Tuesday, April 23, 2024

Tranh cãi về kết luận điều tra Đinh La Thăng nhanh ‘thần tốc’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vụ Cơ Quan Điều Tra-Bộ Công An công bố bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Bí Thư Sài Gòn Đinh La Thăng chỉ sau 12 ngày kể từ ngày bắt tạm giam khiến công luận tranh cãi. Đây được xem là kỷ lục tố tụng “vô tiền khoáng hậu” ở Việt Nam nếu so với các vụ án khác. Chẳng hạn vụ án Luật Sư Nguyễn Văn Đài kể từ lúc bị bắt đến nay đã tròn hai năm nhưng vẫn chưa có kết luận điều tra và chưa biết bao giờ xét xử.

Báo Thanh Niên hôm 24 Tháng Mười Hai dẫn lời một số luật sư biện hộ cho quá trình “thần tốc” này.

Luật Sư Bùi Đình Ứng, thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội, được dẫn ý kiến: “Việc Cơ Quan Điều Tra – Bộ Công An có kết luận điều tra chỉ sau 12 ngày khởi tố, bắt tạm giam bị can Đinh La Thăng không có nghĩa là vi phạm tố tụng, thu thập chứng cứ ẩu. Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) đã được khởi tố từ lâu cùng một số bị can khác, các chứng cứ đã được thu thập làm rõ trước đó. Ông Đinh La Thăng có thể là bị can cuối cùng trong vụ án được khởi tố, bắt tạm giam trong vụ PVN nên việc có kết luận điều tra sớm là bình thường.”

Tờ báo còn trích lời luật sư Nguyễn Kiều Hưng, thuộc Đoàn Luật Sư Sài Gòn nói việc kết thúc điều tra sau 12 ngày kể từ ngày khởi tố bị can là “hoàn toàn đúng luật,” và là “tín hiệu đáng mừng trong hoạt động tố tụng, hoàn tất một cách nhanh chóng và kịp thời thể hiện trách nhiệm và tính độc lập trong điều tra.”

Hôm 24 Tháng Mười Hai, Người Việt gọi cho các ông Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng, là ba luật sư được cấp phép bào chữa cho ông Thăng, để xin bình luận nhưng các ông này đều cáo bận.

Theo báo Thanh Niên, Luật Sư Phan Trung Hoài vừa kiến nghị nhập hai vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng làm một: vụ “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN và vụ “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC). “Việc Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra (C46) và Cơ Quan An Ninh Điều Tra (A92), Bộ Công An đồng thời tiến hành điều tra hai hành vi liên quan đến tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của ông Đinh La Thăng đều xảy ra trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị (sau này là Hội Đồng Thành Viên) PVN vào thời điểm 2009 – 2011, nhưng lại tách thành hai vụ án được tiến hành tố tụng một cách độc lập là chưa thỏa đáng, gây bất lợi cho ông Đinh La Thăng,” văn bản của Luật Sư Hoài gửi Bộ Công An, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, viết.

Trước đó, Luật Sư Lê Công Định viết trên trang cá nhân: “Bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng được lập tính từ ngày bắt giam ông vào hôm 8 Tháng Mười Hai, 2017 đến 20 Tháng Mười Hai 2017 (tổng cộng 12 ngày, bao gồm cả bốn ngày nghỉ cuối tuần), cho thấy đây có lẽ là cuộc điều tra được tiến hành và kết thúc nhanh nhất trong lịch sử tư pháp ở Việt Nam thời Cộng Sản. Thời gian nhanh chóng mặt dành để thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ như thế càng chứng minh tính chất hài hước của vụ án này. Dường như người ta đang gấp rút chạy đua với thời gian?”

Việc công bố bản kết luận điều tra vụ ông Đinh La Thăng diễn ra trong bối cảnh tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ được thay thế thành chín tội danh khác trong Bộ Luật Hình Sự CSVN năm 2015 có hiệu lực từ 1 Tháng Giêng, 2018. Báo Zing dẫn lời Luật Sư Trần Bá Học, thuộc Đoàn Luật Sư Sài Gòn: “Tội ‘Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ rất mơ hồ nên Bộ Luật Hình Sự mới phải cụ thể hóa để việc xét xử chính xác với từng hành vi.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT