Thursday, March 28, 2024

Tưởng niệm đen một thời*

Phan Ni Tấn

Chúng tôi nhận được tin buồn nhạc sĩ Đỗ Thất Kinh vừa qua đời tại quê nhà ngày 23 Tháng Năm, 2018. Xin đăng lại một tùy bút của nhạc sĩ Phan Ni Tấn để tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa. (website Sáng Tạo)

Năm 1979 là năm tệ hệ nhất của đời tôi ở cái đất Sài thành. Ban ngày tôi ra chợ sách bán sách và thuốc lá ké một góc sạp sách của người bạn cùng đơn vị trước 75 để kiếm sống qua ngày. Sách lèo tèo vài ba cuốn. Thuốc lá thì vài bao. Vốn liếng đều do cô bạn nhỏ cùng quê tốt bụng giúp đỡ. Nhiều bữa không bán buôn được gì tôi chạy ra đầu đường uống nước máy trừ cơm. Ban đêm rúc vào một góc nào đó ngủ bụi. Vậy mà cũng lây lất ngày này qua tháng nọ như một phép lạ.

Một hôm, anh bạn trẻ Đỗ Thất Kinh từ trên Bản Thuột về Sài Gòn tìm kế sinh nhai, may mắn tìm được một chân giao bơ đậu phọng cho khách hàng. Đang đói, tôi bám theo liền. Chật vật vậy mà hai anh em cũng sống qua ngày. Có điều ban đêm tôi phải tìm chỗ ngủ vì bạn tôi cũng ở lậu; rày đây mai đó nhưng khá hơn tôi là bạn ngủ dưới một mái nhà.

Lang bạt kỳ hồ như vậy mà cái máu văn nghệ văn gừng vẫn không ngừng chảy trong tâm hồn đang khô héo của chúng tôi. Rốt cuộc, qua ngón nghề kẻ nhạc tài tình của họ Đỗ, chúng tôi hình thành được một tập nhạc gần trăm ca khúc mang tên Lưu Đày & Cứu Rỗi, đúng với thân phận nổi trôi của họ Đỗ và họ Phan tôi. Đáng tiếc bây giờ thất bản không biết nó trôi giạt nơi đâu.

Được một thời gian ngắn, sự nghiệp bơ đậu phọng của chủ nhân lỗ vốn, bạn tôi cũng sụp đổ theo. Nhưng, như đã nói, anh bạn trẻ này có thần may mắn theo phò. Đúng lúc đó, anh Phạm Văn Hạng, điêu khắc gia nổi tiếng ở làng báo chí Thủ Đức tìm tới giao cho bạn tôi một công việc có chút dính líu tới nghệ thuật: kẻ mộ bia liệt sĩ ở tuốt trên Đồng Xoài. Một lần nữa tôi lại bám theo.

Nhớ ngày đầu tiên xe đò thả toán thợ năm người chúng tôi xuống tại ngã ba huyện Đồng Phú thì trời trưa trật, nắng đổ lửa. Đường vô Mộ Đất, nơi chúng tôi tới nhận việc không có lộ xe nên mọi người đều cuốc bộ khoảng 10 cây số đường chim bay. Càng đi về hướng rừng nhà dân hai bên đường càng thưa thớt, rừng càng bạt ngàn hơn, âm u, hẻo lánh hơn. Ngọn gió hiếm hoi giữa trưa nồng nã thỉnh thoảng nổi lên như một tiếng thở dài. Đường xa hực nắng, ai nấy đều lặng lẽ bước đi. Đi mãi.

Rồi đột nhiên tôi giựt mình khựng lại,như không còn tin vào mắt mình. Nằm ở cuối lối mòn nhỏ hẹp, cạnh vài cây cổ thụ xum xuê và cây dầu héo khô, mục nát là hàng trăm, có thể là hàng ngàn nấm mồ đất. Mênh mông, trùngđiệp, gồ ghề, sạt lở, khô cằn, trơ trụi, nghiệt ngã, uất nghẹn. Mồ mả bạt ngàn, lô nhô hút tầm mắt. Đất đá, cỏ khô đen xạm. Tuyệt nhiên không còn gì khác ngoài mồ mả phơi mình giữa trời và đất. “Nghĩa trang liệt sĩ cách mạng” tại Đồng Xoài đấy.

Thì ra lâu rồi, thanh niên miền Bắc đã bị chủ nghĩa Cộng Sản nhồi sọ, bị đẩy vào miền Nam chiến đấu và đã bỏ xác tại đây; ngót 14 năm trời họ vẫn nằm đó im lìm giữa một vùng mộ địa tù hãm, âm u. Đứng trước một quang cảnh thê lương, ảm đạm và tàn tạ như thế, dù tôi đã cố gắng nghĩ khác đi với sự xúc động và lòng thương xót những oan hồn đang vất vưởng dưới cõi âm kia,nhưng không hiểu sao tôi lại nhìn thấy địa ngục đang run rẩy bên dưới những gò đất đen sạm gồ lên nứt nẻ trông giống như những vết thương bầm dập, sưng tấy. Có thể vì lẽ đó mà dân chúng địa phương gọi địa danh này là Mộ Đất chăng.

Ban ngày ba người thợ kia đi làm rừng đốn cây, xẻ gỗ; còn hai anh em tôi lo việc kẻ tên họ các liệt sĩ trên bia mộ. Đứng trước giàn mộ bia đúc bằng xi-măng cao quá đầu người, dựng san sát, trải dài ngút mắt mới thấy ngao ngán làm sao.

Chiếu theo danh sách tên tuổi liệt sĩ đánh máy trên xấp giấy pơ-luya, hai anh em tôi lặng lẽ bắt tay vào việc. Nhớ lại hồi đó lăn lộn giữa đám mồ hoang mả lạnh, bốn bề quạnh quẻ không một bóng người mà chẳng đứa nào biết sợ ma là gì. Hàng ngày cặm cụi làm việc, tối về ngủ trong căn nhà sàn của người Thượng nằm sâu trong một cánh rừng. Người Thượng ở đây gồm có các sắc tộc Jro, Stiêng, Mạ,… đa số sinh sống ở những vùng đồi núi thấp, nằm về phía Đông Nam thị xã Đồng Xoài. Người miền núi ở đâu cũng mộc mạc, giản dị, thuần lương, vui vẻ và tốt bụng.

Một buổi chiều đi làm về, toán thợ chúng tôi được một người đàn ông Jro ghé ngang vui vẻ tặng cho một miếng thịt heo rừng. Nguyên phần đùi nặng ký còn tươi rói, máu đỏ lựng, bự chảng. Lâu ngày không có dịp đụng tới thịt rừng nên ai nấy đều thèm thuồng, nao nức, xăng xái nhúm củi nướng thịt, mùi thơm bay cả một góc rừng.

Sống bụi ở đây dĩ nhiên chúng tôi giấu nhẹm thân thế của mình. Đêm đêm ngả lưng xuống sàn tre, tôi thường nhớ tới mặt trận Đồng Xoài. Tôi không biết chắc liệu những trận đánh khốc liệt của 15 năm trước đã từng xẩy ra ngay tại cụm rừng này, dưới chân tôi đứng hay không, nhưng ban ngày vô rừng tôi hay lớ ngớ tìm kiếm những vết tích của trận đánh, và dĩ nhiên tôi chẳng tìm được gì ở phía quốc gia ngoài những nấm mồ trùng trùng u uất của những người lính bên kia. Thời gian không để lại dấu vết. Thời gian xóa nhòa tất cả. Chỉ còn lại mặt đất và cụm rừng âm u chìm sâu trong tịch lặng.

Trước 1975, Đồng Xoài thuộc quận Đôn Luân, một cứ điểm quan trọng của tỉnh Phước Long nằm ở phía Bắc chiến khu D. Nói đến Đồng Xoài ta thường nhớ đến trận đánh Đồng Xoài năm 1965. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đây là một trận Việt Cộng tấn công vào thành phần chính qui của QLVNCH: gần 1 tiểu đoàn VNCH chống cự 2 trung đoàn chính qui Bắc Việt). Mặc dù địch quân bỏ xác tại chiến trường nhiều hơn, nhưng số thương vong của dân và quân miền Nam cũng không ít.

Bây giờ ngồi đây, tôi càng xa quê hương bao nhiêu thì trận đánh Đồng Xoài càng trở nên mơ hồ như một truyền thuyết. Nhưng câu chuyện của tôi hôm nay không phải là câu chuyện nhớ về trận đánh năm xưa ở Đồng Xoài với biết bao xương máu và nước mắt của những người đã hy sinh, mãi mãi vùi thây nơi tử địa, mà rưng rưng nhớ lại cái thời sống bụi của tôi và người bạn trẻ họ Đỗ ở Đồng Xoài sau ngày mất nước. Tính từ năm 1965 đến nay cũng ngót 51 năm rồi còn gì.

Giữa cuộc sống xô bồ-hỗn độn-trần ai này, những vết tích ngày xưa hoàn toàn chìm khuất trong thăm thẳm thời gian. Ngày nay chỉ còn lại tiếng hát. Tiếng hát của mặt đất và rừng cây trong mưa nắng Đồng Xoài.

***

Đỗ Thất Kinh tên thật là Đỗ Kinh Châu, quê Nam Định, Bắc Việt. Di cư vào Nam 1954, cùng gia đình sinh sống trên cao nguyên Ban Mê Thuột cho đến ngày nay. Đỗ Thất Kinh là một người đa tài: viết nhạc rất hay, soạn hòa âm rất tới, vẽ vời không thua ai, móc trémolo classical guitar hay hết chỗ nói.

Ngoài 5 tác phẩm thơ và nhạc đã tự xuất bản, còn có khoảng 100 ca khúc về Tình Yêu và Phận Người.

(Nguồn: sangtao@org)

*Đề nguyên tác“Một thời tưởng niệm đen.”

MỚI CẬP NHẬT