Thursday, March 28, 2024

Email từ Phần Lan: Từ chuyện cái cầu tiêu*

Nguyễn Bá Trạc

Khi chứa chất nhiều tâm sự, người ta thường tìm một người bạn mà khề khà kể lể. Một cách khác là ngồi im lìm trải lòng xuống trang giấy, viết những vần thơ. Còn nặng bụng quá thì giản dị là trút quách xuống cái lỗ cầu tiêu. Cả ba đều là những cách trút bầu tâm sự. Tuy nhiên cũng tùy việc, tùy người, tùy lúc mà trút. Nhưng có một loại người nghe ai nói ngang cũng gật đầu bảo “Phải.” Ai nói ngược cũng bảo “Phải.” Ai nói xuôi cũng bảo “Phải.” Người ta bảo đấy là loại người ba phải. Loại người này có cách phán đoán và cái nhìn riêng của họ. Nhưng thường thì họ không giỏi lý luận, không dám hoặc không thích cãi vã, đôi co. Phải chăng loại người này có thể trút bầu tâm sự bằng cả ba cách một lúc, cách nào cũng đều là phải cả!? Đấy là nguyên do mà cũng có lẽ là cách kể chuyện cái cầu tiêu ở vùng quê Phần Lan này.

***

Chúng tôi đang ở một miền quê trên đảo Taipalsaari, thuộc vùng Đông Nam nước Phần Lan. Trong năm 2018 này, theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc trong bản Báo Cáo Hạnh Phúc Thế Giới, Phần Lan đứng thứ nhất, sau đó là Na Uy, Đan Mạch, Iceland và Thụy Sĩ. Một số các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Anh cũng chỉ lần lượt xếp hàng thứ 18 và 19. Cũng nên biết tiêu chuẩn sắp hạng của bản báo cáo đặt nặng trên sáu yếu tố then chốt là: 1) Lợi tức thoải mái, 2) Tuổi thọ trung bình với đầy đủ sức khỏe cao, 3)Trợ giúp xã hội dồi dào, 4) Các quyền tự do của con người được tôn trọng, 5) Nhà cầm quyền tạo được sự tín nhiệm của người dân, người dân tin cậy được các định chế trong nước, con người tin cậy lẫn nhau, 6) Trong xã hội có sự khoan dung, độ lượng.

Tính đến năm 2017, Phần Lan chỉ mới chấm dứt vòng lệ thuộc Nga, thành một quốc gia độc lập được 100 năm. Rồi sau 22 năm tuyên bố độc lập, lại phải đương đầu với Cuộc Chiến Mùa Đông khi Liên Xô xâm lăng vào năm 1939. Từ một quốc gia nghèo khó lại bị chiến tranh tàn phá, dân tộc này đã mau chóng tạo nên được một đất nước mà thế giới kính nể. Cuộc sống phồn thịnh. Phúc lợi được chia sẻ đồng đều cho dân chúng qua hệ thống an sinh xã hội. Y tế, giáo dục miễn phí. Gia cư và thực phẩm được bảo đảm cho toàn dân. Một nền dân chủ liên tục không rạn nứt. Một chính quyền trong sáng nhất thế giới. Một đất nước mà quyền con người và sự bình đẳng giữa con người được tôn trọng. Người ta bảo chỉ trong một thời gian ngắn mà Phần Lan đạt được nhiều thành quả trong các lãnh vực văn hóa, thể thao, kiến trúc, âm nhạc, giáo dục… trở thành một đất nước có nhiều sáng kiến cách tân nhất.

Về kỹ thuật là một trong ba nền kinh tế khỏe nhất. Về sức cạnh tranh là quốc gia xếp hàng thứ hai ở Âu Châu. Tính theo dân số, họ có tỉ lệ kỹ sư cao nhất thế giới. Hệ thống giáo dục của Phần Lan đang khai triển những ứng dụng tân tiến nhất của kỹ thuật digital. Thế giới cũng đang thừa hưởng nhiều phát minh và kỹ thuật mà người Phần Lan đem lại. Người ta bảo như thế và những điều ấy làm cho người Việt sống ở đất nước này chịu đựng được những mùa Đông kéo dài, kềm chế nỗi buồn của người xa xứ. Như thế, (ở) một đất nước nhỏ bé chỉ nhỉnh hơn Việt Nam khoảng 8,000 cây số vuông, (tôi) không khỏi chạnh lòng suy nghĩ về đất nước mình. Mấy hôm nay ngồi trong cái cầu tiêu cổ truyền ở vùng quê Phần Lan, tôi cũng miên man suy nghĩ. Mà cái đầu lại lởn vởn nhớ đến những cái cầu tiêu khác. Nhớ nhất là cái cầu tiêu trong vườn nhà ông ngoại tôi. 

“Chao ơi, cơn gió mùa Đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành
Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi
Khi tóc em vừa mới chớm xanh… 

“Em, xóm Bao Vinh đường lót gạch
Hương chiều thoang thoảng mấy hàng cau
Anh theo gió thẳng lên An Cựu
Em đuổi hồn mình xuống Bãi Dâu… 

Cái vườn ấy ở trong thành nội Huế. Đường Âm Hồn, gần Tịnh Tâm, gần cống Thanh Long. Ở đấy mỗi sáng thức dậy bước ra vườn bứt một quả ớt, giã vào với nước mắm. Ăn tô cháo trắng. Mặc cái áo mưa lúc nào cũng rách. Đi bộ qua cửa thành Đông Ba, ra bến đò Thừa Phủ. Đi đò sang trường Quốc Học bên kia bờ sông Hương. Mùa mưa xứ Huế dai dẳng lắm. Áo quần không bao giờ kịp khô. Ễnh ương suốt ngày đêm kêu ệnh oạng.

Trải qua nhiều triều đại, cái tên đường Âm Hồn đổi thành đường Nguyễn Hiệu. Nay là đường Lê Thánh Tôn. Nhiều người chủ của một số vườn tược trên đường này đã bỏ ra nước ngoài. Nhiều người có quyền thế trong chế độ mới, gốc gác ở Hà Nội, Quảng Bình, đã chiếm lĩnh những tài sản ấy. Có nhiều thay đổi nhưng trí nhớ về khu vườn nhà ông ngoại tôi không bao giờ suy suyển. Vườn nhà ông ngoại tôi khá rộng: Phía trước là từ đường để thờ tổ tiên. Phía sau là căn nhà tranh nơi tôi sinh ra đời. Mặt vườn có mấy cây cau, cây nhãn, cây khế. Cuối vườn, khuất sau bụi chuối, bụi duối, cây bàng quân, là cái cầu tiêu. Nói cho đúng, một cái hầm cầu.

Cái hầm đào sâu xuống đất khoảng 2 thước, ngang 2 thước, dài 3 thước. Trên miệng hầm là tấm liếp đan với những ống tre cật chắc chắn. Chính giữa để trống một cái lỗ hình chữ nhật, ngang 2 gang, dài 3 gang tay. Khi cần thì ra đấy xem có ai không, rồi ngồi xổm trên liếp tre mà trút bầu tâm sự xuống cái lỗ trống.

Chẳng biết bao năm hầm đầy, phải lấp đất, đào hầm mới. Chỉ nhớ khi ra đấy thì đừng nhìn xuống cái lỗ mà phải thấy phân với nước tiểu lõng bõng, dòi bọ lúc nhúc. Tay cầm nắm lá chuối khô, hay vuông giấy báo, cứ ngồi ngửng mặt nhìn trời mây. Hay ngắm những con chim chích chòe, con chìa vôi nhẩy nhót chung quanh. Mùi hôi hám đã có hoa cau, hoa bưởi đánh bạt đi theo gió. Mà nói cho ngay, cái gì đã quen rồi cũng ít thấy khó chịu.

***

Khi sang Mỹ, sống trong những căn nhà với cầu tiêu sạch bóng, bài trí đẹp đẽ, thì trong một chuyến đi lại gặp phải mùi hôi hám trăm lần hơn. Nó nằm trong cái cầu tiêu xây kín mít ở bên Tầu. Đấy là một gói du lịch dành cho du khách Mỹ gốc Việt: Đến Bắc Kinh có hướng dẫn viên người Việt, làm việc cho đài phát thanh Bắc Kinh. Đến Thượng Hải, có hướng dẫn viên người Tầu, trước làm trong ngành ngoại giao, thông thạo tiếng Việt. Cả chuyến đi đâu, dừng đâu, mọi địa điểm đều được định trước từng giờ phút không sai chạy.

Nhưng hôm ấy, từ Thượng Hải đi Hàng Châu, có lẽ du khách uống nhiều nước trà, họ kêu mót tiểu om xòm. Trên xe không có cầu tiêu. Hướng dẫn viên đành kêu tài xế dừng ở một cái cầu tiêu công cộng nằm bên đường. Việc này hoàn toàn nằm ngoài lịch trình ấn định. Chưa gặp nơi nào có mùi khai kinh hoàng như cái cầu tiêu này.

Người ta đi tiểu tràn lan lên thềm xi măng, có lẽ không bao giờ dội rửa. Mùi ammoniac xộc vào mặt vào mũi đến ngạt thở. Du khách cuống quít tiểu thật nhanh mà chạy ra. Trong cái cầu tiêu ghê gớm ấy, có một sạp báo. Một phụ nữ bình thản ngồi trong cái cầu tiêu kín mít ấy mà không hề khó chịu.

Bước lên xe, du khách tiếp tục than phiền về mùi hôi bám trên đế giầy. Nghe xì xào, hướng dẫn viên du lịch cầm cái micro lên nói: “Đấy, Trung Quốc đã chế tạo bom nguyên tử, mà còn vài chuyện nhỏ chưa xong.” Câu nói của người cựu nhân viên ngoại giao thật khéo léo. Vừa nhìn nhận cái cầu tiêu là dơ bẩn, lại nhắc nhở cho du khách người Mỹ gốc Việt về sức mạnh của Trung Quốc ngày nay…

***

Mẹ tôi người Huế, lấy cha tôi là người làng Mọc, Hà Đông. Sau khi sinh tôi ở Huế được hai tháng, cha mẹ tôi đưa tôi về Hà Nội. Tôi lớn lên ở thành phố này với những con ve, con dế, quả trám, quả sấu, quả nhót. Đến 1954 di cư vào Nam. Khi sang Mỹ, nhớ thủa ấu thơ ở Hà Nội, cha mẹ còn kẹt ở Việt Nam, tôi có viết mấy câu:

“Ba dắt con xuống bờ sông Cái
đất phù sa bám đỏ chân cầu
giòng sông nước chẩy đục ngầu
con ôm bè chuối bơi vào lòng ba 

“Ba mươi lăm năm sau
con vẫn còn nhớ mãi
những tên đường
vỉa hè
hoa gạo
những buổi sớm mai
từ phố Nhi đi xuống chợ của Nam
Bà ở Hàng Bông Thợ Ruộm
lúc tản cư về căn nhà đổ nát. 

“Buổi sáng Ba đạp xe đưa con đi học
con ngồi yên trong lớp nhìn ra
đường phố Sinh Từ
bức tường Văn Miếu
và tâm hồn con là tất cả những loài hoa…

Nhà của bà nội tôi ở đường Hàng Bông Thợ Ruộm. Một căn nhà xây từ đời Pháp thuộc, chẳng biết năm nào. Nhà gian liền lạc cả dẫy phố. Mặt tiền nhìn sang vườn hoa Cửa Nam, dùng làm nơi buôn bán. Những gian giữa dùng để ở. Cái cầu tiêu thủa ấy gọi là “nhà xí” nằm ở cuối căn nhà.

Cầu tiêu này xây bằng xi măng, cao khỏi mặt đất hơn một thước. Có mấy bậc thang để bước lên. Vào cầu tiêu là thấy cái lỗ. Hai bên có hai cái bệ nhỏ, hình hai bàn chân để ngồi xổm xuống mà bài tiết. Dưới lớp xi măng được xây thành chỗ trống, đặt một cái thùng tôn đựng phân. Sau dãy nhà liền vách của đường Hàng Bông Thợ Ruộm có con đường nhỏ chỉ đủ lối cho những người đổ thùng qua lại. Họ đi lối này, kéo những thùng tôn của mỗi nhà, đổ vào những cái thúng có trám hắc ín mà gánh đi.

Tôi còn nhớ hình ảnh những người đổ thùng ở Hà Nội bấy giờ. Họ thường đi thành hàng dài 5, 6 người. Mỗi người đều có đòn gánh trên vai, hai đầu hai cái thúng. Phân và nước tiểu sóng sánh, nhỏ giọt trên vỉa hè lúc họ gánh đi.

Trong cuốn “Kỹ Thuật Của Người An Nam” (Technique du Peuple Annamite), xuất bản năm 1910, người Pháp tên Henri Oger, làm việc ở Đông Dương từ 1907 đến 1909, có vẽ hình mộc bản những người dân làng Cổ Nhuế gần Hà Nội. Làng này bấy giờ có truyền thống làm nghề hốt phân về để bán, hay ủ làm phân bón trong hoạt động canh nông. Có lẽ họ là những người đổ thùng ở Hà Nội mà tôi thấy khi lớn lên. Thủa ấy, do điều kiện vệ sinh thiếu thốn, tôi là một thằng bé chốc đầu, thường đau mắt hột. Cái bụng ỏng chứa đầy giun sán. Có lần đang đi cầu trong nhà xí ở đường Hàng Bông Thợ Ruộm, mấy con giun bỗng lòi ra. Một con không tuôn ra hết, phần cuối vẫn nằm trong hậu môn. Con giun dài lòng thòng, cứ thế ngoe nguẩy làm thằng bé thét lên vì khiếp hãi.

Người cứu nguy cho tình thế ấy là một trong bảy người em gái của cha tôi. Cô chạy vào bếp lấy đôi đũa, kéo con giun ra khỏi chỗ hiểm, thả nó xuống lỗ cho yên phận trong cái thùng tôn. Cô là người có cặp mắt mơ mộng nhất trong các chị em. Bản nhạc “Thuyền Mơ” của Dương Thiệu Tước len lỏi vào tâm hồn tôi từ lúc nhỏ là qua tiếng đàn Hạ Uy Cầm của cô.

Khi đất nước chia đôi năm 54, cô với cha tôi – là anh cả – cùng với một người em gái khác và người em trai của cha tôi di cư vào Nam. Khi đất nước thống nhất, chồng cô bị tù cải tạo. Chồng ra khỏi tù, gia đình con cái cô vượt biên. Giạt sang Đức. Rồi sang Pháp. Cô mất ở Lyon, miền Nam nước Pháp. Chú tôi cũng bị bắt đi tù cải tạo vô thời hạn. Gần chết được thả về chết ở nhà. Con trai chú tôi với con trai nó đi vượt biên. Hai cha con bỏ xác dưới đáy biển với khoảng 500,000 người khác. Con số này do các cơ quan cứu trợ người tỵ nạn ước lượng.

Một nửa gia đình họ nội tôi ở lại miền Bắc cũng gặp nhiều thiệt hại không kém. Nhiều cái chết thảm khốc trong gia đình do xung đột trong chiến trường miền Nam hoặc do chính chế độ miền Bắc gây ra. Nhưng so với nhiều gia đình khác, những thiệt hại của chúng tôi không đáng kể. Tuy không có thống kê chính xác, người ta thường nêu tổng số từ 2 đến 4 triệu người Việt cả binh sĩ lẫn thường dân chết trong trận chiến này. Nhưng điều đau đớn nhất không phải là những con số thiệt hại nhân mạng. Bi kịch thảm khốc hơn là từ những cuộc chiến “Chống Pháp giành độc lập,” “Chống Mỹ cứu nước,” những người cùng máu mủ ruột thịt đã tàn sát nhau bằng đủ thứ vũ khí. Bằng cả ngôn từ. Lý luận. Văn chương. Thơ phú. Mưu mô. Thủ đoạn. Rồi cuối cùng đất nước, sông ngòi, biển đảo, lẫn nồi cơm manh áo lại lọt thỏm vào vòng lệ thuộc nước Tầu. Dưới sự kềm chế của những người cai trị nước Tầu, những người hiện đang kết hợp đầy nghịch lý giữa độc tài kiểu Mao với hiện đại hóa kiểu Đặng và đang đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa.”

***

Cái cầu tiêu ở vùng quê Phần Lan, nơi chúng tôi đến nghỉ Hè hàng năm, đóng bằng gỗ. Cao 2 thước hai. Ngang 1 thước tư. Sâu 1 thước sáu. Đặt bên bìa rừng, cách căn nhà chúng tôi nguyên là một cái chuồng bò được sửa lại, khoảng 50 thước. Mở cửa vào, thấy cái bệ gỗ cao nửa thước. Chính giữa là cái lỗ cầu. Chung quanh lỗ có đặt tấm mốp hình bầu dục cắt đôi để ngồi. Bên trên có nắp đậy. Tấm mốp này có dáng tương tự như vành trên của những bồn cầu tự hủy, bán ở các tiệm dụng cụ xây cất. Khi vào sử dụng cầu tiêu xong, người ta múc một gáo mùn để sẵn trong cái thùng đặt dưới chân mà đổ xuống lỗ, phủ lên lớp phân vừa bài tiết. Mùn là những loại thực vật và những chất hữu cơ đã phân hủy, trông như bột than lẫn gỗ vụn. Mùn ủ chung với phân người, phân thú vật, sẽ trở thành các loại phân hữu cơ rất giầu dinh dưỡng.

Còn một công tác nữa phải làm trước khi đóng nắp cầu: Bên chỗ ngồi còn để cái bao hoặc cái hộp đựng một loại bột. Mở ra, rắc xuống thùng phân một ít. Loại bột này có tác dụng đẩy nhanh tiến trình phân hủy, lại làm cho ruồi bọ côn trùng đừng kéo đến, mà còn tỏa hương thơm, thường là mùi chanh, mùi cam, nhờ thế cầu tiêu không có mùi khó chịu. Một trong những nhãn hiệu thông dụng mà người Phần Lan thường dùng là loại bột mang tên “Janne’s PuuCee” (Cái Cầu Tiêu Ngoài Trời Của Ông Janne). Truy cập trên mạng, thấy ở VN ngày nay cũng đã sản xuất những bao tương tự, nhưng với mục đích ủ phân chứ không nhằm sử dụng trong các cầu tiêu như ở Phần Lan. Khi thùng phân đã đầy, người trong gia đình ra phía sau cầu tiêu, mở một tấm ván có bản lề, kéo thùng phân ra. Họ không biểu lộ cảm giác gớm guốc, mà ngược lại còn tỏ vẻ hãnh diện về việc sử dụng chất thải để biến chế thành phân hữu cơ mà bón cây trong vườn, ngay cả trong rừng, giữ cho vạn vật xanh tươi. Bên bìa rừng có 2 khung gỗ chứa lá khô, lá vụn. Họ đổ thùng phân vào một ngăn, xúc lá cây ở ngăn bên cạnh mà phủ lên. Năm sáu tháng, một năm sau quay lại, phân bón đã sẵn sàng.

Chúng tôi có dịp đi thăm nhiều căn nhà khác ở vùng quê Đông Bắc Phần Lan, nhà nào cũng có cầu tiêu ngoài trời như thế. Nhưng tất cả mọi vật liệu làm cầu tiêu, thùng phân, chỗ ngồi đều được chế tạo sẵn, có bán ở những tiệm vật liệu xây cất, không phải tự đóng lấy. Tất cả đều đẹp đẽ, sạch sẽ. Cảm giác vào các cầu tiêu này không khác gì vào cái cầu tiêu tự hủy ở thành thị.

Nhìn những cầu tiêu cổ truyền giản dị và không tốn kém ở Phần Lan, lại nghĩ đến những cái “cầu tiêu cá vồ” ở đồng bằng sông Cửu Long. Các cầu tiêu này là những thanh tre, mẩu gỗ sơ sài, dựng trống trải trên kinh, rạch, ao, hồ. Người ngồi thụp xuống đi cầu thì nửa dưới được che qua loa bằng miếng tôn, miếng liếp. Phân rơi xuống thì cá tra lập tức kéo đến vồ, đớp, táp. Người ta bảo vì thế mà con “cá tra” còn được gọi là con “cá vồ.” Đây là cách để giải quyết việc bài tiết của người dân quê miền Nam, lại vừa tận dụng phân người để nuôi cá ăn, hay bán. Nhưng môi trường bị ô nhiễm. Báo chí ở VN cho biết, “Nhiều chứng bệnh đường ruột, sốt xuất huyết, tiêu chảy… là do việc tiêu thụ cá nuôi bằng cách này.”

Nhà cầm quyền ở VN ý thức được những hiểm nghèo ấy và cũng đã “có chỉ thị cho các tỉnh dẹp bỏ các cầu tiêu trên sông và cầu tiêu cá vồ ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh đã thực hiện dẹp hàng loạt.”

“Nhưng rồi phong trào lắng xuống và gần như đi vào quên lãng. “Khi được phỏng vấn, đa số người dân nói họ sẵn sàng ‘làm theo nhà nước’ nhưng vấn đề sau đó là đi tiêu ở đâu? Tất cả những hộ đã dẹp bỏ cầu cho biết ‘từ đó tới nay chúng tôi toàn đi tiêu ngoài đồng’. Họ xác nhận việc dẹp bỏ cầu cá đã làm môi trường dơ hơn trước rất nhiều… nhiều nguời dân không làm cầu trên sông nhưng đi tiêu vào túi nhựa và… ném xuống sông…” “Nhiều vùng chịu lũ 3-4 tháng một năm cũng khó làm. Lại còn tình trạng ở đất đậu của người khác thì làm cầu ở đâu nên phải đi nhờ cầu cá của nhà bên… Họ than phiền là ‘nhà nước bảo dẹp cầu tiêu mà không chỉ cách làm cầu tiêu!’…”

“Thật sự thì đã có những cuộc vận động sáng tạo những kiểu cầu tiêu hợp vệ sinh, thích hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tổng kết và in thành sách nhưng chưa đi vào đời sống người dân. Thêm vào đó, lối làm theo phong trào, hình thức đã làm cuộc vận động thành chiến dịch xóa cầu cá đơn thuần. Mối quan hệ giữa xây và chống chưa được giải quyết hài hòa và tình hình hầu như vẫn chưa được cải thiện là bao…” Nhưng vấn đề chính thường được cho biết là vì người dân “không có tiền, không có đất.”

Nên khi nhìn hình ảnh những tượng đài to lớn ở VN, nhiều cao ốc hiện đại vươn lên, cây cầu độc đáo đầy nghệ thuật với đôi bàn tay khổng lồ, lan can mạ vàng sang trọng mới xây trên núi Bà Nà, Đà Nẵng, người ta có những phản ứng khác nhau. Nhiều người trầm trồ, nhưng nhiều người chua chát.

***

Trong kinh tế học, có một thuật ngữ gọi là “Tác Dụng Phô Trương” (Demonstration Effect). Với các lý thuyết về tiêu thụ, thuật ngữ này được kinh tế gia Mỹ James Duesenberry (1918-2009) mô tả rằng nó xảy ra khi người ta mua một món hàng vì thấy người khác có, hay để trưng cho người khác thấy, chứ không xuất phát từ ý thích hay không thích của mình.

Ý niệm ấy từng được nhà xã hội học và kinh tế học Mỹ gốc Na Uy Thorstein Bunde Veblen nói đến bằng thuật ngữ “Tiêu Thụ Phô Trương” (Conspicuous Consumption). Trong một cuốn sách xuất bản năm 1899, ông mô tả hành vi tiêu dùng phô trương của lớp nhà giầu mới vào cuối thế kỷ 19, nhờ công nghiệp hóa ở Hoa Kỳ. Nguyên nhân các hành vi ấy, ông phân tích là do lòng ganh tỵ của những người kém thành đạt muốn phô trương để che giấu sự kém thành đạt của mình, hoặc do kiêu hãnh mà người ta muốn phô trương để có tiếng tăm. Cho nên giá cả càng cao lại càng hấp dẫn người mua, vì giá cả là cái thước đo lòng kiêu hãnh.

Hiệu ứng này ít xẩy ra ở Phần Lan: Là một quốc gia từng trải qua nạn đói cuối cùng của Châu Âu cách đây chỉ 150 năm, mà ngày nay với cuộc sống thoải mái, lợi tức đầu người đổ đồng mỗi năm 52,422 đôla theo thống kê 2018 của IMF, dân tộc này vẫn giữ khuynh hướng an vui với sự bần hàn, mộc mạc, khiêm nhượng. Họ dùng sự thịnh vượng mới đạt được để chia sẻ với những người yếu kém. Họ chăm sóc người thất nghiệp, người già cả, người tàn phế bằng trợ cấp xã hội. Mọi người dân trong nước đều được săn sóc sức khỏe với hệ thống y khoa miễn phí. Họ chăm sóc trẻ em chu đáo với giáo dục miễn phí và là một nền giáo dục khai phóng, không nhồi sọ. Họ tạo nên một xã hội phúc lợi, trong một đất nước dân chủ, đạt đến sự bình đẳng mà không phải sử dụng bạo lực. Nơi đây nền dân chủ đa nguyên với sự canh chừng của các đảng đối lập đã buộc đảng cầm quyền phải luôn luôn hành động nghiêm chỉnh và trong sáng. Hệ thống ấy cũng giúp cho sự thay đổi chính sách, thay đổi quyền lực khi cần, đều được diễn ra một cách ôn hòa. Nơi đây quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tạo nên những cuộc đối thoại thẳng thắn, tạo cơ hội cho đất nước này có thể sử dụng được những ý tưởng ưu tú nhất và điều chỉnh được những sai lầm nếu xảy ra.

Đến Phần Lan, người ta sẽ không nhìn thấy những tòa nhà chọc trời, kiến trúc diêm dúa. Phần lớn chỉ thấy những khu nhà đơn giản bên hồ nước, rừng cây. Không có sự cách biệt sâu đậm trong cuộc sống của người này với người khác. Không có sự cách biệt giữa thành thị với thôn quê. Người thôn quê có tất cả các tiện nghi của người thành phố. Người Phần Lan thường được mô tả là những người sống với nội tâm và trí tuệ, thường dè dặt và e thẹn với người lạ, nhưng khi đã quen thì họ là những người bạn tốt. Những người ấy giữ gìn nền độc lập quý báu của mình bằng cách dùng thế lực xa để kềm chế sự đe dọa của nước láng giềng gần. Không gia nhập NATO để tránh khiêu khích Nga nhưng gia nhập EU: Phần Lan là một quốc gia trong nhóm Bắc Âu và là một thành phần của Liên Hiệp Âu Châu. Nhưng có lẽ đối với nước láng giềng khổng lồ ở sát bên, cách cần thiết và hữu hiệu nhất để giữ độc lập vẫn là việc phát triển một tính chất đặc thù của dân tộc Phần Lan, mà chữ của họ gọi là “Sisu.” Chữ này khó dịch sang các ngôn ngữ khác vì chỉ một chữ, nó bao hàm cả lòng can đảm gan góc không lay chuyển để đương đầu với những nghịch cảnh khó khăn, vừa là sức mạnh ý chí, quyết tâm kiên cường, khả năng chịu đựng những bất hạnh, vừa là sức bật tinh thần, và khả năng đứng dậy làm lại sau khi thất bại.

Người Nga hiểu rõ đặc tính ấy của dân Phần Lan: Trong Trận Chiến Mùa Đông 1939-40, người Phần Lan đã dũng mãnh chiến đấu với quân Nga đông gấp 3 lần số lính, hơn 30 lần số lượng máy bay, gấp 100 lần số lượng xe tăng. Mùa Ðông năm ấy là một trong những mùa Ðông khắc nghiệt nhất thế kỷ 20, nhiệt độ xuống đến -43oC (-45oF). Chạm mặt với người Phần Lan trong trận chiến khốc liệt này, người Nga hiểu rõ tính chất kiên cường của người láng giềng bé nhỏ mà không thể xem thường họ.

Ngày nay Phần Lan vẫn là một thành phần bé nhỏ của nhân loại, dân số ít thay đổi, chỉ có khoảng 5.3 triệu. Nhưng đây là một thành phần có ý thức. Họ ứng dụng những hiểu biết khoa học vào cuộc sống mộc mạc. Họ không gây ô nhiễm môi trường. Họ không sử dụng những gì độc hại. Họ chú trọng vào công tác tái dụng để tránh phí phạm tài nguyên. Vào lúc thế giới toàn cầu hóa có thể tạo ra những thách thức mới, họ vẫn tin rằng những sáng kiến mới sẽ là giải pháp cho những thách thức này. Mục tiêu của họ là kết hợp xã hội phúc lợi với tính cạnh tranh. “Đây không phải là hai khía cạnh đối lập mà có tính song hành,” đó là lời phát biểu của bà Tarja Halonen, cựu tổng thống Phần Lan. Bà già này lúc tại chức, về mùa Hè thường đến Turku, nơi chúng tôi định cư, một mình đi chiếc xe đạp trên con đường nhỏ bé ven rừng mà không có lính bảo vệ đi kèm…

Mấy hôm nay, ngồi nhìn ra rừng bạch dương bên mặt hồ phẳng lặng của đất nước Phần Lan, tôi đã nhớ và nghĩ đến những điều như thế… 

“Phải, phải, phải
Tôi thú thực tôi là người ba phải
giữa hận thù và giữa yêu thương
giữa lẳng lặng dửng dưng không giận ghét
Tôi vẫn bơ vơ giữa ngã ba đường…”

Phần Lan 8/8/2018

(Nguồn: [email protected])

*Đề tựa nguyên thủy của tác giả là “Chuyện cái cầu tiêu ở vùng quê Phần Lan. ”

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT