Monday, April 15, 2024

Công sở, quan xã ở Tây Nguyên đua nhau ‘chơi’ nhà gỗ

TÂY NGUYÊN, Việt Nam (NV) – Nhiều cơ quan nhà nước ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk đang đua nhau chi hàng chục đến cả trăm tỷ đồng để làm những căn biệt thự gỗ với độ “tráng lệ” tùy vào cấp cơ sở hay cấp tỉnh, chỉ để… tiếp khách.

Theo báo Người Lao Động, căn nhà gỗ trong khuôn viên Tỉnh Ủy Kon Tum rộng chừng hơn 150 mét vuông, được thiết kế theo dạng nhà rường cổ, mái ngói. Khung nhà được làm từ nhiều thân cây gỗ lớn kết nối với nhau. Bao quanh nhà là hệ thống tường xây giả cổ và các cánh cửa gỗ được chạm khắc công phu.

Cũng có thiết kế tương tự căn nhà gỗ trong khuôn viên Tỉnh Ủy Kon Tum, nhưng căn nhà gỗ tại khuôn viên Tỉnh Ủy Gia Lai có diện tích lớn hơn. Nhìn bề ngoài, căn nhà này có vẻ cũ hơn, do mái ngói đỏ đã ngả màu, rêu xanh bao phủ.

Còn tại Huyện Ủy Kbang, tỉnh Gia Lai, một nhà gỗ cũng được cất ngay sau lưng khu làm việc bằng nhiều cây gỗ quý, có đường kính khoảng 20 cm được dùng làm cột và hệ thống khung cho căn nhà. Ở giữa, nhiều tấm gỗ lớn có bề rộng chừng 80 cm, dày 15 cm, dài 3 mét, nối lại tạo thành chiếc bàn dài, hai bên kê hàng chục ghế ngồi được tiện từ gỗ lớn. Tương tự, Thị Ủy Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, cũng dựng nhà gỗ rất to.

Giải thích về căn nhà gỗ này, ông Phạm Quang Vĩnh, chánh văn phòng Huyện Ủy Kbang, cho biết căn nhà được xây năm 2017 từ nguồn “vật tư của một số doanh nghiệp chứ không dùng ngân sách.” Mục đích làm nhà để có chỗ cho “anh em ngồi tiếp khách.”

Trong khi đó, bà Trần Ngọc Chi, chánh văn phòng Tỉnh Ủy Gia Lai, và ông Tô Xuân Tụng, chánh văn phòng Tỉnh Ủy Kon Tum, đều cho rằng những căn nhà trên được xây dựng trước khi về nhận nhiệm vụ nên “không nắm rõ.” Hơn nữa, những căn nhà này đều do Binh Đoàn 15, Bộ Quốc Phòng, trao tặng theo kiểu “chìa khóa trao tay.”

“Căn nhà dùng để đón tiếp các đoàn khách quốc tế và là nơi gặp gỡ các đơn vị của tĩnh vào các ngày lễ, kỷ niệm,” ông Tụng nói.

Ông Đậu Thiện Lương, thiếu tá, trưởng Phòng Kế Hoạch-Tài Chính, Binh Đoàn 15, Bộ Quốc Phòng, xác nhận với báo Người Lao Động, cho biết năm 2012, đơn vị đã làm tặng cho Tỉnh Ủy Gia Lai căn nhà gỗ có diện tích nhà chính 240 mét vuông.

Căn nhà gỗ xây dựng trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Đình Thuận, phó bí thư đảng ủy xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. (Hình: Người Lao Động)

Đến năm 2014, đơn vị này cũng xây dựng nhà gỗ có diện tích nhà chính 183 mét vuông, tặng cho Tỉnh Ủy Kon Tum. “Việc trao tặng nhà là để tri ân chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho đơn vị hoạt động trên địa bàn,” ông nói.

Về việc các cơ quan nhà nước được tặng những căn nhà gỗ quý hiếm này, ông Lê Văn Hoan, luật sư thuộc Đoàn Luật Sư Sài Gòn, đặt vấn đề nghi ngờ cho rằng, về góc độ pháp luật, không ai cấm việc tặng, cho. Tuy nhiên, phải xem xét việc tặng, cho là có điều kiện hay không.

“Một đứa trẻ muốn ăn cái kẹo cũng phải vòng tay xin người lớn. Hay như Vũ ‘Nhôm’ tặng cho Thành Ủy Đà Nẵng chiếc xe hơi thì cũng có điều kiện. Ở đây, người ta tặng cho cả căn nhà gỗ đắt tiền thì cũng phải xem lại có hay không điều kiện kèm theo,” ông nói.

Không chỉ vậy, nhiều cán bộ “cấp xã” cũng sở hữu cho mình những căn nhà gỗ quý, giá trị hàng tỷ đồng.

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, với các xã như Chư Drăng, xã Uar, xã Ia Rsai,… là một trong những “điểm nóng” về tình hình khai thác gỗ trái phép. Ngay tại những xã này, nhiều cán bộ xã thi nhau làm những căn nhà gỗ giá trị.

Căn nhà của ông HMP, cán bộ xã Ia Rsai, nổi bật giữa hàng trăm nóc nhà dân thấp lèo tèo ngay trung tâm xã này. Căn nhà được một bức tường xây kiên cố bao bọc kín đáo. Nhà chính được thiết kế theo dạng ba gian, mái lợp ngói.

Bên trong căn nhà chính, người xem cảm giác choáng ngợp vì được làm từ rất nhiều khúc gỗ quý, chạm trổ tinh vi cùng nhiều vật dụng trang trí bằng gỗ. Hai bên nhà chính là các khung gỗ được dựng từ nhiều cột gỗ lớn làm nơi thư giãn, sinh hoạt của gia đình.

Ông P. khoe rằng làm toàn bộ khu nhà không phải dùng tới “một cây đinh.” Thợ làm nhà cũng phải thuê người có tay nghề cao từ Phú Yên, làm liên tục trong nhiều tháng và mất tới hơn 2.2 tỷ đồng (hơn $96,597) tiền công. Nói về số gỗ để làm nhà, ông P. cho rằng tích góp trong nhiều năm từ người địa phương mang bán.

Cách nhà ông P. không xa, căn nhà kết cấu dạng gỗ của ông Nguyễn Đình Thuận, phó bí thư đảng ủy xã Ia Rsai, được xây dựng trên đất “không hợp pháp” vì sang nhượng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Căn nhà có tầng trệt tường xây, tầng 2 làm hoàn toàn bằng gỗ. Trang trí xung quanh là nhiều đồ dùng, cây nu gỗ. Ông Thuận bảo số gỗ làm nhà được mua lại từ nhiều nhà sàn của người dân địa phương, sau đó về tu sửa mà thành.

Còn cán bộ “cấp tỉnh” thì nhà gỗ được làm bề thế hơn. Căn nhà của ông Phạm Thanh Hà, ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Kon Tum, trưởng Ban Quản Lý Khu Kinh Tế tỉnh Kon Tum, tại xã Đắk Cấm, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, được chia thành nhiều khu, nằm trên mặt hồ sen tuyệt đẹp.

Theo ông Hà, mảnh đất ông mua của nhiều người, nhiều giai đoạn đến năm 2011 thì gộp lại thành một. Sau khi mua, ông xây dựng, tu sửa nhà nhiều lần, nhiều giai đoạn.

Không chỉ ông Hà, nhiều cán bộ khác của tỉnh Kon Tum cũng đang ở trong những căn nhà gỗ sang trọng, như căn nhà trên đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum của ông Nguyễn Hữu Nho, cựu chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Kon Tum… Trong lúc gỗ ngày càng khan hiếm, những ngôi nhà, biệt thự gỗ nguy nga cứ thế mọc lên ở xứ sở rừng núi Tây Nguyên. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT