Thursday, April 25, 2024

Thời phẳng*

Nhật Tiến

Tác giả Thomas L.Friedman quả là đã có một phát kiến chính xác khi chỉ ra rằng thế giới của chúng ta đã trở nên phẳng với các sinh hoạt của con người dần dần mang tính chất toàn cầu. Nhưng lạ thay, rất nhiều con người trên thế giới ngày nay, ở đủ mọi phần đất và thuộc đủ mọi thứ mầu da hầu như không có mấy ai nhận thức được rằng số phận của mình đã bị định đoạt và bị đẩy đưa vào hoàn cảnh ấy.

Vào cái lúc mà hàng ngàn kỹ sư hay kỹ thuật viên ở Bangalore bên Ấn Ðộ đang dí mắt trên màn hình để tham dự qua điện thoại viễn liên vào những công việc linh tinh của một công ty nào đó bên Mỹ, thì ở một nơi nào đó bên Phi Châu, Á Châu, hay ngay cả ở Việt Nam, vẫn có những con người đang khom lưng phùng mồm trợn má để thổi cho ngọn lửa bùng lên trong bếp lửa chất đầy củi mục hay lá khô.

Và bên những toan tính giá trị bạc tỷ của những ông chủ các đại công ty tại những khách sạn năm sao, vù vù máy lạnh và sực nức hương thơm,thì vẫn có những toan tính của con người đang săm soi bên đống rác chứa đầy hóa chất phế thải để xem chừng cái bao tải thu mót mang trên lưng của mình đã mang lợi nhuận chưa đủ cho bữa cơm chiều nay của gia đình!

Thế thì cái sự thế giới đã trở nên “phẳng” do văn minh tiến bộ của loài người sẽ là một dấu hiệu của tốt lành, hay đó chỉ là những mỉa mai, cay độc trên thân phận khốn cùng của tuyệt đại con người trên thế gian? Thắc mắc này có lẽ chẳng nên có câu trả lời dứt khoát, bởi vì có thể nó sẽ lại là duyên cớ khiến cho mọi sự trở nên rối tinh lên. Tuy nhiên,điều chắc chắn ta có thể khẳng định là:trong cái thế giới đang trở nên ngày càng phẳng ấy, hẳn đã cuốn đi biết bao số phận của con người, tạo nên biết bao hoàn cảnh cá nhân với những sắc thái khác biệt, kể cả những vinh quang tột đỉnh lẫn những cảnh sống lầm than xuất phát từ chính những vinh quang đó. Như thế, nếu coi thế giới đã trở nên phẳng là một thứ kiến trúc của đời sống xã hội bây giờ, thì những con người đang lâm vào những hoàn cảnh nhục hay vinh đó sẽ tạo nên một chu kỳ mới của loài người, hay nói khác đi, đã hình thành một khung cảnh mới, đổ khuôn những số phận mới để tạo nên một thời, cái Thời Phẳng của thế giới phẳng.

Khi nhận định như thế, ta chợt nhận ra rằng cái thế giới Phẳng mà Thomas L Friedman đã phát hiện chỉ là một thứ cấu trúc trong sinh hoạt loài người và cái Thời Phẳng đi kèm theo nó, đã biến thành một thứ hồn ma bóng quế gắn liền với loại cấu trúc đó. Cái ý này khi được gợi ra, không phải rằng nó đã đi sang lãnh vực của tâm linh. Bởi cái Thời Phẳng hiện đang ở quanh ta đã dung chứa toàn bộ những sinh linh, cũng như từ hàng nghìn năm nay, sinh linh vốn đã từng trải qua biết bao nhiêu nghịch cảnh, chết chóc, điêu tàn bởi đủ những thứ quyền lực hay thế lực nhân danh chính họ.

Nhưng ở cái Thời Phẳng này, mối đe dọa đè lên số phận của sinh linh sẽ còn khủng khiếp, tàn bạo hơn nhiều. Bởi vì thế giới ngày nay bao gồm đủ loại kỹ thuật tiến bộ mà con người đã khám phá được.

Ngày xưa, thời phong kiến cực thịnh, chỉ một cái phẩy tay là có thể làm rụng một đầu người. Khi nhân loại tiến bộ hơn, thì chỉ cần một tuyên cáo, một nghị quyết, một triện son hay một chữ ký là cũng đủ làm ngàn vạn con người bị xô đẩy vào ngục tù và bỏ thây trong nhục nhằn, tăm tối.

Nhưng ở trong cái Thời Phẳng này, tai họa giáng xuống sinh linh còn khủng khiếp hơn nhiều. Cả một tầng trời có thể bị xé rách màng chắn môi sinh, cả một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia có thể bị cạn dòng hay ô nhiễm, cả một lục địa có thể bị nhấn chìm vì sự tan chẩy của tuyết băng…

Trong khi đó,thế lực của guồng máy tạo nên những thảm kịch kể trên hầu như lại giấu mặt, ẩn hình. Bởi vì trong thế giới phẳng, quyền lực không nằm trong giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. Nó cũng chẳng nằm trong các giá trị tôn giáo hay trong tay các lãnh tụ thần quyền. Quyền lực ở đây chỉ tồn tại trong một không gian ngầm, nó chui vào các đại công ty, lặn sâu trong các chính phủ, ẩn giấu sau những bộ óc tham tàn vô biên mà cũng đầy vô cảm.

Ở thời nay sẽ không ai biết lúc nào thì nẩy sinh ra một khế ước đen, xuất hiện một thỏa thuận ngoại giao ngầm, để rồi hoặc một quốc gia bị xâu xé hay bị nuốt chửng dần hay chỉ với một cái bấm nút là nhiều khu của trái đất sẽ ra tro, nhiều phần của nhân loại sẽ trầm luân trong những bệnh tật quái quỷ, vô phương cứu chữa.

Hy vọng là đây chẳng phải là nói quá lời mà chỉ là gióng lên sự quan tâm về số phận của con người trong bối cảnh mới. Vấn đề nghe có vẻ như là xưa muôn thuở, nhưng trong Thời Phẳng nó không là cũ vì có sự khác biệt.

Khác biệt ở chỗ là vào cuối chu kỳ của sự hủy hoại, cả thủ phạm lẫn nạn nhân đều kéo nhau chết chìm. Nói khác đi, trong Thời Phẳng, không có thực dân với thuộc địa, không có nô lệ với chủ nô, không có thống trị với bị trị mà chỉ có một thiểu số con người do tham vọng mà kéo cả nhân loại đi tới chỗ tự hủy diệt.

Từ những nhận định kể trên, ta có thể thấy trước được rằng con người đang ở buổi bình mình của Sự Phá Sản. Dấu hiệu của nó đã lảng vảng quanh ta: đạo đức xã hội ngày mỗi suy đồi, giá trị nhân bản luôn bị vùi dập, hàng tỷ con người vẫn đang sống mà chưa bao giờ mon men đến được lãnh vực tối thiểu của Quyền Làm Người.

Nhìn thấy hiểm họa ấy, lòng ai mà chẳng xúc động,ai mà chẳng sục sôi với nguyện vọng cháy bỏng là mong cho ai ai cũng được sống ra con người. Con người đúng nghĩa, có đầy đủ nhân phẩm làm người chứ không phải là những người đang sống trên những cánh đồng nứt nẻ, những rẻo sông khô cạn và đầy ô nhiễm, những vùng bom đạn mù trời, hay những mái lều có gió thổi tung lên trong những trại tạm trú. Những khung cảnh khốn khổ này đã và đang còn tồn tại bên những Khách sạn đắt tiền thường được tổ chức những buổi họp thượng đỉnh rềnh rang hay những cuộc họp kín giữa vài ba người nhưng quyết định của họ có thể làm thay đổi cả cái thế giới đang ngày càng phẳng này.

(6-2018)

*Thế Giới Phẳng (The World is Flat; Thomas L.Friedman; ReadingCafe.Wordpress.com)

(Nguồn: https://phuongkhanhdo.wordpress.com)

MỚI CẬP NHẬT