Friday, March 29, 2024

Văn chương thời kỳ ‘đồ online’

Trần Doãn Nho/Người Việt

Mới đây, trong một dịp họp mặt bạn bè, một người bạn hát bài “Lá Thư” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh như một góp vui.

Nhớ tới mùa Thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt thơm
Nét bút đa tình lả lơi
Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng…”

Hay thì hay thật, nhưng nghe hát xong, chúng tôi đùa với nhau, gọi bài hát đó thuộc vào thời kỳ “đồ giấy.” Tất nhiên, “đồ giấy” thì văn minh hơn thời kỳ “đồ đồng” hay “đồ đá” trong lịch sử phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, những nhóm từ như phong thư, nét bút, lòng giấy viết rằng… đối với thế hệ trẻ, và ngay cả đối với chúng ta – những người đã từng viết thư tình trên những tờ giấy pelure xanh, hồng, tím… ngày nào – nghe như đã thuộc về một thời quá vãng xa xưa.

Chả là vì, bây giờ, chúng ta đã ở vào thời kỳ “đồ online,” vượt khỏi thời kỳ “đồ giấy.”

Online, khi mới xuất hiện khoảng năm 1950 là một từ viết nối on-line, quy cho việc sử dụng máy điện toán, được định nghĩa là “trực tiếp kết nối với một thiết bị nằm bên ngoài” (directly connected to a peripheral device). Có lẽ vì thế mà được một ai đó dịch là trực tuyến.

Online bây giờ đã trở thành một sinh hoạt bình thường từ các cơ quan nhà nước cho đến các công ty, các nhà hàng, các công ty bảo hiểm, nhất là ngành truyền thông… Mọi nơi, mọi thứ bây giờ đều được hoàn tất bằng hình thức “không giấy” (paperless), kể cả cái công việc rất tế nhị và rất tình cảm là yêu đương.

Báo chí cũng thế. Bây giờ ta có hai hình thức báo chí: “báo vật chất” (physical magazines)/“báo điện tử” (electronic magazines). Lại cũng có thể gọi là “báo in” (print)/“báo kỹ thuật số” (digital). Vì việc nối kết các máy vi tính với nhau thông qua mạng lưới điện tử trong không gian nên còn có thể gọi một cách nôm na là “báo trời”/“báo đất.” Còn được gọi là “báo mạng”/“báo giấy.”

Từ đó mà có văn chương mạng/văn chương giấy. Hay văn chương trời/văn chương đất… Mới đây thôi, chừng 7, 8 năm trở về trước, hằng tháng, tôi vẫn còn chờ đợi được nhận những tờ “báo đất,” thú vị nhìn bài viết của mình trên giấy. Bây giờ chỉ toàn là “báo trời!”

Ai sáng tạo ra hình thức “báo trời” này? Chắc chắn là công sức của nhiều người và của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, về mặt văn bản (text), tức là bài viết, không thể không nhắc đến một người: Theodore (Ted) Nelson.

Nelson là một triết gia, một nhà xã hội học và là một “nhà thám hiểm kỹ thuật thông tin” (pioneer of information technology), sinh năm 1937 ở New York. Ông thường đưa ra nhiều ý tưởng triết lý gây tranh cãi, trong đó, có bốn nhận định mà ông xem như là bốn công thức mà ông áp dụng cho cuộc đời mình:

-Hầu hết mọi người đều điên.

-Hầu hết mọi quyền hành đều là ác tính.

-Thượng đế không hiện hữu.

-Mọi điều đều sai lầm

Đúng là “không giống ai.” Về lãnh vực điện toán, ngay từ những năm đầu thập niên 1960, ông đã có một ý tưởng “không giống ai:” tạo ra một hệ thống xuất bản toàn thế giới có tính chất vô chính phủ và dân túy, nơi mà mọi người đều có thể xuất bản bất cứ thứ gì và nơi mà mọi người đều có thể đọc chúng. Ông gọi hình thức đó là “siêu văn bản” (hypertext) hay dài dòng hơn, “siêu văn bản điện tử.”

Theo Wikipedia, Nelson sáng tạo ra từ “hypertext” vào năm 1963. Trong một bài báo khá dài “Literary Machines,” Nelson diễn ý tưởng của mình như sau: Ngôn ngữ nói là một chuỗi những chữ, và do đó, ngôn ngữ viết cũng thế. Chúng ta quen với cách viết theo từng chuỗi và do đó, dễ dàng cho rằng bản thân nội tại của việc viết ra chữ là theo chuỗi, theo dãy, chữ này nối tiếp chữ kia. Thực ra, theo dãy là không cần thiết. Theo dãy là do sản phẩm của chữ in và đóng lại thành sách. Trong lúc đó, cơ cấu tư tưởng con người là một hệ thống không theo dãy mà là đan bện vào nhau. Khi suy nghĩ, ta không biết chắc ý nào đến trước ý nào đến sau. Thành thử “ép” chúng vào trong từng chuỗi trước sau thành từng hàng – được gọi là “tuyến tính” – là điều vô lý, giả tạo. Tuyến tính lệ thuộc vào chữ in.

Tư tưởng con người bản chất là phi tuyến tính. Khởi đi từ ý tưởng “làm sao chắp nối những ý tưởng rời rạc lại với nhau thành một cơ cấu mới mà khỏi phải sao chép lại mất thời gian,” Nelson suy nghĩ cách tạo ra một mạng lưới điện tử toàn cầu, một thứ thư viện quốc tế để cho tất cả mọi người đều có thể sử dụng được, qua đó, hình thức siêu văn bản được thể hiện. Do tính cách phi tuyến tính, siêu văn bản không những có thể chuyển đổi, di dịch mà đồng thời còn có thể kết nối với những văn bản khác. Từ đó, siêu văn bản phát sinh ra  “siêu truyền thông” (hypermedia). Siêu truyền thông không chỉ là văn bản, mà bao gồm cả đồ hình, video và âm thanh. Tất cả chỉ là một mạng lưới, trong đó mọi thứ đan bện vào nhau đến vô cùng. Ted Nelson gọi tính cách này là “intertwingularity,” có nghĩa là “tính bện vào nhau.” Từ một bài, ta có thể nối kết đến bài khác và cứ thế đến chỗ gần như vô tận khi tất cả tài liệu, sách vở và thông tin đều đã được đưa lên mạng.

Những ý tưởng “không giống ai” này đã góp phần quan trong vào sự sáng tạo ra “báo trời” hôm nay.

“Báo trời” đưa đến những thay đổi toàn diện cách viết. Do đó, thay đổi cả hình thức và cả nội dung của văn chương. Không còn viết, mà gõ. Chữ “viết” vốn để chỉ một hành động là dùng cây bút chấm mực rồi vẽ lên giấy, bây giờ biến thành ẩn dụ. Nói “viết văn” là để chỉ “gõ văn.” Ngay chữ “giấy” cũng là ẩn dụ. Vì khi “viết” ta không cần giấy. Không còn mực đen giấy trắng, chỉ còn màn trắng chữ đen. Không còn phải nắn nót. Không lo viết rồi xóa, xóa rồi viết. Cũng không cần cục tẩy. Tất cả hành vi sáng tạo bây giờ là: gõ, sao (copy), dán lại (paste), hủy (delete)… Viết thay đổi, cách đọc cũng thay đổi toàn diện. Không giở từng trang. Không cần đánh dấu số trang. Không nghe mùi giấy.

Các siêu văn bản trên mạng lưới y như một thế giới ảo, một thế giới chung – một thứ cha chung không ai khóc.

Cầm một cuốn sách với mùi thơm của giấy, với tên tác giả nằm ở đàng trước, đàng sau, trên gáy, với số trang, với từng tờ giấy,… ta cảm thấy sức nặng và công trình của người làm ra nó, của tác giả. Cuốn sách là tác phẩm, nó là của một con người cụ thể với những chi tiết sinh động về cuộc đời về quan niệm sống…

Bây giờ lên mạng, ta chỉ thấy toàn chữ và chữ, muốn đọc bao nhiêu cũng được, nối từ bài này đến bài khác, từ tài liệu này đến tài liệu khác, từ tác giả này đến tác giả khác, tưởng chừng như vô tận. Trong cái kho chung “vô tận của trời cho” đó, biên giới giữa dở và hay, giữa văn chương nghệ thuật và thời sự, giữa tác phẩm lớn và tác phẩm nhỏ, giữa tác giả và kẻ đạo văn trở nên mỏng manh, mờ nhạt dường như chẳng còn phân định được.

Muốn lấy, muốn gửi, muốn chép, muốn tìm và muốn cả “sáng tác” đều quá dễ dàng. Các văn bản đụng độ lẫn nhau, giao thoa lẫn nhau, sao chép lẫn nhau, chen chúc lẫn nhau. Chúng – cùng với những cái tên gọi là tác giả – gần như nổi trôi mờ mịt, nếu không muốn nói là hầu như bị biến mất trong cái thế giới mênh mông của thứ kỹ thuật số phù du hư ảo (digital ephemera).

Mọi người đều có thể là tác giả. Chỉ cần từ cái email cá nhân của mình, gõ (hay sao chép) lên một bản văn rồi “click” gửi đến cho một danh sách dài các email khác (dù quen hay không quen) là có thể làm xôn xao dư luận. Không có thời nào mà tác giả nhiều như thời báo mạng. Cũng như “karaoke” giúp mọi người đều có thể trở thành [hao hao] ca sĩ, thì siêu văn bản giúp mọi người trở thành một dạng [hao hao] nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Nghĩa là trở thành một người của công chúng.

Vào ngày 24 Tháng Tư, 2014, Chapman University tổ chức một cuộc hội thảo có tựa đề là “Intertwingled: The Work and Life of Ted Nelson,” để vinh danh Ted Nelson. Daniele Struppa, viện trưởng, so sánh Nelson với Cervantes, người viết “Don Quixote,” được thừa nhận như là tác phẩm đầu tiên, góp phần khai sinh ra tiểu thuyết Tây Phương hiện đại. Daniele phát biểu: “Ted là một con người độc đáo – ông hình thành ý tưởng của ông trước khi thế giới hiểu rõ chúng, nhưng điều đó không ngăn cản ông tiếp tục tin tưởng ở một tương lai khác cho thế giới của máy điện toán.”

————-
Tham khảo:
-Literary Machines, www.tcnj.edu/~robertso/readings/nelson-literary-machines.pdf
http://history-computer.com/Internet/Birth/Nelson.html
-Wikipedia
-“Về văn học hypertext” của Nguyễn Minh Quân, tạp chí Việt (Úc Châu) số 6, được đưa lên trang mạng “tienve.org,” mục “tạp chí Việt.”
-Intertwingled: The Work and Life of Ted Nelson, www.huffingtonpost.com/douglas-dechow/intertwingled-the-work-and-influence-of-ted-nelson_b_5162960.html

MỚI CẬP NHẬT