Friday, April 26, 2024

Cầu đường mới làm xong đã lún, võng, đầy ổ gà

HÀ NỘI (NV) – Cầu và đường lộ vừa mới khánh thành chưa bao lâu đã “lún võng,” “thấm dột” và đầy ổ gà, vấn đề của trình độ kỹ thuật và tham nhũng tái diễn mãi tại Việt Nam như bệnh kinh niên.

Hôm Thứ Hai, 5 Tháng Mười Một, 2018, nhiều báo trong nước cho hay Bộ Giao Thông CSVN “yêu cầu chủ đầu tư đánh giá kỹ thuật và khắc phục” khu vực có nhiều chỗ “cong võng như lượn sóng” trên cầu Bạch Đằng để “đảm bảo chất lượng công trình; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện đi trên cầu.”

Cầu Bạch Đằng (bắc ngang qua sông Bạch Đằng) nằm trên đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng mới mở cho xe lưu thông cách đây hai tháng, tốn kém đầu tư 7, 270 tỉ đồng (khoảng $312 triệu USD) xây dựng theo hình thức BOT có nhiều nhà đầu tư và tư vấn thiết kế quốc tế tham dự và được giao cho nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Cầu Bạch Đằng có phần chính thiết kế dây văng dài 700 mét trong tổng chiều dài toàn dự án 5.4 km, vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng, sông Cấm, điểm đầu thuộc địa phận đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, điểm cuối tuyến thuộc quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Cầu gồm 4 nhịp dây văng với 3 trụ tháp hình chữ H có chiều cao 100 mét, cao độ thông thuyền 48.4 mét, mặt cắt ngang toàn cầu 25 mét với 4 làn xe chạy.

Cả tuyến đường dài gần 25km gồm cả chiếc cầu có vốn đầu tư lên đến 13 ngàn tỉ đồng (tương đương khoảng $556 triệu USD) khi hoàn thành giúp cho sự di chuyển giữa Hải Phòng và Hạ Long rút ngắn được 25 km thay vì phải đi vòng lên đến 75 km. Khoảng cách đi lại giữa Hà Nội với khu vực Hạ Long cũng được rút ngắn thêm 50 km, chỉ còn 130 km.

Hôm Chủ Nhật, một số báo tại Việt Nam thuật lời kêu ca của những người chạy xe qua cầu Bạch Đằng nói, vì sợ nguy hiểm, họ không dám chạy nhanh đến 100km/giờ như cho phép vì mặt cầu nhấp nhô lượn sóng có chỗ độ lún võng tới 20cm.

Giải thích về cái “lún võng” bất bình thường khiến người chạy xe lo sợ cho tính mạng, trên tờ Đất Việt, ngày 3 Tháng Mười Một, 2018, ông Nguyễn Tiến Oánh, phó tổng giám đốc công ty CP BOT cầu Bạch Đằng giải thích rằng “tình trạng này đã được phát hiện từ Tháng Tư, 2018” chứ không phải mới đây.

“Thời điểm đó, cây cầu đang thi công đến giai đoạn hợp long các đốt dầm, nhà đầu tư đã phát hiện ra sự chênh lệch độ cao giữa các đốt nên có ý định tiến hành bù vênh luôn nhưng nhiều ý kiến tư vấn cho rằng cần có thời gian theo dõi, quan trắc, công trình ổn định mới tiến hành bù vênh,” lời ông Oánh được thuật lại trên tờ Đất Việt. “Tình trạng lún võng chỉ xảy ra ở vị trí trước và sau hai khối hợp long. Tại những vị trí này có hai cánh đúc hẫng, đáng ra nó phải khít nhau khi đúc, đến lúc đổ khối hợp long sẽ bằng nhau. Nếu là cầu đúc hẫng thông thường (cầu cứng), đơn vị thi công căn chỉnh từ trước, ra đến nơi sẽ khớp luôn. Nhưng Bạch Đằng là cầu dây văng 3 trụ, nhất là trụ tháp ở giữa bập bềnh, việc điều chỉnh rất khó khăn, dẫn tới sự chênh lệch về cao độ giữa đốt đúc khi hợp long.”

Lời ông Oánh giải thích: “Đây là hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm, không phải do khai thác rồi bị lún võng.”

Dù người chạy xe cảm thấy bất an khi độ lún của mặt cầu “diễn ra với tần suất dày, cảm giác như xe có thể nhấc khỏi mặt đất bất cứ lúc nào” nhưng các sếp cầm đầu công ty cổ phần BOT Bạch Đằng “vẫn khẳng định độ chênh lệch vẫn nằm ở mức cho phép, an toàn khi các phương tiện lưu thông với tốc độ 100km/h,” tờ Đất Việt kể.

Một trong những cách làm giản dị nhất, dễ nhất là “bù vênh” bằng cách rải thêm thảm nhựa, nhưng một chuyên viên cầu đường cho rằng cách giải quyết này tồi tệ nhất, vấn nạn vẫn còn nguyên và dẫn tới “vỡ đường.”

Ông Nguyễn Đình Thám – Trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội cho rằng: “Khi kéo các dây văng thì phải tính toán sai số để cho dãn dây văng, làm cho dầm cầu dãn xuống. Nhưng nếu tính không chính xác, kinh nghiệm kéo dư để bảo đảm cho sau 1 thời gian dịch cho cân bằng nhau thì sau này dẫn tới hiện tượng lún võng mặt cầu. Trước khi thi công phải tính toán được điều này chứ sao lại để xảy ra vấn đề lún võng!”

Ông Thám không đồng tình với việc chủ đầu tư cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến lún võng mặt cầu Bạch Đằng đến từ đặc thù của cầu dây văng. Ông Thám nói trên tờ Đất Việt: “Những nhà thi công phải tính được những vấn đề đến từ đặc thù cầu dây văng, họ lường trước được những vấn đề gặp phải như đúc dầm, hợp long, dây văng… Bởi trong quá trình thi công thì đã có hiện tượng lệch rồi thì người ta điều chỉnh bằng kéo dây văng, dần dần cho nó hợp long, hai bên ăn khớp nhau. Nếu tính không chính xác thì có thể dẫn tới hiện tượng lúc đầu kéo khớp với nhau nhưng sau dây văng có sự dịch chuyển đầu neo, dãn dây căng khiến cầu biến dạng tiếp.”

Bây giờ người ta chưa biết chủ đầu tư cầu Bạch Đằng giải quyết “bù vênh” cách nào.

Chuyện cầu Bạch Đằng dấy lên khi chuyện cầu đường của đoạn cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi với tổng chiều dài gần 140 km đang còn nóng trong dư luận. Các cây cầu vượt thì “dột thấm” trong khi mặt đường nhiều đoạn “chi chít ổ gà,” báo chí trong nước kêu ca hai tuần trước đây. Khúc đường này cũng được đầu tư lên tới 13,500 tỉ đồng hay khoảng $580 triệu, vay tiền của cả Nhật Bản và Ngân Hàng Thế Giới.

Mới ngày 1 Tháng Mười Một, 2018, người ta thấy tin một con bò đi bên kênh dẫn nước ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định, bị trượt chân, đụng vào “thanh giằng bê tông cốt sắt” chống ngang mặt kênh thì lòi ra “thanh giằng bê tông cốt cây.”

Giải thích cho sự gian dối, ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định nói là “do công nhân trong quá trình thi công vì nghịch ngợm mà thay cốt thanh giằng bằng gỗ,” theo báo Đất Việt ngày 2 Tháng Mười Một, 2018. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT