Thursday, April 18, 2024

Không có đàm phán nào về ‘Quy Tắc Ứng xử Biển Đông’ trong năm 2020

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không có cuộc đàm phán nào về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc trong năm 2020 như lời kêu gọi trước đó.

Đã hết năm 2020 và Việt Nam cũng đã kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của tổ chức 10 nước Đông Nam Á. Người ta từng kỳ vọng trong nhiệm kỳ này, các cuộc đàm phán cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (Code of Conduct gọi tắt là COC) được kết thúc để sau đó áp dụng nhằm giảm thiểu các nguy cơ xung đột võ trang vì tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Họp trực tuyến ASEAN với Trung Quốc ở Hà Nội ngày 12 Tháng Mười Một 2020. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, không hề thấy có cuộc đàm phán nào được loan báo đã diễn ra trong khi những dấu hiệu về các nguy cơ chiến tranh trên thực địa Biển Đông ngày càng có vẻ gay cấn hơn. Trung Quốc vẫn mở các cuộc tập trận quy mô “đua tiếng gáy” với Mỹ ở khu vực.

Khi có cuộc họp thượng đỉnh giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc ngày 12 Tháng Mười Một, 2020, có những lời kêu gọi hai bên sớm ngồi lại để hầu có thể kết thúc đàm phán COC.

Báo chí trong nước thuật lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi “hai bên cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên Ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử Ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế UNCLOS 1982” như tờ Lao Động tường thuật.

Đồng thời, báo South China Moring Post ở Hong Kong cũng cho hay khi họp trực tuyến với các lãnh tụ ASEAN ngày 12 Tháng Mười Một nói trên, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) cũng đã thúc giục hai bên “nhanh chóng đúc kết” bộ COC.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến hồi Tháng Sáu, 2020, VNExpess kể lại rằng ông Phúc cũng đã “kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế, đặc biệt là thực hiện tốt Tuyên Bố Ứng Xử Ở Biển Đông (DOC) và sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ứớc Liên Hợp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) 1982.”

ASEAN và Trung Quốc ký bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) trên Biển Đông từ năm 2002 nhưng các cuộc đàm phán cho bộ COC đã dậm chân tại chỗ vì Bắc Kinh tìm đủ mọi cách cản trở, từ chối thảo luận cho tới khi họ bồi đáp và biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành bảy đảo nhân tạo rồi xây dựng thành những căn cứ quân sự quy mô gồm cả cảng biển phi đạo, bố trí võ khi tối tân.

ASEAN họp cấp ngoại trưởng tại Nha Trang ngày 17  Tháng Giêng 2020 trước khi phải họp trực tuyến các cuộc họp về sau vì đại dịch COVID-19. (Hình: AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, khi đàm phán cho bộ COC, Bắc Kinh lại ngang ngược đòi một số điều kiện để từ đó dựa thế quân sự hùng mạnh, ép các nước nhỏ phía nam.

Thứ nhất, COC không được dựa vào các quy định của Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS) nhằm vô hiệu hóa bán án của Tòa Án Quốc Tế vào Tháng Bảy, 2016 phủ nhận giá trị của chín vạch “Lưỡi bò.” Thứ hai, Bắc Kinh đòi các cuộc tập trận của các nước ASEAN với các nước bên ngoài khu vực phải có sự thỏa thuận của các bên ký COC tức là gồm có Trung Quốc. Thứ ba là các nước ASEAN không được ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí Biển Đông với các nước ngoài khu vực.

Rõ ràng, Bắc Kinh muốn gạt các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, ra khỏi khu vực Biển Đông.

Hiện người ta không hề thấy tin tức nào đề cập đến các điều kiện ngang ngược vừa nói trên của Bắc Kinh có được thảo luận gì trong năm vừa qua hay không. Bao giờ sẽ có các cuộc đàm phán COC trong năm nay khi chủ tịch luân phiên khối ASEAN được chuyển sang tay Brunei mà người ta có cảm tưởng Bắc Kinh sẽ tìm cách ảnh hưởng. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT