Thursday, April 18, 2024

Công nhân đình công ít khi được truyền thông CSNV loan tin

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các cuộc đình công tranh đấu quyền lợi lao động rất ít khi được truyền thông của nhà cầm quyền CSVN đưa tin.

Cuối tuần qua, bản tin điện tử của Đài VOV cho hay tại tỉnh bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 18 vụ đình công tại địa phương. Hầu hết đều xảy ra tại các xí nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Hiếm hoi những vụ đình công vừa kể được báo chí địa phương theo dõi và đưa tin.

Công nhân đình công tại một xí nghiệp trong tỉnh Bình Dương. (Hình: VOV)

Để tránh né sự “nhạy cảm” chính trị, đài VOV không gọi đó là các vụ đình công mà gọi là “tranh chấp lao động tập thể.”

Số người tham gia vào các vụ đình công đó thấy được nói khoảng 10,700 người và xảy ra phần lớn tại các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ với chín vụ đình công. VOV còn nói rằng các vụ “tranh chấp lao động tập thể” đang “có xu hướng tăng.”

Nguồn tin trên đổ vạ cho các vụ đình công “có xu hướng tăng” do “hành vi vi phạm pháp luật” của cả giới chủ nhân cũng như giới công nhân.

Giới chủ xí nghiệp bị cho là “không chấp hành đúng pháp luật lao động, Luật Công Đoàn, Luật Bảo Hiểm Xã Hội dẫn đến quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm.” Còn giới công nhân bị cho là “thiếu hiểu biết của người lao động về các quy định liên quan đến pháp luật lao động, việc làm, hay do bị kích động, lôi kéo.”

Theo Luật Lao Động CSVN được thông qua năm 2019, đình công được định nghĩa là “sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”

Tức là cuộc đình công phải do tổ chức công đoàn cầm đầu để thương lượng với chủ xí nghiệp, đòi hỏi thỏa mãn các yêu sách.

Tuy nhiên lại không nói gì rõ rệt thế nào là đình công bất hợp pháp mà chỉ liệt kê sáu trường hợp bị coi là đình công bất hợp pháp, gồm: “Không thuộc trường hợp được phép đình công; Không do tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công; Vi phạm trình tự, thủ tục đình công; Khi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; Tiến hành đình công ở những nơi không được đình công; Vẫn đình công khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Công nhân đình công tại tỉnh Nghệ An hồi Tháng Hai, 2022. (Hình: VNExpress)

Vì hệ thống công đoàn hiện nay tại Việt Nam là tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, do các đảng viên của đảng cầm đầu. Họ không hề giúp giới công nhân tranh đấu cho quyền lợi của mình mà chỉ làm theo lệnh đảng. Cho nên, tất cả các cuộc đình công tại Việt Nam suốt bao năm qua đều do chính giới công nhân lao động tự động đứng ra tiến hành nên đều bị gọi là bất hợp pháp.

Giữa Tháng Hai vừa qua, tờ Lao Động kêu gọi có các biện pháp trừng trị xứng đáng cho hàng loạt các vụ đình công xảy ra tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Ninh,…. vì sợ “phản ứng dây chuyền” dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho chế độ. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT