Thursday, March 28, 2024

Nguyễn Phan Quế Mai, văn học và thời cuộc

Du Tử Lê/Người Việt

Hiện cư ngụ tại Bỉ và đang là ứng viên tiến sĩ văn chương của Đại Học Lancaster, Anh Quốc, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai mới cho xuất bản tập truyện dịch thứ 9, tựa đề “Bay Lên.”

“Bay Lên” gồm 20 truyện ngắn của 11 tác giả thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Pakistan, Uganda,  Ireland, Nam Phi, Nhật Bản, Philippines, Canada, Úc, Hoa Kỳ và Việt Nam, do dịch giả tuyển chọn và chuyển ngữ.

Trong “Lời giới thiệu” với tiểu tựa “Cúi Xuống Để Bay Lên,” cô viết: “Những năm gần đây, thế giới của chúng ta tiếp tục chứng kiến quá nhiều xung đột, bất ổn và mất mát. Hàng triệu người tiếp tục rời bỏ quê hương, biến thành những người tị nạn, hoặc vì lý do kinh tế mà phải phiêu bạt xứ người. Hậu quả của chiến tranh, của sự di cư hằn sâu trong nhiều thế hệ.”

“Những truyện ngắn trong tuyển tập này minh chứng rằng văn học không thể nằm ngoài dòng chảy của thời cuộc. Tập hợp những tác phẩm của nhiều tác giả từng được vinh danh với các giải thưởng văn học uy tín nhất của thế giới, bao gồm giải thưởng văn học Pulitzer, từng trang của quyển sách này chạm đến những phận người nhỏ bé. Dù những phận người đó đến từ bất cứ nơi đâu: Syria, Mỹ, Nam Phi, Uganda, Úc, Nhật Bản, Philippines, Iraq, Vương Quốc Anh, Pakistan, Ireland hay Việt Nam, họ đều có những khoảnh khắc buồn đau, hạnh phúc, cũng ngập tràn ước mơ và hoài bão. Dù là một người tị nạn, một em bé, một tiếp viên nhà hàng, một nạn nhân chiến tranh, một nhân viên văn phòng, hay một bệnh nhân HIV, những nhân vật trong tập truyện này đều là những con người bình thường đến nỗi: Bước vào thế giới của họ, chúng ta có thể mơ hồ nhận ra chính mình trong đó…”

Dịch giả không hề cho biết gần, xa về thân phận, nguồn gốc của mình, nhưng tôi nghĩ, việc chọn lựa 20 truyện ngắn để làm thành tuyển tập “Bay Lên” đã bắt nguồn từ vô thức của những năm sống xa quê hương, ở ngoài tổ quốc đã là đường dẫn chính đưa tới việc Nguyễn Phan Quế Mai chọn những truyện ngắn như “Tiền,” “Cá Nhiệt Đới,” “Những Quả Bom,” “Quê Cha,” (1) “Những Mảnh Vỡ Gia Đình,” “Nhà,” “Ba Nguồn Sáng Mặt Trời”…

Căn bản là một nhà văn, giàu có từ ngữ Việt, lại là một nhà thơ nổi tiếng (hiểu theo nghĩa rất mẫn cảm với những cảnh đời, những phần số hẩm hiu, kém may mắn dù thuộc đất nước hay quốc tịch nào), và bề dày kinh nghiệm dịch thuật, qua 20 truyện dịch mới nhất, tập trung trong “Bay Lên,” Nguyễn Phan Quế Mai đã cho thấy khả năng độc đáo: Không chỉ chuyển tài một cách trung thực nội dung truyện mà còn tạo những điểm nhấn mang dấu tích đặc biệt của ngôn ngữ Việt nữa.

Thí dụ ngay truyện dịch thứ nhất, tựa đề “Tiền” của tác giả Junot Diáz, gốc Dominica, mô tả một nhân vật định cư ở New Jersey, sống khó khăn, lạc lõng, nhưng vẫn chắt bóp tiền bạc, hằng tháng, gửi về Santo Domingo (2) giúp gia đình… Dịch giả đã cố tình dùng một số từ quen thuộc để nguyền rủa, chửi đổng kẻ xấu, rất Việt Nam là “chó chết” trong câu văn: “Như thế không chỉ có vài đứa chó chết muốn hãm hại bạn mà cả khu phố, không, cả đất nước chọn bạn làm mục tiêu” (“Bay Lên,” trang 11).

Ở một truyện khác, cũng có đời sống rất gần với tâm cảnh của người Việt tị nạn, truyện “Cá Nhiệt Đới” của Doreen Baingana, người Uganda, Nguyễn Phan Quế Mai đã chọn cụm từ không thể Việt Nam hơn là “hổn hà hổn hển” trong câu: “Và tại sao đàn ông ngủ nhanh đến thế, ngay sau khi anh ta vừa hổn hà hổn hển trên người bạn?” (“Bay Lên,” trang 17).

Tập truyện dịch “Bay Lên” của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai. (Hình: Facebook Nguyễn Phan Quế Mai)

Cũng ở truyện ngắn này, dịch giả tiếp tay với tác giả, bằng khả năng hiển lộng chữ nghĩa; làm cho chữ nghĩa trở nên chói sáng một cách rạo rực (như trong thơ của cô), với những câu như, “Sự im lặng bồn chồn và trần trụi như bóng đèn,” hoặc “Điều này làm cho tôi cảm thấy bay bổng, như thể một chiếc khăn tay sạch sẽ và mở rộng đang thênh thang trong gió” (“Bay Lên,” trang 21, 28).

Ở truyện ngắn “Bay Lên” của tác giả Anne O’ Brien, gốc Ái Nhĩ Lan (và nhiều truyện ngắn khác), người đọc cũng sẽ rất bất ngờ khi gặp được những hình ảnh dễ thương, và cũng thật tội nghiệp, qua văn dịch của Nguyễn Phan Quế Mai.

Như, “Làm thế nào khi trứng nở, con cúc cu non nớt dùng tấm lưng rộng chưa mọc lông của nó để đẩy những con chim non khác ra rìa tổ. Ở đó những con chim non cố bám víu vào tổ bằng những chiếc móng bé xíu trước khi bị những con cúc cu hắt ra khỏi tổ, từng con một.” Hoặc rất thơ như “Những con sáo đá thì thầm đầy hào hứng, qua lại, nhấp nháy bộ lông” (“Bay Lên,” trang 106, 107).

Không chỉ có thế. Trong “Bay Lên” do Nguyễn Phan Quế Mai tuyển chọn và chuyển ngữ, còn có những truyện cảm động như “Nhà” của Madeleine Thiên (Canada), hay “Ba Nguồn Sáng Mặt Trời” của Holly Thomson (Mỹ/ Nhật).

Truyện “Nhà” của Madeleine Thien viết về hành trình của hai đứa con gái nhỏ, trở về căn nhà cũ; lục, tìm hình ảnh người mẹ, một ám ảnh khôn nguôi, lắng trong trí-nhớ-măng-sữa của chúng: “Trên tay trái mẹ nó in hình ba vòng tròn mờ nhạt, những vết sẹo tiêm chủng từ bé. Một lần Lorraine nhấc tay áo của ba nó lên và thấy ba vệt tròn y như vậy. Nó tưởng tượng cha mẹ nó là cặp song sinh thất lạc nhau từ lâu rồi, bị tách rời, những vết sẹo nở vào bên trong như những khuy áo. Gần đây, tất cả những gì Lorraine nghĩ về là mẹ của nó: đôi giầy của bà lẹp bẹp trên vỉa hè, mái tóc vàng xỉn được cắt ngắn và để cho mọc thật chậm, để rồi qua nhiều tháng nó tua tủa chạm tới xương vai. Khi còn bé, Lorraine đã từng nghĩ rằng mái tóc của mẹ nó tương quan trực tiếp tới thời gian trong năm: ngắn vào mùa Hè, dài vào mùa Ðông, chẳng dài chẳng ngắn vào những mùa khác.” (“Bay Lên,” trang 207).

Và, “Vào buổi sáng mẹ nó bỏ đi, Lorraine trèo vào giường của bố mẹ nó, ngửi mùi bố mẹ trên những chiếc gối. Mắt nhắm nghiền, nó đi vào trong tủ áo của bố mẹ, giữa những chiếc váy và áo sơ mi nhấp nhô như sóng khi nó di chuyển từ bên này sang bên khác. Nó nghĩ về việc sẽ ngủ ở đó, ngập mình giữa đống quần áo, thức dậy vào một trăm năm nữa khi bố mẹ nó bật tung cửa, hôn nó và nói với nó điều mà nó đã luôn biết: rằng mọi thứ chỉ là một cơn ác mộng.”

“Thay vào đó, chị Kathleen của nó đã đến, kéo tung những cánh cửa và lôi nó ra. Lôi nó vào vòng tay chị và giữ nó ở đó. Kathleen, người đã quen với việc chăm sóc mẹ của hai đứa, giờ đây dốc toàn bộ tình yêu của mình cho Lorraine. Nó hôn lên tóc em mình và Lorraine cảm thấy mọi việc trở nên rõ ràng: những gì có thật và những gì không thật. Như thể nó được ném tít lên bầu không khí lạnh, rõ như ban ngày” (“Bay Lên,” trang 209).

***

Tôi nghĩ hiếm khi chúng ta có được một bản dịch những truyện ngắn mở tới nhiều cảnh đời khác nhau, như tuyển truyện “Bay Lên.” Những cảnh đời di cư, tị nạn, gia đình phân ly, mặc cảm thấp, bé… của những công dân hạng hai, nơi đất nước người… tới những trang văn dịch như thơ, đôi chỗ được cẩn-những-hạt-ngọc-ngôn-ngữ-Việt.

Nhưng, trên tất cả vẫn là tình người. Mà, theo tôi, dù ở tâm cảnh nào, các truyện ngắn được Nguyễn Phan Quế Mai chọn, vẫn đậm, đẫm tính nhân bản.

Tôi tự hỏi, không biết có nên ngỏ lời cám ơn Nguyễn Phan Quế Mai, với “Bay Lên,” sau khi đọc? (Du Tử Lê)

Chú thích:

(1) Theo chú thích của dịch giả thì “Quê Cha/Fatherland” của Nguyễn Thanh Việt, trích từ tập truyện ngắn “Refugees,” do Grove Press xuất bản năm 2017. Nhà văn Nguyễn Thanh Việt được trao giải Pulitzer năm 2016 với tiểu thuyết “The Sympathizer.”

(2) Santo Domingo, thủ đô của Cộng Hòa Dominica.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT