Friday, March 29, 2024

Không có dấu hiệu công an thay đổi tội danh anh em ông Vươn



HẢI PHÒNG (NV) – Dù đã có 600 người ký tên, nhiều luật sư nêu ý kiến không thể truy tố anh em ông Ðoàn Văn Vươn với tội danh “Giết người, chống người thi hành công vụ,” công an Hải Phòng không có dấu hiệu gì thay đổi tội danh này mà chỉ “kiến nghị cơ quan tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ.”



Bà Phạm Thị Báu tự Hiền ngồi cắt rau trên nền nhà cũ. (Hình: Người Lao Ðộng)




Theo bản tin báo Người Lao Ðộng hôm Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012, Ðỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng “đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, bảo đảm khách quan, đúng pháp luật hai vụ án ‘Giết người, chống người thi hành công vụ’ và ‘hủy hoại tài sản’ để nhanh chóng đưa ra xét xử.”




Các ông Ðoàn Văn Sịnh, Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Quý và một người con của ông Sịnh bị truy tố tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” dù không có ai chết trong vụ này. Còn truy tố “hủy hoại tài sản” thì chưa biết truy tố ai trong cái đoàn người kéo đến cưỡng chế và phá sập hai căn nhà của gia đình các ông Ðoàn Văn Vươn và Ðoàn Văn Quý.




Theo bản tin báo Người Lao Ðộng, “ông Ðỗ Hữu Ca kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị can và yêu cầu điều tra việc đánh bắt thủy sản trong đầm của ông Ðoàn Văn Vươn sau vụ cưỡng chế, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì khởi tố theo quy định của pháp luật.”




Ông Ðỗ Hữu Ca làm như vậy chỉ để “triển khai kết luận của thủ tướng” ngày 10 tháng 2, 2012. Thêm vào đó, ông này chỉ đòi “làm rõ trách nhiệm công an huyện Tiên Lãng” dù ông cũng có mặt trong buổi cưỡng chế. Ông lại còn họp báo ca ngợi cuộc hành quân cưỡng chế tuyệt vời, đáng viết thành “giáo án” và vụ cưỡng chế được “người dân đồng tình rất cao.”




Ngày 15 tháng 2, 2012, Luật Sư Phạm Vũ Hải, đưa một mẫu đơn yêu cầu mọi người ký tên yêu cầu Viện Kiểm Sát Tối Cao bãi bỏ các tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ” đối với anh em ông Vươn. Theo lập luận trong đơn kiến nghị này, anh em ông Vươn là nạn nhân của một trình tự vi phạm pháp luật có hệ thống của huyện Tiên Lãng với sự toa rập của hệ thống tòa án từ huyện tới tỉnh. Kết quả dẫn tới sự chống đối, tức tự vệ của người dân bảo vệ tài sản và sinh mạng hợp pháp của mình, ngày 5 tháng 1, 2012 với mấy tiếng súng hoa cải và 2 trái nổ tự tạo.




Ðến nay, ít nhất đã có 600 người, gồm rất nhiều người là nhân sĩ, trí thức, tướng lãnh và sĩ quan cao cấp CSVN đòi trả tự do cho anh em ông Vươn vì họ thật sự là nạn nhân của một đám cường hào ác bá thời nay trong chế độ Hà Nội.




Những kẻ phạm pháp là các quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang như kết luận của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là sai từ đầu đến cuối lại không bị truy tố, trong khi anh em ông Vươn lại bị tống giam và đối diện với những bản án bất công.




Ngày 16 tháng 2, 2012, Luật Sư Nguyễn Anh Vân thuộc Luật Sư Ðoàn Hà Nội, nêu ra trên Blog Nguyễn Xuân Diện, rất nhiều sai phạm có dấu hiệu vi phạm luật hình sự của các ông Ðỗ Hữu Ca và Ðỗ Trung Thoại (phó chủ tịch UBND Hải Phòng) từ “vu khống” đến “che giấu tội phạm” để đề nghị truy tố 2 ông này theo các tội danh vừa nói.




Tới giờ này, người ta vẫn thấy ông Ca và ông Thoại tại vị vững vàng chứ không có dấu hiệu gì khác.




Vụ cưỡng chế khu đầm của anh em ông Vươn gây chấn động dư luận khắp nơi với các lời bình luận sôi nổi hơn một tháng qua. Nhiều nhân vật từng nắm những chức vụ cao trong guồng máy chế độ lên tiếng đòi hỏi công lý cho anh em ông Vươn cũng như đòi trả lại quyền tư hữu cho người dân, cái gốc của vấn đề.




Ông Ðặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường lên tiếng trên báo VNExpress ngày 16 tháng 2, 2012 rằng nếu “không sửa luật đất đai, sẽ còn nhiều vụ Tiên Lãng” khác bùng nổ trong tương lai.




Rất nhiều vụ cưỡng chế mà hàng ngàn người dân chống đối kịch liệt, vì không có “tiếng súng hoa cải” nên guồng máy đàn áp của chế độ đã làm cho tắt mọi đòi hỏi công bằng, quyền sống của người dân thấp cổ bé miệng.




Không có tiếng súng hoa cải thì không có “kết luận của thủ tướng” xác nhận đám quan quyền huyện Tiên Lãng phạm luật.




Liệu các áp lực quần chúng không đủ mạnh để đòi trả tự do cho anh em ông Vươn vốn được người địa phương coi như ân nhân của họ? (TN)


MỚI CẬP NHẬT