Friday, March 29, 2024

Nhớ Tô Thùy Yên

Trần Doãn Nho/Người Việt

Sau nhà văn Hoàng Ngọc Biên, đến lượt nhà thơ Tô Thùy Yên đã vĩnh viễn giã từ chúng ta vào lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 21 Tháng Năm, 2019.

Đúng ba tháng trước đây, vào ngày 22 Tháng Hai, sau khi nghe tin Tô Thùy Yên đột quỵ, tôi đã lái xe gần 5 tiếng đồng hồ, từ Dallas về Houston thăm anh. Lúc đó, anh đã tương đối khỏe và được chuyển từ bệnh viện về tĩnh dưỡng tại “Nursing and Rahabilitation Center” trên đường Woodland Park Dr, Houston, Texas.

Anh ngồi xe lăn, rất tỉnh táo. Thấy tôi vào, anh nhận ra ngay. Có mặt trong phòng, ngoài anh và tôi, còn có chị Diệu Bích, vợ anh, cùng đứa con trai út, cháu Đinh Kinh Hiệt và một người bạn cùng đi với tôi, anh Lê Hữu Dinh, một độc giả rất ái mộ thơ anh.

Chúng tôi cùng nhắc nhở những kỷ niệm cũ, mới và bàn về tập thơ mới in của anh. Trong lúc đó, anh Trịnh Cung từ California, bất ngờ gọi điện thoại, hai người hỏi thăm nhau, trò chuyện vui vẻ. Trước khi ra về, chị Diệu Bích mang ra mười mấy tập “Tuyển Tập Tô Thùy Yên,” bảo anh ký tên. Dù tay cầm bút khá khó khăn, lại mệt, nhưng anh vẫn kiên nhẫn, cố gắng ký từng tập một để nhờ tôi chuyển tặng một số thân hữu như Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Trung Đạo, Hoàng Hưng, Trịnh Cung, Trần Văn Thành, Lâm Chương…

Tô Thùy Yên làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo, tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó đánh dấu một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam, mà cũng là trong nền văn học Việt Nam.

Lúc đó, tôi đang học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ).

Khi tôi lên đại học thì Tô Thùy Yên đã trở thành khuôn mặt lớn của văn học miền Nam. Cùng với Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu… Tô Thùy Yên đã góp phần làm nên một diện mạo hoàn toàn mới cho văn học miền Nam, mà cũng là cho văn học Việt Nam. Và thế hệ của tôi sống dưới ảnh hưởng của trào lưu mới này.

Năm 1998, lần đầu tiên, tôi được gặp anh tại Boston, Hoa Kỳ. Sau đó, tôi bắt đầu viết về anh. Viết xong, tôi gửi cho anh đọc trước. Tôi còn nhớ, đọc xong, anh bảo: tôi định góp vài ý kiến, nhưng nếu làm như vậy là không tôn trọng người viết về mình, anh hiểu thơ Tô Thùy Yên theo cách nhìn của anh, và đó là thẩm quyền của anh, một người đọc.

Tô Thùy Yên làm nhiều thể loại thơ: thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ xuôi, thơ tự do, thơ lục bát, thơ phá thể. Có bài rất ngắn, “Tặng Phẩm,” chỉ có 14 chữ; có bài rất dài, “Mùa Hạn,” gồm đến 188 câu, 1,326 chữ.

Một trong những đặc điểm của thơ Tô Thùy Yên là sự pha trộn giữa truyền thống và cách tân. Bên cạnh những từ ngữ và nhóm từ ngữ có tính chất hiện đại như hư vô, ý thức, Thượng Ðế, sự can trường của hiện hữu, thám hiểm tương lai,… ông tận dụng các từ ngữ với ý nghĩa rất cổ điển như vạn cổ, bí lục, thiên thu, phù du, quan san, kinh thiên, dương thế, gậy trúc, tào khê, trăm họ, thánh đế, sấm truyền.

Đồng thời ông sử dụng các đặc ngữ dân gian như chớp bể mưa nguồn, hạc vàng thương nhớ, chờ anh như biển vẫn chờ sông, vàng đá nhắn quan san, ngựa đá đã qua sông, nước non ngàn dặm, núi lở sông bồi, đá nát vàng phai, chút phận long đong, bóng xế đường dài…

Ông cũng sáng tạo nhiều nhóm từ ngữ rất lạ: ngổn ngang câm, bất an già, khoảng cách đặc, án tử hình treo, nhớ không tới, lãng quên xanh, nỗi sầu vô dạng, u hoài mốc, gió hao đuối, rợp hải hà, rớt nắng, nắm níu, nhớ hư hoặc, một phía mê tưởng, lưu cữu gió, vũng vướng mắc, ráo gió, úng máu, thiu hồn, muối muộn, đuối kiệt, ngất tạnh khuya, réo đuối…

Ở điểm này, ta có thể so sánh thơ Tô Thùy Yên với lời nhạc Trịnh Công Sơn. Cả hai đều là những người “đẻ” ra nhiều từ mới hoặc sử dụng từ cũ với một ý nghĩa mới.

Thường thì trước đây, người ta chỉ biết một số bài như “Chiều Trên Phá Tam Giang” (Trần Thiện Thanh phổ nhạc), “Anh Hùng Tận”, “Qua Sông” hay về sau này, “Ta Về.” Thực ra, Tô Thùy Yên có nhiều bài thơ rất hay khác, nhưng vì lý do này hay lý do khác, chưa được công chúng biết đến nhiều. Chẳng hạn như “Mòn Gót Chân Sương Nắng Tháng Năm,” “Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ,” “Em Nhỏ, Làm Chi Chim Biến Bắc”…

Trong số trên trăm bài thơ, Tô Thùy Yên có ba bài thơ xuôi khá dài, mỗi bài đặt ra một vấn đề lớn:

-“Bất Tận Nỗi Đời Hung Hãn Đó” (1972), nhà thơ đặt vấn đề về nền văn minh.

Chạy theo tiến bộ và văn minh, hết khu rừng này đến khu rừng khác sẽ bị chặt phá và biến mất để phục vụ cho nhu cầu đô thị hóa, công nghiệp hóa trong tương lai. Rồi ra tất cả những ngôi thiền viện thâm u sẽ được biến thành những căn nhà điện sáng trưng cùng với “toàn bộ giáo lý sắc không” sẽ được viết lại; những ngôi mộ đá lâu đời sẽ được sắp xếp thành “một nghĩa trang tân thời,” không còn cây xanh, không còn thiên nhiên nguyên thủy. Nhà thơ than thở:

“Ôi giác mê vọng nào toan mở mang Hữu Hạn,
Thèm chinh phục Tương Lai.
Những cánh cửa lớn sập tung.”

Và đau đớn la lên: “Ôi những rặng cây mang án tử hình treo!”

-“Chiều Trên Phá Tam Giang” (1972), đặt vấn đề về chiến tranh, tình yêu và thân phận con người trong giòng trôi nghiệt ngã của lịch sử.

Đề cập đến thân phận người lính trong cuộc chiến tranh:

“Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương người khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử”

Bài thơ kết thúc khá bất ngờ:

“Chiều trên Phá Tam Giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó.”

Dớn dác ngó. Có lẽ chưa có bài thơ nào kết thúc một cách lạ lùng như thế: ba từ trắc, rất nôm na, rất không thơ tí nào! Nghe hụt hẫng. Thì thế, chiến tranh và lịch sử làm sao mà thơ cho được! Chiến tranh là bước hụt hẫng của con người. Bước vào chỗ vô nghĩa.

-“Thức Giấc Trong Phòng Biệt Giam” (1991) đặt vấn đề về khổ nạn lịch sử mà con người phải chịu đựng qua hình ảnh một tù nhân (là chính tác giả) trong một nhà tù biệt giam. Đó là một kinh nghiệm khủng khiếp về không gian:

“Cánh cửa sắt nặng nề sừng sững
Sáu diện tích xi măng khuôn ép hãm đè”

Và thời gian:

“Ước lượng thời gian
Như mò tìm một khe hở bất ngờ
Trên trường thành dằng dặc những thiên thu.”

Con người, trong điều kiện đó, trở thành một hồn ma, “hồn ma ổ đại,” theo ông.

Cả ba đều là những bài thơ tự do tràn đầy hiện thực và nặng những suy gẫm siêu hình. Với một giọng thơ hết sức đặc thù, khi thì xôn xao, sôi động với thứ ngôn ngữ (có vẻ) rất chính luận, khi thì lắng xuống thâm trầm, khi lại nhuốm đầy vẻ “u mặc,” trửng giỡn, trào lộng, chúng là biểu hiệu cao nhất của tài năng Tô Thùy Yên.

Ngoài ba bài trên, một trong những bài tôi rất thích là “Góa Phụ.” Bài thơ là một cố gắng diễn đạt khoảng trống mênh mông giữa cái chết và cái sống, giữa thực tế phũ phàng và nỗi khát khao vô cùng tận của người phụ nữ vừa mất chồng trong lúc tuổi còn hoa niên. Bài thơ bắt đầu bằng một hình ảnh đột ngột, đầy ấn tượng về cái chết:

“Con chim nhào chết khô trên cửa
Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm”

Trong nỗi sững sờ, người góa phụ bắt đầu một tìm kiếm vô vọng:

“Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
(…) Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.”

Ðêm đầu tiên người góa phụ ở nhà một mình sau khi chôn chồng cho ta một hình ảnh bi thiết. Tâm và cảnh đan xen lẫn nhau tạo nên một nỗi đau mênh mông, sâu thẳm. Nàng ngẩn ngơ đứng trước bàn thờ, thức cho đến lúc trăng lu, khuya mỏi nén nhang tàn với ngọn đèn hư ảo thắp trắng mái tóc.

“Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu, khuya mỏi, nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn
(…) Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm”

Cách dùng chữ nghĩa của Tô Thùy Yên rất tinh xảo: cõi gió, dấu chôn, ngây thiên địa, duỗi ngoài thân, lạc sâu đêm (không phải thâu đêm)… Nhà thơ ghi lại những hình ảnh rất hiện thực, nhưng cách kết cấu từ ngữ khiến cho hiện thực như được đẩy đến chỗ siêu hình.

Hiện thực pha trộn siêu hình, đấy là phong cách độc đáo của Tô Thùy Yên.

***

Rất nhớ Tô Thùy Yên, nhà thơ yêu quý cûa chúng ta! (Trần Doãn Nho)

Tham khảo:
-Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình-hiện thực (Trần Hữu Thục).
-Tô Thùy Yên, tuyển tập Thơ.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT