Friday, April 19, 2024

Trường Nữ Trung Học Gia Long, chút hương Xuân còn lại

Phụng Linh - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Xuân là thời khắc giao mùa, những vệt nắng ấm nhuộm vàng cả không gian. Bầu trời Sài Gòn vào những ngày bắt đầu năm mới chỉ hơi se lạnh mà ngôi trường Gia Long xưa đã tràn ngập những chiếc áo len đủ màu sắc bay lượn, nhảy nhót khắp sân vào giờ ra chơi.

Nữ sinh Gia Long điệu đàng thường chỉ đợi mùa xuân để khoe “một cái gì khác không phải là tà áo trắng” trong ngôi trường nổi tiếng kỷ luật nghiêm minh. Giờ đây khi không còn được khoác chiếc áo dài đơn sơ ấy, chúng tôi lại da diết nhớ thương màu áo trắng bình dị năm xưa, hơn bao giờ hết.

***

Ngày 12 Tháng Mười Một mới đây, chúng tôi có dịp gặp nhau ở Ðường Sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, Sài Gòn, nhân dịp ra mắt sách ảnh Một Thời Áo Tím – Gia Long. Trên một trăm thầy và trò trường Gia Long xưa tay bắt mặt mừng, nghèn nghẹn vì xúc động.

Trời nắng đẹp, những vệt nắng vàng trải dài con đường, làm rực rỡ mớ tóc bạc trắng của các thầy cô giáo ngồi ở hai hàng ghế đầu. Niên trưởng Nguyễn Thị Thanh Quan ra trường năm 1962 vội vã bật chiếc dù để che nắng cho cô Kha Thị Hưỡn, cựu tổng giám thị trường Gia Long.

IMG_1446 copy

Các cựu nữ sinh trẻ nhất giờ cũng đã ngoài năm mươi như sống lại những ngày xuân phơi phới. Họ cười nói xôn xao và ơi ới gọi nhau chụp hình kỷ niệm. Ai cũng biết tất cả mọi thứ đều trôi tuột và biến mất theo nếp thời gian, chỉ còn lại hình ảnh của một thời.

Chúng tôi trăm người như một, rất thích xuất hiện trước ống kính máy ảnh. Chỉ cần một-hai người đứng trước, thế là hàng lớp ào tới nối vào làm anh phó nhòm bối rối đứng trân người, chờ cho đến lúc không còn một ai thêm vào nữa. Và chúng tôi thường bất chấp chỗ đứng, có thể ngay trên bục gỗ lúc người hướng dẫn chương trình đã bắt đầu câu chuyện, hoặc đứng ở giữa đường. Chúng tôi như chỉ biết có riêng mình, mà quên béng những người chung quanh.

Cũng tại đây, lần đầu tiên chúng tôi nghe câu chuyện kể từ chị Thanh Quan nói về hành vi rắn mắc của nữ sinh Gia Long. Có vẻ như càng bị ép vào khuôn khổ nề nếp kỷ luật, chúng tôi chỉ đợi có dịp là bộc phát tính chất ranh mãnh của lớp học sinh “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.”

Chị kể, trường Gia Long xưa có một sân vũ cầu để học sinh sử dụng trong giờ ra chơi. Chỉ vì cần một “cảm giác mạnh,” chị cố tình đánh thật mạnh để trái cầu văng lên nóc nhà phòng tập võ giữa sân thể thao. Ðó là cái cớ để chị bắc một chiếc thang gỗ, leo lên mái tôn, một dịp vui đùa thỏa thích. Nhưng bất ngờ, không chỉ một mình chị mà phía đàng sau một đám chừng năm, sáu bạn học cùng lớp cũng đã kịp nối gót trèo lên theo. Trong khi chị hoảng hốt không biết phải làm gì thì bà giám thị hành lang xuất hiện. Cảm giác vui thú biến mất để nhường lại nỗi kinh hoàng của người cầm đầu một đám nữ sinh buộc vạt áo dài vào nhau cho tiện leo lên chiếc thang trèo đến tận nóc phòng thể thao. Bà giám thị hoảng sợ không kém, đành năn nỉ “đám học trò quỷ quái ở đâu ở đó,” để chờ hai ông thợ điện đứng gần đấy leo lên, nắm tay đưa xuống từng người một.

IMG_1447 copy

Nghe chị kể, tôi chợt nhớ có lần đưa một nhóm niên trưởng sang thăm vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu hồi năm 2003. Ðột nhiên năm-sáu chị tuổi đã ngoài năm mươi bỗng cùng thoăn thoắt trèo lên cây sầu riêng. Tôi không dám trèo lên theo, đứng dưới đất trố mắt nhìn với vẻ kinh ngạc lẫn kinh hoàng.

Trong số hàng trăm học trò Trường Nữ Trung Học Gia Long năm xưa tề tựu giữa đường phố Nguyễn Văn Bình vào buổi sáng cuối năm 2016, có người từ Mỹ, có người từ Pháp… Tôi mong đợi một người, chị Lê Thị Phụng, Gia Long 1955-1962 từ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, cùng đến dự buổi gặp gỡ theo thư mời đã gửi qua bưu điện, nhưng không thấy chị đâu. Thời gian dần trôi đã làm những người từng đứng trên bục gỗ hoặc khoác chiếc áo mang hiệu đoàn Gia Long rơi rụng dần. Bây giờ người nữ sinh Gia Long trẻ nhất cũng đã ngoài năm mươi.

Khoảng ba mươi vị cựu giáo sư và cựu nhân viên hành chánh tham dự buổi gặp gỡ do chúng tôi tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà Giáo ở Việt Nam năm nay. Nhìn những mái tóc bạc phơ, dáng đi lụm cụm và những nếp nhăn trên khuôn mặt của các thầy giáo xưa, không ai khỏi xúc động, bùi ngùi. Quả là thời gian đã lấy đi của thầy cô giáo của chúng tôi, không chỉ lòng tận tụy vì học trò, mà cả nét duyên dáng ngày xưa. Nữ sinh điệu đã đành, ai nói các cô giáo Gia Long không quyết liệt giữ gìn hình ảnh mô phạm của mình, những kỹ sư của tâm hồn?

sac tim gia long 6 copy

Tôi còn nhớ khi đến tận nhà đưa cô Huỳnh Thị Nữ vào bệnh viện khi cô đã ngoài tuổi bảy mươi. Cô bị stroke nên không thể tự mình đi lại được, nhất định bảo chúng tôi mở hộc tủ, mang đến một chai nước hoa để cô xịt lên tóc, và cả chiếc nón vải xinh xinh mà cô vẫn thường đội mỗi khi đi ra ngoài.

Tôi lại càng không thể nào quên hình ảnh cô giáo Trịnh Thị Minh dạy môn Sử Ðịa niên khóa 1963-1964 lúc cô mới chừng 30 tuổi. Mớ tóc cúp cao bồng bềnh trước trán; giọng miền Nam dịu dàng, nhỏ nhẹ và chiếc áo dài teteron màu xanh đậm phất phơ như cuốn hút ánh mắt của hàng chục đứa học trò nhỏ ngồi trước mặt. Tôi ngây người ngắm cô. Trong trí óc non nớt của chúng tôi lúc đó xuýt xoa không biết bao nhiêu lần câu nhủ thầm, sao cô đẹp thế, sao cô đẹp thế.

Thầy cô giáo của chúng tôi nay đã tản mác khắp các phương trời, không dễ gì gặp lại đông đủ. Người ở Mỹ, người ở Pháp, Ðức, Úc kể cả ở Việt Nam… và nhiều người đã ngự ở thiên đàng. Niềm vui hội ngộ ngày càng trở nên hiếm hoi, chúng tôi lại càng cồn cào, nôn nóng muốn gặp lại những người mang lại mùa Xuân bất tận cho tuổi trẻ của mình.

sac tim gia long 8 copy

Tuổi tác của chúng tôi ngày càng chất chồng thì những ngày còn lại của các thầy cô cũng ngắn dần. Mỗi lần gặp lại nhau, chúng tôi không cần phải lùng sục trong trí nhớ nhỏ nhoi của mình những dư âm của ngày xưa. Tiếng nói của các thầy cô dù đã yếu hơn nhiều, nhưng cũng đủ làm bừng sống dậy trong mỗi chúng tôi những kỷ niệm xôn xao của thuở nào. Tôi bỗng nhớ lại những ngày hội hè tất niên tưng bừng dưới mái trường xưa. Mọi người đua nhau trang hoàng lớp học, đứa dợt đàn, đứa tập múa. Hầu như mọi người đều thấy vui hể hả trong thời khắc chuẩn bị, chứ còn sau khi tàn cuộc vui thì ai nấy buồn hiu, luyến tiếc.

Thời gian không đủ để chúng tôi trải lòng trong những lần gặp gỡ. Mỗi người hầu như chỉ có thể nói được vài câu thăm hỏi thầy cô, và bạn mình một cách qua loa. Nhưng tôi có lẽ may mắn hơn, khi được ghì thật chặt các cô giáo của mình. Ôm hoài không muốn bỏ ra tấm lưng giờ đã trở nên xương xẩu, mặc cho giọt nước mắt lăn dài. Tôi đọc được ánh mắt của cô giáo như hờn trách bỏ cô đi lâu quá mà không về gặp. Còn đâu những chuyến đi dã ngoại kéo dài ở Vũng Tàu, Nha Trang, Ðà Lạt, Phan Thiết,… để đua nhau kể những câu chuyện dài không ngừng nghỉ suốt chuyến đi. Tôi không hề tưởng tượng được cảnh trước đó đứng trên chuyến xe Sài Gòn-Ðà Lạt xưa dài đến bảy, tám tiếng đồng hồ để làm quản trò, để mời hết người này đến người khác kể chuyện vui, pha trò để mọi người cùng lăn ra cười ngặt nghẽo. Có lúc chúng tôi còn trách bác tài xế tại sao không chịu vỗ tay tán thưởng những câu chuyện kỳ thú của lũ học trò, khi gặp thầy cô thì tất cả mọi trang nghiêm của đời thường đều tan biến. Chúng tôi hiện nguyên hình đám “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò,” trửng giỡn, trêu ghẹo nhau như hồi tuổi mười hai, mười ba…

sac tim gia long 10 copy

Chỉ cần đứng cạnh thầy cô, chúng tôi như sống lại cảm giác được che chở, và an ủi của một bậc thầy. Mọi âu lo, mọi lo lắng đều tan biến, chỉ còn lại trong lòng nỗi yêu thương tràn ngập, với một chút tiếc nuối về những ngày xưa thân ái.

Chúng tôi rủ nhau đến thăm cô Trần Thị Tỵ, cựu hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long tại nhà riêng ở đường Trần Ðình Xu, quận 1. Cô không còn đi lại vững vàng như trước, và giọng đã bắt đầu run khi chuyện trò với chúng tôi. Ít nhất hai lần, cô lặp đi lặp lại tôn chỉ của người hiệu trưởng của một trường nữ trung học lớn nhất Việt Nam thời đó, lúc cô 37 tuổi, rằng phải chú trọng đào tạo một thế hệ phụ nữ mới trí thức, vừa có bản lĩnh, có thể gánh vác việc xã hội, việc quốc gia ngang bằng nam giới.

Vào những năm đầu thập niên 1960, điều đó không dễ dàng thực hiện dưới xã hội Việt Nam còn khá nặng tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ, và chỉ muốn giữ chặt người phụ nữ trong mái gia đình, với bổn phận săn sóc và chăm lo cho chồng, cho con. Cô tin rằng mình đúng khi nhất quyết theo đuổi chủ trương duy trì nề nếp quy củ của một ngôi trường nữ trung học lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, và tạo mọi điều kiện để đào tạo một lớp nữ sinh mới không chỉ học giỏi, mà còn siêng năng tập luyện thể dục thể thao, giỏi cắt may, hội họa, nấu ăn,…

Cô Trần Thị Tỵ, cựu hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long.
Cô Trần Thị Tỵ, cựu hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long.

Cô tâm sự, không có gì để hổ thẹn trong suốt 3 năm làm giám học và 4 năm làm hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Gia Long. Cô ví mình đã làm tròn nhiệm vụ dẫn dắt các giáo sư chăm lo đào tạo nhiều thế hệ nữ sinh một cách đúng mực để khi ra trường có thể gánh vác công việc của xã hội mà không quên đảm đương trách nhiệm đối với chồng, con dưới mái gia đình.

Không thể coi là “bất chiến tự nhiên thành,” cô Trần Thị Tỵ đã hết sức cẩn trọng khi tiếp nhận và huấn luyện một lực lượng giáo sư có đức độ lẫn tri thức, những người kỹ sư của tâm hồn, vì cô quan niệm rằng “thầy giỏi mới có trò giỏi.”

Trong suy nghĩ của riêng tôi, cô Trần Thị Tỵ và hàng trăm vị giáo sư đứng trên bục giảng của Trường Nữ Trung Học Gia Long ngày xưa xứng đáng được các thế hệ nữ sinh ngưỡng mộ. Hơn bảy mươi năm hoạt động, từ năm 1905 đến năm 1975, uy tín về sự quy củ, về sự đào tạo lớp nữ sinh tài đức song toàn của Trường Nữ Trung Học Gia Long không hề bị sứt mẻ.

Mỗi lần gặp lại các thầy cô cũ của mình vào dịp cuối năm, tôi vẫn nghe thoang thoảng đâu đây chút dư hương còn lại của một mùa Xuân nồng ấm.

Mời độc giả xem chương trình “Miền Nam yêu dấu! Giai phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu” (Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT