Thursday, April 25, 2024

Quan chức xây tư dinh bằng gỗ quý, tàn phá rừng Tây Nguyên

GIA LAI, Việt Nam (NV) – Cả trăm ngàn hécta rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá, hàng chục cán bộ ở Gia Lai, Đắk Lắk bị kỷ luật do “phá rừng,” để rồi sau đó nhà của những quan chức này được dựng lên toàn bằng gỗ quý.

Theo báo Tiền Phong, những ngày gần đây người dân thành phố Pleiku xôn xao việc ông Hồ Phước Thành, giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Gia Lai có khối tài sản kếch xù. Cụ thể như miếng đất vừa mua ở phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) rộng hàng ngàn mét vuông được xây nhà mà từ phần cổng đến nội thất bên trong toàn bằng gỗ tự nhiên, kể cả cầu gỗ ngoài trời bắc qua hồ cá…

Trả lời với báo Tiền Phong về ngôi nhà này, ông Thành giải thích: “Đây là nhà của bố tôi từ năm 1975 đến giờ, không phải mới có bữa nay đâu. Ông có tám đứa con, đứa nào cũng thành đạt. Một người làm xây dựng nên nó xây hàng rào, làm nhà gỗ đó có gì lạ đâu. Cũng có người làm công ty điện mặt trời cho người ta ở Gia Lai. Còn cái nhà này xây dựng cao lắm cỡ 200-300 triệu đồng cũng không nhiều.”

Nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên phó giám đốc công ty Lâm Nghiệp Cư M’lan. (Hình: Tiền Phong)

Nói về căn nhà gỗ ở đường Sư Vạn Hạnh (thành phố Pleiku) với hai cánh cổng bên ngoài bằng gỗ được chạm trổ, mà bên dưới căn nhà hai tầng này là một ngôi nhà rường bằng gỗ tự nhiên, bên trong được trưng bày nhiều tượng gỗ quý, ông Thành cho biết: “Nhà đây lâu rồi. Đúng là có nhà gỗ nhưng là gỗ tạp thôi chứ không phải nhà rường đâu. Cách đây mười mấy năm, tôi đã có vậy rồi chứ không có gì mới. Đây là nhà vườn hồi tôi còn làm rẫy trong Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đem về rồi làm sạch sẽ lại thôi. Gỗ dầu ấy mà, chứ không phải gỗ nhóm quý…”

Về các tượng gỗ bài trí trong nhà, ông Thành phân trần: “Nội thất bên trong cũng không có gì, lâu lâu mình chọn cái gì mới mình để lên.”

Chưa hết, quán cà phê ở đường Cách Mạng Tháng Tám (thành phố Pleiku) được làm đa phần cũng bằng gỗ tự nhiên, chỉ phần mái bằng ngói. Khách hàng đến đây thường để chiêm ngưỡng những bộ bàn ghế, nội thất tinh xảo, đẹp mắt…

Quán cà phê đa phần bằng gỗ tự nhiên ở đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Pleiku, Gia Lai, được cho là của một quan chức ở Gia Lai. (Hình: Tiền Phong)

Không chỉ nhà quan chức, ngay bên trong trụ sở Tỉnh Ủy Gia Lai cũng có một căn nhà gỗ “tiền tỷ” mà theo lãnh đạo tỉnh cho biết do một đơn vị “xây tặng.”

Ngoài những “kiệt tác” bằng gỗ kếch xù trên của ông Thành, căn nhà gỗ của ông Trần Ngọc Quang, nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cũng bề thế không thua kém.

Theo quyết định thi hành kỷ luật của Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Trần Ngọc Quang đã sử dụng gần 85 khối gỗ thành phẩm (quy ra gỗ tròn gần 136 khối)  không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp để xây dựng lúc còn đương chức.

Nhà gỗ bên trong trụ sở Tỉnh Ủy Gia Lai. (Hình: Tiền Phong)

Tương tự, hai căn nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên phó giám đốc công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Lâm Nghiệp Cư M’lan, nay là phó tổng giám đốc công ty Chế Biến Thực Phẩm, Lâm Nghiệp Đắk Lắk ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) cũng rất nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk.

Điều đáng nói là ông Quyến cũng từng bị kỷ luật “Cảnh cáo” do những sai phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, để mất hơn 10,500 hécta rừng và đất rừng trong lâm phần được giao cho mình quản lý và bảo vệ. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT