ nữ.

Không hiểu lý do gì mà, hình ảnh chị Y. lúc đó bỗng cho tôi thấy rõ sự bất hạnh của khá nhiều phụ nữ, có chồng thuộc giới văn nghệ sĩ. Nó cũng lao chao, ngặt nghèo như vợ những người lính trong chiến tranh vậy.

Tôi đặt tay lên một bên vai ốm o của chị Y., bằng tất cả lòng kính trọng, thông cảm, tôi hứa, sẽ đi tìm X. ngay và chuyển gấp những gì chị muốn nhắn.

Tôi đến rất nhiều trường, nhưng cũng phải hai ngày sau, mới gặp được bạn. X. có vẻ ngượng với tôi. Anh nói (như thề) sẽ về nhà ngay. Riêng chuyện cô học trò, X. xác nhận có. Nhưng là học trò cũ, chứ không phải hiện tại.

Trong ánh nắng của một buổi chiều sắp tối, đứng nhìn bạn nghiêng đầu trên chiếc vespa cũ, lao đi như một mũi tên buồn, không biết hướng về đâu? Tôi chạnh nghĩ tới mình. Lòng cũng hoang mang. Bất an. Với hàng trăm giằng co, níu kéo không lối thoát, giữa bản năng sinh tồn và mơ mộng hão huyền, bất trắc trong thực tế…

Bẵng đi một thời gian khá dài, vì tình hình chiến sự, đất nước, tôi không có dịp gặp lại X. Chỉ biết chắc, tính tới ngày 30 Tháng Tư, 1975, bạn tôi vẫn sống với người vợ thủy chung, đáng kính của ông. Điều tôi không biết là, 42 năm trôi qua, biết bao nhiêu thảm kịch của tù đày, mất mát, bạn tôi có còn giữ được cái hình ảnh hoang mang, thất lạc là: “Trong ánh nắng của một buổi chiều sắp tối, đứng nhìn bạn nghiêng đầu trên chiếc vespa cũ, lao đi như một mũi tên buồn, không biết hướng về đâu!”

(Còn tiếp một kỳ)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 21 tháng 4 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT