Tuesday, April 23, 2024

Ai là thủ phạm của ‘mua thần bán thánh’ tại Việt Nam?

Tư Ngộ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo nhà nước CSVN đả kích trò “mua bán thánh thần,” “hối lộ” tượng Phật, diễn ra hàng năm, nhất là vào Tháng Giêng “lễ hội.”

Theo thống kê của nhà cầm quyền CSVN, trên cả nước có gần 9,000 lễ hội diễn ra quanh năm suốt tháng. Phần lớn tập trung tại miền Bắc và thời gian diễn ra thường vào Tháng Giêng hay mùa Xuân như câu ca dao mô tả “Tháng Giêng là tháng ăn chơi.”

Nghi thức tế Nữ quan khai lễ Đền Mẫu Âu Cơ. (Hình: Dân Việt)

Mới đây, nhà cầm quyền trung ương ra lệnh cho các tỉnh thành cả nước “dừng” mọi lễ hội để ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang có chiều hướng lây lan trở lại. Một số địa phương đã phải “khoanh vùng,” bắt dân “cách ly xã hội,” xét nghiệm y tế. Thậm chí còn cấm người đi ra đi vào khu vực có dịch, gây đình trệ mọi hoạt động.

Những lễ hội lớn và nổi tiếng thường thu hút hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn người tứ phương đổ tới cúng vái, cầu khấn đủ mọi thứ cho mình.

Báo chí nhà nước CSVN từng có những bài viết về các quan chức của chế độ dùng “xe công” đến các đền miếu xin xỏ thăng quan tiến chức, cơ hội ăn hối lộ nhiều hơn.

Hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Hai, tờ Dân Trí (báo của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh Và Xã Hội CSVN) nhân cái tin “Người dân đeo khẩu trang kín mít khi về khai lễ Đền Mẫu Âu Cơ giữa dịch COVID-19” của tờ Dân Việt (báo của Trung ương hội Nông dân Việt Nam) ngày 18 Tháng Hai, viết bài bình luận “Ngừng lễ hội mùa COVID-19, bớt ‘đu dây’ giữa mê tín và khủng hoảng niềm tin.”

Trong đó, tờ Dân Trí kêu ca “người người ùn ùn đi lễ hội, lại diễn ra cảnh tượng chen chúc, tranh cướp, mua bán thánh thần, ‘hối lộ’ tượng Phật” diễn ra hàng năm, nhất là vào Tháng Giêng.

Từ niềm tin tưởng tâm linh “biến tấu” thành những thứ “quá đáng” dẫn đến “hệ lụy không nhỏ, từ cướp phết, tranh ấn, dẫm đạp lên nhau khiến không ít người ngất xỉu trong các lễ đâm trâu, chém lợn, xin lộc; chưa kể hành vi mông muội xoa tiền lên tượng Phật, nhúng tiền vào máu động vật…”

Tác giả bài viết cho rằng người ta đã “xa rời giá trị tinh thần” của phong tục tập quán tốt và đặt câu hỏi “Vì sao đi lễ chùa phải cầu xin lợi lộc, tiền tài, địa vị và cả sự bình an sau khi tranh đoạt quyền lợi với người khác? Vì sao phải xì xụp khấn vái với mâm cúng thật to để mong cầu giá trị vật chất, mà quay lưng với đạo đức và chữ hiếu? Nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, ném tiền xuống hồ, hay mang tiền rải khắp nơi để làm gì? Giá trị lễ hội có giúp con người hiện đại thay đổi, hay lại càng rơi vào mê lầm, tiếp tay cho một lớp người dám buôn thần bán thánh, kinh doanh tín ngưỡng?”

Người dân đeo khẩu trang dâng hương khai lễ Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) Xuân Tân Sửu. (Hình: Dân Việt)

Tác giả bài viết cho rằng: “Mê tín và chánh tín gần như là đứa con sinh đôi của tôn giáo. Thành thử quá một chút là thành mê tín. Có những người vì thiếu hiểu biết mà đi vào mê tín. Bên cạnh đó, có cả những người biết là không nên làm mà vẫn làm. Một nhà nghiên cứu phải thốt lên: Người Phật tử không học hành chánh pháp, không hiểu giáo lý một cách đúng đắn thì sẽ trở thành nô lệ cho tăng lữ! Sâu xa hơn, nhiều người cho rằng đây là cuộc khủng hoảng niềm tin, mà lễ hội ra đời càng nhiều chính là sự bù đắp thiếu hụt kinh khủng đó.”

Một điều không thấy tác giả bài viết nêu ra là đất nước Việt Nam đang do đảng Cộng Sản cai trị với bàn tay sắt. Mọi thứ đều trong tay đảng và nhà nước độc tài “xin-cho.”

Ngày nay, có tới gần 9,000 lễ hội quanh năm suốt tháng thì cũng đều là sản phẩm của chế độ. Các quan có nhân cơ hội này mà “chấm mút,”  dựa hơi thần thánh để cấu xé “hòm công đức” không. Từng có những lời nghi vấn đặt ra.

Chìa khóa khủng hoảng giữa mê tín và niềm tin là do đảng và nhà nước vô thần CSVN nắm giữ và ban phát theo nhu cầu chính trị. Tác giả bài viết trên tờ Dân Trí nên chỉ thẳng tay vào mặt những kẻ cầm đầu đảng và nhà nước, đó mới đích thị là thủ phạm. [kn]

MỚI CẬP NHẬT