Thursday, March 28, 2024

Thương lái Trung Quốc thao túng thanh long Bình Thuận

BÌNH THUẬN (NV) Nhiều vựa thu mua thanh long của người Việt lâm vào cảnh phải dẹp tiệm hoặc đi làm công cho người Trung Quốc. Báo Tuổi Trẻ ngày 20 tháng 6 loan tin.

Theo mô tả của phóng viên Tuổi Trẻ, đi dọc tuyến đường từ Phan Thiết đến huyện Hàm Thuận Nam trên quốc lộ 1, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều vựa thanh long lớn ghi bảng hiệu tiếng Việt kèm tiếng Trung Quốc. Hàng ngày, tại đây tấp nập các xe container nằm chờ vận chuyển thanh long ra phía Bắc xuất qua cửa khẩu.








Vựa thanh long Nga Minh, huyện Hàm Thuận Nam là một trong những nơi chỉ đóng hàng cho khách Trung Quốc, không bán nội địa. (Hình: Tuổi Trẻ)


Tại vựa thanh long Nga Minh, huyện Hàm Thuận Nam, một quản lý người Việt thẳng thừng từ chối: “Ở đây chúng tôi chỉ đóng hàng cho người Trung Quốc, không buôn bán nội địa.”

Tương tự, tại vựa thanh long Tâm Hường, thành phố Phan Thiết, khi đặt hàng về miền Trung, người quản lý nói thẳng: “Không được.” Nhìn bề ngoài, vựa Tâm Hường không lớn nhưng phía sau có cả một phân xưởng rộng lớn có thể chứa nhiều xe container vào lấy hàng cùng một lúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, các nhiều vựa thanh long ở Bình Thuận đều do người Việt đứng ra giao dịch, nhưng việc điều hành giá cả mua bán lại do nhiều nhóm thương lái Trung Quốc định đoạt.

Bà Nguyễn Thị Phước, chủ vườn thanh long tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, cho biết, người trồng thanh long hiện rất khổ vì giá thanh long lộn xộn, không theo một hướng nào do thương lái Trung Quốc tùy nghi “nâng lên, đặt xuống.”

“Ða số thương lái người Việt đều làm cho thương lái Trung Quốc để ăn hoa hồng. Có khi sáng họ vào vườn nói mua với giá 20,000 đồng/kg, mình lỡ cắt thanh long rồi thì buổi chiều họ vào chỉ chịu mua với giá 14,000 đồng/kg. Nếu mình không bán thì hôm sau rớt xuống 10,000 đồng/kg và cứ như vậy họ hạ giá dần xuống,” bà Phước than vãn.

Tương tự, bà Lê Thị Ngọc, chủ doanh nghiệp Hiếu Ngọc, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam cho hay, trước đây người Trung Quốc chỉ ở cửa khẩu chờ thanh long, nhưng nay họ đến tận Bình Thuận tranh mua với thương lái người Việt và dần thao túng luôn thị trường.

“Bây giờ không bán cho doanh nghiệp Trung Quốc thì bán cho ai. Mình trước đây mua thanh long tại vườn rồi tập kết hàng chuyển container đi cửa khẩu. Nay chủ yếu bán lại cho các vựa của chủ Trung Quốc, lấy công làm lời chứ làm không lại họ. Trước khi đi mua thì hỏi vựa Trung Quốc rồi mới ra giá với nhà vườn, còn thanh long đẹp đem về bị họ tìm cách chê hàng dạt để ép giá là bình thường,” bà Ngọc nói.

Trước sự lấn sân chiếm lĩnh thị trường ngày một gia tăng này, nhiều chủ vựa người Việt từng thành công nhờ buôn thanh long đi Trung Quốc nay đành hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Một số nghỉ hẳn chuyển sang làm vận tải để chở thuê thanh long cho các ông chủ Trung Quốc.

Ông H.Ð., chủ một vựa thanh long lớn tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam và một đoàn xe container, cho hay, nếu tình hình này kéo dài trong vòng một năm nữa các vựa thanh long của người Việt sẽ đóng cửa hết.

“Họ mua ở đây và giành luôn mối lấy hàng bên Trung Quốc. Ðoàn xe container của tôi giờ hoạt động cầm chừng, nằm chờ trong sân. Tôi mong chính phủ có hướng xử lý tình trạng này,” ông H.Ð. kêu cứu.

Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Ngô Minh Hùng, phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết, ở huyện Hàm Thuận Nam có 26 doanh nghiệp thu mua, chế biến thanh long có thương nhân người Trung Quốc. Người Trung Quốc tại các cơ sở này núp bóng, gián tiếp thuê người Việt đứng tên thuê nhà, mượn tên cơ sở thanh long cũ để thu mua, bán lại cho thương nhân Trung Quốc đóng gói, xuất cảng. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT