Thursday, March 28, 2024

Nhớ Ngô Mạnh Thu

Nguyễn Tân Văn

LTS: Ðược tác giả Nguyễn Tân Văn đồng ý, chúng tôi xin đăng bài này vào Tháng Tám năm nay, để tưởng niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, biên tập sáng lập BNS Quán Văn (QV).

Ngô Mạnh Thu là một huynh trưởng gia đình Phật tử, ấy vậy mà vào khoảng năm 1978-79 tôi tới nhà Thu lại thấy trên tường treo một bức tượng Chúa (đã lâu ngày nên tôi không nhớ rõ là tượng hay tranh, và là hình Chúa Giê-Su hay hình Ðức Mẹ). Tôi hỏi sao lạ thế, Thu nói sau ngày 30 Tháng Tư 1975 có người vất ra ngoài đường, Thu mang về nhà treo lên.

Trong ca đoàn Phật tử của Thu cũng có vài người Công Giáo. Trong số những người đó tôi thân với Mai Văn Vịnh. Vịnh dạy học cùng trường với tôi, Vịnh là một người Công Giáo thuần thành mà tỏ ra hiểu biết về Phật Giáo: Nhớ hồi mới sang Mỹ, Vịnh mang theo một tượng Phật (Bồ Tát Quán Thế Âm thì phải) tặng Thu. Trong lúc nói chuyện với chị Thu, Vịnh nói tính mang sang cả tượng Ðức Văn Thù Sư Lợi bên con sư tử. Nghe vậy tôi rất ngạc nhiên vì tôi chỉ loáng thoáng biết về các bồ tát trong Phật Giáo, nhưng hình tượng vị nào thường kèm theo với hoa sen, vị nào kèm theo với con voi hay sư tử là tôi không nhớ.

Riêng cá nhân tôi, cứ nghe người nói về hòa hợp tôn giáo thì tôi chẳng mấy tin: Họ chỉ nói ngoài miệng một cách “chính trị” thế thôi, chứ chưa chắc họ thực lòng tôn trọng gì tôn giáo khác họ bao nhiêu. Nhưng với Thu và Vịnh thì tôi tin.

Có lần nghe nhắc tới mấy nhóm công kích kịch liệt các tôn giáo khác, một người nói: “Mấy người chuyên phát biểu quá khích vì họ cứ nghĩ chỉ có tôn giáo họ theo mới là chân chính, còn các đạo giáo khác đều là tà đạo mê tín. Cũng cần có người nói ra cho họ biết là họ cũng mê muội, chẳng khác gì ai…” Thu lắc đầu phản đối: “Dĩ nhiên là con người thì có ai mà hoàn hảo đâu. Cần phải xiển dương đạo lý ấy. Nhưng coi chừng: không nên bài xích nhau như thế, có hại hơn là lợi trong tình thế hiện nay.”

Lại một lần, sau vụ khủng bố 9-11 (2001), trong cuộc trò chuyện khi nhắc tới ý kiến của một mục sư Mỹ và một linh mục già Việt Nam nói rằng đó là Chúa trừng phạt nước Mỹ, một người bạn nói, “Sao lại có thứ người nghĩ rằng Chúa lại đi trừng phạt người vô tội như vậy,” tôi thấy Thu giương mắt nhìn người ấy lắc đầu! (trong bàn có cả vài người Thiên Chúa Giáo).

Thu cũng không bao giờ phê phán các nhà sư. Có lần tôi hỏi: “Nghe-nói-rằng nhà sư ấy có vợ có con…” thì Thu chỉ nói: “Mình không biết.” Một lần tôi than phiền việc tôi gửi tiền của bà cô vợ cứu trợ thuyền nhân bên Thái Lan cho một nhà sư, sau đó lại nghe người ta đồn là nhà sư này bị tố cáo sàm sỡ với vài phụ nữ, tôi nghĩ tiền đó kể như mất toi, nhưng Thu nói: “Về tiền bạc không sao đâu, ổng tin được; còn vụ sàm sỡ thì chắc hôm đó… Phật đi vắng…” Thu nói vậy mà cười mỉm, mặt thì buồn buồn.

Trên tường nhà Thu ở Việt Nam có treo một bức tranh lấy từ bìa báo Xuân Tự Do (vào một năm cuối thập niên 1950), tranh Nguyễn Gia Trí vẽ con nai. Thu chỉ cho tôi thấy hai con ngươi của đôi mắt nai là hình hai con cọp! Ấy là cái thâm trầm qua tài vẽ của họa sĩ. Tôi liên tưởng nhớ tới bức tranh dân gian “Cá chép trông trăng,” một nhà Nho đã nói với tôi: “Bức tranh này có ý mỉa mai.” Nhờ câu nói ấy tôi mới thấy ra là con cá chép không ngắm trăng ở trên trời mà ngắm trăng ở dưới nước!

Thu có một quan niệm về thông tin rất… “khách quan.” Có lần tôi nghe Thu đọc trên đài phát thanh một bài viết trong đó dẫn bài thơ tứ tuyệt của Thôi Hộ, câu thứ ba: “Nhân diện bất tri hà xứ khư.”Ô Thu đọc không đúng như bản lưu hành. Khi gặp, tôi nói câu ấy Thu đọc sai, Thu đáp: “Bài của người ta viết sao, mình đọc đúng như thế, không sửa!” Tôi đùa: “Thời buổi báo chí đầy dẫy những lỗi ấn loát lỗi biên tập mà nhất định cứ đọc nguyên văn trên giấy như thế e rằng có tác giả sẽ hộc máu mồm mà chết!”

Lại có lần Thu đọc bài của một nhà văn viết về một nhà thơ. Nhà văn nhiếc móc chuyện nhà thơ (còn ở trong nước) dự tính làm một trường ca về Hồ Chí Minh. Sau đó gặp tôi, Thu tâm sự: “Lẽ ra ông (nhà văn) ấy không được như vậy, vì phê bình thì phải dựa trên văn bản, chứ không thể căn cứ ở những lời đồn đại được!” Cũng ông nhà văn ấy khi phê bình một nhà thơ khác (người miền Nam) là “Bắc kỳ hơn cả Bắc kỳ,” Thu cũng cho là không được: Viết như thế là nhận xét chủ quan chứ không còn là phê bình văn chương nữa!

Lần khác, nhắc đến việc một nhà biên khảo tung ra tin: Nhạc sĩ nọ nói ông ta soạn nhạc trong khi đi cầu, và ông ta bảo ông ta không chống Cộng, mà chỉ “chống gậy” v.v… Thu nói: “Ðưa những điều người ta chỉ nói bông lơn tán dóc trong lúc trà dư tửu hậu ra thành như những câu phát biểu nghiêm trang về nghệ thuật là không được!” Về văn chương nghệ thuật, Thu nghiêng về mặt hoạt động văn hóa đại chúng trong xã hội hơn là thứ văn nghệ kiêu kỳ “trí thức” (có lẽ vì vậy mà Thu sinh hoạt tích cực trong Gia Ðình Phật Tử và Du Ca?). Nhớ có lần Thu tấm tắc nhắc tới bài “Lòng Mẹ”của Y Vân, anh cho rằng bài này được mọi tầng lớp xã hội yêu thích, ngay cả các nhạc sĩ đại thụ cũng không ai có được bài nào lại tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng trong đại đa số quần chúng đến như thế… Trong một lần đàn đúm đông người, nói tới những nhóm văn đoàn ca đoàn các địa phương, tôi nghe loáng thoáng Thu nói: “…bị gái nó đá cho, làm được vài bài thơ, rồi chê người ta là ‘văn nghệ tỉnh lẻ’ (không nghe Thu nói tên thi sĩ nào bị chê như thế, và tôi cũng không tiện hỏi).

Một buổi trình diễn văn nghệ của Gia Ðình Phật Tử (chùa Giác Minh thì phải), khoảng 1958-59, Thu rủ Nguyễn Hải Hà và tôi tới coi. Hôm đó Thu điều khiển phần ca nhạc, Phí Ích Nghiễm đạo diễn vở kịch “Tiếng Trống Hà Hồi” của Hoàng Như Mai (hình như vậy). Thuở đó người ta ưa thích những vở kịch có vai một tráng sĩ lên đường diệt giặc, một thiếu nữ tiễn người yêu, một lão trượng đưa đò… Nghiễm đóng vai lão trượng, phải dán chòm râu bạc bằng bông gòn ở cằm, đang diễn thì chòm râu bông gòn bong ra, lão trượng Nghiễm từ lúc ấy tay luôn luôn phải bợ cằm (vuốt râu liên tục)… Xong vở diễn ra hậu trường, Nghiễm cười sằng sặc ngoắc chân đá vào mông tôi, còn Thu và Hà thì cười ngỏn ngoẻn…

Thời đó chúng tôi đều còn là thư sinh tóc xanh, sau này ra đời ngổn ngang với thế sự, không còn gặp nhau thường nữa. Rồi Thu học Quốc Gia Âm Nhạc, đi lính, đi hát, và du ca… Thu coi trọng việc sinh hoạt (Gia Ðình Phật Tử, Du Ca) hơn là phổ biến sáng tác của mình. Trong sáng tác, Thu thường không đặt nặng những lời ca than thở “thân phận” mà cất tiếng kêu gọi:

…Dẫu ngày nay đạn bom điêu tàn ngập lối
Nhưng ngày mai sẽ về trong niềm vui
…Câu hát này xin dành cho hòa bình
Câu hát này xin dành cho tuổi xanh…
(Câu Hát Này)

hoặc bâng khuâng “Quẩy kinh ai đổ trên cầu nhân sinh”:

…Từ dòng sông trăng đó từ dòng sông trăng đó
Ðá ướm hỏi lòng Thu vàng rơi còn bao kiếp
Cây đứng lặng trầm tư cây đứng lặng trầm tư
Sắc Không vô hình tướng sao hỏi có vàng thu?…
(Dòng Sông Trăng)

Các sáng tác của Thu lại ký nhiều bút hiệu (như thế là không biết “marketing” gì cả!). Thu có một trường ca đã viết xong (Trường Ca Lửa), mọi người giục hoàn tất thì Thu cứ nói “Ðể từ từ…” Thu kể: Sau Tháng Tư 1975 có hồi Thu phải đi xa thì ở nhà xảy ra vụ “kiểm tra văn hóa Mỹ Ngụy phản động đồi trụy,” gia đình sợ quá đem thiêu hủy một số sách vở giấy tờ, trong số đó có bản nhạc quân hành của Trầm Tử Thiêng. Thu nói: Ðó là một trong vài bản quân hành hay nhất của Việt Nam. Thu không nói gì về các bản thảo của riêng Thu, nhưng tôi nghĩ chắc anh cũng đã mất đi nhiều từ những dịp ấy….

Thời thiếu niên Thu có làm thơ. Tôi còn nhớ Thu có một tập thơ chép tay (chép làm 5 bản) nhờ Nguyễn Hải Hà minh họa, chẳng biết đến giờ có còn ai giữ được bản nào không… Cái anh chàng Thu này kín tiếng tới mức ngay như các con của Thu chắc cũng không biết là bố mình có làm thơ.

Chúng tôi cùng học trường Chu Văn An, Hà Nội, trong lớp còn có Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu). Trong các bạn học ấy của tôi Thu là người có phong thái điềm đạm từ tốn của một nhà Nho (chúng tôi học ban Cổ Ðiển, học nhiều giờ chữ Nho hơn tiếng Anh), cũng có người nói Nghiễm là ông đồ Nho (riêng tôi thì chẳng được ai ban cho tước hiệu như vậy!)…

Khi mới vào Nam, Thu và tôi hay đi với nhau. Công việc đầu tiên tôi làm trong đời là do Thu giới thiệu: dạy kèm chữ Việt cho mấy bà già trầu Bắc kỳ di cư ở Ngã Bảy Sài Gòn. Thu cũng là người cho tôi uống ly cà-phê đầu tiên trong đời (ở quán Gió Nam đường Lý Thái Tổ thì phải). Nhớ có một lần uống cà-phê ở quán Thăng Long (ngã Ba ông Tạ): Uống ly cà-phê phin xong tôi bị say (say cà phê!), Nghiễm và Thu phải dìu tôi băng qua bãi đất trống về nhà. Thu cũng là người kéo tôi đi nghe những buổi hòa nhac cổ điển Tây phương đầu tiên…

Chúng tôi hay đạp xe đi chơi quanh Sài Gòn. Khi nhớ tới mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: “…Muốn làm người học trò mười bảy tuổi/ đạp xe trên đường đồng…” là tôi nhớ tới hình ảnh Thu và tôi cùng nhau đạp xe mười mấy cây số trên đường gió lộng từ Sài Gòn xuống Lái Thiêu chơi. Ðời sống thuở ấy sao cứ phơi phới như vậy…

Trước ngày mất độ 2 tuần, Thu tới nhà tôi. Khi ra về Thu khoát rộng tay nói: “Giờ ta chỉ muốn rong chơi thôi!” Tôi không hiểu sâu xa gì nhưng mơ hồ thấy có điều gì không ổn… Rồi nghe tin Thu vào bệnh viện khẩn cấp, Thu mất… Và như thế Thu chưa có được ngày nào hoàn toàn thỏa chí rong chơi…

Thu mất vào Tháng Tám năm 2004, 66 tuổi, kể cũng là thọ. Thu kể với tôi là lúc Thu chín mười tuổi theo mẹ đi lễ Tết ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội), lễ xong ra cổng đền coi số, ông thầy coi số nói số Thu yểu mệnh, sống tới 20 tuổi là cùng. Thu nói: “Từ đó mình luôn nghĩ còn sống ngày nào thì cố sức trả ơn cha mẹ, ơn xã hội…” Tôi rất ngạc nhiên, như người khác nghe mình chết yểu thì sẽ buồn bã tuyệt vọng, nhưng Ngô Mạnh Thu thì không hề.

(Santa Ana, 20 Tháng Giêng 2017)

MỚI CẬP NHẬT