Wednesday, April 24, 2024

Duy Thanh, trong họa có thơ

Viên Linh

Duy Thanh là họa sĩ nổi tiếng ở miền Nam từ những năm 50, không những từ các phòng triển lãm tranh của ông, mà còn qua thơ văn và các cuộc thảo luận về văn học nghệ thuật của ông trên tờ tạp chí Sáng Tạo, trong đó ông là một cây bút có sức sống mãnh liệt, những câu văn mạnh mẽ, những ý kiến cả quyết phát biểu thẳng, những bài thơ tự do tràn lan cảm xúc. Một điểm khác nữa ông còn là người trình bày bìa báo nhà nghề, nếu như có người thắc mắc về hai chữ này, người viết xin nói thêm: trình bày bìa báo, hay trình bày các trang báo là việc không dính dáng gì đế hội họa. Ðó là một ngành một nghề riêng, nếu không tìm hiểu sẽ không thấy được sự khó khăn khi nói đến những đòi hỏi riêng của hai lãnh vực.

Ngày nay với sự phổ thông của máy vi tính, người ta hiểu được dễ dàng rằng một cái bìa, một trang sách, giản dị đến đâu cũng đòi hỏi một sự trình bày, một sự dàn trang tối thiểu cần thiết. Nửa thế kỷ trước ở Việt Nam, các tờ Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi hay các nhà xuất bản Cảo Thơm, Kim Lai, đã là hai tờ tạp chí và hai nhà xuất bản có các ấn phẩm trình bày đẹp với các kiểu chữ thích hợp với các trang chữ, các khoảng cách chỉnh đốn bắt mắt, ấy là nhờ công trình của những nhà trình bày Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, hay những Văn Thanh (trang trí “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia,” giấy bạc Việt Nam Cộng Hòa và những người khác mà chúng tôi đã không được biết tên tuổi.

Duy Thanh đã có tranh in trên báo chí từ Hà Nội trước 1954, như trên tờ Phổ Thông của Hội Ái Hữu Trường Luật. ông là học trò của họa sư Nguyễn Tiến Chung. Lúc ở Sài Gòn hay Thái Lan ông trình bày các ấn phẩm cho khách hàng nước ngoài, trong có tờ Thế Giới Tự Do của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ. Bốn chục năm nay, cũng như hiện giờ, ông sống ở một địa điểm là thành phố San Francisco, người viết bài này vẫn còn nhận được thư ông từ thành phố đó, như trong hình chụp các thư ông gửi đi từ 1976 tới 2017 cho tôi, vẫn là từ thành phố đó. Lá thư gần nhất khác các thư trước ở nét chữ: thay vì nét chữ “1 point” bằng nét chữ của bút “marker” hai ba chục points:

Chân dung tự họa của Duy Thanh năm 1960. (Nguồn: Tư liệu Viên Linh)

S. Francisco 18.4.76
Anh Viên Linh. Tôi đổi địa chỉ vì tháng tới mở một gallery… Nhiều lúc thấy lười biếng viết vì thấy mình như hụt cẳng. Tôi có đi học và buổi tối đi làm… Sẽ bày giá vẽ ở trong để vẽ chân dung và vẽ tranh nữa… Có tin gì cho tôi hay.”

“SAN FRANCISCO 03 MAY 2017 (chữ in trên phong bì)

Viên Linh thân,

Cảm ơn cuốn sách anh tặng. Hồi này sứ khỏe tôi bết bát – Có khi nghĩ mình có qua được năm nay không? Ăn không ngon, ngủ không yên…. Thôi già chán thế. Chàng trai mới có 86 tuổi mà lập cập như một ông già 120… Ðọc báo thấy anh bạn Dương Nghiễm Mậu mới 80 tuổi đang ngồi ở bàn rồi gục xuống viên tịch… Thôi phó cho Trời. Chúc anh bình yên khỏe mạnh. Thân. D.T.

Bài thơ Sầu Tám Khúc
(chỉ đăng khúc đầu)
Màu thương nhớ trống vắng như một cơn mưa dầm.
Có ai nghe lời vô nghĩa ấy bao giờ.
Vậy mà nó đến buồn và chậm như một bàn tay trắng
Có những đường gân rất xanh vẽ từng mạch máu.
Tôi sẽ không nghĩ gì. Khoảng trời chì đặc.
Những ngọn cây lá sa sầm.
Những khúc đơn côi đời sống của một mùa đông nào mùa hạ nào mùa thu nào mùa xuân nào xa tít tắp. Lời thơ sầu mưng lên từ dĩ vãng.
Anh cười trên những thành buồn.
Xin em ở gần anh một nghìn lần cho thêm phần cách biệt, xin em hôn anh một nghìn lần cho thêm phần hoang vu. Nhiều khi anh vẫn còn đuổi theo bước chim của nàng con gái nhỏ tuổi đi học về để bắt lại những cảm giác thời mình nhỏ dại.
Ðôi chút yêu đương nhỏ dại. Dăm nụ cười hồn nhiên, nghe mùa đi lưng trời như mây bay trong hồn. Gió hơi hơi mà cũng đầy hương vị cũ.
Duy Thanh (Sáng Tạo số 3, 9.1960).

Họa sĩ Duy Thanh họ Nguyễn, sinh tại Hà Nội 1932, di cư vào Nam 1954, ngay sau đó làm tờ Lửa Việt với Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, sau chuyển qua tờ Sáng Tạo với Mai Thảo. Tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn Lớp Gió. Ông thành hôn với nhà thơ Trúc Liên, gia đình cư ngụ tại thành phố San Francisco từ khi qua Hoa Kỳ năm 1975 cho tới nay.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Bánh lọt nước dừa”

MỚI CẬP NHẬT