Tuesday, April 23, 2024

Lễ giỗ thứ 57 cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở Lái Thiêu

BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Lễ giỗ lần thứ 57 cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được tổ chức tại nghĩa trang Lái Thiêu ngày 2 Tháng Mười Một, 2020.

Theo bản tin Công Giáo Ucan News, một số giáo dân đã đến nghĩa trang Lái Thiêu hôm Thứ Hai để dự Thánh Lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. Ông và người em Ngô Đình Nhu đã bị nhóm tướng lãnh đảo chánh sát hại ngày 2 Tháng Mười Một, 1963, khi được chở trên một chiếc thiết vận xa.

Lễ giỗ thứ 57 cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. (Hình: Amen TV)

Ucan News cho hay hai linh mục Lê Văn Lộc và Nguyễn Văn Nhựt đồng tế trước bàn thờ đặt ngay trên mộ phần của cố Tổng Thống Diệm. Cảnh sát giao thông CSVN canh chừng dọc theo đường vào nghĩa trang, trong khi công an chìm, kẻ theo dõi, kẻ quay phim, chụp hình tất cả mọi người tham dự lễ giỗ.

Theo Ucan News, nhiều người đã bị công an không cho vào dự lễ giỗ vì từ chối cho biết lý lịch nên buộc phải ra về. Lễ giỗ kể trên cũng được phổ biến trên YouTube qua nhóm thông tin Công Giáo Amen TV.

“Hôm nay chúng ta hiện diện nơi đây để dự lễ giỗ thứ 57 cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, đã bị sát hại ngày 2 Tháng Mười Một, 1963,” Linh Mục Lộc nói trong bài giảng tại lễ giỗ.

Ông nói rằng vị cố tổng thống đã mang lại giá trị tự do và dân chủ cho đất nước: “Chúng ta cầu nguyện cho ngài và các người thân trong gia đình được trên nước thiên đàng.”

Linh Mục Lộc kêu gọi những người tham dự Thánh Lễ giỗ cũng như người Công Giáo Việt Nam nói chung nên theo gương sáng của cố Tổng Thống Diệm, trung thành với đức tin và ứng dụng các giá trị đạo Chúa trong đời sống hằng ngày.

Sau Hiệp Định Geneve 1954, hàng trăm ngàn người đã chạy trốn Cộng Sản, từ miền Bắc vĩ tuyến 17 chạy sang miền Nam Việt Nam.

Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh năm 1901 tại Quảng Bình. Ông thuở nhỏ học trường Công Giáo ở Huế và có một thời gian tu học tại một chủng viên bên nước Bỉ, Châu Âu. Trong thời kỳ Việt Nam còn bị Pháp đô hộ và còn vua Bảo Đại, ông từng đi lên từ một tri huyện đến Thượng Thư Bộ Lại. Nhưng ông cũng từng bí mật tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát, và lính khố xanh bản xứ tại Trung Kỳ. Chuyện bại lộ, ông phải đi trốn.

Khi vụ toàn quốc kháng chiến nổ ra năm 1945, phe Cộng Sản bắt ông nhưng thả ra vào năm sau. Sau khi Việt Nam chia đôi vào năm 1954, vua Bảo Đại cử ông làm thủ tướng tại miền Nam Việt Nam rồi sau cuộc trưng cầu dân ý ông trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.

Ông từng nói: “Tôi chỉ là một người bình thường. Tôi cố gắng làm từ sáng sớm tới tối khuya và hy sinh cả đời tôi cho đất nước.”

Cuộc đảo chính ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, tiếp nối theo những ngày tháng ngột ngạt vì những căng thẳng và xung đột tôn giáo. Sau khi anh em ông mất, miền Nam Việt Nam rơi vào hỗn loạn chính trị liên miên, giữa lúc Cộng Sản Bắc Việt vận động toàn lực nhuôm đỏ miền Nam với sự hậu thuẫn của cả khối Cộng Sản quốc tế.

Sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, phần mộ của anh em ông Ngô Đình Diệm và thân mẫu được dời từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở trung tâm Sài Gòn về nghĩa trang Lái Thiêu. Hằng năm, một số linh mục và giáo dân Công Giáo vẫn đến đó làm lễ giỗ bất chấp sự canh chừng của Công An CSVN.

Giáo dân đọc kinh cầu nguyện trong lễ giỗ thứ 57 cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. (Hình: Amen TV)

Nghĩa trang Lái Thiêu cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30 km, đi theo hướng Thủ Ðức qua cầu Bình Triệu, thẳng tiến quốc lộ 13 qua ngã tư Bình Phước, khoảng 10 km là đến ngã tư cầu Ông Bố thuộc ấp Ðông Ba, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, quẹo phải vào đường DT743, đi thêm 2 km nữa là đến nghĩa trang Lái Thiêu.

Mộ của cố Tổng Thống Diệm và thân quyến nằm góc cuối nghĩa trang, dãy thứ tư (tính từ mặt tiền đường vào). Khi di dời hài cốt từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (hiện là công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn) về đây, nhà cầm quyền CSVN chỉ cho phép khắc trên hàng bia của mộ cố Tổng Thống Diệm chữ “HUYNH” và chữ “ĐỆ” trên mộ ông Ngô Đình Nhu vốn là cố vấn chính trị của ông Diệm.

Cho tới nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về nguyên nhân cái chết của anh em cố Tổng Thống Diệm cũng như thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam và những hệ quả của nó. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT