Friday, April 19, 2024

Lãnh đạo Viện Kiểm Sát CSVN thú nhận có chủ trương ‘bắt giam để ép bị can nhận tội’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lâu nay ở Việt Nam, việc bắt giam nghi can rồi dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để họ nhận tội chỉ là cáo buộc, suy đoán từ phía thân nhân và giới luật sư.

Tuy vậy, lần đầu tiên, ông Lê Minh Trí, viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chính thức thừa nhận điều này với phát biểu được báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lại: “Việc bắt giam giúp công tác điều tra thuận lợi hơn nhưng đụng chạm một mức độ nào đó đến quyền con người, không bắt thì gây khó khăn cho công tác điều tra. Liên quan đến án tham nhũng và kinh tế, nếu để đối tượng [nghi can] ở bên ngoài xã hội thì họ không bao giờ nhận tội.”

Câu nói của người đứng đầu ngành kiểm sát, cơ quan giữ quyền công tố cao nhất, phản ánh sự thật đằng sau các vụ án kinh tế hoặc liên quan đến an ninh quốc gia. Hầu hết các bị can trong các vụ án này đều ngoan ngoãn khai nhận tội sau khi bị bắt tạm giam bốn tháng, sau đó tiếp tục gia hạn nhiều lần, thậm chí có nghi can còn bị “tạm giam” đến vài năm mà không được đưa ra xét xử.

Đồng thời, phát ngôn của ông Trí cũng tỏ ra ngược ngạo so với quy định tại Điều 98 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN 2015: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.

Luật Sư Ngô Anh Tuấn, người nhận bào chữa cho Luật Sư Trần Vũ Hải trong vụ án “trốn thuế”, bình luận trên trang cá nhân: “Theo như lời giãi bày ‘thực lòng’ của ông Lê Minh Trí thì có thể hiểu sơ bộ rằng cứ bắt giam, ắt sẽ có lời khai nhận tội hoặc khả năng rất cao là có lời khai nhận tội, đó là chìa khoá để giải quyết vụ án đang bế tắc khi các chứng cứ khác không đủ cáo buộc họ. Tham gia nhiều vụ án, tôi nhận thấy rằng, thấy nhiều trường hợp đại diện Viện Kiểm Sát rất bị động, thậm chí phụ thuộc, chạy theo các yêu cầu của cơ quan điều tra. Rồi đến khi đại diện Viện Kiểm Sát phát hiện ra những thiếu sót trong quá trình điều tra thì cũng không dám lên tiếng để họ làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Từ đó biến cái sai sót của người khác thành cái sai của mình dẫn đến hậu quả mình là người gánh chịu chính.”

“Với tư cách một con người, tôi mong muốn hành vi phạm tội phải bị trừng trị thích đáng. Nhưng trên tư cách một luật sư, tôi mong muốn người phạm tội phải được chứng minh rõ rằng họ đã phạm tội như thế nào bằng những chứng cứ xác đáng, rõ ràng, mình bạch chứ không phải buộc tội họ dựa trên những lời khai nhận tội đến từ việc thuyết phục, gây sức ép hay một cách thức nào đó để khép lại hồ sơ. Vì như thế là hành vi thể hiện sự thiếu trách nhiệm và phản khoa học, đi ngược lại quy định của pháp luật và sự tiến bộ xã hội,” theo Facebook Tuan Ngo.

Trong một diễn biến khác, báo điện tử Petro Times hôm 12 Tháng Chín dẫn lời bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN: “Để thực hiện quyền con người, quyền công dân đã quy định trong Hiến Pháp và chống oan sai, Luật Tố Tụng Hình Sự đã ban hành nhiều quy định như bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can. Đây là giải pháp vừa để làm căn cứ chứng minh cho hoạt động của cơ quan điều tra, vừa chống bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, thực tế quy định này vẫn chưa được thực thi. Lý do được Bộ Công An [CSVN] giải thích là “không có tiền để xây phòng hỏi cung có trang bị máy cũng như không có tiền mua máy ghi âm, ghi hình.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT