Thursday, April 25, 2024

Hàng không mẫu hạm Mỹ, Trung Quốc cùng dồn tới Biển Đông

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong khi nhóm chiến hạm Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Roosevelt dẫn đầu từ hướng Nam đi lên thì nhóm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đi xuống Biển Đông từ hướng Bắc.

Lần đầu tiên, hai nhóm hàng mẫu hạm của Mỹ và Trung Quốc cùng tiến vào Biển Đông làm khu vực này trở nên “bận rộn” khác thường. Sự hiện diện của chúng sau mấy ngày Philippines phản ứng gay gắt về sự hiện diện của hàng trăm tàu dân quân biển Trung Quốc ở đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền như Philippines và Trung Quốc.

Chiến đấu cơ F-35B rời tàu USS Makin Island tập trận trên Biển Đông ngày 8 Tháng Tư, 2021. (Hình: US Marine Corps)

Hôm 4 Tháng Tư, nhóm tàu tác chiến đặc nhiệm với hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông sau mấy ngày tập trận với đồng minh và đối tác tại Ấn Độ Dương. Sau đó lại có nhóm tàu thứ hai với mẫu hạm nhỏ USS Makin Island chở trực thăng và chiến đấu cơ tối tân F-35 cùng phối hợp hành động.

Bản tin của Hải Quân Mỹ nói rằng những tàu này tới Biển Đông phối hợp tập trận với các đối tác và đồng minh, đồng thời duy trình vùng biển tự do và mở rộng theo luật lệ quốc tế. Trên đường vào Biển Đông, các máy bay khu trục của hai mẫu hạm Mỹ đã tập trận cùng với các máy bay khu trục của Malaysia.

Hồi đầu Tháng Hai vừa qua, hai hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã phối hợp tập trận trên Biển Đông khi Bắc Kinh cho tổ chức tập trận tại bán đảo Lôi Châu, đối diện với miền Bắc Việt Nam.

Trong khi đó, một số nguồn tin quốc tế cho hay nhóm tàu Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tiến xuống Biển Đông sau khi đã tập trận ở eo biển Đài Loan với mục đích đe dọa đảo quốc này hôm 5 Tháng Tư.

Theo một số nhóm thông tin tình hình Biển Đông phổ biến trên Twitter, Mỹ cũng cho một khu trục hạm bám theo hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, theo dõi hoạt động của nhóm tàu này. Hình ảnh phổ biến cho thấy hạm trưởng và hạm phó của khu trục hạm USS Mustin cùng theo dõi tàu Liêu Ninh hôm mùng 4 Tháng Tư ở vị trí rất gần.

Hiện tình hình căng thẳng tại đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, chưa biết bao giờ có thể chấm dứt.

Hạm trưởng (CO) và hạm phó (XO) của khu trục hạm USS Mustin quan sát bằng mắt mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh hôm mùng 4 Tháng Tư, 2021. (Hình:The Drive)

Hôm Chủ Nhật 11 Tháng Tư, tờ Philstar ở Manila thuật theo tin từ Bộ Quốc Phòng Philippines nói vẫn còn 32 tàu dân quân Trung Quốc bỏ neo đậu lỳ tại đá Ba Đầu dù Philippines đã liên tục đòi Trung Quốc đưa chúng ra khỏi khu vực biển đặc quyền kinh tế của Philippines.

Một số nhà phân tích thời sự báo động Bắc Kinh có dấu hiệu sử dụng chiến thuật cướp các bãi đá ngầm trước đây tại đá Ba Đầu.

Hôm Thứ Bảy 10 Tháng Tư, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thảo luận qua điện thoại với Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana về nhóm tàu dân quân biển Trung Quốc ở đá Ba Đầu. Theo hãng tin AP, ông Austin đề nghị với ông Lorenzana một số biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước hầu “nâng cao cảnh giác về những đe dọa trên Biển Đông.”

Không ảnh chụp nhóm tàu Liêu Ninh (số 1, 2, 3, 4) đang tiến vào Biển Đông trong khi một khu trục hạm Mỹ (số 5) bám theo quan sát. (Hình: Twitter/OSINT)

Ông Lorenzana từng bắn tiếng dọa Bắc Kinh rằng Philippines đang hợp tác với đồng minh Mỹ thân cận để giải quyết vấn đề “Biển Tây Phi” vì nó nằm trung khuôn khổ “Hiệp định hỗ tương quốc phòng” giữa hai nước.

Ông còn cáo buộc rằng Bắc Kinh là trở ngại cho việc xây dựng một bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông để ngăn chặn giải quyết tranh chấp biển đảo bằng quân sự. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT