Thursday, March 28, 2024

Hà Nội chỉ trích Bắc Kinh ‘làm phức tạp tình hình’ tại đá Ba Đầu

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25 Tháng Ba, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, chỉ trích Bắc Kinh về vụ 220 tàu dân quân biển Trung Quốc đang neo đậu dài ngày gần đá Ba Đầu.

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử Giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC),” trang web Bộ Ngoại Giao CSVN dẫn phát ngôn của bà Hằng.

Có 220 tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu. (Hình: Zing)

Ngoài ra, nữ phát ngôn viên cũng lặp lại những câu trả lời “muôn thuở” như Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế…” Tiếp đó, bà Hằng lên tiếng “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.”

Trước đó, hôm 21 Tháng Ba, chính phủ Philippines đã gửi một công hàm phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của 220 tàu đánh cá, thực chất là tàu dân quân biển, của Trung Quốc bỏ neo đầu tại bãi đá san hô mà Phi gọi là Julian Felipe Reef (tên quốc tế là Whitsun Reef, Việt Nam gọi là đá Ba Đầu, Trung Quốc gọi là Niu E jiao, âm Hán Việt là Ngưu Ách tiêu vì nó giống với cái ách trên cổ trâu bò để kéo cày).

Trước vụ này, giọng điệu của bà Lê Thị Thu Hằng được ghi nhận không có dấu hiệu mạnh mẽ hơn so với những lần đưa chỉ trích nhắm vào Trung Quốc trước đây về các động thái hung hăng ở Biển Đông.

Theo giới quan sát, việc nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN phản ứng mang tính chiếu lệ trước các hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông là điều dễ hiểu, vì đây có thể là chỉ thị của đảng để giữ mối quan hệ hữu hảo.

Tờ Thanh Niên hôm 24 Tháng Ba ghi nhận phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước CSVN tại phiên họp Quốc Hội diễn ra cùng ngày: “Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía Tây của chúng ta thế nào, phía Tây Nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt.”

Tổng Bí Thư Trọng cũng úp úp mở mở rằng đảng CSVN “đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến quốc gia, cực kỳ quan trọng, không thể để bất ngờ, bị động.”

Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN. (Hình: Người Lao Động)

Bãi san hô đá Ba Đầu mà Philippines gọi là Julian Felipe Reef rộng khoảng 10 cây số vuông mà cả Việt Nam và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Nó hình chữ V thuộc cụm đảo và bãi đá ngầm Sinh Tồn. Cụm này gồm 23 thực thể, Việt Nam đang trấn giữ bốn nơi gồm đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông, đá Cô Lin, đá Len Đao.

Trung Quốc chiếm đá Tư Nghĩa, Tháng Hai, 1988, rồi đến Tháng Ba, 1988, đánh chiếm đá Gạc Ma, sát hại 64 lính CSVN. Gạc Ma hiện đã được bồi đáp thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự khổng lồ. Các bãi san hô còn lại hiện không có nước nào trấn đóng hay kiểm soát hoàn toàn. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT