Friday, March 29, 2024

Công nhân Việt Nam vẫn è cổ đóng bảo hiểm xã hội

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo báo cáo của kiểm toán nhà nước, phần lớn số tiền của quỹ bảo hiểm xã hội được cho nhà nước vay, thông qua việc cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu chính phủ. Số còn lại cho các ngân hàng và dự án thủy điện Lai Châu vay. Ngoài ra, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn “kẹt” ở hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II lên tới hơn 1,500 tỷ đồng.

Theo báo cáo kiểm toán, các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tổng số hơn 435,000 tỷ đồng quỹ này cho vay, số dư quỹ này cho ngân sách nhà nước vay là 324,000 tỷ đồng, 74.46% dư nợ đầu tư, tăng .31% so với năm 2014.

Tiếp đến là cho các ngân hàng vay hơn 59,000 tỉ đồng, chiếm khoảng 13.7% dư nợ đầu tư, tăng 1.92% so với năm 2014. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội còn mua trái phiếu chính phủ với số tiền 45,500 tỉ đồng, chiếm 10.46% dư nợ đầu tư, giảm 1.99% so với năm 2014.

Ngoài các khoản cho ngân sách nhà nước, ngân hàng vay, và mua trái phiếu chính phủ, bảo hiểm xã hội Việt Nam còn cho dự án thủy điện Lai Châu vay 6,000 tỉ đồng.

Theo báo cáo, trong năm 2015, bảo hiểm xã hội Việt Nam cho vay với nhiều mức lãi suất khác nhau: cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) áp dụng mức lãi suất hầu hết là 5.08%/năm đến 5.1%/năm; lãi suất bình quân cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu chính phủ, đầu tư vào dự án thủy điện là 9.04%/năm. Theo đó, lãi suất bình quân chung là 8.49%/năm.

Về tình hình thu nợ tại hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II (thuộc ngân hàng Agribank), đến hết năm 2015, bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa thu hồi được hết các khoản nợ gốc và lãi của ALC II, chưa thu hồi được lãi của ALC I (đã trả hết nợ gốc).

Cụ thể, năm 2015, ALC I mới trả được số tiền 1 tỷ đồng lãi vay, số lãi còn phải thu đến hết năm 2015 là hơn 26 tỷ đồng. Nguyên nhân không thu được lãi vay là do ALC I đang trong quá trình tái cơ cấu nên không có đủ nguồn thu để trả nợ lãi.

Trong lúc đó, ALC II còn nợ bảo hiểm xã hội Việt Nam 12 hợp đồng vay vốn đã quá hạn thanh toán từ năm 2011 với số tiền hơn 769 tỷ đồng. Năm 2015, công ty này không trả được lãi, do đó tổng lãi tính đến hết năm 2015 là hơn 735 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính cả nợ gốc và số lãi phải trả thì ALC II đã nợ cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 1,500 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra do đơn vị này không có khả năng trả nợ và hiện chờ quyết định của thủ tướng.

Cũng theo báo cáo trên, tổng số tiền nợ đóng các quỹ bảo hiểm xã hội đến hết năm 2015 là hơn 9,900 tỷ đồng, chiếm 4.88% tổng số phải thu năm 2015, tăng 5.5% so với số nợ bảo hiểm xã hội năm 2014. Trong đó, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm tỷ lệ lớn nhất, hơn 70%.

Đặc biệt, trong tổng số nợ trên, nợ từ trên 12 tháng là hơn 4,000 tỷ đồng, bao gồm hơn 1,400 tỷ đồng thuộc các đơn vị đã phá sản, giải thể và gần như không thể thu hồi được.

Song song với việc chính quyền và bảo hiểm xã hội Việt Nam dọa sẽ mạnh tay với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là sự bất bình ngày càng cao nơi doanh giới về chính sách này.

Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, trả lương hưu.

Tuy nhiên, tỷ lệ phải đóng góp cho bảo hiểm xã hội tại Việt Nam cao đến phi lý. Theo một thống kê được Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam thực hiện thì các doanh nghiệp đang phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam đến 18% trên tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội đến 8% trên tổng thu nhập.

Chưa kể, ngoài bảo hiểm xã hội, tính trên tổng quỹ lương, các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp. Tính ra có tới 24% tổng quỹ lương bị các hệ thống được thiết lập như phương thức nhằm bảo đảm an sinh xã hội nuốt mất.

Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10.5% tổng thu nhập. Ngoài việc phải nộp 8% tổng thu nhập cho bảo hiểm xã hội, những cá nhân đang đi làm phải nộp 1.5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước.

Mới đây, ông Trương Văn Cẩm, tổng thư ký Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, khẳng định, chính sách hiện hành tại Việt Nam về bảo hiểm xã hội và phí công đoàn đã ngốn của cả doanh giới lẫn người đang đi làm đến 35%. Mức này dẫn đầu Đông Nam Á, cao hơn các quốc gia khác từ ba đến bảy lần.

Ông Cẩm nhấn mạnh, do tiền lương tối thiểu tăng liên tục, bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì dựa trên lương nên “gánh” đó càng lúc càng nặng, doanh giới không thể kham nổi nữa!

Đó cũng là lý do số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế càng ngày càng nhiều. Khoản nợ càng lúc càng lớn.

Năm ngoái, sau một cuộc thanh tra về việc đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, chỉ thanh tra 1,261 doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế “trong một thời gian dài” thì khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà những doanh nghiệp này còn thiếu đã lên tới 1,440 tỷ đồng. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp còn thiếu bảo hiểm xã hội Việt Nam có lúc từng được ước đoán là 8,000 tỷ đồng. Có lúc được ước đoán là chừng 11,000 tỷ đồng.

Đó cũng là lý do cả chính quyền lẫn bảo hiểm xã hội Việt Nam lên án việc doanh giới không đóng đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là thiếu đạo đức, vô trách nhiệm. Tuy nhiên, theo yêu cầu của nhiều giới, kết quả thanh tra hoạt động của bảo hiểm xã hội Việt Nam khiến người ta thấy cơ quan này cũng thiếu đạo đức và vô trách nhiệm không kém.

Năm 2014, cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam công bố kết quả kiểm toán bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo đó, tính đến năm 2013, việc lấy tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp nhà nước vay đã làm quỹ này mất trắng 1,052 tỷ đồng. Chưa kể so với năm 2007 thì đến năm 2013, chi phí cho việc quản lý quỹ này đã tăng gấp năm lần. Từ 815 tỷ hồi năm 2007 mức chi tiêu để điều hành, duy trì hoạt động đã tăng năm lần thành 3,718 tỷ, tương đương 3% tổng thu.

Tổ Chức Lao Động Quốc Tế từng dự đoán, với chính sách và lối quản lý điều hành như hiện nay, đến năm 2020, quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thâm thủng và đến 2014 sẽ vỡ. Lúc đó, những người đã và đang còng lưng đóng bảo hiểm xã hội sẽ không có lương hưu. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT