Tuesday, March 19, 2024

Lục bát sinh nhật

Viên Linh

Mỗi sinh nhật tôi lại nhớ đến bài thơ ấy của Cung Trầm Tưởng. Mỗi đêm mưa tôi lại đọc bài thơ ấy của Cung Trầm Tưởng. Đó là mùa mưa Sài Gòn. Đó là Sài Gòn của chúng tôi. Đó là những năm cuối thập niên ’50 – những năm của Hiện Sinh, của bản ngã, của đời sống thanh niên thành phố vừa vào tuổi hai mươi, của những đêm khuya ngã tư đèn vàng, những đầu tháng tạp chí văn chương. Của khói thuốc và sách vở. Của những buổi hẹn hò ở một góc sân trường; những cuộc tiễn đưa nơi sân ga bến buýt. Của vào đời và tan tác.

Mưa rơi đêm lạnh Sài Gòn
Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi.
Mưa hay trời cũng thế thôi
Đời nay biển lạnh mai bồi đất hoang.
Hồn tu kín xứ đa mang
Sớm hao tâm thể chớm vàng lượng xuân.
Niềm tin tay trắng cơ bần
Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa.
Đêm nay trời khóc trời mưa
Gió lùa ẩm đục trời đưa thu về
Trời hay thu khóc ủ ê
Cổ cao áo kín đi về đường tôi.
(Đêm Sinh Nhật, Cung Trầm Tưởng)

Đó là chúng tôi. Đó là Sài Gòn của chúng tôi, những năm đầu của cuộc vận động đổi mới chữ nghĩa, dăm ba thần tượng sụp đổ, một vài trường phái manh nha. Chúng tôi ghi nhận trong bất cứ cuộc vận động văn chương nào, Thơ đi trước. Thơ bao giờ cũng đi trước; thi sĩ là kẻ tiền-hô. Có bao giờ chưa, một cuộc vận động văn học thi sĩ lại không ở hàng đầu? Một biến động thời thế thi sĩ lại không biến đổi trước nhất?

Giữa thập niên ’20 Phan Khôi là người phá thể [với bài thơ Tình Già]. Đầu thập niên ’30 Đoàn Phú Tứ là kẻ xoay vần [với nhóm Xuân Thu Nhã Tập]. Để hình thành nền Thơ Mới. Ra ngoài đất nước, cũng chính là Thơ trước nhất đã dựng lại một nền văn học. Vũ Khắc Khoan làm thơ. Mặc Đỗ làm thơ. Võ Phiến làm thơ. 1975, những nhà văn phải làm thơ. Đương nhiên các thi sĩ không làm gì khác là làm thơ. Trong khi các nhà văn phải làm thơ vì biến động trước mắt thì các thi sĩ đã làm thơ rồi, vì biến động đã ở dưới chân thi sĩ, từ lâu, trên các nẻo đường xuôi ngược của thi sĩ, không ngừng.

Không biết làm thơ, vào trong tù, ai cũng có thể làm thơ. Thế thì khi thi sĩ vào tù, thi sĩ thường thường ở tù lâu hơn các ông tướng, và các thứ. Vào tù binh tướng bị lột khí giới; vào tù, khí giới của thi sĩ còn nguyên. Bạn tôi cũng vậy. Cung Trầm Tưởng cũng vậy, trước sau gì cũng vẫn làm thơ. Ở ngoài đời là một tay làm thơ. Tựa bên phải thì làm thơ bằng tay phải; tựa bên trái thì làm thơ bằng tay trái. Vào tù, hai tay bị còng, thì có “Lời Viết Hai Tay.”** [**nhan đề một thi phẩm của CTT.]

Từ cuối thập niên ’50 trở đi, Lục Bát Việt Nam không bao giờ còn như xưa nữa. Hình sắc, âm điệu, ngôn ngữ của hai dòng 6-8 đó – như một thôn nữ khăn vuông mỏ quạ váy quai cồng của đồng chiêm lúa mùa nhiều thế kỷ trước chốn Phong Châu – hiện thành Vệ Nữ và Hoàng Hậu, hiển lộng và rực rỡ – nhưng lại có chút man dại của bản năng và nhịp thở phố xá, qua thơ Cung Trầm Tưởng:

Đến anh thì đến hôm nay
Lỡ mai gió giật chở đầy mưa qua
Đến anh thân thể lụa là
Dài đuôi con mắt ngắn tà váy kiêu
Đến anh lưng thắt chiết yêu
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân

…Chờ em anh để râu xanh…
(Râu Xanh, Cung Trầm Tưởng)

Trước 1975. Một hôm Cung Trầm Tưởng đến tòa soạn Tạp chí Thời Tập của tôi trên đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn rủ tôi đi Cần Thơ dự “Đêm Con Đuông.” Con đuông là một thứ nhộng của xứ dừa, họa sĩ Ngy Cao Uyên ở Cần Thơ lấy tên Con Đuông đặt tên cho nhà xuất bản của anh, in ra những tập thơ mỏng, bìa là một họa phẩm nguyên tác nhỏ bằng lòng bàn tay; “Lục Bát Cung Trầm Tưởng” được in ra trong khuôn khổ này. Tôi còn nhớ chuyến bay chỉ có 4 người, kể cả phi công. Khi chiếc Bà Già bay trên ruộng rừng đất nước, nhìn ngắm những hố bom B.52 phía dưới, chúng tôi nói về những tàn phá của cả thù lẫn bạn. Rồi cũng không quên nói về thơ. Đêm ấy trên những chiếc giường sắt trong căn cứ Không Đoàn Vận Tải (mà ông họa sĩ chủ trì là trung tá chỉ huy trưởng), chúng tôi nói về màu sắc trong thơ.

1992. Nhớ Cung Trầm Tưởng, không có việc gì, với tấm bản đồ thành phố Paris trong tay, tôi đã lên một con tầu và bước xuống một sân ga: “Ga Lyon đèn vàng.” Sau này qua điện thọai, tôi kể anh nghe tôi xuống sân ga đó không phải để kiểm chứng xem bạn ta có phải là người đi xa về rồi nói chuyện linh tinh hay không, như ở ga Lyon đèn trắng lại nói nó đèn vàng hay không, mà tôi xuống đó, để đứng ở ga Lyon và ngó lên mấy ngọn đèn, nhớ bạn, và đọc thơ bạn và hát nhạc Phạm Duy ở đấy. “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế.” Ngược lại, cũng qua điện thọai, Cung Trầm Tưởng thuật lại cho tôi nghe, khi còn ở Sài Gòn, sau 10 năm ở tù Cộng Sản ra, đang lóng ngóng chuyện rời bỏ quê hương, thì nghe tôi nói về anh và về Thơ Lục Bát của chúng tôi trên đài Radio France International.

Bài nói trên Đài RFI ấy chính là trong cái dịp tôi bước xuống ga Lyon vào năm 1992 đó. (Dường như là do Thụy Khuê phỏng vấn.) Và ở hai phía Địa Cầu, như thế, cái tiếng Lục và cái tiếng Bát mà chúng tôi làm ra, chúng tôi ngâm lên, đã cùng được nghe thấy, trong một phút một giây của thời gian thật:

Hồn tôi cái đĩa thâu thanh
Tròn nguyên nét nhạc trung thành ý ca
Đồ rê mi phá sol la
Ngẫm từng âm điệu nghe ra trời buồn.

“Cơ bản, Thơ vượt lịch sử.” Cung Trầm Tưởng nói. Tôi đồng ý. Lịch sử vốn tái diễn không ngừng. Thơ vốn hồi sinh cùng thi sĩ. Lịch sử lập lại. Thơ không lập lại. Thơ xướng danh Lịch Sử và sang vòng chuyển hóa mới. Hiện tại của Lịch sử là nhà tù: tập thơ “Lời Viết Hai Tay” là dĩ vãng của thi sĩ.

(Viên Linh, Lời bạt cho thi phẩm của Cung Trầm Tưởng, 1992). Bổ sung 2012.

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT