Tuesday, April 23, 2024

Ngân Hàng Việt Á bị cáo buộc làm ‘bốc hơi’ $7.28 triệu của khách hàng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tin cho hay, hôm 3 Tháng Giêng, 2019, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và anh trai, ông Triệu Hùng Cường, ở quận Hoàng Mai gửi đơn kêu cứu về việc sáu sổ tiết kiệm với tổng số tiền 170 tỉ đồng ($7.28 triệu Mỹ kim) tại phòng giao dịch Đông Đô của Ngân Hàng Việt Á bỗng nhiên bị “bốc hơi”.

Theo báo Thanh Niên, các cuốn sổ tiết kiệm này được lập theo hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn từ khoảng Tháng Chín, Tháng Mười 2018, với thời hạn gửi ba tháng, lãi suất 5.5% một năm. Tất cả các cuốn sổ đều có chữ ký của giám đốc Ngân Hàng Việt Á, chi nhánh Hà Nội, phòng giao dịch Đông Đô và có đóng dấu đỏ của ngân hàng này.

“Bà Trinh và ông Cường cho biết, ngày 8 Tháng Mười Hai, 2018, khi họ đến phòng giao dịch Đông Đô để rút tiền thì nhận được thông báo số tiền gửi của mình đã được rút, trong khi họ chưa hề kết toán sổ, chưa rút tiền và cũng không ủy quyền cho ai. Sau khi sự việc xảy ra, họ có đến Ngân Hàng Việt Á gặp cán bộ ngân hàng là ông Nguyễn Thanh Tùng. Tuy nhiên, người này “xin khất một thời gian sau trả lời”. Họ xin gặp chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và tổng giám đốc để giải quyết, nhưng các vị này đều tránh mặt, gọi điện không liên lạc được. Trong khi số tiền gửi tiết kiệm của họ không có quyết định phong tỏa,” tờ báo viết.

Đáng lưu ý, báo Thanh Niên dẫn nguồn đại diện Ngân Hàng Việt Á nói vụ việc của bà Trinh và ông Cường “có liên quan đến một vụ án đang trong giai đoạn điều tra” và cho biết thêm rằng ngày 24 Tháng Mười Hai, 2018, Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại phòng giao dịch Đông Đô của Ngân Hàng Việt Á.

Chuyên trang An Ninh Tiền Tệ của báo Người Đưa Tin cho biết thêm chi tiết: “Bà Nguyễn Thị Hà Thành bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo hàng trăm tỉ đồng tại Ngân Hàng Việt Á. Từ giữa năm 2018, một số khách hàng đến phòng giao dịch Đông Đô của Ngân Hàng Việt Á và được bà Thành đón tiếp. Khách hàng nghĩ bà Thành là sếp ở Ngân Hàng Việt Á vì thấy bà này thoải mái ra vào quầy giao dịch, phòng giám đốc. Lấy lý do cần tăng doanh số tiền gửi, bà Thành thuyết phục khách hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với bà để “hưởng lãi suất ưu đãi”. Đầu Tháng Mười Hai, 2018, một số khách hàng khác phát hiện sổ tiết kiệm của họ bị bà Thành và đồng phạm làm giả chữ ký để thế chấp vay vốn nên làm đơn tố cáo.”

Trong một diễn biến khác, hôm 31 Tháng Mười Hai, 2018, Facebook Ngọc Trang kể: “Chồng tôi là ông Đặng Nghĩa Toàn đến trụ sở Ngân Hàng Việt Á tại Hà Nội để hỏi về sổ tiết kiệm 20 tỉ đồng ($856,560) của ông ấy thì được phía ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm đã bị phong tỏa do chồng tôi ‘ký vay tiền và đã tất toán’. Khi chồng tôi đến hẹn làm việc thì phía ngân hàng đã đưa hơn 20 bảo vệ có trang bị súng và dùi cui ra đàn áp. Chồng tôi sợ quá nên đành ra ngoài để căng băng rôn kêu cứu dư luận.”

Từ các vụ việc nêu trên, có thể hiểu là các nạn nhân mất tiền hàng triệu đô la trong sổ tiết kiệm tại Ngân Hàng Việt Á liên quan đến chiêu lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu [có thể vì những người này được hứa hẹn hưởng lãi suất cao hơn so với thông thường] và sau đó bị lập khống hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng. Tuy vậy, không thấy truyền thông Việt Nam đề cập đến trách nhiệm của Ngân Hàng Việt Á trong việc để một số “đối tượng” xuất hiện ngay tại phòng giao dịch [vốn luôn được kiểm soát an ninh chặt chẽ] và khiến khách hàng hiểu lầm rằng họ là “cán bộ của ngân hàng này”. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT