Thursday, April 18, 2024

Bộ trưởng ‘4T’ CSVN lại hô hào ‘Make in Viet Nam’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong bài phát biểu dài được báo Tiền Phong hôm 3 Tháng Giêng đăng lại, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông (4T) CSVN nhấn mạnh: “Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Nó ngắn gọn, nó thúc giục, nó là niềm tự hào Việt Nam và vì thế nó đi xa, đến được với mọi người và mọi miền. Việt Nam chỉ thành công khi là toàn dân!”

Bài phát biểu của Bộ Trưởng Hùng được ghi nhận toàn là những câu chữ hô khẩu hiệu quanh khái niệm do ông này tạo ra “Make in Viet Nam” ít thấy trong ngôn ngữ tiếng Anh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN. (Hình: Tiền Phong)

Ông này thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố: “Công nghệ mở là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, cũng có thể trở thành công ty công nghệ. Mọi công ty cần phải trở thành công ty công nghệ!”

Phát ngôn của ông Hùng được đưa ra trong bối cảnh các báo nhà nước đồng loạt đưa tin GDP của Việt Nam năm 2020 tăng 2.91%, “tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.”

Tuy vậy, tương phản với sự hào hứng của Bộ Trưởng Hùng, báo Dân Trí hôm 3 Tháng Giêng dẫn bình luận của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: “Cơ cấu xuất khẩu có 70% giá trị đóng góp của FDI, đa số đều là hàng gia công, lắp ráp đem lại. Đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có xu hướng mở cửa, hướng ra xuất khẩu, chính vì vậy xu hướng tận dụng Việt Nam là địa điểm sản xuất, gia công xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới là cơ sở để quy mô GDP tăng cao.”

Bà Lan cảnh báo rằng những thế mạnh về xuất khẩu, FDI (đầu tư ngoại quốc), về mở cửa, giá rẻ… “sẽ là điểm yếu của Việt Nam trong nay mai.”

Cùng thời điểm, ông Phạm Thế Anh, kinh tế gia, phân tích trên trang cá nhân: “Xuất cảng máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử tăng mạnh nhưng nhập cảng của nhóm hàng này cũng tăng không kém, lên tới hơn $60 tỷ (tăng trên 20%). Điều này cho thấy Việt Nam chủ yếu thực hiện gia công, lắp ráp trong nhóm hàng này để xuất cảng với giá trị gia tăng không cao. Ngoại trừ điện thoại và linh kiện điện thoại, nhập cảng các nguyên vật liệu đầu vào khác đều giảm sút như vải, chất dẻo nguyên liệu, kim loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày do nhu cầu xuất cảng thành phẩm hoặc tiêu thụ trong nước co hẹp.”

Công nhân nhà máy Samsung Vietnam. (Hình: Thời Báo Kinh Doanh)

Ông Thế Anh cho biết thêm: “Xuất cảng hàng hóa của Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc về khu vực FDI. Giá trị gia tăng thấp do chủ yếu là gia công, lắp ráp hoặc phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Rủi ro cũng đến từ việc có thặng dư thương mại lớn với một thị trường lớn (Mỹ) mà Việt Nam chưa có FTA (hiệp định thương mại tự do). (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT