Thursday, April 18, 2024

Nguyễn Đức Cường – Nhịp tim lần về ngôi chùa nhỏ

Nguyễn Thị Khánh Minh

Mùa Vu Lan. Mùa suối ngọt của tình mẫu tử. Mùa hoan hỷ của lòng biết ơn Cha Mẹ. Để nghe lòng mình được thấm đẫm niềm vui an lạc vị tha ấy. Để thấy lòng được ngân vang hạnh phúc trong những lời thơ…

Muốn mình mãi hạnh phúc để Thưa Mẹ như Nguyễn Lương Vỵ,.. Vâng thưa Mẹ!Con lần theo nếp áo / Áo sờn vai, hai bóng,một vuông chiều/Chiều rất thẳm chiều rất trầm yêu dấu/Như chưa từng. Thưa Mẹ!Biết bao nhiêu. Biết bao nhiêu, biết bao nhiêu, chỉ hạt lệ là đủ lượng để trả lời cho câu hỏi ấy. (Thơ NLV, Hòa Âm Âm Âm…)

Muốn mình đối diện được với Cao Xanh như TrangĐài Glassey Trầnguyễn khi ấp ưu núm ruột mình…khi yêu một người / là ta được chiêm ngắm dung nhan của Thượng Đế/ mẹ cũng vậy / trong phút đầu gặp con / con chào đời / trời đất thở ra tơ… (Thơ TGT, Mùa Yêu Con)

Với riêng tôi, mỗi khi chải đầu là tôi lại nhớ đến bàn tay mẹ, thuở bé mẹ hay chải đầu cho tôi, và bàn tay ấy là nguồn, mượt trên tóc tôi một dòng suối, gợn lên âm ba lục bát lời ru mềm đêm ngủ trẻ thơ. Ngẫm ra, ai cũng có một hình ảnh gần như là máu thịt, để khắc cốt ghi tâm, Tình Mẹ.

Tôi muốn bạn nghe thêm, một âm vang nữa của Mẹ, hiện thân cái đẹp vĩnh cửu,

Con ngồi đây lặng lẽ,
Thương nhớ hoài mùa Xuân.
Con ngồi đây quạnh quẽ,
Riêng Mẹ đã bao lần.

Mẹ là ngôi chùa nhỏ,
Ðón con về nương thân.
Mẹ là đôi mắt tỏ,
Tha cho con lỗi lầm.

Mẹ là Xuân bay qua,
Nuôi đời con khôn lớn.
Mẹ là hương sen ngát,
Về trong mộng hiền lành.

Như bầu trời lồng lộng,
Là mặt đất bao la,
Là mưa rào tuôn xuống,
Cho đường con thắm hoa.

Mẹ là nắng thênh thang,
Bình minh xưa chói rạng.
Là mây chiều lãng mạn,
Những ngày thơ huy hoàng.

Mẹ là đêm thức giấc,
Ðêm xanh biếc ngàn sao.
Là vô cùng đôi mắt,
Có sương mù trên cao.

Mẹ đi suốt mùa Hè,
Qua hối hả mùa Thu,
Và mùa Ðông tất tả,
Riêng cho con mùa Xuân.

Mời độc giả xem bình luận “Tình trạng chia rẽ trong cộng động người Việt trên đất Mỹ”(Phần 2)

Đây là toàn bài thơ Mẹ Là Ngôi Chùa Nhỏ của nhà thơ Nguyễn Ðức Cường. Gợi nơi tôi hình ảnh bước chân bé xíu lẫm chẫm xoắn xuýt bên chân mẹ, như hạt nước đang hối hả theo sông chạy ra biển để hòa vào bao la, như chiếc lá không ngần ngại bứt mình để yên ả bên cội ấm.

Và thơ ở đây, rất lạ, Mẹ, ngôi chùa nhỏ đang buông những nhịp chuông thiết tha, và có phải tiếng chuông tim mẹ là biểu tượng cho một tình yêu bất-khả-tư-nghì nên con, sau bao lỗi lầm vẫn còn niềm tin tìm về nương tựa để sống còn. Hình ảnh vừa thương yêu vừa kính ngưỡng khiến lòng người cảm động,được chuyên chở qua nhạc thơ 5 chữ nhịp nhàng, vừa vặn nhịp một câu nói ngắn, nên rất hợp với giọng tình tự kể chuyện. Chữ giản dị mà hàm súc ý nghĩa.

Mỗi một đoạn thơ là mỗi hình ảnh tỷ dụ sống động, gần gũi, về Mẹ. Con có thể ngủ yên và mộng hiền lành, vì mẹ là hương sen quanh nhà, ngoài vườn đêm. Con có thể bước đi và qua cơn nắng nỏ cuộc đời, ôi vì mẹ là hạt mưa rào, cho con thấy được bảy sắc cầu vồng chắp cánh con bay khi nắng mẹ chan hòa.

Và thơ kia, được cấy từ cảm xúc nào? Từ mái tóc mây mẹ êm như sóng vỗ mạn thuyền, từ ánh mắt dịu mỉm cười tỏa xuống mâm cơm chiều ấm áp, cho nên thơ con mới huy hoàng? Mẹ nuôi con ăn, nuôi thơ con lớn. Người thơ này quả đã tu từ kiếp nào. Giờ mới hiểu tại sao trời đêm lại nhiều sao đến thế,Mẹ là đêm thức giấc/Ðêm xanh biếc ngàn sao… Những vì sao không nói chỉ gửi vào lòng ta lấp lánh cho ta cùng lan tỏa ánh xanh. Hình ảnh này là một trong những lung linh nhất nói về Mẹ.

Và nữa, Mẹ Hiền, chắt chiu lòng Quán Thế Âm, Mẹ đi suốt mùa Hè/ Qua hối hả mùa Thu/ Và mùa Ðông tất tả/ Riêng cho con mùa Xuân. Tôi nhớ đến miếng xương Mẹ ăn, chỗ ướt Mẹ nằm. Ôi, Mẹ…

Và Cha Mẹ, đôi thanh âm hợp xướng ấy đã làm nốt nhạc con nở hoa…

Trong một bài phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Đức Cường đã nói, Mẹ lúc nào cũng muốn tôi quanh quẩn một bên, Cha bao giờ cũng vẽ cho tôi một lộ trình tít tắp. Mẹ là lưu luyến quê nhà, Cha là những cuộc đi xa. Ngày xưa, trong trí óc trẻ thơ của mình, tôi thường tự nghĩ, ai đó ví Mẹ là biển, Cha là núi, chắc hẳn cũng vì như thế. Vì Biển là nơi để mình tắm mát, Núi là nơi để vượt qua… chính mình…

…Chỉ khi xa rồi, tôi mới hiểu rằng cuộc đời Mẹ là một bài học về thương yêu và tha thứ, còn Cha là một vốn liếng để sinh thành và tồn tại. Giờ đây, tôi còn hiểu thêm được một điều, dù đã lặng lẽ khuất núi, âm thanh cùng bóng hình của Cha Mẹ vẫn hiện thân, không chỉ là ngọn hải đăng bên biển đời lồng lộng, mà còn là một nơi chốn rất yên và rất riêng để tôi, đôi khi thong thả tìm về…

Hết sức ý nghĩa và đủ để chúng ta được dừng lại, nghe rõ hơn nhịp tim mình nôn nao đón từng hạt máu của cha mẹ đang luân lưu trong cơ thể.

Fanny Fern đã nói, Từ “Cha” chỉ là một tên gọi khác của lòng yêu thương. nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ có mấy câu viết về con với tấm lòng cha, nghe rưng rức… tôi bế nó lên ngực/ nó hay lấy tay chỉ vào chỗ quả tim tôi/gọi “bố.” Ôi, trái tim này là Cha.Với tôi, cha là vòng tay mở ra, là đôi đùi vững chãi cho tôi ngồi và cổ kia là vòng tròn nhỏ cho tôi vừa vặn một với tay ôm, cho mãi đến bây giờ, Cha ơi, là tiếng bật ra cùng với nước mắt trong nỗi đau đời.

Và đây, nhà thơ Nguyễn Đức Cường nói về Cha – Hình ảnh của một bậc trượng phu, qua bao lần sương muối ngân đọng, tóc đã trắng, hóa thành sóng bạc tung bờm biển cả, không biết có ai nhìn tóc Cha như vậy chưa?

Khi những làn sương muối,
Pha màu trên tóc Cha,
Như ngàn cơn sóng bạc,
Trườn lên miền biển cả.

Hình ảnh một bậc từ phụ, mỗi đường nhăn trên gương mặt người là mỗi con đường con đi qua, và khi con hằn những vết roi đời, mới hiểu đòn roi ngày xưa của Cha là lệ của dạy dỗ bao dung, để giờ mỗi qua nắng mưa lại vọng về lời cha rào chắn cho mình khi xưa. Ôi Cha, núi cao biển rộng. Và Vô Biên.

Khi thời gian đọng lại,
Nếp chùng gương mặt Cha,
Như nẻo đường thơ ấu,
Một thời con đi qua.…
Làm sao đau đòn roi,
Cha cho con tuổi nhỏ.
Làm sao buồn cơn giận,
Cha cho con ngày thơ.

Khi lưng con đã hằn,
ngọn roi đời khôn nguôi.
Và khi con mất hẳn,
lòng bao dung của người.

Ôi! Lời Cha sớm trưa,
vang lừng trong trí nhớ.
Xưa ghi vào trang vở,
nay ghi vào nắng mưa …

Dù thời gian qua mau,
con mãi là trẻ nhỏ,
con mãi là ngọn cỏ,
làm sao choàng núi cao.

Con mãi là chim non,
làm sao qua hết biển.
Con muôn đời bé mọn,
làm sao vào vô biên…
(Cha)

Nhà thơ cũng đã nói, Cha Mẹ là chân dung bất tử của đời mình, tôi nghĩ hai bài thơ trên anh đã phác họa đầy cảm động của lòng hiếu tử, trong muôn một, đáp lại duyên phước được làm con của Người.

Tôi cũng muốn qua ơn phước mà chúng ta được hưởng, tôi nguyện cầu, mỗi người con có được Cha Mẹ như là một thiện duyên,một phước lành, bảo bọc che chắn ta, sinh ra, lớn lên,cho ta biết rằng, có một kiếp sống hạnh phúc.

Nghe như tiếng chuông chùa vọng về từ miên viễn, ngân nga,… mang hết cả trầm lắng của đất trời lan tỏa, và, ôi, đó là nhịp tim của Mẹ…
(Santa Ana, Viết vào ngày giỗ cha, 29 tháng 9, 2016)



Ghi chú:

Nguyễn Đức Cường là tên thật của nhà thơ sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Cựu học sinh Trung Học Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn. Cựu sinh viên Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, Đà Lạt. Cựu sĩ quan QLVNCH. Hiện là bác sĩ Đông Y tại Miền Nam California, USA. Ông cho biết có 3 tập thơ viết đã lâu nhưng chưa xuất bản: Thiên Nhiên, Chân Dung và Ta Xa Nhau Thành Thơ. Hai bài thơ trên trích từ tập Chân Dung.
(Nguồn: Tác giả gửi qua sangtao@org)

MỚI CẬP NHẬT