Saturday, April 20, 2024

Hà Nội: Sông Hồng ‘biến dạng chưa từng thấy’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Người dân sống ven sông Hồng sợ thiếu nước tưới, đêm nằm không dám ngủ sợ ruộng vườn, nhà cửa có thể biến mất dưới dòng nước do dòng sông này đang “biến dạng chưa từng thấy” về dòng chảy, mực nước…

Báo VNExpress hôm 28 Tháng Năm, 2019, cho hay theo Viện Khoa Học Thủy Lợi, quan sát hình dáng của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội từ năm 1989 đến nay dễ nhận ra những biến đổi rõ rệt. Dòng sông teo lại. Một nhánh sông lớn ở khu vực giữa hai huyện Mê Linh và Đông Anh đã biến mất. Ở khu vực phía đông cầu Thăng Long, mực nước hạ thấp tạo ra một bãi bồi khổng lồ.

Riêng người dân nội thành Hà Nội, ai cũng có thể nhận ra sự biến đổi ở khu vực cầu Long Biên. Trong những năm 1980-1990, Bãi Giữa từng tách hẳn ra với trung tâm thành phố bởi một nhánh sông, nhưng nay nhánh sông này đã biến mất. Một bãi bồi mới gần đó cũng đang hình thành.

“Vấn đề cốt lõi của sông Hồng hiện nay là đáy lòng sông dẫn bị hạ thấp bình quân mỗi năm 8 cm, dẫn đến mực nước sông Hồng cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng,” Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Đình Hòa – phó viện trưởng Viện Thủy Công, Viện Khoa Học Thủy Lợi Việt Nam, khẳng định với báo VNExpress.

Theo ông Hòa, mực nước sông Hồng thấp tạo ra hàng loạt hệ lụy như: xói lở ven bờ; thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; các hồ chứa thủy điện phải xả nhiều nước hơn để bù đắp, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; xâm nhập mặn ven biển; ô nhiễm môi trường; giao thông đường thủy tê liệt;…

Hiện tượng xói sâu bắt đầu từ những năm 2000. Cho đến năm 2012, diện tích mặt cắt ngang dòng dẫn chính đã tăng 40% so với năm 2000. Bên cạnh đó, lòng dẫn chính của con sông đã bị xói sâu khoảng 2 mét, khiến mực nước hạ theo. Tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống cũng thay đổi do lòng sông Đuống đã bị hạ thấp nhiều hơn so với sông Hồng, cũng bởi hai chữ “hút cát.”

Sự biến đổi của sông Hồng qua họa đồ chi tiết. (Hình: VNExpress)

Tin cho biết, trong vòng 15 năm từ 1997 đến 2012, gần 244 triệu khối cát đã bị lấy đi khỏi lòng sông Hồng. Nhiều nhất là từ ngã ba Việt Trì đến ngã ba tam tỉnh Hưng Yên-Hà Nam-Thái Bình.

Có năm khối lượng cát bị lấy đi chỉ riêng tại Hà Nội theo thống kê đã lớn gấp ba lần lượng phù sa về tới Sơn Tây. Cát bị lấy đi, cùng phù sa bị giữ lại các hồ chứa không đủ bù đắp làm đáy sông liên tục hạ thấp. Hai bên bờ sông bắt đầu sạt lở.

Trong khi đó, trên các con sông của Việt Nam, việc hút cát bất hợp pháp gần như công khai. Nhiều doanh nghiệp lấy danh nghĩa “dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa,…” để thoải mái hút cát qua mặt chính quyền địa phương.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn thuê nhiều nhóm “cát tặc” đi hút trộm. Các công ty này sau khi có giấy phép thường hoạt động dưới sự bảo kê của một băng xã hội đen.

Chỉ riêng giữa sông Hồng hiện có bảy điểm được cấp phép hút cát từ Phú Thọ đến Vĩnh Phúc rồi về Hà Nội, thu cả tỷ đồng mỗi ngày từ 2,000 khối cát lòng sông. Kẻ cầm đầu đã bảy lần thay đổi giấy phép kinh doanh.

Ông Bình – bí thư thôn Bắc Sơn, xã Hồng An, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cho biết sông Hồng để lại phù sa cho làng này một bãi Âm Sa phía trong, một bãi Tân Bồi phía ngoài. Trên những bãi ấy, dân làng trồng dâu, trồng chuối. Bao nhiêu mùa lũ tràn về không ngập hết được bờ bãi.

Thế nhưng từ năm 2012, một công ty được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình cấp phép khai mỏ và rồi mấy năm sau, tàu bè đến ngày càng nhiều, cắm ống hút cát cả ngày lẫn đêm.

Mặt cắt đáy thể hiện sự biến dạng của sông Hồng. (Hình: VNExpress)

Năm 2012, bãi Tân Bồi bắt đầu biến mất. Mùa Hè 2016, bãi Âm Sa cũng theo đất lở ầm xuống sông. Người dân bắt đầu phản ứng. Họ lập đội chống “cát tặc” hơn chục người với vũ khí duy nhất là mấy viên gạch vỡ và tiếng hô hoán, thậm chí không đủ hoàn thành vai trò của một “đội dọa cát tặc.”

Bất lực, người dân báo cáo lên xã, đưa đơn xuôi xuống huyện, đơn ngược về tỉnh. Công an về tuần tra, tự nhiên những chiếc tàu hút cát biến mất. Công an đi, chúng lại xuất hiện. Năm 2019, đội chống “cát tặc” cũng giải tán.

Sự chồng lấn trong quản lý cũng đã giúp “cát tặc” hoạt động thoải mái. Cùng một khúc sông, nhưng khi có “cát tặc” thì thành phố Vĩnh Phúc khẳng định đó là địa phận của Hà Nội.

Tháng Bảy, 2018, người dân thôn Cựu Đình, xã Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội chuyền tay nhau một lá đơn có chữ ký của từng nhà. Hơn hai mươi người kéo nhau lên huyện Phúc Thọ yêu cầu xử lý dứt điểm khai thác cát lậu. Lãnh đạo cầm đơn, bảo cứ về đi rồi xử lý. Chính quyền biết từ nhiều năm nay, nhưng bất lực.

Hai năm nay, công an Việt Nam phát hiện hơn 13,000 vụ với hơn 4,000 “cát tặc” nhưng chỉ bảy vụ với bảy bị can bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.”

Năm 2018, bên lề cuộc họp Hội Đồng thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội, cho báo giới xem một đoạn video hai tàu hút cát lậu hoạt động trên sông Hồng đoạn qua xã Cẩm Đình, chỉ cách tàu của cảnh sát đường thủy vài chục mét.

Thế nhưng, lãnh đạo Bộ Công An cho rằng “khó truy cứu trách nhiệm hình sự.” Bởi cơ quan hữu trách dù kiểm tra cũng không thể xử phạt, bởi không có văn bản nào quy định cách tính diện tích đối với mỏ cát sỏi dưới nước, để biết các doanh nghiệp, “cát tặc” có khai thác vượt mức hay không. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT