Wednesday, April 24, 2024

Mặc Lâm: ‘Bàng Bạc Gấm Hoa’ thoát thai từ hồn tính dân tộc

Du Tử Lê/Người Việt

Với tôi, tủ sách Người Việt Books, ngày càng cho người đọc nhiều tác phẩm giá trị, ở nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống, tinh thần người Việt tỵ nạn. Mới đây nhất, sau “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên,” là tập tản văn “Bàng Bạc Gấm Hoa” của Mặc Lâm.

Khi những tác phẩm đó, phát hành, tôi đã đặt mua ngay một cuốn cho riêng tôi.

***

Đầu thập niên 1980 thế kỷ trước, khi Mặc Lâm còn định cư ở thành phố Portland, Oregon, tôi đã có cảm tưởng thành phố hiền hòa, thành phố duy nhất của nước Mỹ bao la, được gọi một cách thương yêu là “Thành phố hoa hồng” – “Rose City,” sẽ không thể giữ chân người thanh niên năng động nhiều sáng kiến này. (*)

Ở thời điểm đó, với bút hiệu Hoàng Phố, Mặc Lâm là một thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Việt Nam Oregon. (Đó cũng là thời điểm họa sĩ Rừng/Nguyễn Tuấn Khanh, cùng gia đình mới tới Mỹ, chọn Portland làm nơi dừng chân thứ nhất của đời tị nạn, trước khi di chuyển về miền Nam California).

Qua những họp mặt, những tâm sự, thao thức về những suy nghĩ mới mẻ bất ngờ của Mặc Lâm, tôi nghĩ, dòng sông Willamette river, có thể giữ chân một Từ Công Phụng, tài hoa, sau nhiều năm, tháng gập ghềnh sóng gió nhân sinh – Hay tiếp theo, sau này là quyết định đưa gia đình từ Nam California về định cư tại Rose City của một Vũ Thành An (lãng mạn đỉnh ngọn với 10 bài không tên)… sau những bầm giập, mệt mỏi từ dư luận… Nhưng Mặc Lâm thì không.

Tôi hiểu, thấu hiểu cụm từ “đất lành chim đậu” với những dòng sông sương mù, buổi sáng; biển lớn của nắng ấm ban trưa, hiền hòa; êm ả từ những thăm hỏi, những tình thân. Hay những đêm mưa rả rích người ta tìm đến với nhau qua những ly café bốc khói, khơi nguồn bao kỷ niệm, xa xưa… Nhưng, tất cả những êm đềm, những tình cảm gắn bó này, tôi nghĩ, vẫn không thể triệt tiêu nhu cầu thiên di của một tâm hồn thường trực khát khao nắng, gió chân trời của Mặc Lâm…

Tôi cho rằng, bất cứ đời chim khát khao vùng trời bát ngát nào, trước sau gì, cũng tìm tới khoảng trời cao, rộng, để thử sức bình sinh.

Vì thế, sau nhiều năm, tháng, hai chữ Hoàng Phố, gần như “biến mất” khỏi mọi sinh hoạt của Porland, tôi đã không ngạc nhiên, khi được biết có sự xuất hiện tươi, mới của một nhà báo tên Mặc Lâm trên làn sóng RFA (đài Á Châu Tự Do), trụ sở Washington, DC. Và, người đó, chính là Hoàng Phố, ở Portland, ngày nào.

Với những trải nghiệm tự thân, từ những năm tháng còn lao đao, vất vưởng ở quê nhà, qua những kiến thức học được từ trường ốc và, sách vở ở phần đất tự do này, tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy một sớm một chiều, qua đài phát thanh RFA, Mặc Lâm đã hóa thân thành một trong vài nhà báo xuất sắc nhất ở lãnh vực văn học nghệ thuật.

Là một người làm thơ (đôi khi còn phổ một số thơ theo bộ môn cải lương, để trình diễn trên sân khấu); nên khi nhận định về thi ca qua những bài phát thanh của mình, Mặc Lâm luôn cho thấy anh có một cái nhìn sâu, lắng… với những phát hiện hoặc, những câu hỏi nằm ở bên kia, rất xa, sau các con chữ…

Người ta cũng thấy rõ sự kiện đặc biệt hay tính thâm, sâu này, nơi những lãnh vực khác, như văn xuôi, hội họa, âm nhạc… khi Mặc Lâm bước vào, ở lại.

Tôi không nghĩ đơn giản: Đó là những gì nhà báo tích lũy lâu đời, trong tàng-thức của anh! Mà, nó còn là cộng hưởng của những nỗ lực “home-work” trước khi Mặc Lâm dấn thân, tâm vào một vấn đề, một thể tài nào đó.

Đặc biệt, nhiều người cho thấy sự thích thú bất ngờ của họ về những bài viết (phát thanh) của Mặc Lâm. Chúng luôn bật sáng – luôn hiện ra với nhiều khác biệt, khi so sánh với những nhà báo viết bài cùng thể loại. Tôi cho rằng, đó là khác biệt tự nhiên, đương nhiên giữa một nghệ sĩ làm truyền thông với một ký giả thuần túy.

Từ chỗ đứng của mình, nhà văn Phạm Phú Minh, trong lời tựa mở vào “Bàng Bạc Gấm Hoa” viết:

“…Từ nhiều năm qua thính giả của đài Á Châu Tự Do đã được nghe nhiều bài viết về văn hóa, văn học của Mặc Lâm, rồi sau đó được đọc trên trang nhà của đài. Nhưng dù nội dung của loạt bài đó có phong phú và linh hoạt thế nào đi nữa, chúng cũng chỉ đóng vai trò một mục của cơ quan truyền thông lớn, đến rồi đi, để nhường chỗ cho những chương trình tiếp nối như một dòng sông trôi chảy không bao giờ ngừng. Tâm lý con người trong thời đại truyền thông hiện nay thường bị phân tán do lượng thông tin lớn lao tràn ngập hằng ngày, khó có thể dừng lâu một chỗ nào.”

“Quyết định của nhà văn Mặc Lâm tập trung phần lớn các bài mình đã thực hiện để trình bày trên làn sóng điện – của đài phát thanh lẫn trang blog – để in thành một cuốn sách như hôm nay là một việc cần thiết. Cần thiết cho tác giả thì đã hẳn: một tuyển tập của những gì chính mình đã viết như một chứng tích các hoạt động văn hóa của của đời mình trong nhiều năm, đó là nhu cầu rất chính đáng của bất cứ một người cầm bút nào.”

“Nhưng lợi lạc của cuốn sách này mang lại, theo tôi, chính yếu thuộc về giới đọc sách. Quần chúng độc giả sẽ được thưởng thức một tuyển tập đặc biệt về nhiều vấn đề, từ các tác giả văn học như Mai Thảo, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Cung Tiến, Nguyễn Đức Sơn, Lê Tất Điều/Cao Tần, cho đến Nguyễn Quang Tấn, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Vàng Sao; các sinh hoạt ca hát dân gian như Hát Xoan, Ca Trù, Quan Họ, Bài Chòi, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, đến những nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình từ quá khứ (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…) tới các họa sĩ hôm nay như Ann Phong, Hồ Thành Đức và Bé Ký, Phạm Tuấn Dũng…”

“Tất cả những bài viết đó hôm nay được tập trung lại thay vì mất hút theo thời gian. Cuốn sách không dày nhưng chứa sức nặng của năm tháng lẫn sức nặng của sự quan tâm, nghiên cứu, hỏi han một cách cẩn trọng mỗi khi thực hiện một đề tài. Tác phẩm nay do đó mang một ý nghĩa tinh thần rất đáng trân trọng: Những nét đẹp khác nhau của nền văn hóa Việt Nam được nhắc nhở đến, mỗi bài như một tiểu phẩm để trình bày trong một chương trình phát thanh hoặc một bài báo, nhưng công lao, tấm lòng lẫn tinh thần mà tác giả đã gửi gấm trong đó thì tôi nghĩ không nhỏ chút nào.”

Thực vậy, với 39 bài viết, chia cho ba chủ đề: Tác giả, tác phẩm; Văn hóa dân gian, và Nét đẹp Việt, chúng không chỉ công phu, mà còn mang tới cho người đọc nhiều cảm thức bùi ngùi hãnh diện về những thành tựu của truyền thống văn hóa nhân bản Việt. Những thành tựu thoát thai từ trái tim nung nấu hồn tính dân tộc của Mặc Lâm; đã mang lại cho chữ, nghĩa Mặc Lâm, độ chín và tâm thành hiếm thấy trong sinh hoạt văn hóa của chúng ta, ở quê người, nhiều chục năm qua.

(Kỳ sau tiếp)

————
Chú thích:
(1) Theo Wikipedia – Mở thì, lần đầu tiên Portland được gọi tên Rose City / Thành Phố Hoa Hồng là vào năm 1888 do những du khách đến dự một hội nghị của Giáo Hội Tân Giáo (Episcopal Church). Biệt danh đó nhanh chóng trở thành quen thuộc sau cuộc triển lãm mừng sinh nhật 100 năm cuộc thám hiểm của Lewis và Clark năm 1905. Cũng trong ngày đó Thị Trưởng Harry Lane đề nghị thành phố cần một ngày Lễ Hội Hoa Hồng. Lễ Hội Hoa Hồng Portland lần đầu được tổ chức hai năm sau đó và tiếp tục là ngày lễ hội chính hằng năm cho đến bây giờ.

MỚI CẬP NHẬT